Close

Trần Nhân Tông Library

Các hoạt động

LÃNH ĐẠO PHẬT GIÁO VÀ NGUYÊN THỦ CÁC NƯỚC GỬI THÔNG ĐIỆP ĐẾN VESAK 2019

Các thông điệp đều thể hiện kỳ vọng Vesak 2019 sẽ phát triển các giá trị của Đức Phật là trí tuệ, từ bi, khoan dung, hòa bình.

 

 

Trước giờ khai mạc Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc tại chùa Tam Chúc, Hà Nam sáng 12/5, nhiều lãnh đạo Phật giáo và nguyên thủ các nước đã gửi thông điệp đến sự kiện.

 

Đức trưởng lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ, Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhấn mạnh Vesak là "sự kiện thiêng liêng gắn với cuộc đời Đức Phật và sự kiện hy hữu của toàn nhân loại".

 

"Đức Phật là bậc đạo sư đại giác ngộ. Ngài đem đến cho nhân loại bức thông điệp hòa bình, hạnh phúc thương yêu, mở ra con đường mà tự thân mỗi người phải vượt qua cám dỗ và chi phối của lòng tham, sự sân hận, si mê để tiến đến cảnh giới giác ngộ. Đó chính là con đường tu tập giới - định - tuệ hướng đến sự an lạc, giải thoát là lẽ đích thực và cứu cánh của cuộc sống", thông điệp viết.

 

Hòa thượng Thích Phổ Tuệ cho rằng, Vesak 2019 "là cơ hội quý báu để chúng ta cùng nhau tăng trưởng niềm tin vào chân lý giải thoát, phát huy giá trị những di sản mà Đức Thế tôn đã để lại cho nhân loại trong hệ thống tư tưởng giáo lý vô giá về trí tuệ, lòng từ bi, triết lý vô ngã, tinh thần bất bạo động, những giá trị hòa bình và phát triển bền vững".

 

Pháp chủ Giáo hội Phật giáo nhắc lại lịch sử 2000 năm Phật giáo Việt Nam, trải qua các triều Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần đã trở thành nền tảng tư tưởng trong đời sống. Từ đó đến nay, Phật giáo vẫn đang phát huy tinh hoa, đồng hành cùng dân tộc. "Thời kỳ Phật giáo vàng son cũng đồng thời là thời kỳ hưng vượng của quốc gia dân tộc", Pháp chủ Thích Phổ Tuệ viết.

 

Ông kỳ vọng các đại biểu dự Vesak 2019 cùng thảo luận để "đưa ra những giải pháp căn bản nhất xuất phát từ tâm con người để thực hiện thành công mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu mà Liên Hợp Quốc hướng tới".

 

Trưởng lão hoà thượng Thích Phổ Tuệ. Ảnh: Anh Tuấn. 

 

Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam nêu, thế giới đang phải đối mặt với nhiều xung đột, khủng bố, chiến tranh, bất bình đẳng, khủng hoảng môi trường. Hơn nữa, sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ làm thay đổi mọi mặt của đời sống xã hội và các cấu trúc truyền thống, thì càng cần phát huy giá trị cốt lõi của đạo Phật. Đó là tinh thần khoan dung, vô ngã, vị tha, hòa hợp, hòa bình.

 

"Để giải quyết các vấn đề đặt ra cần thiết phải có một sự lãnh đạo toàn cầu. Sự lãnh đạo này phải đảm bảo bình đẳng, dung hòa được lợi ích và hóa giải được xung đột giữa các niềm tin, nền kinh tế, văn hóa, tầng lớp xã hội, quốc gia lãnh thổ, cân bằng môi trường, hệ sinh thái", Hòa thượng Thích Thiện Nhơn bày tỏ.

 

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres nhận định: "Trong thời điểm gia tăng sự bất bình đẳng và thiếu độ lượng hiện nay, thông điệp của đức Phật về bất bạo động và phụng sự tha nhân trở nên thích ứng hơn bao giờ hết". Ông kêu gọi Vesak 2019 làm mới cam kết về việc xây dựng thế giới hòa bình và chân giá trị cho tất cả mọi người trên hành tinh.

 

Bà Audrey Azoulay, Tổng giám đốc UNESCO bày tỏ, thế giới hiện nay liên kết chặt chẽ, nhưng vẫn bị chia rẽ bởi sự bất bình đẳng "không thể chấp nhận được". Bà dẫn chuyện thế kỷ 13 hoàng đế Trần Nhân Tông lập thiền phái Trúc Lâm dựa trên giáo lý Phật giáo khuyến khích hành động với chánh niệm, hào phóng, đoàn kết và cho rằng ngày nay tư tưởng đó như "liều thuốc giải độc cho hận thù và bất công".

 

"Từ núi thiêng Yên Tử đến phong cảnh thanh bình của Tràng An, Việt Nam là quê hương của Phật giáo cổ xưa nổi bật với giá trị phổ quát. Ngày Vesak là dịp tốt lành để phản ánh về các giá trị đó và là nền tảng để xây dựng hòa bình, xã hội bền vững", bà Audrey Azoulay viết.

 

Tổng thống Sri Lanka Maithripala Sirisena ngợi ca những giáo lý của Đức Phật "đã chứng minh tầm nhìn vĩ đại của một đáng hiền nhân tôn giáo tối thượng và là triết gia nhân loại, có giá trị bất diệt với văn minh nhân loại". Vì vậy, trách nhiệm của mỗi phật tử hiện nay là bảo vệ, bảo tồn và duy trì những giáo lý đó cho thế hệ tương lai.

 

Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesighe nói, Vesak "là cơ hội tuyệt vời cho phật tử khắp thế giới nhận ra uy thế cao thượng về giáo lý của Đức Phật và thực hành những chân lý cao thượng đó cho chính bản thân".

 

"Cái ác có thể chuyển hóa bởi đức hạnh. Sự bất công bị đẩy lùi bởi công lý. Sự oán hận bị xua tan đi bởi lòng yêu thương, độ lượng. Sự dối trá thay thế bởi sự chân thành. Chinh phục xã hội và hòa giải sẽ được phát triển thông qua sự trưởng thành về mặt tinh thần tâm linh", ông gửi gắm và kỳ vọng Vesak 2019 là cơ hội tốt để hướng mọi người đến cuộc sống đúng nghĩa trong ánh sáng của nền triết học Phật giáo.

 

Ông M. Vekaiah Naidu, Phó tổng thống Ấn Độ bày tỏ rất hạnh phúc khi đến Việt Nam dự Vesak và làm diễn giả chính của sự kiện. "Ba ngày lễ hội này sẽ tập họp những vị lãnh đạo, những vị xuất gia, những người tham dự từ khắp nơi trên thế giới và chắc chắn thúc đẩy sự hiểu biết lớn hơn về thông điệp của Phật Tổ về tinh thần khoan dung, sự cảm thông, và lòng nhân ái cho thế giới đương đại và khai sáng cho chúng ta con đường phía trước", ông M. Vekaiah Naidu gửi thông điệp đến Vesak 2019.

 

Thủ tướng Nepal K P Sharma Oli cầu chúc Vesak 2019 sẽ thành công viên mãn và kêu gọi đại biểu "hãy cam kết cống hiến hết mình để thực hành những lời dạy trường tồn của Đức Phật và theo đường mà ngài đã chỉ ra nhằm đạt được các giá trị phổ quát về hòa bình, ổn định, thịnh vượng, hạnh phúc".

 

Hoàng thái hậu Bhutan Dorji Wangmo mong mỏi, triết lý Phật giáo được truyền bá rộng rãi ở sự kiện sẽ "là kim chỉ nam và giải pháp cho mọi cuộc khủng hoảng toàn cầu".

 

Hòa thượng Phra Brahmapundit, Chủ tịch Ủy ban tổ chức quốc tế Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc nhắn gửi: "Từ đáy lòng, tôi hy vọng rằng trí tuệ của Đức Phật và giáo lý của ngài sẽ góp phần nuôi dưỡng trí tuệ và thiết lập nền hòa bình trong kỷ nguyên kỹ thuật số".

 

Đại lễ Vesak 2019 do Giáo hội Phật giáo chủ trì, được Chính phủ bảo trợ, diễn ra từ 12 đến 14/5 tại chùa Tam Chúc, Hà Nam. 1.650 đại biểu quốc tế từ 112 nước và 20.000 đại biểu trong nước cùng tham dự.


Đại Lễ Vesak (lễ Tam hợp kỷ niệm Đức Phật Đản sinh, thành đạo, niết bàn) được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc công nhận năm 1999. Năm 2000, lần đầu tiên ngày Đại lễ Vesak được tổ chức tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York, Mỹ với 34 quốc gia tham dự. Từ đó, sự kiện được luân phiên tổ chức thường niên ở nhiều nước.


Việt Nam đã hai lần đăng cai Vesak năm 2008 và 2014.

_______________

Viết Tuân

Nguồn: https://vnexpress.net

MỪNG XUÂN KỶ HỢI 2019

KẾ HOẠCH TỔ CHỨC HỘI THẢO KHOA HỌC "THIỀN PHÁI TRÚC LÂM ĐƯƠNG ĐẠI"

Hội thảo khoa học "Thiền phái Trúc Lâm đương đại" là một trong những hoạt động của Trung tâm Bảo tồn Di sản văn hóa Tôn giáo năm 2018. Dự kiến tổ chức tại Hội trường Ban Tôn giáo Chính phủ, Hà Nội vào tuần cuối tháng 9.

1. Mục đích yêu cầu

 

- Nhằm làm rõ vai trò của Thiền phái Trúc Lâm trong lịch sử và hiện nay. Sự đóng góp vào việc xây dựng và bảo vệ đất nước.

 

- Làm rõ những nét đặc trưng của Thiền phái trong Phật giáo nói chung và Phật giáo Việt Nam nói riêng.

 

2. Thời gian, địa điểm

 

- Thời gian tổ chức Hội thảo vào tuần cuối tháng 9 năm 2018 (thời gian cụ thể sau khi Ban Tổ chức hoàn tất công tác chuẩn bị sẽ có Thông báo và Thư mời dự sau).

 

- Địa điểm tổ chức tại Hà Nội (dự kiến tổ chức tại Hội trường Ban Tôn giáo Chính phủ, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội).

 

3. Nội dung

 

Nội dung sẽ tập trung vào 3 ý chính:

 

a. Điều kiện hoàn cảnh ra đời. Những đóng góp của Thiền phái Trúc Lâm với việc bảo vệ và xây dựng đất nước;

 

b. Đặc trưng của Thiền phái Trúc Lâm. Sự đóng góp của Thiền phái vào việc xây dựng và phát triển của Phật giáo Việt Nam trong suốt quá trình lịch sử;

 

c. Thiền phái Trúc Lâm trong giai đoạn đương đại.

 

4. Thành phần tham gia

 

- Các nhà Nghiên cứu, các nhà Khoa học quan tâm đến Nội dung trên;

 

- Một số nhà quản lý Tôn giáo;

 

- Các vị Giáo phẩm và tăng ni.

5. Biện pháp tổ chức

 

- Trung tâm thành lập Ban Tổ chức để liên hệ với Quý vị tham gia viết bài.

 

- Ban Tổ chức sẽ gửi giấy mời viết bài tới tất cả Quý vị thuộc đối tượng trên.

 

- Ban Tổ chức bắt đầu tiếp nhận các bài viết từ ngày 01/9/2018 đến hết ngày 15/9/2018.

 

- Tham luận được đánh máy vi tính, phông chữ Times New Roman, cỡ chữ 14, dãn cách 1,5 lines, dung lượng 2.500 đến 3.000 từ, được trình bày trên khổ A4. Và gửi vào Email của Trung tâm: ttvhtg@gmail.com.

 

- Sau khi Ban Tổ chức đã nhận được số lượng bài viết (theo dự định) của tác giả gửi về, Ban Tổ chức có quyết định chính thức ngày Hội thảo và sẽ gửi Giấy mời dự Hội thảo tới Quý vị.

 

- Mọi liên hệ xin Tác giả gọi với số máy của Văn phòng Trung tâm: 024.3824 1818. Hoặc liên hệ trực tiếp với ông Bùi Văn Khiêm, Phó Giám đốc kiêm Chánh Văn phòng Trung tâm theo số điện thoại 091 256 5225, Email: khiem0205@gmail.com.

 

Quý vị quan tâm đến Hội thảo trên có thể tham khảo trang thông tin của Trung tâm tại địa chỉ: http://vnrchc.org/ hoặc liên hệ theo các số máy trên, Hoặc trực tiếp đến Văn phòng Trung tâm tại phòng số 01 tầng 02 nhà số 59, phố Tràng Thi, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội vào các buổi sáng thứ Hai và thứ Tư hằng tuần. Hoặc liên hệ trực tiếp với Giám đốc Trung tâm, ông Trần Khánh Dư theo số điện thoại: 091 751 1507.

 

Ban Tổ chức lên kế hoạch kinh phí đảm bảo cho tổ chức tốt Hội thảo (gồm chi trả thù lao các tác giả bài viết theo quy định, chi tổ chức, chi sau Hội thảo (in Kỷ yếu…).

 

Kính mong được các Nhà khoa học, Nhà nghiên cứu, Nhà Quản lý, Quý vị Giáo phẩm, quý tăng ni phật tử quan tâm tham gia viết bài và dự Hội thảo.

 

BAN TỔ CHỨC

_____________

phatgiao.org.vn

KÝ ỨC HỘI AN - KÝ ỨC CỦA AI?

'Phiên bản 2.0’ của Ký ức Hội An dù đã được cắt chỉnh hầu hết những yếu tố bị ‘phàn nàn’ từ giới chuyên gia và dư luận, nhưng vẫn thật khó mà tìm thấy một Hội An nhuần nhị, duyên dáng như trong ký ức..

 

Hội An cổ kính, khiêm cung, nhuần nhị, nhỏ nhắn trong thực tế chắc chắn

xa lạ với mọi sự hoành tráng, lòe loẹt, ồn ả hay kỷ lục - Ảnh: THIÊN ĐIỂU

 

Tối 6-7, "phiên bản 2.0" (như nhà tổ chức gọi) của chương trình nghệ thuật thực cảnh Ký ức Hội An đã được diễn ra mắt báo giới.

