Close

Trần Nhân Tông Library

Thông báo

THÀNH LẬP VIỆN TRẦN NHÂN TÔNG

Viện Trần Nhân Tông có chức năng, nhiệm vụ chính: Nghiên cứu các di sản, giá trị văn hóa và sự nghiệp của Trần Nhân Tông.

 

Buổi tọa đàm hướng tới bộ phim về Phật Hoàng Trần Nhân Tông

Ngày 14/10/2012, tại Khu danh thắng Yên Tử, Công ty CP Việt Nam Tinh Hoa, Xưởng phim Đài PT&TH Hải Phòng và Công ty iGen Media đã tổ chức buổi toạ đàm “Hướng tới bộ phim về Phật Hoàng Trần Nhân Tông”. 

 

Đồng chủ trì tọa đàm có:  Giáo sư - Tiến sỹ Lê Mạnh Thát - Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh, Phó chủ tịch Hiệp hội đại học Phật giáo quốc tế; Nhà sử học Dương Trung Quốc - Đại biểu Quốc hội, Tổng thư ký Hội khoa học lịch sử Việt Nam, Trưởng ban cố vấn Công ty Cổ phần Việt Nam Tinh hoa; Nghệ sỹ ưu tú, đạo diễn Nguyễn Văn Lượng - Giám đốc HFS, Tổng đạo diễn bộ phim.

 

Để chuẩn bị cho việc sản xuất bộ phim truyền hình dài tập về Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông, đơn vị sản xuất phim Công ty CP Việt Nam Tinh Hoa, Xưởng phim TH Hải Phòng và Công ty iGen Media đã chủ động tổ chức buổi toạ đàm để thỉnh thị ý kiến của các nhà nghiên cứu lịch sử, các vị cao tăng, đại đức, các nghệ sĩ điện ảnh, truyền hình, nhà báo tham gia ý kiến xây dựng  bộ phim đáp ứng nhu cầu thưởng thức điện ảnh của đông đảo khán giả trong và ngoài nước. Buổi Tọa đàm đã nhận được sự tham góp ý kiến sôi nổi, nhiệt huyết của các giáo sư, tiến sĩ, các vị cao tăng, đại đức, nhà nghiên cứu ở các lĩnh vực Sử học, Ngôn ngữ - Hán Nôm học, Văn học, Chính trị - Ngoại giao.

 

Nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết: “Trong những năm gần đây có rất nhiều bộ phim về đề tài lịch sử, phim cổ trang, nhưng chưa có bộ phim nào có chất lượng nội dung, nghệ thuật xứng tầm với vai trò lịch sử của các bậc tiền nhân. Việc tôi làm cố vấn cho bộ phịm về Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông ngoài tỉnh cảm với Đạo diễn Văn Lượng còn là trách nhiệm của công dân với một giá trị lịch sử của dân tộc Việt Nam trong thời đại ngày nay. Hôm nay là buổi khởi đầu của bộ phim, việc tham góp của các nhà nghiên cứu lịch sử và các vị cao tăng, nhà chuyên môn cho bộ phim là vô cùng quan trọng. 

 

Các đại biểu tại cuộc tọa đàm bàn luận về bức tranh “Trúc Lâm Đại Sĩ xuất sơn”


Chúng ta đều biết, Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông là nhân vật lớn của lịch sử. Với lịch sử dân tộc ngài là một đấng Quân Vương, một người anh hùng dân tộc trong việc chống giặc, giữ nước. Với phật giáo ngài là Phật Hoàng mà giới phật giáo đã tôn vinh Ngài với tinh thần gắn liền giữa đạo với đời. Di sản về tư tưởng triết học, về phật giáo của Ngài là một di sản rất đồ sộ, chúng ta cần phải khai thác thật nhiều. Việc chúng ta khởi động bộ phim này cũng là cái duyên vào một thời điểm nó tụ lại với rất nhiều điều ứng báo tốt lành. Chúng ta đều biết UNETCO vừa công nhận một di sản đương thời với Phật Hoàng và Trúc Lâm Yên Tử là kho sách mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm. Gần đây, lại xuất hiện phiên bản bức hoạ “Trúc Lâm Đại Sĩ xuất sơn đồ”, đây là tư liệu quý để chúng ta tiếp tục nghiên cứu về Phật Hoàng.