 

Ban tổ chức cho hay, phiên bản thứ 2 này đã được diễn ra mắt công chúng từ ngày 16-5. Từ đó đến nay, chương trình đã "nhận được sự đánh giá tích cực từ giới chuyên môn cũng như khán giả bởi sự nâng tầm cả về nội dung câu chuyện, yếu tố nghệ thuật và bản sắc văn hóa Việt".

 

Theo nhà tổ chức, chương trình Ký ức Hội An phiên bản 2.0 đã vinh dự được công diễn cho đoàn 12 đại sứ các nước tại Việt Nam và đã "chinh phục trái tim" của nhiều đại sứ.

 

Ký ức Hội An phiên bản 2.0 vẫn giữ lại phần đám cưới của

công chúa Huyền Trân và vua Chế Mân - Ảnh: THIÊN ĐIỂU


Đáng chú ý, nhà sử học Dương Trung Quốc - cố vấn về lịch sử của chương trình, cho rằng "Chúng ta nên tự hào vì đây là một sản phẩm văn hóa, nghệ thuật hoàn toàn có thể sánh tầm với thế giới do chính người Việt tạo ra".

 

Ông cũng dự báo đây sẽ là "một trải nghiệm văn hóa mới mẻ sẽ trở thành xu hướng".

 

Không thể phủ nhận, Ký ức Hội An rất hoành tráng ở khía cạnh sân khấu, diễn viên, công nghệ biểu diễn hiện đại với âm thanh, ánh sáng có thể khiến hầu hết khán giả đều phải choáng ngợp., nhưng...

 

         
    Đợt chỉnh sửa lần này không phải là lần cuối cùng, chúng tôi sẽ lắng nghe mọi ý kiến và sẽ tiếp tục chỉnh sửa, đổi mới để vở diễn được tươi mới. Dẫu có những chuyện đi khác với dự tính nhưng mục đích cuối cùng của công ty là mong muốn vở diễn đóng góp được cho vùng đất, văn hoá Hội An, như một sản phẩm khác lạ để có thêm sản phẩm phục vụ khách lưu trú và người dân Hội An.

Ôn Đào Quang Tùng - Công ty Gami Hội An
   
         

Show giải trí không cần trung thành với lịch sử

 

Theo tính toán cơ học của nhà tổ chức, Ký ức Hội An 2.0 đã được chỉnh sửa tới 30% so với phiên bản ban đầu.

 

Có thể thấy, trong phiên bản mới, nhà tổ chức đã cầu thị (?) cắt bỏ nhiều chi tiết khiến công chúng và một số chuyên gia chưa hài lòng trước đây.

 

Ký ức Hội An 2.0 không còn cảnh chợ nổi rộn ràng bán mua tấp nập dễ liên tưởng tới "đặc sản" chợ nổi của miền Tây Nam bộ. Phiên bản mới cũng không để nàng "vọng phu" chờ chồng hóa đá giữa sông Hoài.

 

Tuy nhiên, ê-kip vẫn "kiên định" giữ lại cảnh đám cưới giữa công chúa Huyền Trân với vua Chế Mân bằng cảnh tượng hùng tráng của những đoàn quân, những chú voi không lồ cho một đám cưới rình rang của cặp trai tài gái sắc.

 

Lý lẽ cho sự kiên định này được đại diện nhà tổ chức chia sẻ: "Không có sách sử ghi đám cưới Huyền Trân và Chế Mân diễn ra ở Hội An nhưng cũng chẳng có tài liệu nào khẳng định đám cưới ấy không được diễn ra ở Hội An. Đây chỉ là một show giải trí với mục đích thương mại nên nó không có trách nhiệm phải trung thành tuyệt đối với sự thật lịch sử".

 

Chương trình có sự đầu tư rất lớn từ sân khấu, diễn viên, phục trang - Ảnh: THIÊN ĐIỂU


Thực tế, màn đám cưới của Huyền Trân và Chế Mân là một trong 5 màn kéo dài khoảng 1 tiếng 15 phút của toàn bộ chương trình. Nếu muốn bỏ vì những ghi vấn sai lịch sử cũng không dễ dàng cho ê-kíp thực hiện trong một thời gian ngắn.

 

Nhà tổ chức cũng cho biết, Ký ức Hội An sẽ không chỉ dừng lại ở phiên bản 2.0 mà tiếp tục được chỉnh sửa trong suốt quá trình biểu diễn "để liên tục đổi mới, hấp dẫn công chúng quay lại nhiều lần".

 

Phó giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Quảng Nam cũng khẳng định tỉnh Quảng Nam sẽ đưa Ký ức Hội An vào các chương trình du lịch chính thống, và khích lệ doanh nghiệp đầu tư phát triển các sản phẩm tương tự tại Quảng Nam.

 

Hội An khi còn là một thương cảng sầm uất - Ảnh: THIÊN ĐIỂU


Hội An là Hội An nào?

 

Với phiên bản mới, có thể thấy nhà tổ chức đã rất cầu thị lắng nghe phản hồi từ công chúng để cố gắng có một sản phẩm du lịch tốt cho Hội An, mà trước tiên là cho túi tiền của nhà đầu tư. Những "hạt sạn" đã được nhặt bỏ đi nhiều.

 

Nhưng một bát cơm đã hết sạn thì chưa chắc đã đủ để thành một bát cơm ngon.

 

Và với những gì mà Ký ức Hội An phiên bản 2.0 đang mang đến cho người xem, có thể thấy, bát cơm tuy bắt mắt mà nhạt miệng.

 

Tên của chương trình là Ký ức Hội An, nhưng thật khó để nhìn ra một Hội An của nhuần nhị, duyên dáng và cổ kính giữa những ồn ào kỹ nghệ, những hoành tráng âm thanh, ánh sáng, giữa những đại cảnh trăm người náo nhiệt, giữa khô cằn phố thị trên bê tông vô hồn...

 

Ban tổ chức giới thiệu, chương trình hướng tới mục đích lan tỏa những nét đẹp văn hóa độc đáo, thân thương mà rực rỡ sắc màu của Hội An xưa và nay thông qua những mảnh ghép ký ức về phố Hội.

 

Nhưng ngay cả thuyền chài, hội quán, chùa Cầu hay thiếu nữ, áo dài… thì nhìn vào tổng thể chương trình, thật khó để người xem, đặc biệt là chính những người Hội An có thể nhìn thấy một sự liên quan nào giữa một Hội An trong thực cảnh và một Hội An thực sống.

 

Ngay cả chùa Cầu hay thiếu nữ, áo dài… thì nhìn vào tổng thể chương trình,

thật khó để nhìn thấy sự liên quan nào giữa một Hội An trong thực cảnh

và một Hội An thực sống - Ảnh: THIÊN ĐIỂU

 

Ký ức Hội An đang công diễn này là ký ức của ai đó chứ chẳng phải là ký ức của mảnh đất này.

 

Thế nên, dù không thể phủ nhận nỗ lực rất lớn cả về tiền bạc và công sức của toàn bộ ê-kíp để cho ra một show giải trí, một sản phẩm du lịch, vẫn phải nói rằng, mang Ký ức Hội An tới Hội An chẳng khác nào đưa ca sĩ phòng trà đến hát Nhã nhạc cung đình vậy.

         
    Nhìn chung thì Ký ức Hội An là show diễn được đầu tư rất lớn cả chương trình nghệ thuật lẫn lượng diễn viên, chi phí thực hiện. Đại cảnh của vở là rất hoành tráng nhưng kể cả sau chỉnh sửa thì sự quá hoành tráng đó có lẽ vẫn khiến cho người xem có cảm giác "loãng", sự kết nối giữa các màn chưa thật sự chặt chẽ, chưa thật sự thể hiện rõ âm hưởng đời sống, văn hoá của Hội An.

Nhạc sĩ Nguyễn Hoàng Bích - chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Nam - thành viên tham gia thẩm định
   
         

________________

THIÊN ĐIỂU - THÁI BÁ DŨNG

Nguồn: tuoitre.vn

TT. HUẾ: TƯỞNG NIỆM 709 NĂM ĐỨC VUA PHẬT HOÀNG TRẦN NHÂN TÔNG NHẬP NIẾT BÀN

Sáng 17/12/2017 (30/10 năm Đinh Dậu) tại Tổ đình Từ Đàm, 01 Sư Liễu Quán, phường Trường An, thành phố Huế; BTS GHPGVN tỉnh TT. Huế đã trang nghiêm cử hành lễ tưởng niệm lần thứ 709 Đức vua – Phật Hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết bàn, buổi lễ đặt dưới sự chứng minh của Trưởng lão Hòa thượng Thích Đức Phương – Phó Pháp chủ HĐCM, Giáo phẩm Chứng minh BTS GHPGVN tỉnh TT. Huế.

 

Áng thờ Đức vua - Phật Hoàng Trần Nhân Tông tại Bảo điện Tổ đình Từ Đàm

 

Tham dự và cử hành buổi lễ có chư tôn đức HĐCM, HĐTS GHPGVN trú xứ tại tỉnh TT. Huế; chư tôn đức Giáo phẩm Chứng minh BTS GHPGVN tỉnh TT. Huế; chư tôn đức Thường trực BTS GHPGVN tỉnh TT. Huế; chư tôn đức các ban ngành trực thuộc BTS; chư tôn đức Phật giáo các huyện, thị xã; chư tôn đức Tăng Ni các tổ đình, tự viện, Niệm Phật Đường cùng Đạo hữu Phật tử các giới.

 

Về phía lãnh đạo chính quyền tham dự có ông Nguyễn Nam Tiến – Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh TT. Huế; ông Lê Minh Trân – Phó Ban Dân vận Tỉnh ủy; ông Nguyễn Tài Tuệ - Phó GĐ Sở Nội vụ, Trưởng Ban Tôn giáo tỉnh TT. Huế cùng đại diện lãnh đạo Đảng ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN, Công an tỉnh TT. Huế, thành phố Huế và phường Trường An.

 

Chư tôn đức tham dự và cử hành buổi lễ


Lãnh đạo chính quyền các cấp tham dự buổi lễ


 

HT. Thích Đức Thanh – UVTT HĐTS GHPGVN, Trưởng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh TT. Huế đã cung tuyên sơ lược Tiểu sử Phật Hoàng Trần Nhân Tông. Ngài tên húy là Trần Khâm, sinh ngày 07/12/1258 (11/11/Mậu Ngọ), là con trưởng của Vua Trần Thánh Tông và Hoàng Thái hậu Nguyên Thánh. Năm 16 tuổi (1274), Ngài được lập làm Đông cung Thái tử và cùng năm Ngài kết duyên cùng công chúa Quyên Thánh, trưởng nữ Hưng Đạo Đại Vương. Năm 21 tuổi (1279), Ngài được Trần Thánh Tông truyền ngôi, trị vì thiên hạ Đại Việt, lấy đức trị vì, dân chúng an cư lạc nghiệp, lấy niên hiệu là Thiệu Bảo. Sau khi chinh phạt Ai Lao, Ngài trở về Hành cung Vũ Lâm – Ninh Bình, cầu Quốc sư Huệ Tuệ làm lễ Xuất gia, tập sự tu hành tại đây một thời gian. Năm 1299, Ngài quyết tâm trở lại thăm Kinh sư lần cuối, rồi đi thẳng lên núi Yên Tử - Quảng Ninnh quyết chí tu hành, tham thiền nhập định, lấy tên là "Hương Vân Đại Đầu Đà” và độ Đồng Kiên Cương làm đệ tử và ban pháp hiệu là Pháp Loa. Ngài xả báo an tường, thâu thần thị tịch ngày 01/11/Mậu Thân (1308). Thọ thế 51 năm tại am Ngọa Vân – Đông Triều – Quảng Ninh.

 

HT. Thích Đức Thanh cung tuyên sơ lược Tiểu sử Phật Hoàng Trần Nhân Tông


 

Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, vua Trần Nhân Tông là một trong những lãnh tụ thiên tài, anh hùng của dân tộc. Đối với đạo pháp, vua Trần Nhân Tông là một vị vua duy nhất trên thế giới từ bỏ ngôi vua để đi tu và đắc đạo, thống nhất được Phật giáo Việt Nam thời bấy giờ và hình thành tổ chức Giáo hội Trúc Lâm, được xem là đặc trưng của truyền thống Phật giáo Việt Nam. Qua những cống hiến của Đức vua Trần Nhân Tông đối với Dân tộc và Đạo pháp, nhân dân và Tăng Ni, Phật tử tôn vinh Ngài là vị Vua Phật Việt Nam.

 

HT. Thích Huệ Phước đọc lời tưởng niệm của TƯGH và BTS GHPGVN tỉnh TT. Huế


 

Đọc lời tưởng niệm Phật Hoàng Trần Nhân Tông của Trung ương Giáo hội và Ban Trị sự GHPGVN tỉnh TT. Huế, HT. Thích Huệ Phước – UV HĐTS GHPGVN, Phó Trưởng Ban Trị sự kiêm Chánh Thư ký BTS GHPGVN tỉnh TT. Huế đã nhấn mạnh: “Trước đại hùng Bảo điện tôn nghiêm của ngôi Tổ đình Từ Đàm lịch sử, toàn thể Tăng Ni, tín đồ Phật giáo tỉnh nhà xin đốt nén tâm hương ngũ phần, dâng lời tưởng niệm chân thành, tâm cảm ý giao, một lòng thành kính cúi đầu đảnh lễ Lịch đại Tổ sư, phát nguyện phụng trì Phật pháp, phát huy chân lý Đạo nhà, giữ gìn Tổ ấn vàng son, làm rạng rỡ vang danh chốn Tổ huy hoàng tráng lệ, non sông gấm vóc thiên thành, một cõi vững bền muôn thuở. Đồng thành kính nguyện thực hành: Giữ gìn tinh thần đoàn kết hòa hợp dân tộc, độc lập Tổ quốc; nêu cao tinh thần phóng khoáng, bao dung trong cộng đồng dân tộc và xã hội, đoàn kết các Tôn giáo, để cùng tồn tại và phát triển, thực hiện hữu hiệu phương châm "tốt Đời đẹp Đạo", duy trì truyền thống dân tộc, tự lực, tự cường, phát huy nội lực, đồng thời nhờ ngoại lực để phát huy Đạo giáo và đất nước phồn vinh, văn minh tiến bộ; tạo dựng Cực lạc tại nhân gian trong lòng người, bằng triết lý Thiền là sống, là tâm từ bi chan chứa mọi loài, trong kiếp hiện tại và mai sau của trần thế, thực hành Bồ Tát đạo".

 

Thay mặt lãnh đạo tỉnh phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh Nguyễn Nam Tiến đã nêu rõ lễ tưởng niệm Phật hoàng Trần Nhân Tông hôm nay là dịp Chính quyền và nhân dân Thừa Thiên Huế nói chung và đồng bào Tăng Ni Phật tử nói riêng mãi mãi ghi nhớ và biết ơn những công lao trời biển của Đức vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông đối với non sông xã tắc Việt Nam, đối với nhân dân Thuận Hóa xưa, Thừa Thiên Huế hôm nay; đồng thời cũng là dịp để Tăng Ni, Phật tử và nhân dân chiêm bái, học tập theo công hạnh, cuộc đời và sự nghiệp lịch sử của Ngài, tiếp bước cha ông ra sức bảo tồn, gìn giữ và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của đất nước, phát huy tinh thần Phật giáo đồng hành cùng Dân tộc, thực hiện tốt đường hướng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam “Đạo pháp, Dân tộc, Chủ nghĩa Xã hội”.

 

Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh TT. Huế Nguyễn Nam Tiến phát biểu tại buổi lễ


 

Trong không khí trang nghiêm thành kính tại Bảo điện Tổ đình Từ Đàm, chư tôn đức Giáo phẩm Chứng minh đã thành kính dâng hương tưởng niệm và cử hành nghi lễ cầu nguyện; chư tôn thiền đức Tăng Ni , quý quan khách và thiện tín Phật tử đã thành tâm dâng hương, đảnh lễ, đồng cầu nguyện tổ quốc vinh quang, đạo pháp trường tồn, thế giới hòa bình và chúng sanh an lạc.

 

Chư tôn đức dâng hương tưởng niệm, cử hành nghi lễ cầu nguyện


______________________

 

Ban Thông tin Truyền thông GHPGVN tỉnh TT. Huế

Nguồn: www.phatgiaohue.vn

LỄ THẾP VÀNG PHO TƯỢNG PHẬT HOÀNG TRẦN NHÂN TÔNG

Diễn văn khai mạc của giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế Phan Thanh Hải tại lễ thếp vàng pho tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông (sáng 19/4/2014).



Hòa thượng Thích Đức Phương dâng nghi thếp vàng pho tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông

 

- Kính thưa ông Ngô Hòa, Ủy viên TVTU, PCTTT, Trưởng ban tổ chức Festival Huế 2014,

- Ông Phan Công Tuyên, Ủy viên TVTU, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

- Hòa thượng Thích Đức Phương, Phó pháp chủ Hội đồng chứng minh, Giáo hội Phật giáo Việt Nam

- Thượng tọa Thích Huệ Phước, Phó Ban trị sự- Chánh thư ký Giáo hội Phật giáo VN tỉnh TTH;

- Thượng tọa Thích Tâm Hạnh, Trú trì Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã;

- Thượng tọa Thích Quang Tương, Phó thư ký sự kiêm chánh văn phòng Giáo hội Phật giáo VN tỉnh TTH;

- Nghệ nhân ưu tú Trần Độ cùng các nghệ nhân thợ giỏi làng gốm Bát Tràng;

- Thưa quý vị đại biểu và các đồng nghiệp,

 

Trúc Lâm đệ nhất tổ hay Trúc Lâm đầu đà miếu hiệu Trần Nhân Tông, thế danh là Trần Khâm, sinh năm 1258, viên tịch năm 1308, là vị Hoàng đế thứ 3 của triều Trần, là 1 trong 14 vị anh hùng dân tộc tiêu biểu nhất trong lịch sử Việt Nam.

Trần Nhân Tông được sử sách ca ngợi là một trong những vị vua anh minh nhất trong lịch sử dân tộc. Chỉ với 50 năm trên cõi dương gian, ngài đã để lại những chiến công hiển hách, đặc biệt trong là trong sự nghiệp bảo vệ độc lập dân tộc, hai lần lãnh đạo Đại Việt đánh bại quân xâm lược Nguyên Mông, sự nghiệp mở mang bờ cõi đất nước, sáng lập ra một thiền phái mới trong đạo Phật, thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.

Sách Đại Việt sử ký toàn thư ca ngợi: Vua nhân từ, hòa nhã, cố kết lòng dân, sự nghiệp trùng hưng sáng ngời thủa trước, thực là bậc vua hiền của nhà Trần.

Sau 15 năm ở ngôi hoàng đế (1278-1293), ngài nhường ngôi cho con trai là vua Trần Anh Tông. Năm 1299, ngài xuất gia tại hành cung Vũ Lâm, Ninh Bình, sau đó lên Yên Tử tu hành, lập ra thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, lấy đạo hiệu là Điều Ngự Giác Hoàng. Thiền phái Trúc Lâm thời Trần là một trong những thiền phái nổi bật nhất trong lịch sử Phật giáo Việt Nam. Đây là dòng thiền do người Việt sáng lập, mang đậm bản sắc dân tộc. Ngài là tổ thứ nhất của dòng thiền này, và do vậy được đời sau tôn vinh là Phật Hoàng.

Ngài viên tịch ngày 3 tháng 11 năm Mậu Thân (16/12/1308), được an táng tại lăng Quy Đức, phủ Long Hưng, xá lỵ cất ở bảo tháp Ngọa Vân.

Đối với Thừa Thiên Huế, Phật hoàng Trần Nhân Tông có một mối lương duyên đặc biệt. Ngài chính là người nhìn ra vị thế trọng yếu của vùng đất này. Trong chuyến Nam du vào thăm vương quốc Champa, ngài đã hứa gả công chúa Huyền Trân cho vua Chăm. Năm 1306, khi đám cưới được thực hiện,  hai châu Ô, Lý đã trở về với Đại Việt, thành hai châu Thuận Hóa mà trung tâm là đất Huế ngày nay.

Ghi nhận công lao to lớn ấy, đền thờ của ngài và công chúa Huyền Trân đã được người Huế xây dựng và khánh thành ở núi Ngũ Phong, xã Thủy An, thành phố Huế vào ngày 26 tháng 3 năm 2007.

Hôm nay, tại Không gian văn hóa Bát Tràng trong lòng cố đô Huế, Trung tâm BTDTCĐ Huế phối hợp cùng nghệ nhân Trần Độ và các nghệ nhân thợ giỏi làng gốm Bát Tràng tổ chức lễ thếp vàng cho pho tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông và cung thỉnh, dâng hiến cho Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã.

Đây là pho tượng thứ 3 do nghệ nhân Trần Độ thực hiện và dâng cúng (pho thứ nhất đã trao tặng cho Viện Trần Nhân Tông thuộc trường đại học Harvard, Hoa Kỳ; pho thứ 2 đã dâng tặng và cung thỉnh đến nhà thờ Tổ ở chùa Trường Sa).

Tôi nghĩ rằng đây là một sự kiện rất có ý nghĩa ngay trong dịp festival lần thứ 8 năm 2014 và cũng là một sự kiện đặc biệt chuẩn bị đón mùa Phật Đản năm nay, năm Phật lịch 2558.

Thay mặt Ban tổ chức, tôi xin tuyên bố khai mạc buổi lễ.

 

Kính chúc quý vị an khang, hoan lạc!


_____________________


• Phan Thanh Hải



TẠI SAO TÔI CHỦ TRƯƠNG KHÔI PHỤC PHẬT GIÁO ĐỜI TRẦN?


Chiều dài lịch sử Phật giáo Việt Nam đã ngót mười tám thế kỷ (từ thế kỷ thứ hai đến thế kỷ hai mươi), trong thời gian này trải qua lắm lần thăng trầm. Ngày nay là con cháu trong nhà, chúng ta phải chọn một chặng nào thích ứng với hoàn cảnh hiện tại làm sáng tỏ lên cho hàng Tăng, Ni và Phậttử Việt Nam noi dấu, đó là một trọng trách rất nặng. Tinh thần khế lý khế cơcủa Phật giáo giúp Tăng sĩ chúng ta dễ thấy lối đi, dễ nhận ra chặng đường nào thích hợp để ứng xử nhịp nhàng với xã hội đương thời. Chúng tôi tự đặt cho mình trọng trách phải gánh vác việc này. Vì vậy qua nhiều năm ưu tư tôi khẳng định lấy Phật giáo đời Trần làm cái móc để xây dựng Phật giáo Việt Nam hiện thời. Đã quyết định, chúng tôi phải có lý do.

I- Nâng Cao Giá Trị Phật Giáo Việt Nam

1. Thời suy Đồi Của Phật Giáo Việt Nam

Từ giữa thế kỷ mười chín đến giữa thế kỷ hai mươi là thời kỳ suy đồi của Phật giáo Việt Nam, có thể đoạn này là cái móc đen tối nhất. Sự suy đồi này cũng có lý do của nó, ngót một thế kỷ Pháp xâm chiếm và đặt ách cai trị nước ta. Kẻ cai trị không cho phépmột đoàn thể, một tôn giáo nào có tinh thần dân tộc được vững mạnh. ThấyPhật giáo gắng liền với dân tộc Việc Nam, chúng dùng đủ cách hạn chế, hạ uy tín, cuối cùng triệt tiêu. Vì vậy, thời gian này các vị đạo cao đức trọngdần dần mai một mà không đào tạo được những người kế thừa. Chùa chiền không còn người tài đức giáo hóa duy trì, những kẻ “Ẩn dương nương Phật” hoặc “Núp bóng từ bi” làm kế sống từ từ xuất hiện. Ta hãy nghe câu ca dao này thì thấy rõ:

Yên thân làm sãi ở chùa,
Tụng kinh niệm Phật oản thừa sãi xơi.
Bụt lành đừng hạ xuống chơi,
Chùa không có Bụt, sãi thờicũng đi.

Đã không quyết tâm tu hành mà ở chùa, những kẻ này còn điều dở nào mà chẳng dám làm, thời nhân thấy những tệ hại này mỉa mai châm biếm.

Đi tu Phật bắt ăn chay,
Thịt chó ăn được, thịt cầy thì không.

Ngôi chùa biến thành gia đình cho những kẻ “Núp bóng từ bi” làm kế sống. Thế nhân bực bội phải thốt ra những lời:

Vợ Sư sắm sửa cho Sư,
Aïo đen tràng hạt, mỹ lư tày vành.
Để Sư sướng kiếp bành bành...

Thời gian này người tu ở chùa, đa số đều do thất chí vì thi rớt, thất tình vì bị người bạc đãi, già nua, bệnh hoạn... Vào chùa làm Tăng, Ni, cho nên những cuốn tiểu thuyết, nhữngtuồng cải lương khi đề cập đến người tu đều liệt vào hạng người này. Mãi đến nay (1997) thấy người nam nữ trẻ tuổi đi tu, vẫn có những người bảo: “Cậu này, cô kia thất tình đi tu”. Người đời xem tu sĩ Phật giáo không ra gì thì làm sao họ biết quí trọng Phật pháp. Đây là vấn đề đau sót thôi thúc chúng tôi chủ trương khôi phục Phật giáo đời Trần.

2. Ông Vua Đi Tu

Ở Ấn Độ ông Hoàng Thái Tử xuất gia tìm đạo giải thoát cứu khổ chúng sanh. Ở Việt Nam một ông Vua xuất gia vào núi tu hành để cứu nhân độ thế. Vị Thái Tử không màng giàu sang danh vọng kể cả tương lai ngôi vị Hoàng đế, trốn đi tu tìm cho ra mối đạo giải thoátđể cứu khổ chúng sanh. Đạo giải thoát này phải cao siêu tột đỉnh, Ngài mới vứt bỏ ngôi vị cao sang nhất đời. Sau này ông Vua Trần Nhân Tông thấm nhuần được Phật pháp, đang ở ngôi vị bậc chí tôn của toàn dân mà chối bỏ giao lại cho con, xuất gia tu Phật. Phật giáo nếu không cao siêu, kỳ đặt thì làm sao lôi cuốn hấp dẫn được ông vua dám “Xem ngai vàng như dép rách”, đổi chiếc áo ngự bào mặc áo nâu sòng làm người xuất gia vào núi tu hành.

Giá trị Phật giáo ở Ấn Độ thật siêu xuất, giá trị Phật giáo Việt Nam cũng phi thường, mới đủ sức thuyết phục một ông hoàng, một ông vua đi tu. Ở Việt Nam, đời Trần ông vua đi tu Phật, ông Trạng Nguyên đi tu Phật, chúng ta thử xét giá trị Phật giáo đời Trầncao siêu đến ngần nào. Phật pháp đã cao siêu, người tu cũng đáng kính cho nên Phật giáo rất thịnh hành trong thời này. Chúng tôi nhằm khôi phục Phật giáo đời Trần cốt nâng cao Phật giáo Việt nam hiện nay.

3. Ông TổThiền Tông Người Việt Nam

Phật giáo Việt Nam từ thế kỷ thứbảy đến thế kỷ mười tám do Thiền tông lãnh đạo truyền bá. Các hệ phái Thiền tông hầu hết từ Trung Hoa truyền sang như: Phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi, phái VôNgôn Thông, phái Thảo Đường..., những vị Tổ đứng đầu mỗi hệ phái đa phần người Trung Hoa, Ấn Độ. Chỉ có phái thiền Trúc Lâm Yên Tử, ông Tổ đầu là Trúc Lâm Đại Đầu Đà chính thực là người Việt Nam. Ông Tổ Việt Nam mới thông cảm tâm tư nguyện vọng phong tục tập quán của người Việt Nam, giáo hóa mới thích ứng nhu cầu người Phật tử Việt Nam.

II- Không Chỉ Riêng Người Xuất Gia Mà Cư Sĩ Cũng Ngộ Đạo

1. Vua Trần Thái Tông (1218-1277)

Đây là ông vua đầu nhà Trần. Bẩmtánh hâm mộ tu Phật, gặp duyên trắc trở đau buồn, ông liền trốn lên núi Yên Tử xin tu (1236). Thiền Sư Viên Chứng trụ trì chùa Hoa Yên, thấy ông liền hỏi:

“Lão tăng ở lâu nơi sơn dã, xương cứng mặt gầy, ăn rau đắng cắn hạt dẻ, uống nước suối dạo cảnh rừng, lòng như mây nổi theo gió đến đây. Bệ hạ bỏ ngôi nhân chủ nghĩ đến nơi quê hèn rừng núi, chẳng hay bệ hạ mong cầu điều gì mà đến đây?”.