 

Đặc biệt gần đây, Đại học Ha-Vớt Hoa Kỳ đã thành lập Viện Trần Nhân Tông và đưa ra một giải thưởng đề cao một trong những tư tưởng lớn của Đức Trần Nhân Tông là tinh thần hòa giải và yêu thương. Những yếu tố ấy là cơ hội chín muồi hơn để chúng ta bắt tay vào làm bộ phim này, khai thác các ngôn ngữ của điện ảnh, để quảng bá các giá trị văn hoá, giá trị nhân bản, giá trị phật giáo đối với xã hội và đất nước chúng ta ra thế giới…”

 

PGS – TS Trần Ngọc Vương đánh giá: Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông là nhân vật hoàn hảo, là gương mặt đẹp nhất trong lịch sử Việt Nam. Không phải vô cớ mà các giáo sư tại Đại học Ha-vớt Hoa Kỳ, hay như bà giáo sư nguyên là Tổng thống Lavia rất ngưỡng mộ cốt lõi tư tưởng của Ngài. Các nhà làm phim phải chú ý khai thác những giá trị tư tưởng đặc sắc này của Ngài bộ phim sẽ càng hấp dẫn”.

 

Theo PGS – TS Tạ Ngọc Liễn: “Nói về Trần Nhân Tông phải khắc hoạ được 3 phẩm chất của Ngài đó là: Ngài là một vị vua, anh hùng dân tộc. Ngài là nhà thiền học, triết gia lỗi lạc và Ngài là một thi gia lớn của dân tộc. Ngài luôn nêu cao ngọn cờ đoàn kết dân tộc với tư tưởng “Gia nô, gia đồng”, coi trọng nhân dân là những nét tư tưởng vĩ đại. Cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần 2 là cuộc chiến vĩ đại nhất, oanh liệt nhất mà Ngài là Vua – là Tổng chỉ huy khi mới 27 tuổi. Ngài được ví như Bác Hồ thời đại ngày nay, còn Trần Hưng Đạo được ví như Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Vì vậy, các nhà làm phim phải tô đậm và khẳng định, vị trí, vai trò chủ đạo của vị Vua anh hùng mà rất mực tài hoa này.”

 

Giáo sư Nguyễn Minh Tường: Trong 20 năm làm vua của Trần Nhân Tông tôi thấy Ngài là vị anh hùng dân tộc, vừa là nhà triết gia và là một nghệ sĩ lớn về thi ca. Người biết dùng người vào đúng việc, biết tổ chức quân đội, biết bỏ qua những lỗi lầm của cấp dưới để lôi kéo họ tận tâm với công việc, đất nước. Với phật giáo, Ngài rất sáng suốt và quyết định đưa Pháp Loa một người mới có 4 năm đi tu lên làm đệ nhị Tổ và sau này Pháp Loa đã phát huy rất tốt vị trí, vai trò của minh trong Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử…”

 

Giáo sư Băng Thanh, nhận định: Trần Nhân Tông là con người tài hoa, anh hùng. Thơ của Ngài vừa thơ, vừa họa, xứng đáng là những vần thơ đẹp nhất  trong thời kỳ Lý, Trần. Các nhà làm phim nên lấy các bài thơ như của Ngài làm đề từ cho từng tập phim thì rất hay, vừa mượt mà nghệ thuật vừa sâu sắc.

 

Nhà văn Trần Chương: Làm phim về Phật Hoàng sẽ nhận được sự quan tâm, ngưỡng vọng của đông đảo nhân dân trong và ngoài nước. Vì vậy, đòi hỏi các nhà làm phim phải xây dựng được một kịch bản văn học, kịch bản điện ảnh và đạo diễn phải rất công phu. Với đạo diễn Văn Lượng chúng tôi rất yên tâm nhưng xin nhắc thêm anh càng chú trọng tới công tác diễn viên bao nhiêu càng dễ thành công bấy nhiêu. Cùng với việc xây dựng các tuyến nhân vật lịch sử chính diện, phản diện, quân ta, quân địch… bối cảnh cũng phải rất công phu, hoành tráng ở nhiều nơi mới tạo ra diện mạo, cao trào của một thời lịch sử đánh quân Nguyên Mông rất oanh liệt và bi tráng… Phải qua một bộ phim lớn như thế mới thấy hết được các phẩm chất, giá trị tư tưởng về chính trị, ngoại giao, quân sự, triết gia và thi ca của Ngài. Việc tuyển chọn và huấn luyện các diễn viên, đặc biệt là diễn viên đóng Ngài là vô cùng dụng công và khó khăn…”

 

Hòa thượng Thích Quảng Tùng cho biết: Chúng ta tự hào là có một vị vua Đạo, vua Đời xứng đáng được công nhận là Anh hùng dân tộc và Danh nhân văn hóa thế giới. Về đạo pháp, Ngài là người tu hành theo phương châm “Tỳ khiêu khất sĩ”, Ngài xin thụ giáo pháp của Phật, để đi bố thí, truyền bá đạo phật, dạy dân thực hiện “Tam quy Ngũ giới”, dạy “Thập thiện”cho nhân dân. Ngài coi tĩnh tâm là Thiền (Nhất tâm bất loạn). Thiền của Ngài là gì? Đó là đi, đứng, ăn, ngủ đều là Thiền, đều là nhất tâm, thậm trí đánh giặc cũng là Thiền, chứ không phải chỉ có lúc ngồi khoanh chân thiền định mới gọi là Thiền… Các nhà làm phim phải khai thác được những nét đặc trưng này của Ngài mới thành công.”