Vua đáp:

“Trẩm còn thơ ấu vội mất hai thân, bơ vơ đứng trên sĩ dân, không chỗ nương tựa. Lại nghĩ sự nghiệp các bậcđế vương đời trước thịnh suy không thường, cho nên Trẩm đến núi này chỉcầu làm Phật, chớ không cầu gì khác”.

Viên Chứng bảo:

“Trong núi vốn không có Phật, Phật chỉ ở trong tâm. Tâm lặng lẽ mà biết gọi là chân Phật. Nay bệ hạ nếu ngộtâm này thì tức khắc thành Phật, không nhọc tìm cầu bên ngoài”.
Thái sư Trần Thủ Độ dẫn quan quân đi tìm, đến núi Yên Tử gặp vua, ông quyết thỉnh vua về cho được. Vua hỏi ý sư Viên Chứng, Sư đáp:

“Phàm làm đấng nhân quân phải lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình, lấy tâm thiên hạ làm tâm của mình. Nay thiên hạ muốn đón bệ hạ trở về, bệ hạ không về sao được. Song phần nghiên cứu nội điển, mong bệ hạ đừng xao lãng”.

Vua đành phải trở về tiếp tục công việc trị dân. Hơn mười năm khi rảnh rỗi, vua mời các bậc kỳ đức đến hỏi đạo tham thiền. Vua thuật lại:

“Trẩm thường đọc kinh Kim Cang đến câu: “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”, trong khoảng để quyển kinh xuống ngâm nga, bỗng nhiên tự ngộ. Liền đem sở ngộ này viết thành bài ca, để tên là Thiền Tông Chỉ Nam”. (những đoạn dẫn trên đều trích trong bài tựa T. T.C.N).

Đang lúc ngự trên ngai vàng cai trị muôn dân, vua vẫn nghiên cứu Phật pháp và tham thiền được ngộ đạo. Đủ nói lên rằng, chỉ thiếu quyết tâm tu học, đừng đổ cho hoàn cảnh đa đoan bận rộn khó tu. Ai đa đoan bận rộn bằng ông vua đầy nhiệt tình lo cho đất nước, thế mà quyết tâm tu liền ngộ đạo. Đây là tấm gương sáng để chúng ta học tập theo.

Đến năm 1257 giặc Nguyên Mông xâm lăng đất ta, vua Thái Tông đích thân chỉ huy nhiều mặt trận, có mặt ở cả mọi nơi nguy hiểm, khiến quân sĩ nức lòng chiến đấu. Kết quả quân ta đánh tan quân xâm lược, giặc Nguyên Mông tháo thân chạy về Vân Nam đầu năm 1258. Một ông vua Thiền sư hết lòng mộ đạo, đã từng làm kệ khuyên người đừng sát sanh:

Cánh lông mai vảy trọn hàm linh,
Sợ chết tham sanh nào khác tình.
Từ trước Thánh hiền lòng chẳng nỡ,
Đâu đành để chết vẫn tham sinh.

Tại sao ông lại cầm quân đánh giặc giết hại biết bao sanh mạng, chắc phải có lý do.

Sau khi nhường ngôi cho con, ônglui về lập Am Thái Vi ở vùng rừng núi Vĩ Lâm cố đô Hoa Lư để an dân lập ấp và lo tu hành, cùng khuyên dạy dân chúng tu. Khuyên người dân giữ năm giới, ông nói kệ về giới thứ ba:

Má thoảng hương mai, mặt nhụy đào,
Thấy rồi mắt dán, ý nao nao.
Thảy đều một đãy da hôi thúi,
Thầm cắt ruột người chẳng dụng dao.

Ông luôn đem bốn tướng sanh, già, bệnh, chết nhắc nhở mọi người. Bốn tướng này trong kinh gọi là Bốn núi. Ông nói kệ núi thứ hai:

Con người kiếp sống tợ phù âu,
Thọ yểu người trời chớ vọngcầu.
Bóng ngã nương dâu, chiều sắp đến,
Thân như bồ liễu tạm qua thu.
Phan Lang thuở nọ còn xanh tóc,
Lã Vọng ngày nay đã bạc đầu.
Cuồn cuộn việc đời trôi chẳng đoái,
Vầng ô gác núi, nước trôi xuôi.
* Nhận Định Về Vua Trần Thái Tông.

Đem vua Trần Thái Tông so sánh với vua Lương Võ Đế ở Trung Hoa, chúng ta thấy có những nét đặc thù. Vua Lương Võ Đế (464-549) là con người rất sùng Phật, ông từng giảng kinh Phóng Quang Bát Nhã và sớ giải các kinh... Song khi Tổ Đạt Ma sang Trung Hoa năm 520gặp vua, Tổ nói thiền, vua không lãnh hội, Tổ lên miền bắc ở tại chùa Thiếu Lâm. Đến cuối đời vua Lương Võ Đế bị giặc Hầu Cảnh kéo quân vây hãm thànhKiến Khang, quần thần xin xuất quân chống giặc, vua không cho, lại ra lệnh bế cửa thành, tụng kinh cầu nguyện cho giặc lui. Kết quả giặc chẳng lui, màông bị mất nước và phải chết. Trái lại, vua Trần Thái Tông là người ngộ được Thiền Tông, khi giặc Nguyên Mông xâm lăng vua chỉ huy cầm quân đánh giặc, giặc thua rút lui về, đất nước thái bình, vua mới ngồi yên tu thiền. Hai thái độ của hai ông vua đồng là kính mộ đạo Phật, mà xử sự mỗi bên mỗi khác.

Vua Võ Đế bị giặc hảm thành không cho quân chống cự, lại ra lệnh trong thành tụng kinh cầu nguyện cho giặclui. Đây là đem tôn giáo áp đặt trên chánh trị nên phải mắc họa. Vua TháiTông tách bạch phân minh phần nào thuộc tôn giáo, phần nào thuộc chánh trị, nên cứu được đất nước khỏi lâm nguy. Tu theo Phật giáo là trau giồi đạo đức rèn luyện tâm linh là việc riêng của mỗi người Phật tử, tức là lãnh vực của tôn giáo. Giặc ngoại bang xâm lăng tổ quốc, toàn dân đứng lên chống giặc, người lãnh đạo cổ động lòng yêu nước của dân và đứng ra chỉ huy đánh giặc là lãnh vực chánh trị. Phân rành lãnh vực tôn giáo, lãnh vực chánh trị là vấn đề rất thiết yếu. Người Phật tử thọ tam quy trì ngũ giới, nếu phạm giới sátsanh là có tội, đó là phần tu hành riêng của Phật tử, thuộc lãnh vực tôn giáo. Đất nước bị xâm lăng, toàn dân đứng lên chống giặc là trách nhiệm của mỗi công dân, thuộc lãnh vực chánh trị. Dù trong cuộc chiến có nhiều Phật tử giết nhiều sinh mạng kẻ thù, không thể đem tội sát sanh đặt vào chỗ này được.

Vua Trần Thái Tông là một ông vua ham tu ngộ đạo mà trọn đời lo bảo vệ đất nước và xây dựng đất nước. Khi nước nhà bị địch họa, nhà vua liều mình cứu nước, lúc đất nước thái bình tuy tuổi già vẫn dạy dân khai hoang lập ấp và chỉ dạy họ tu hành trau dồi đạo đức. Nhà vua không những lo cho dân được cơm no áo ấm, còn lo cho dân có đức hạnh và biết gạn lọc tâm linh. Một con người được hai phần vật chất và tinh thần ngang bằng nhau thì cuộc sống mới thật sự an vui hạnh phúc. Nhà vua sử dụng Phật giáo trong cuộc sống rất là tích cực.

Nhà vua là một người Phật tử thuần thành thâm hiểu Phật pháp rất uyên bác mà chỉ đem Phật giáo áp dụng trong đời sống nhân dân bằng những pháp dạy dân giữ gìn năm giới để đem lại an ninh trật tự cho xã hội, dạy dân tu lý nhân quả để dân biết tránh áclàm lành, dạy dân mở rộng lòng từ bi để giúp người neo đơn cùng khổ và bao dung đoàn kết với mọi người. Song muốn bảo vệ chế độ quân chủ, ông phải dùng Khổng giáo để cai trị đất nước, dùng luật pháp răn đe và trừng trị tội phạm. Cụ thể là năm Thiên Ứng Chính Bình thứ nhất (1238) nhà vua cho mở khoa thi Thái học sinh, từ đây cứ bảy năm thi một lần. Đến năm Thiên Ứng Chính Bình thứ mười sáu (1253) mở khoa thi Tam khôi-Trạng Nguyên, Bảng Nhãn, Thám Hoa, ông Lê Văn Hưu đỗ Bảng Nhãn khoa này... Chính nhờ nhận định khách quan của nhà vua, nên dùng mỗi tôn giáo đúng vị trí của nó, nhà nước được thái bình thạnh trị lâu dài.

2. Tuệ Trung Thượng Sĩ (1230-1279)

Tướng quân Trần Tung con Trần Liễu đã hai phen cầm quân đánh giặc Nguyên Mông. Sau khi giặc tan nước nhà thái bình, ông lui về ở phong ấp Tịnh Bang đổi tên làng Vạn Niên. Ông họcthiền và ngộ đạo với Thiền sư Tiêu Dao ở Tịnh xá Phước Đường. Vua Thánh Tông quí kính ông nên tặng hiệu Tuệ Trung Thượng Sĩ và gởi Thái Tử Trần Khâm đến học thiền với ông. Trong quyển Tuệ Trung Thượng Sĩ Ngữ Lục, vua Trần Nhân Tông tán thán: “Ôi tinh thần sắc vận của Thượng Sĩ thật trang nghiêm, cử chỉ thẳng thắn uy đức, Thượng Sĩ bàn huyền nói diệu trong lúc gió mát trăng thanh, những hàng thạc đức đương thời đều bảo Thượng Sĩ tin sâu hiểurõ, thuận hạnh nghịch hạnh thật khó lường được”. Chẳng những cư sĩ đến học thiền bởi Thượng Sĩ mà Tăng Sĩ cũng đến tham vấn. Con người của Thượng Sĩ thật tiêu dao phóng khoáng, đọc tác phẩm Vui Thú Giang Hồ của Thượng Sĩ Thấy rõ.

Tâm xưa hồ hải chửa từng khuây,
Ngày tháng như tên lại tợ thôi.
Gió mát trăng thanh sinh kếđủ,
Non xanh nước biếc nếp sốngđầy.
Sáng sớm giương buồm băng nước thẳm,
Chiều nâng sáo thổi cợt giómây.
Tạ Tam nay đã không tin tức,
Để chiếc thuyền trơ bãi cát này.

Cuộc sống của Thượng Sĩ đơn giảnđạm bạc, không màng danh lợi, nội tâm lúc nào cũng sung mãn an vui. Đọc bài thơ tự tại sẽ thấy:

Bìm chuột không nhơn mãi mãi xâm,
Lui về, già gởi chốn sơn lâm.
Nhà tranh cửa gỗ đời thanh thoát,
Không đúng không sai tự tại tâm

Khi quốc gia hữu sự Thượng Sĩ xông pha trận mạc cứu nước cứu dân, lúc nước nhà thái bình Thượng Sĩ sống thong dong tự tại trong đạo lý thiền, ai cần thì giúp, không cần thì vui thú nơi hải hồ, thảnh thơi chốn sơn dã. Đời của Thượng Sĩ thật đẹp như bức tranhthủy mặc.

3. Vua Trần Thánh Tông (1240-1290)

Vua là con của Thánh Tông lên ngôi năm Mậu ngọ (1258) đổi niên hiệu là Thiệu Long, vua học thiền với Quốc Sư Đại Đăng. Một hôm đọc Ngữ Lục của Thiền Sư Đại Huệ. Vua cảm ngộ làm kệ:

Đập ngói dùi rùa ba chục niên,
Mấy phen xuất hạn bởi tham thiền.
Một phen thấu vỡ gương mặt thật,
Lỗ mũi xưa nay mất một bên.

Vua Thánh Tông nói Thiền: “Dụng của chân tâm tỉnh tỉnh lặng lặng, không đi không đến, không thêm không bớt, vào lớn vào nhỏ, mặc thuận mặc nghịch, động như mây hạt, tĩnh như tường vách, nhẹ như sợi lông, nặng như tảng đá, sạch trọi trơn bày lồ lộ chẳng thể so lường, hoàn toàn không dấu vết, ngày nay vì anh biện biệt rành rẽ rõràng”. (Trích Thánh Đăng Lục).

Qua đây chúng ta thấy vua Thánh Tông thấu suốt lý thiền, trong lúc còn đang làm hoàng đế. Nhà vua không tìm nơi non cao rừng vắng, mà ngự tại triều đình để tu vẫn được ngộ đạo. Đúng như lời Thiền sư Viên Chứng nói “Phật tại tâm mình”, nếu người biết xoaylại tâm mình thì có ngày ngộ đạo. Quả là tu thiền không trở mọi công tác ở thế gian, có ai mà không tu được. Đây là một bằng chứng thiền học đời Trần rất tích cực.



III- Chủ Trương Thiền Phái Trúc Lâm Yên Tử

1. Sơ Tổ Trúc Lâm (1258-1308)

Ngài là con vua Trần Thánh Tông và Nguyên Thánh Hoàng Thái Hậu, tên là Trần Khâm. Khi lớn lên vua cha cho Ngài theo học thiền với Tuệ Trung Thượng Sĩ. Một hôm Ngài hỏi Thượng Sĩ về “Bổn phận tông chỉ thiền”, Thượng sĩ đáp: “Phản quan tự kỷ bổn phận sự, bất tùng tha đắc” (soi sáng lại chính mình là phận sự gốc, không từ bên ngoàimà được). Nghe qua, Ngài thông suốt được lối vào và thờ Thượng sĩ làm thầy.

Năm hai mươi mốt tuổi Ngài lên ngôi Hoàng đế (1279) hiệu là Trần Nhân Tông. Quân Nguyên Mông xâm lăng nước ta, Ngài phải cầm quân đánh đuổi giặc đến hai lượt (1285-1288) giặc rút lui đất nước thái bình. Đến năm Quí Tỵ (1293) Ngài nhường ngôi cho con là Trần Anh Tông, lên làm Thái Thượng Hoàng. Năm Kỷ Hợi (1299) Ngài vào núi Yên Tử xuất gia tu hành lấy hiệu là Trúc Lâm Đại Đầu Đà và làm Sơ Tổ phái Trúc Lâm Yên Tử. Do chỗ sở ngộ ban đầu của Ngài, nên lấy câu “Phản quan tự kỷ bổnphận sự, bất tùng tha đắc”, làm kim chỉ nam cho phái thiền Trúc Lâm Yên Tử.

2. Câu Phản Quan Tự Kỷ Bổn Phận Sự, Bất Tùng Tha Đắc”, Nhìn Xuyên Suốt Từ Đời Tu Của Đức Phật Qua Giáo Lý, Đến Các Pháp Thiền.

2-1 Đời tu của đức Phật hoàn toàn soi sáng lại nội tâm của mình. Suốt bốn mươi chín ngày đêm ngồi dưới cội Bồ Đề, Ngài quán chiếu nội tâm được giác ngộ thành Phật. Đức Phật làcội nguồn của Đạo Phật, do quán chiếu nội tâm mình được chứng đạo, nên nói “Phản quang tự kỷ bổn phận sự”. Trọn đời tu Ngài không cầu xin trông cậy cái gì khác bên ngoài, nên nói “Bất tùng tha đắc”.

2-2 Giáo lý Phật dạy, bốn bộ Kinh A Hàm, sáu trăm quyển kinh Bát Nhã, Kinh Pháp Hoa... cũng không ngoài lối tu “Phản quan” này. Kinh A Hàmlấy pháp Tứ Đế làm căn bản, mà ba mươi bảy phẩm trợ đạo không phần nào chẳng quán chiếu lại mình. Kinh Bát Nhã lấy Bát Nhã Tâm Kinh làm trọng tâm, mà “Chiếu kiến ngũ uẩn giai không” là nền tảng tu hành. Kinh Pháp Hoa mục đích nhận ra Tri Kiến Phật của mình, hình ảnh chàng cùng tử trở về tìm cha là ý nghĩa “Phản quan tự kỷ”.

2-3 Các pháp thiền đều tu “Phản quan tự kỷ”.

a/ Thiền Nguyên Thủy hiện nay hoặc tu thiền Tứ niệm xứ, hoặc tu thiền Minh sát tuệ. Pháp thiền Tứ niệm xứ là quán thân bất tịnh, quán thọ là khổ, quán tâm vô thường, quán pháp vô ngã, đều là soi sáng lại chính mình. Pháp thiền Minh sát tuệ thì trước dùng hơi thở, biết rõ hơi thở ra vào dài ngắn, lạnh ấm... Nhờ nương hơi thở tâm được định. Kế dùng trí tuệ quán sát thân tâm là vô thường, khổ, không, vô ngã biết đúng như thật. Theo dõi hơi thở và quán sát thân tâm vô thường... đều là “Phản quan tự kỷ”.

b/ Thiền Đại thừa quán chiếu theo Kinh Bát Nhã, hoặc “Chiếu kiến ngũ uẩn giai không” của Bát Nhã Tâm Kinh, hoặc quán “Nhất thiết hữu vi pháp, như mộng huyễn bào ảnh, như lộ diệc như điển, ưng tác như thị quán” của Kinh Kim Cang Bát Nhã. Cả hai lối quán nàyđều là “Phản quan tự kỷ”. Cho đến pháp “Tam Quán” của Thiền sư Huệ Văn do đọc Trung Quán Luận ngộ được. Sư đem pháp này dạy cho đệ tử là Thiền sư Huệ Tư(515-577) thành lập phái thiền Đại Thừa “Tam Quán”. Pháp quán này y cứ bài kệ trong Luận Trung Quán là: “Nhân duyên sở sanh pháp, Ngã thuyết tức thị không, Diệc danh vi Giả danh, Diệc danh Trung Đạo nghĩa”, lập thành ba pháp quán: Không quán, Giả quán, Trung Đạo quán. Trong ba pháp này, cũng là “Phản quan tự kỷ”.

c/ Thiền tông hẳn căn cứ “Phản quan tự kỷ”. Cội gốc Thiền tông là “Phản quang tự kỷ”. Câu “Trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật” là châm ngôn của Thiền tông do Tổ Đạt Ma tuyên bố. Không phản quan làm sao kiến tánh, không kiến tánh thì đâu được thành Phật. Bởi Thiền tông chủ trương Phật tức tâm, ngoài tâm không có Phật.

2-4 Tại sao phải phản quan tự kỷ?

Người tu Phật phải biết đúng nhưthật nơi thân tâm mình. Chúng sanh mê lầm nên mọi sinh hoạt đều để phục vụ cho mình, mà sự thật không biết mình là gì. Do mê lầm sanh ra kiến chấp sai lạc tạo không biết bao nhiêu tội lỗi, làm khổ mình và làm khổ mọi người.Soi sáng lại thân tâm mình thấy đúng như thật thì mọi kiến chấp đều phá vỡ đem lại sự an lạc cho mình và mọi người. Soi sáng thân tâm mình chia làmhai phần:

a/ Thấy rõ thân tâm vô thường: Trong bài văn Trữ Từ Tự Răn, Thượng sĩ nói:

Ngày tháng nước chảy, giàu sang mây trôi.
Gió lửa tan rồi, trẻ già thành bụi.
Hồn phách lìa sắc thân như mộng,
Cuộc mưu sinh, con rối kéo lôi,
Hằng ngày đùa, đưa tay bắt bóng...
Trong mộng tạo tác, thức rồi đều không,
Trong mộng tạo, sanh thô sanh tế,
Tỉnh giấc rồi, không mảy tóc kẻ tơ...
Đến Tổ Trúc Lâm, trong bài Sơn Phòng Mạn Hứng cũng nói:
Phải quấy niệm rơi theo hoarụng,
Lợi danh tâm lạnh với mưa đêm.
Mưa tạnh, hoa trơ, non vắng lặng,
Chim kêu một tiếng lại xuân tàn.

Thân tứ đại hòa hợp, tâm danh lợi phải quấy đều vô thường hư dối, người tu thấy rõ như vậy là thức tỉnh giác ngộ. Thế nhân lúc nào cũng thấy thân vật chất là thật, tâm nghĩ phải quấy danh lợi là thật, nên mê muội khổ đau. Soi sáng thân tâm thấy đúng như thật là điều kiện tối thiết yếu trên đường tu.

b/ Nhận ngay nơi thân vô thườngcó cái chân thường.

Bài Phật Tâm Ca của Thượng sĩ có đoạn nói:
... Muốn tìm tâm, đừng tìm ngoài,
Bản thể như nhiên tự rỗng lặng.
Niết bàn sanh tử buộc ràng suông,
Phiền não bồ đề đối địch rỗng.
Tâm tức Phật, Phật tức tâm,
Diệu chỉ sáng ngời suốt cổ kim.
Xuân đến, tự nhiên hoa xuânnở,
Thu về, hiện rõ nước thu sâu...
Lặng lặng lặng, chìm chìm chìm,
Cái tâm muôn pháp là tâm Phật.
Tâm Phật lại cùng tâm ta hợp,
Lẽ ấy như nhiên suốt cổ kim.
Đi cũng thiền, ngồi cũng thiền,
Trong lò lửa rực một hoa sen...
Tổ Trúc Lâm cũng nói:
Vậy mới hay! Bụt ở trong nhà, chẳng phải tìm xa.
Nhân khuây bản nên ta tìm Bụt,
Đến biết hay chỉnh Bụt là ta...

(Phú Cư Trần Lạc Đạo- Hội Thứ Năm).

Qua hai đoạn dẫn trên, chúng ta thấy rõ Thượng sĩ và Tổ Trúc Lâm chỉ thẳng tâm mình tức là Phật. Song phải là tâm lặng lẽ hằng nhiên, chớ không phải tâm đối đãi sanh diệt. Trong thântâm vô thường sanh diệt có tâm lặng lẽ hằng nhiên, như trong lò lửa cháy rực có hoa sen tươi thắm. Tại vì chúng ta quên tâm Phật của mình, chạy tìm Phậtở bên ngoài. Một khi chúng ta biết quay trở lại tâm mình thì sẽ thấy tâm mình tức là Phật.

IV. Tinh Thần Bao Dung Thiền Đời Trần.

1. Bao Dung Nội Giáo.

Đời Trần tuy lấy Thiền tông làm chủ đạo truyền bá, song cũng có Tịnh độ đồng thời hoạt động. Tịnh độ có sự Tịnh độ và lý Tịnh độ. Về sự Tịnh độ thì phải tin có cõi Cực Lạc ở phương Tây, đức Phật A Di Đà là giáo chủ cõi này. Nếu người chí thành niệm Phật và tha thiết cầu sanh về cõi Cực Lạc khi lâm chung được Phật A Di Đà đón về Cực Lạc. Về lý Tịnh Độ là “Tự tánh Di Đà duy tâm Tịnh độ” hay “Tâm tịnh thì độ tịnh”. Tức là tâm mình thanh tịnh là tịnh độ, tánh mình sáng suốt là Phật Di Đà. Tổ Trúc Lâm nói:

... Tịnh Độ là lòng trong sạch,
Chớ ngờ hỏi đến Tây Phương.
Di Đà là tánh sáng soi,
Mựa phải nhọc tìm về Cực Lạc

(Phú Cư Trần Lạc Đạo-Hội Thứ Hai)

Thiền tông thừa nhận lý Tịnh Độ, không thừa nhận sự Tịnh Độ. Thiền sư Vô Ngôn Thông nghe Tổ Bá Trượng nói: “Tâm địa nhược không, tuệ nhật tự chiếu”, liền ngộ đạo. Đất tâm nếu không, làtâm tịnh độ tịnh. Tuệ nhật tự chiếu, là tự tánh Di Đà. Vì A Di Đà dịch nghĩa là Vô Lượng Quang, nhà thiền gọi là Tuệ nhật tự chiếu. Đứng về lý Tịnh Độ cùng Thiền tông cứu cánh không hai.

2. Tam Giáo Đồng Nguyên.

Thuyết ta giáo đồng nguyên xuất phát từ đời Tống ở Trung Hoa, nhà Trần ở Việt Nam cũng chấp nhận thuyết này để dùng hòa Tam giáo. Tam giáo Phật giáo, Khổng giáo và Lão giáo (Đạo giáo). Người dân Việt Nam chịu ảnh hưởng Tam giáo rất sâu đậm. Nhà Trần muốn đoàn kết toàn dân, đứng về Phật giáo Thiền tông dung hợp Khổng giáo và Lão giáo. Chủ trương rằng Tam giáo về ứng dụng tu hành có khác nhau, song đó chỉ là hình thức phương tiện, đến cứu cánh đều gặp nhau, nên nói Đồng nguyên. Đây là tính bao dung khiêm tốn của Phật giáo Thiền tông, ai không biết vua quan thời này hầu hết đều tu theo Phật giáo.

V. Phật Giáo Đời Trần Thực Tế Tích Cực

1. Thực Tế

Phật giáo đời Trần chủ trương “Tức Tâm tức Phật”. Tâm mê là chúng sanh, tâm giác là Phật. Phật chẳng ở đâu xa, ngay nơi tâm mình, khéo tu lóng lặng tâm mê thì tâm giác hiện bày. Tuệ Trung Thượng Sĩ làm bài Phật Tâm Ca, đoạn đầu nói:

Phật! Phật! Phật! Không thểthấy,
Tâm! Tâm! Tâm! Không thể nói.
Nếu khi tâm sanh là Phật sanh,
Nếu khi tâm diệt là Phật diệt.
Diệt tâm còn Phật chuyện không đâu,
Diệt Phật còn tâm khi nào biết.
Muốn biết Phật tâm, sanh diệt tâm,
Đợi đến sau này Di Lặc quyết...

Phật là giác, rời tâm tìm giác làm gì có, ngay nơi tâm nhận ra Phật mới là Phật thật. Bỏ tâm tìm Phật là Phật của ai, không phải là Phật của mình. Tuy nhiên, nếu nhận tâm sanh diệt là Phật, đợi đến Phật Di Lặc ra đời cũng không giải quyết được. Tổ Trúc Lâm nói:

Biết vậy! Miễn được lòng (tâm) rồi chẳng còn phép khác.
Gìn tánh sáng, tánh mới hầuan,
Nén niềm vọng, niềm dừng chẳng thác.
Dứt trừ nhân ngã thì ra tính thực Kim Cương.
Dừng hết tham sân mới lảu lòng mầu viên giác...
(Phú Cư Trần Lạc Đạo- Hội Thứ hai).

Kim Cương, Viên Giác là Phật thật của ta, muốn thấy Phật thật phải nén niềm vọng, trừ nhân ngã, dứt tham sân si. Bởi vọng niệm nên chấp nhân chấp ngã, khởi tham sân si, không thấy được Phật thật. Như mây che kín không thấy được mặt trăng sáng. Chuyển hóa tấtcả tâm mê loạn, chỉ còn tâm thanh tịnh sáng ngời, tâm này là Phật. Sự tu như vậy rất thực tế, vì thấy rõ cái gì nên bỏ cái gì nên theo, nắm vững sự thành công và thất bại trong tay mình, không cầu mong trong đợi thế lực bên ngoài.

2. Tích Cực

Năm Giáp Thìn (1304) Tổ Trúc Lâmđi dạo trong nhân gian, khuyên dân chúng giữ ngũ giới và tu Thập thiện. Đâylà tích cực đem Phật giáo vào nhân gian, trước xây dựng con người, cá nhân tốt thì gia đình tốt, gia đình tốt thì quốc gia tốt. Vì bảo vệ sanh mạng conngười, khuyên giữ giới không sát sanh, bảo vệ tài sản của người, khuyên giữgiới không trộm cướp, bảo vệ hạnh phúc gia đình, khuyên giữ giới không tàdâm, bảo vệ uy tín và giá trị con người, khuyên giữ giới không nói dối, bảo vệ sức khỏe sức khỏe, trí tuệ và trật tự xã hội, khuyên giữ giới không uống rượu (hiện nay thêm hút á phiện xì ke, ma túy). Người dân trong nướcđều giữ được năm giới thì đất nước thật sự thái bình dân chúng vui vẻ hát ca, không còn gì phải lo sợ. Tiến lên, Ngài khuyên tu Thập thiện, tức là thân không sát sanh, trộm cướp, tà dâm; miệng không nói dối, nói hai lưỡi, nói hung dữ, nói thêu dệt; ý bớt nóng giận, tham lam và si mê. Người thân miệng ýkhéo tu mười điều lành sẽ trở thành bậc hiền nhân. Người Phật tử khéo tu Ngũgiới và Thập Thiện là đóng góp một phần cho quốc gia xã hội được tốt đẹp an vui. Được vậy, đạo Phật mới thật sự chuyển cảnh khổ thành cảnh vui, chuyển con người phàm tục thành con người thánh thiện.