 

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Trịnh Quang Vũ cho biết: “Qua tìm hiểu các cứ liệu lịch sử tôi thấy, kiến trúc thời Trần có nét rất riêng biệt, quần áo, trang phục của vua quan, quân lính nhà trần cũng có nét riêng để chúng ta khai thác. Bức họa “Trúc Lâm Đại sĩ xuất sơn đồ” hôm nay Tọa đàm đưa ra có vẽ vua Trần Nhân Tông, các quan, quân lính, ngựa, voi có những sắc phục rất riêng chúng ta cần khai thác. Theo tôi để làm phim này các nhà làm phim lên đầu tư xây dựng 1 trường quay về Thành Thăng Long, về Phủ Thiên Trường, Phủ Long Hưng. Để phục vụ phim này, trước mắt phải cho xây 2 km hai dãy phố thành Thăng Long… mới tạo được những cảnh quay hoành tráng về một thời lịch sử hào hùng thế kỷ 13 khi Trần Nhân Tông cùng nhân dân đuổi giặc Nguyên Mông.”

 

Quả thật để xây dựng thành công bộ phim Phật Hoàng Trần Nhân Tông, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo khán giả trong và ngoài nước, đáp ứng các cứ liệu lịch sử là không phải đơn giản.

 

 Trao đổi với PV Báo BVPL, Đạo diễn NSƯT Văn Lượng – Giám đốc Xưởng phim THHP cho biết: Chúng tôi triển khai lặng lẽ cho bộ phim này đã hơn 3 năm, cấp tập là gần 1 năm qua. Khi bắt tay vào việc lớn này chúng tôi mời các vị có chức sắc trong hội Phật giáo Việt Nam, các nhà nghiên cứu chuyên sâu về Đức Phật Trần Nhân Tông và Trần triều, các cơ quan chức năng quản lý văn hóa nghệ thuật cùng tham gia đóng góp xây dựng, phản biện để bộ phim mãi mãi được lưu danh thiên cổ và là một phim khoa giáo phổ cập cho muôn đời biết và hiểu về vẻ đẹp Việt - bản sắc Việt - con người Việt; một con người tinh hoa hội tụ độc đáo, mang tầm nhân loại của Đức Trần Nhân Tông.

 

Bộ phim Phật - Hoàng Trần Nhân Tông mà chúng tôi đã dụng tâm xây dựng sẽ là một bản anh hùng ca về một người anh hùng văn võ toàn tài hết lòng vì vận mệnh quốc gia, dân tộc và đặc biệt là tấm lòng yêu dân, thương dân sâu sắc.

 

Ở ông, không muốn làm vua cũng là vì dân. Nhưng khi phải nhận trách nhiệm của một đấng minh quân Người cũng đã vận dụng mọi tài thao lược, tận tâm để hoàn thành sứ mạng của bậc thiên tử. Có lẽ sâu sắc, lắng đọng hơn cả, người xem phim sẽ tìm thấy ở ông một tâm hồn luôn đau đáu vì mệnh dân – vận nước, vì một tình yêu còn cao hơn cả tình yêu thương thông thường của một người yêu nước – đó là tình yêu nhân loại!

 

Dù tác phẩm của ông còn lưu được lại cho hậu thế là không nhiều, nhưng những gì ta đã đọc và ngẫm, ta như thấy ở cuối đời ông hình ảnh của một siêu nhân luôn tìm cách thức, tìm “thang thuốc” để “cứu khổ, “cứu nạn” cho dân. Con đường mà ông hướng nhân loại tìm đến và cũng là sự hành đạo của ông suy cho cùng cũng là con đường mà nhân loại – và các bậc minh quân sau này vươn tới như những khao khát tột đỉnh trong đời là đều mong cho toàn dân no ấm.

 

Trong thời gian tới chúng tôi sẽ tuyển chọn diễn viên trong phạm vi cả nước, đào tạo diễn viên từ 3 -6 tháng để đáp ứng cho mỗi nhân vật trong phim. Với việc thành tâm với Đức Phật Hoàng với đất nước, dân tộc và lịch sử, chúng tôi sẽ quyết tâm sản xuất bộ phim về Phật Hoàng với mọi khả năng tốt nhất.

 

| PHƯƠNG THANH

SỐ NGƯỜI TRUY CẬP: 0    USER ONLINE: 0