VI. ĐườngLối Tu Của Phật Giáo Việt Nam Hiện Nay

Là tu sĩ Phật giáo Việt Nam, nếubị người hỏi: “Hiện nay thầy tu theo tông phái nào của Phật giáo?”. Chắc chắn tu sĩ này sẽ ngẩn ngơ không biết đáp thế nào. Tại sao vậy?

1. Lấy “Nhị Thời Khóa Tụng” làm công phu tu hành.

Chùa chiền Việt Nam hơn một thế kỷ này đều lấy hai thời khóa tụng làm công phu tu tập. Trong hai thời, đầu hôm tụng kinh Di Đà, sau tụng chú Vãng Sanh, tiếp niệm danh hiệu Phật A Di Đà; buổi khuya tụng chú Lăng Nghiêm, hoặc Đại Bi Thập Chú..., nếu hôm nào có đám cầu an cầu siêu thì tụng chú Đại Bi trước, tụng kính sau. Công phu tu hành như vậy, biết thuộc tông phái nào. Thế mà đa số nói tu theo Tịnh Độ. Tụng kinh Di Đà và niệm danh hiệu Phật A Di Đà thuộc về Tịnh Độ tông, tụng chúĐại Bi, chú Lăng Nghiêm thuộc Mật tông. Nhận xét chín chắn thì hai thời khóatụng Mật tông chiếm ưu thế.

Hai thời khóa tụng xuất xứ từ đâu? Căn cứ lời tựa quyển Nhị Khóa Hiệp Giải thì xuất xứ từ đời nhà Thanh ở Trung Quốc. Vua Thánh Tổ nhà Thanh hiệu Khang Hy (1662-1772) ra sắc lệnh mời Hòa Thượng Ngọc Lâm Thông Tú (1614-1675) cùng một số Hòa Thượng hợp tác soạn “Nhị Thời Khóa Tụng”, buộc Tăng, Ni các chùa ở Trung Quốc trong thờinày phải ứng dụng tu theo. Nhà Thanh thuộc dân tộc Mãn Châu ở miền Bắc Trung Quốc, gần dãy núi Hy Mã Lạp Sơn chịu ảnh hưởng Phật giáo Tây Tạng chuyên tu Mật tông. Nhà vua buộc các Hòa Thượng soạn “Nhị Thời Khóa Tụng” đặt nặng Mật tông hơn. Tuy Nhị Thời Khóa Tụng là chủ trương Tịnh, Mật đồng hành, song nghiên hẳn về Mật. Nhị Thời Khóa Tụng ra đời khoảng cuối thế kỷ mườibảy đầu thế kỷ mười tám là thời kỳ Phật giáo Trung Hoa đang xuống dốc. Khôngbiết Nhị Thời Khóa Tụng du nhập vào Việt Nam lúc nào, chỉ biết từ cuối thế kỷ mười chín đến cuối thế kỷ hai mươi, hầu hết các chùa Việt Nam đều lấy hai thời này làm công khóa tu hành. Ai vào chùa tu đều bị bắt buộc phải thuộc hai thời khóa tụng gọi là hai thời công phu, nên có câu “Đi lính sợ trèo ải, ở sãi sợ Lăng Nghiêm”. Thậm chí đến này (1997) những tu sĩ Phật giáođến Đàn giới xin thọ giới Sa Di, ban giám khảo đàn giới vẫn khảo hạch xem thuộc chú Lăng Nghiêm không.

Tịnh và Mật là hai pháp tu trôngcậy vào tha lực, niệm Phật được Phật A Di Đà đón về Cực Lạc, trì chú được Long Thiên, Hộ Pháp hay Thần Kim Cương gia hộ cho tiêu nghiệp... Thích hợp với thời điểm đất nước Việt Nam bị xâm lăng cuối cùng nội thuộc nước Pháp. Từ đây người dân thuộc địa mất hết lòng tự tín, mẩu quốc Việt Nam ở trời Tây. Vì thế, chư tôn đức trong Phật giáo Việt Nam chấp nhận “Nhị Thời Khóa Tụng” làm nền tảng tu hành cho ứng hợp với hoàn cảnh đương thời, thế là hợp lý.

Song ngày nay đã khác, nước ViệtNam hoàn toàn độc lập, người Việt Nam là dân tộc anh hùng, lòng tự tín đã dâng cao. Thế mà, Phật giáo Việt Nam vẫn giữ lối tu theo lề lối cũ, có thích hợp với lòng tự tín của toàn dân, có nhịp nhàng tiến kịp tinh thần vươn lên của đất nước chăng? Đây là chỗ nhiều năm trăn trở nhức nhối của chúng tôi. Pháp tu Tịnh độ đòi hỏi phải đủ ba điều kiện: Tín, Hạnh, Nguyện. Tín là tin có cõi Cực Lạc ở phương Tây, có Phật A Di Đà đang giáo hóa nơi ấy, nếu ai niệm danh hiệu Ngài khi lâm chung sẽ được Ngài đón về Cực Lạc. Hạnh là thực hành pháp trì danh niệm Phật. Nguyện là phát nguyện sau khi chết được vãng sanh về cõi Cực Lạc. Nguyện này muốn được thành tựu phải đủ hai điều: Hânvà Yểm. Hân là ưa thích cõi Cực Lạc. Yểm là chán ngán cõi Ta Bà. Cõi Cực Lạclà vui, cõi Ta Bà là khổ, chán ngán cõi khổ, cầu sanh về cõi vui, là tinh thần thiết yếu của pháp tu Tịnh Độ. Khi nước ta vận động toàn dân xây dựng đất nước giàu mạnh, mà người tu Phật chúng ta chán ngán cõi này là đau khổ thì còn tinh thần đâu xây dựng đất nước. Phải chăng Phật giáo Việt Nam khôngứng dụng yếu lý “Khế cơ” cho thích hợp hoàn cảnh hiện thời.

Chúng tôi chủ trương khôi phục Thiền tông đời Trần, cốt yếu sử dụng tinh thần “Khế cơ” của đạo Phật, hướng dẫn người Phật tử tu hành nhịp nhàng theo bước tiến vủa xã hội. Câu “Tứctâm tức Phật” trong Thiền tông là đem lại sức tự tín mãnh liệt cho người Phật tử. Có tự tín, chúng ta mới có sức mạnh vươn lên, có tự tín chúng ta mới khẳng định sự thành công trong công tác của mình. Đồng thời nhận rõ Giác ngộ vàNiết bàn ngay nơi thế gian này. Ta nghe Lục Tổ Huệ Năng nói:

...Phật pháp tại thế gian,
Bất ly thế gian giác.
Ly thế mích Bồ Đề,
Kháp như cầu thố giác...

(Kệ Vô Tướng Kinh Pháp Bảo Đàn).

Phật pháp ngay trong thế gian này, không thể rời thế gian tìm được sự giác ngộ. Nếu rời thế gian tìm được sự giác ngộ. Nếu rời thế gian tìm giác ngộ, giống như tìm sừng con thỏ.Đức Phật giác ngộ tại cội Bồ Đề trong thế gian này. Các bậc A La Hán giác ngộ nguyên nhân và kết quả sanh tử, và giải thoát sanh tử cũng trong cõithế gian này... Duyên Giác giác ngộ “Lý nhân duyên sinh” cũng trong thế gian này... Tại sao chúng ta không ngay đây mà tu, lại cầu mong đến nơi nào cho xa xôi? Đây là thực tế và sức mạnh của Thiền tông, tổ tiên chúng ta đã ứng dụng tu hành.

2. Vô Thầy Tu Trở Thành Thầy Tụng

Người chân chính xuất gia tu hành, buổi đầu ai cũng quyết tâm cầu giác ngộ giải thoát. Song ở chùa thời gianlâu sự quyết tâm ấy phai nhạt từ từ. Vì vào chùa phải học thuộc lòng kinh để tụng, khi tụng phải rành chuông mõ, phải tập tụng âm thanh cho hay, còn phải học tán, học đẩu... Khi tụng kinh rành rồi phải đi cúng đám cho Phật tử,chùa ít Phật tử còn đở, chùa đông Phật tử thì đi đám liên tục, còn thời giờ đâu nghĩ đến giác ngộ giải thoát. Cộng thêm Phật tử cúng kính tiền bạc vật dụng nhiều, phải lo gìn giữ tiêu phí, còn nhớ đâu bản hoài lúc sơ phát tâm. Thế là từ thầy tu phát tâm chân chánh, lâu dần biến thành thầy tụng thầycúng, thật rất đau lòng! Phật dạy:

“Dù tụng nhiều kinh mà buông lung không thực hành thì chẳng hưởng được phần lợi ích của Sa Môn, khác nào kẻ chăn bò thuê lo đếm bò cho người.

Tuy tụng ít kinh mà thường y giáo hành trì, hiểu biết chân chánh, từ bỏ tham, sân, si tâm hiền lành thanh tịnh, giải thoát, xa bỏ thế tục, thì dù ở cõi này hay cõi khác, người kia vẫn hưởng ích lợi của Sa Môn”.

(Kinh Pháp Cú số 19, 20)

Tu sĩ Phật giáo mà chỉ lấy tụng cúng cầu nguyện làm Phật sự, là vô tình đã đưa Phật giáo lên lơ lửng trênhư không và tạo cho Phật giáo dáng vẻ mờ mờ ảo ảo không thể giải thích được. Tôi dám khẳng định rằng Phật giáo không phải thế, mà thực tế hữu hiệu trong cuộc sống hiện tại của con người. Phật giáo là những phương thuốc trị tâm bịnh của chúng sanh, là phương pháp dạy con người sống vươn lên và an vui hạnh phúc. Chúng ta phải nhìn thẳng cội gốc của Phật giáo, đừng vạchtìm cành lá chi li. Mong sẽ có những tri kỷ thông cảm điều này của chúng tôi.

VII. Học Cái Hay Của Người Xưa Mà Không Nệ Cổ

Chúng tôi chủ trương khôi phục Thiền tông đời Trần là cái nhìn trở lui về quá khứ. Đứng về mặt truyền thống không thể chỉ có ngày nay mà không có những ngày xưa. Lấy những kinh nghiệm hay của người xưa ứng dụng trong hoàn cảnh hiện nay thì hữu ích. Bắt người nay rập khuôn theo người xưa là nệ cổ lạc hậu. Chúng tôi chắt lọc những cái hay của Phật giáo đời Trần trình bày cho Tăng, Ni, Phật tử hiện nay xem thấy điều nào thích hợp áp dụng được thì áp dụng, không phải đem cái khuôn của Phật giáo đời Trần bắt buộc người thời nay rập theo. Chúng ta phải có cái nhìn chín chắn công bằng và thông cảm đối với hoàn cảnh của người xưa, lượm lặt những cái hay đưa đến thành công của người xưa, trên đường đạo cũng như đường đời, điều nào ứng dụng được hữu ích trong hoàn cảnh chúng ta hiện nay thì ứng dụng.

Kết Thúc

Chủ trương khôi phục Thiền Tông đời Trần là cốt nâng cao giá trị người tu Phật hiện nay, dẹp tan những kẻ hiểu lầm đánh giá đạo Phật quá thấp. Đồng thời vạch ra những giá trị cố hữu của đạo Phật, khiến mọi người hiểu rõ, nếu cần đem ứng dụng vào cuộc sống thì thật sự được an vui hạnh phúc. Cảnh giác những hiện tượng sai lầm đưa đạo Phật vào chỗ huyền bí vô nghĩa, khiến chánh pháp phải lu mờ, trả Phật giáo trở về với giá trị bản hữu của nó. Việc làm của chúng tôi mang tính cách khơi sáng ngọn đèn Phật giáo Việt Nam để những người có trách nhiệm trong Phật giáo thấy rõ lối đi cho nhịp nhàng với hoàn cảnh hiện tại của đất nước. Chúng tôi không ước mong gì khác hơn là được đóng góp một hòn gạch, một viên đá để xây dựng lại ngôi nhà Phật giáo Việt Nam.

___________________________

• HT. Thích Thanh Từ
Nguồn: quangduc.com

CHỦ TỊCH NƯỚC DÂNG HƯƠNG VÀ DỰ LỄ KHAI ẤN ĐỀN TRẦN

Đêm 10-2 (14 tháng Giêng), Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã về dâng hương các vị vua Trần và dự lễ khai ấn tại đền Trần (phường Lộc Vượng, TP Nam Định).

 

Chủ tịch nước Trần Đại Quang và các vị đại biểu làm lễ tại đền Trần Nam Định trong giờ khai ấn đền Trần - Ảnh: Nguyễn Khánh

 

Sau khi Chủ tịch nước Trần Đại Quang cùng các đại biểu làm lễ dâng hương tại bàn thờ Trung Thiên, đền Thiên Trường, đoàn rước kiệu ấn bắt đầu từ đền Cố Trạch sang đền Thiên Trường. Nghi lễ khai ấn diễn ra tại nội cung đền Thiên Trường.

Đến khoảng 0h ngày 11-2, nghi lễ khai ấn kết thúc, người dân tiếp tục được vào lễ đầu năm tại cả ba đền Thiên Trường, Trùng Hoa, Cố Trạch.

Đến khoảng 2h sáng ngày 11-2 (ngày rằm tháng Giêng âm lịch), ban tổ chức thực hiện nghi lễ hồi kiệu ấn về đền Cố Trạch.
Từ 5h sáng cùng ngày, Hội cựu chiến binh, hội người cao tuổi phường Lộc Vượng sẽ phát ấn cho nhân dân tại ba nhà Giải Vũ, nhà trưng bày hiện vật thời Trần, đền Trùng Hoa.

 

Chủ tịch nước Trần Đại Quang thắp hương tại đền Thiên Trường trong giờ khai ấn - Ảnh: Nguyễn Khánh

 

Từ 5h sáng cùng ngày, Hội cựu chiến binh, hội người cao tuổi phường Lộc Vượng sẽ phát ấn cho nhân dân tại ba nhà Giải Vũ, nhà trưng bày hiện vật thời Trần, đền Trùng Hoa.

Theo thông báo của ban tổ chức đến nhân dân và du khách ngay cổng đền Trần, từ xa xưa, trên mảnh đất địa linh nhân kiệt Tức Mặc – Hành cung Thiên Trường – kinh đô thứ hai của triều đại nhà Trần, các vua Trần đã khởi tục lệ khai ấn, được người đời xưa và nay đón nhận, truyền tụng như một nét văn hoá đặc sắc của dân tộc.

Để duy trì truyền thống quý báu đó, hàng năm nhân dân địa phương vẫn duy trì lễ hội khai ấn theo đúng nghi lễ cổ truyền, phản ánh đầy đủ yếu tố tâm linh và đậm đà bản sắc văn hoá dân gian.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn những ý kiến khác nhau của các nhà nghiên cứu văn hoá, lịch sử liên quan đến nghi lễ khai ấn và phát ấn tại đền Trần, phường Lộc Vượng, TP Nam Định.

 

Các bô lão tại Phường Lộc Vượng làm lễ Khai ấn Đền Trần - Ảnh: Nguyễn Khánh

 

Các thôn nữ đội lễ vật vào đền Thiên Trường trước khi làm lễ - Ảnh: Nguyễn Khánh

 

Trong diễn văn đọc tại lễ dâng hương các vị vua Trần, ông Lê Quốc Chỉnh, Chủ tịch UBND TP Nam Định khẳng định: “Bằng nhiều nguồn sử liệu khác nhau bao gồm tài liệu chính sử và đặc biệt là các cuốn Ngọc phả nhà Trần, Trần thị gia huấn, chúng ta được biết dòng họ nhà Trần đã dấy nghiệp từ vùng đất Tức Mặc, nay thuộc phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định.

Người xưa đã coi đây là vùng đất địa linh nơi đã sản sinh ra những nhân kiệt, võ công, văn trị của thời đại nhà trần – một thời đại lịch sử được đánh giá là đỉnh cao của văn minh Đại Việt.

Sau khi thay vương triều Lý, dòng họ Trần đã nắm triều chính và quản lý quốc gia đại Việt từ năm 1225 đến năm 1400.

Gần hai thế kỷ với những anh quân, với những văn thần võ tướng, vương triều Trần đã cùng quân dân cả nước thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ và xây dựng, bảo toàn lãnh thổ Đại Việt, giữ vững độc lập dân tộc, đề cao tinh thần tự lực, tự cường.

Những bài học lịch sử về xây dựng chính quyền, đoàn kết dân tộc, sử dụng nhân tài, phát triển văn hoá, kinh tế, giáo dục nhất là kinh nghiệm chống giặc ngoại xâm qua bảy thế kỷ đến nay vẫn còn giữ nguyên giá trị thời sự, tính lý luận và thực tiễn cao”.

Vì vậy, theo ông Chỉnh lễ hội truyền thống đền Trần trong đó có lễ khai ấn có ý nghĩa nhân văn lớn lao là cầu cho quốc thái dân an, thiên hạ thái bình, thịnh trị, mọi nhà chung hưởng lộc ấn, tích đức vô cương, mọi người bước vào năm mới mạnh khoẻ, lao động hăng say, học tập, công tác tốt.

Ngày nay lễ hội khai ấn không chỉ mang đậm giá trị truyền thống, yếu tố tâm linh mà còn mang tính giáo dục lịch sử sâu sắc thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc ta.

 

________________________

 

• Văn Tuấn

Nguồn: tuoitre.vn

TIỀN LẺ RẢI LA LIỆT TRÊN MÁI CHÙA ĐỒNG YÊN TỬ

Nhiều người dân đi lễ ở Yên Tử (Quảng Ninh) đã xoa tiền vào chuông đồng, rải tiền lẻ trên mái chùa để mong gặp may mắn.


Hội xuân Yên Tử 2017 chính thức khai mạc vào ngày 6/2, tức ngày 10 tháng Giêng âm lịch. Do nhiều công trình đang xây dựng dở dang, năm nay Ban tổ chức sẽ khai hội tại chùa Trình, nằm cạnh quốc lộ 18A (TP Uông Bí), cách địa điểm tổ chức thường niên hơn 10 km.

Trong những ngày đầu năm, tuy chưa đến khai hội chính thức nhưng hàng nghìn người đã đi du xuân, cúng lễ ở khu vực Yên Tử.


Ở độ cao 1.068 m so với mực nước biển, núi Yên Tử (Quảng Ninh) không chỉ nổi tiếng bởi cảnh đẹp, nhiều chùa, am, tháp cổ nằm ẩn mình trong rừng cây cổ thụ mà còn được biết đến là nơi hình thành và phát triển của thiền phái Trúc Lâm.


Nhà chức trách địa phương cho hay, những ngày nghỉ Tết vừa qua, Yên Tử đón hơn 70.000 lượt du khách thập phương.


Tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông được khánh thành đầu tháng 12/2013, đúc bằng đồng nguyên khối, cao 15 m, nặng 138 tấn, tọa lạc trên đỉnh An Kỳ Sinh có độ cao 900 m so với mặt nước biển.


Nhiều người dùng tiền xoa lên đại hồng chuông và khánh đồng tại chân tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông với hy vọng gặp may mắn.


Tổng chiều dài từ chân lên đến đỉnh núi Yên Tử khoảng 6.000 m. Đoạn từ tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông lên chùa Đồng có nhiều mỏm đá chênh vênh, nhưng nhiều bạn trẻ vẫn ngồi nghỉ bất chấp nguy hiểm.


Khu vực chùa Đồng diện tích hẹp nên thường xuyên xảy ra cảnh chen lấn để cúng bái.

Tọa lạc trên đỉnh Yên Tử, chùa Đồng được khởi dựng từ thời Hậu Lê với tên gọi Thiên Trúc Tự. Năm 2007, chùa được đúc hoàn toàn bằng đồng nguyên chất với chiều dài 4,6 m, rộng 3,6 m, cao 3,35 m và nặng hơn 70 tấn.


Trong khi cúng bái, nhiều người rải tiền lẻ trên mái chùa Đồng hoặc nhét vào các kẽ trên thân chùa.


Lễ hội Yên Tử kéo dài suốt 3 tháng mùa xuân, dự kiến đón trên 2 triệu lượt khách trong năm nay.

 

____________________

 

• Minh Cương

Nguồn: vnexpress.net


CHÙA ĐỒNG YÊN TỬ BỊ BÔI BẨN BẰNG CHỮ VIẾT

Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh sẽ dùng kỹ thuật đánh bóng đồng để xóa các chữ viết, ký hiệu mà du khách khắc lên chùa Đồng Yên Tử.


Ông Lê Tiến Dũng, Trưởng ban Quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử cho biết, đơn vị vừa đề nghị Ban trị sự giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh triển khai việc xóa chữ viết khắc lên chùa Đồng.

Theo ông, chùa Đồng tọa lạc trên đỉnh Yên Tử, được khởi dựng từ thời Hậu Lê với tên gọi Thiên Trúc Tự. Trải qua nhiều thay đổi theo thời gian, năm 2007 chùa được đúc hoàn toàn bằng đồng nguyên chất với chiều dài 4,6 m, rộng 3,6 m, cao 3,35 m và nặng hơn 70 tấn. 

 


Chùa Đồng Yên Tử nặng hơn 70 tấn. Ảnh: Minh Cương

 

Từ năm 2009 đến 2010, nhiều du khách khi đi lễ đã vô ý khắc chữ, ký hiệu lên thân chùa Đồng.
"Khu vực bị bôi bẩn nhiều nhất là phía sau chùa. Để khắc được các chữ này phải dùng một vật cứng bằng kim loại", ông Dũng nói và cho biết tới đây Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh sẽ cho xóa các chữ viết trên thân chùa bằng kỹ thuật đánh bóng đồng.

 

Các chữ viết, ký hiệu được khắc lên chùa Đồng Yên Tử. Ảnh: Minh Cương

 

Nhân viên Ban quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử thường xuyên dùng loa tay để tuyên truyền du khách không chà xát tiền, cài tiền và khắc chữ lên chùa Đồng. Tuy nhiên, dịp sau Tết Nguyên đán vẫn có một số du khách không chấp hành quy định, dùng tiền lẻ cọ vào chuông, khánh và chùa trên di tích Yên Tử.

 

___________________



• Minh Cương

Nguồn: vnexpress.net

NGƯỜI ĐỂ LẠI BAO LƯU LUYẾN CHO ĐỜI - PV Giáo sư Lê Mạnh Thát

Lịch sử dân tộc Việt Nam không có nhiều vị vua có được sự ghi chép đầy đủ về sự mến mộ của người dân sau khi đã mất như Vua Trần Nhân Tông. 50 năm cuộc đời, nhà vua để lại bao lưu luyến cho những người đương thời và hậu thế... Nhận định của GS-TS Lê Mạnh Thát - Phó Viện trưởng thường trực Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Thưa, có thể gọi GS bằng danh xưng "Nhà Trần Nhân Tông học" được không?

 

- Chúng tôi không dám nhận. Thế kỷ 20, những học giả lớn của nước ta đều tham gia nghiên cứu ngài, cụ thể là Đào Duy Anh, Hoàng Xuân Hãn; ngoài ra, có những chuyên gia về thời Trần như Nguyễn Đổng Chi, Nguyễn Huệ Chi, một số nhà nghiên cứu khác với các bài viết... Trước đó, TK 19 có Thiền sư An Thiều.


Vì sao GS chú tâm nghiên cứu ngài?


- Thời trung học, đọc sách về lịch sử Phật giáo VN của thầy Mật Thể, chúng tôi bắt đầu quan tâm tới ngài. Trong thời gian du học nước ngoài, chúng tôi cũng lưu ý sưu tầm tài liệu về Trần Nhân Tông.


Có thể nói, chúng tôi đã góp phần vào quá trình nghiên cứu tác phẩm của ngài bằng việc tìm thấy, dịch 22 văn thư ngoại giao từ bản chép tay Tứ khố toàn thư thời Vua Càn Long. Những văn bản này có giá trị lớn, là những văn kiện mở đầu cho đường lối "Vừa đánh-vừa đàm" của dân tộc ta.


Thưa, làm thế nào để hiểu đúng tinh thần các văn bản, diễn giải chính xác để thế hệsau có thể tham khảo, học hỏi, tự hào?


- Quá trình đi từng bước một. Trong nghiên cứu văn bản cổ, có những quy ước chung về học thuật, cụ thể như, từ đó, cấu trúc câu văn đó, trong ngữ cảnh như thế phải hiểu như thế, cùng nhau nghiên cứu như thế.


Trong bài "Lên núi Bảo Đài", vua có viết: "Vạn sự thuỷ lưu thuỷ/Bách niên tâm ngữ tâm". Ta có thể hiểu: Muôn việc như nước chảy xuôi/ Chuyện trăm năm chỉ mình hiểu lòng mình...


Theo chúng tôi, Trần Nhân Tông là một vị vua cảm thấy tính bức xúc của việc đề ra một giải pháp vừa có lợi cho nước cho dân, vừa có ích cho đạo.


Phật giáo VN đã hình thành truyền thống riêng: Tiếp thu lý tưởng, thông điệp của Phật giáo Ấn Độ, các vị tăng lữ ta áp dụng vào tình hình thực tế của đất nước, phù hợp với yêu cầu đời sống của con người của từng thời điểm lịch sử.


Vua Trần Nhân Tông đã làm được điều này. Do đó, có thể nói, Vua - Phật là một đặc trưng của Phật giáo VN. Chúng ta nên chú ý: Ngay hình ảnh của vua hiện được thờ phụng tại Yên Tử, chùa Bảo Lâm và hình ảnh trong bản in gỗ của Ngô Thì Nhiệm thì vẻ tiên phong đạo cốt cũng rất khác nhau. Theo chúng tôi, con người Trần Nhân Tông hoà nhuần nhuyễn ba hình ảnh này.


Thưa, quan điểm của GS về vua?


- Đúc kết thứ nhất: Coi tác phẩm "Cư trần lạc đạo" là một trong những văn bản xưa nhất của tiếng Việt hiện có. Bộ từ vựng của nó gồm cả thảy 1.688 hạng từ, đây có thể được coi như cuốn từ điển tiếng Việt nho nhỏ TK 13-14.


Nó thể hiện rõ nét tinh thần "Hoà quang đồng trần" ngài tiếp thu từ người thầy tinh thần của mình - người bác ruột Trần Quốc Tung - Tuệ Trung Thượng Sĩ.


Đúc kết thứ hai: Trần Nhân Tông là vị vua anh minh, thiên tài chính trị, thiên tài quân sự lỗi lạc.


Vua tiếp thu, vận dụng lời khuyên "Chớ bảo người không đáng" - có thể hiểu là nguyên tắc "Nói với ai cái gì, thế nào, lúc nào" của Tuệ Trung Thượng Sĩ để mở hai hội nghị quan trọng trước khi đánh trận: Hội nghị Diên Hồng với các bô lão: Nên hoà hay nên đánh và Hội nghị Bình Than với các tướng lĩnh: Đánh như thế nào.


Cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông thắng lợi rực rỡ nhờ vào tài chỉ huy của ngài và sự lãnh đạo của nhiều tướng tài nước ta thời đó. Chúng ta có thể học được từ ngài bài học về lòng khoan dung đối với những kẻ chiến bại sau chiến tranh. Nghiên cứu sự nghiệp văn trị, võ công của ngài, có thể nói, thời đại ngài trị vì là thời đại hội nhập sâu, rộng của đất nước ta...


- Xin cảm ơn Giáo sư.

 

_____________


• Lâm Tuyền - Lao động

2017 TUYỂN SINH TIẾN SĨ PHẬT HỌC ĐẦU TIÊN Ở VIỆT NAM

Dự kiến đến giữa năm 2017, Viện Trần Nhân Tông thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội sẽ thông báo tuyển sinh chương trình Tiến sĩ Phật học đầu tiên ở Việt Nam.


Chiều ngày 27/11, hội thảo “Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Phật giáo Trúc Lâm” đã được tổ chức tại Thiền Viện Sùng Phúc Gia Lâm, Hà Nội với sự phối hợp của Viện Trần Nhân Tông thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội, Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam.

Đây là một trong chuỗi sự kiện chào đón lễ ra mắt và đi vào hoạt động của Viện Trần Nhân Tông, đồng thời nhằm hướng tới lễ kỷ niệm 708 năm ngày Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn (1308 - 2016).


Mục đích của hội thảo nhằm giới thiệu, đánh giá các di sản văn hóa, các di tích lịch sử, phân tích, làm rõ thêm giá trị của hệ thống các di tích liên quan đến Phật hoàng Trần Nhân Tông, qua đó nêu lên các quan điểm và giải pháp nhằm bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa của Phật giáo Trúc Lâm.

Tham dự hội thảo, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam – Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội Vũ Minh Giang đề xuất các học giả cần tập trung làm rõ 3 vấn đề: làm thế nào để có lượng định chuẩn xác về di sản Phật giáo Trúc Lâm, đánh giá thực trạng: di tích đang ở mức độ nào và đưa ra các giải pháp bảo tồn.

Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Kim Sơn – Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội khẳng định, Trần Nhân Tông là một danh nhân văn hóa, một nhà chính trị, lãnh tụ tôn giáo lớn của Việt Nam và nhân loại.

PGS.TS Nguyễn Kim Sơn - Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội - phát biểu tại hội thảo


Ông cho rằng, việc nghiên cứu về Trần Nhân Tông và Thiền phái Trúc Lâm đã khởi sắc và nhận được sự quan tâm của các nhà nghiên cứu, học giả, người hâm mộ trong và ngoài nước. Tuy nhiên, các nghiên cứu khá phân tán, tùy hứng, không tập trung, chưa có những chuyên luận chuyên sâu, những chương trình hay dự án nghiên cứu lớn. Vì thế, việc định hình một chiến lược nghiên cứu, một số tổ chức nghiên cứu chuyên sâu về Trần Nhân Tông, Trúc Lâm là việc hết sức cần thiết.

“Viện Trần Nhân Tông đã được xác định tôn chỉ là: nghiên cứu và đào tạo chất lượng cao, chuyên sâu về Phật học, di sản Trần Nhân Tông, thiền phái Trúc Lâm và các vấn đề văn hóa học thuật có liên quan. Mục tiêu nghiên cứu và đào tạo của Viện cũng không gì lớn hơn việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa Trần Nhân Tông và Phật giáo Trúc lâm, đúng như chủ đề của Hội thảo khoa học ngày hôm nay”.

PGS.TS Nguyễn Kim Sơn cho rằng, việc nghiên cứu mang tính học thuật đối với đối tượng nghiên cứu là Phật học, các tư tưởng và trải nghiệm tôn giáo là việc có nhiều khó khăn. “Nghiên cứu Phật học vướng vào mâu thuẫn giữa tính khoa học, lô gic, lý tính và tính tôn giáo trực ngộ và phi lô gic, phi lý tính… Khen thái quá cũng là hạ thấp. Đề cao một cách không khách quan và không bằng chứng cũng là tầm thường hóa. Nhiều người khi viết về Trần Nhân Tông, vì bản ý muốn ca ngợi ông nên nói ông trút bỏ ngai vàng như vứt cái giầy rách. Nói thế tưởng ca ngợi hóa ra lại tầm thường hóa Phật Hoàng. Ngai vàng của tổ tông và vận mệnh dân tộc qua xương máu gian khổ của chúng sinh mới giành và giữ được đâu phải cái tầm thường có thể vứt bỏ. Đạo và đời ở ông hài hòa vô biệt”.


Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội cũng đề xuất cần hướng tới việc quốc tế hóa việc nghiên cứu về Trần Nhân Tông. Ông cũng cho rằng cần đại chúng hóa, giản dị hóa tư tưởng của Trần Nhân Tông để ai cũng có thể hiểu được, ai cũng có thể thể nghiệm và học tập theo.

Dự kiến tới giữa năm 2017, chương trình Tiến sĩ Phật học của Viện Trần Nhân Tông sẽ thông báo tuyển sinh. Chương trình đào tạo tiến sĩ của học viện sẽ phát huy lợi thế liên ngành và quan hệ quốc tế sâu rộng của ĐH Quốc gia Hà Nội. Ngoài định hướng đào sâu và nâng cao tri thức Phật học và các tri thức khoa học tương thông liên đới, chương trình sẽ tăng cường các định hướng nghiên cứu theo hướng giải quyết các vấn đề hiện đại, tư vấn chính sách và định hướng xã hội, cung cấp kỹ năng giải quyết các vấn đề Phật sự cho tăng ni theo kỹ năng quản trị tự viện hiện đại.

Ông kỳ vọng chương trình tiến sĩ Phật học đầu tiên ở Việt Nam sẽ hữu ích, thiết thực và trở thành một khâu quan trọng trong việc đổi mới giáo dục tăng ni nói riêng và đổi mới giáo dục đào tạo nói chung.


_______________

• Nguyễn Thảo

Nguồn: vietnamnet.vn

TRẦN NHÂN TÔNG VỚI BÀI THƠ: XUÂN CẢNH

Không mấy ai có thể sống mãi được với cái náo nhiệt phồn tạp, vì thế rất cần những phút giây tĩnh tại để lắng lòng mình, cảm nhận sâu sắc những buồn - vui, yêu - ghét, từ đó có thể khắc ghi những thăng hoa hoặc trầm uất của tâm trạng. Những lúc ấy thơ trở thành bạn đường tri kỷ với con người. Đơn giản, họ tìm đến thơ hay của ngàn xưa hoặc hôm nay. Cao hơn, họ thể hiện cảm xúc của mình trên trang giấy. Sự sáng tạo nghệ thuật ấy, không phải ai cũng thành công, nhưng có hề gì đâu!


Cảm hứng sáng tạo có thể đến vào những thời điểm khác nhau, tùy vào hoàn cảnh từng người. Nhưng có một hiện tượng thú vị đáng nói: vào thời điểm thiêng liêng trang trọng nhất của một năm - lúc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, lúc tết đến xuân về, lúc cả tạo hóa như bừng tỉnh sắc xuân - người có tâm hồn thơ dễ láng lai thi tứ. Cho nên, nhìn lại lâu đài thơ ngàn năm của dân tộc ta, thấy có riêng một vườn thơ xuân lộng lẫy sắc hương, mà một trong những người đầu tiên đã đóng góp những bài thơ thuộc loại xuất sắc là Trần Nhân Tông (1258-1308). Vị vua anh hùng này đã cùng vua cha Trần Thánh Tông chỉ huy quân dân hai lần đại thắng đạo quân xâm lược Nguyên Mông hung hãn. Chúng ta thường tâm đắc với sức mạnh của chiến tranh nhân dân - bí quyết thắng lợi của một dân tộc nhỏ khi phải đương đầu với thế lực ngoại xâm lớn. Hoàng đế Trần Nhân Tông chính là ông tổ của hình thái chiến tranh kỳ diệu này. Chính Người đã thực hiện một chính sách đại đoàn kết toàn dân, từ hoàng tộc đến thứ dân để tất cả cùng sát cánh bên nhau diệt giặc nước. Chính Người cùng Thái thượng hoàng đã chủ trì hai hội nghị hiếm thấy trong lịch sử: hội nghị các tướng lĩnh ở Bình Than để bàn mưu lược và hội nghị các bô lão trong cả nước ở điện Diên Hồng để xác định quyết tâm chống giặc. Về vị vua "thân dân" đặc biệt này, sử gia Lê Văn Hưu đánh giá rất gọn và rất xác đáng: đó là "vị vua hiền của nhà Trần". Nhà bác học Lê Quý Đôn, trong bộ Toàn Việt thi lục đã trân trọng ghi nhận Trần Nhân Tông "là người nhân từ, hòa nhã, tài trí, đảm lược, uy vọng, quyết đoán, công nghiệp chống giặc Nguyên sáng chói đến đời sau".

Năm 1293, Trần Nhân Tông nhường ngôi cho Thái tử Trần Thuyên, làm Thái thượng hoàng, bắt đầu đi sâu thực hành Phật pháp. Người lên núi Yên Tử chuyên tu, sau đó sáng lập dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử.

Điều cần nhấn mạnh, Trần Nhân Tông cũng là một thi sĩ có chân tài. Trong 25 bài thơ của Người được Phan Phu Tiên chép lại trong Việt âm thi tập (1459) có đến 4 bài thơ xuân. Xin được lạm bình về một trong bốn bài thơ xuân đó - bài Xuân cảnh (có thể hiểu là Cảnh xuân, Cảnh ngày xuân, Cảnh mùa xuân). Nguyên tác như sau:

Dương liễu hoa thâm điểu ngữ trì

Họa đường thiềm ảnh mộ vân phi

Khách lai, bất vấn nhân gian sự

Cộng ỷ lan can khán thúy vi.



Nghĩa của bốn câu đó là:



Sâu trong hoa dương liễu, chim hót chậm rãi

Dưới bóng thềm ngôi nhà chạm vẽ, mây chiều nhẹ bay

Khách đến chơi, không hỏi việc đời

Cùng đứng tựa lan can, ngắm một màu xanh biếc.



Xin đọc bản dịch thơ của giáo sư Nguyễn Huệ Chi:



Chim nhẩn nha kêu, liễu trổ dày

Thềm hoa chiều rợp bóng mây bay

Khách vào chẳng hỏi chuyện nhân thế


Cùng tựa lan can nhìn núi mây.


Chỉ 4 câu 28 chữ rất cô đọng, vị hoàng đế - thiền sư - thi sĩ đã chấm phá bức tranh xuân bằng vài nét có vẻ đơn sơ. Muốn cảm nhận cái tột cùng tinh tế, sâu xa của tứ thơ, người đọc trước hết phải huy động công năng của cả thị giác và thính giác và sau đó buộc phải suy nghĩ rất lung. Cảnh xuân bao la khoáng đạt, nhưng không có cỏ hoa sắc màu rực rỡ, không có hội hè đình đám tấp nập ồn ào. Về âm thanh, chỉ có văng vẳng xa mà gần mấy tiếng chim kêu trong rặng liễu đương trổ hoa. Về hình ảnh, cũng chỉ có bóng mây chiều lẻ loi trôi trên trời cao, tỏa mát cả thềm nhà. Thế còn con người - chủ thể của cảnh xuân? Chủ nhân, được sự đồng thuận của khách, đã gạt đi "nhân gian sự" - vốn phức tạp, phiền toái, bề bộn những "thất tình, lục dục" để đắm mình, cộng hưởng những phút giây thoát tục tuyệt vời, trong cái biếc xanh thăm thẳm của đất trời, rừng núi ngày xuân. Một cảnh sắc xuân thật đơn sơ thanh đạm, nhưng đã để lại trong tâm hồn người đọc một dư vị thanh cao, trong sáng đến kỳ lạ, đưa con người vào cõi miên viễn của thời gian và vùng mênh mông vô cùng vô tận của vũ trụ. Ngờ rằng, trong phút giây kỳ diệu đó, con người có khả năng giác ngộ bằng chính cái tâm tĩnh lặng, bằng sự an nhiên tự tại của mình, để đoạn tuyệt với dục vọng và thể nhập Niết bàn (Nirvana) như triết lý sâu xa của Phật giáo Thiền tông đã xác quyết.

Bài thơ viết về ngày xuân, mùa xuân, cảnh xuân nhưng có thể đọc bất cứ lúc nào. Đọc và nghĩ, để "ngộ" được lối sống, phong cách sống, lẽ sống cao quý của vị thiền sư - thi sĩ cao quý.

 

________________

• GS Trần Hữu Tá

Nguồn: giacngo.vn

TƯỞNG NIỆM LẦN THỨ 708 NĂM PHẬT HOÀNG TRẦN NHÂN TÔNG NHẬP NIẾT BÀN

Đại lễ tưởng niệm lần thứ 708 năm - Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn tại Tổ đình Từ Đàm

Sáng ngày 28/11/2016 (29/10 năm Bính Thân) tại Tổ đình Từ Đàm, 01 Sư Liễu Quán, phường Trường An, thành phố Huế; Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Thừa Thiên Huế đã trang nghiêm tổ chức Đại lễ Tưởng niệm lần thứ 708 năm ngày Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết Bàn.

Quang lâm chứng minh, tham dự buổi lễ có Trưởng lão Hòa thượng Thích Đức Phương – Phó Pháp chủ HĐCM GHPGVN, Trưởng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Thừa Thiên Huế; chư tôn đức HĐCM, HĐTS GHPGVN; chư tôn đức Giáo phẩm Chứng minh Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Thừa Thiên Huế; chư tôn đức Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Thừa Thiên Huế; chư tôn đức Tăng Ni các ban ngành trực thuộc Ban Trị sự; chư tôn đức Tăng Ni Phật giáo các huyện, thị xã; chư tôn đức Tăng Ni các Tổ đình, Tự viện, Thiền viện, Niệm Phật Đường, Tịnh xá, Tịnh thất trên địa bàn tỉnh cùng đông đảo quý Đạo hữu Phật tử các giới. 






HT. Thích Khế Chơn đọc văn Tưởng niệm của TƯGH và BTS GHPGVN tỉnh TT. Huế


HT. Thích Hải Ấn phát biểu cảm tạ
 


Về lãnh đạo chính quyền có ông Phan Xuân Toàn - Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Tỉnh ủy tỉnh TT. Huế; ông Hoàng Trọng Bình - Phó Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh TT. Huế; ông Nguyễn Tài Tuệ - Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Trưởng ban Tôn giáo tỉnh cùng quý vị lãnh đạo chính quyền các cấp, Công an tỉnh TT. Huế, thành phố Huế và phường Trường An đã tham dự buổi lễ.

Hòa thượng Thích Đức Thanh – UVTT HĐTS GHPGVN, Phó Trưởng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Thừa Thiên Huế đã cung tuyên tiểu sử Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông. Đức vua - Phật Hoàng Trần Nhân Tông tên thật là Trần Khâm, sinh năm 1258; con cả của vua Trần Thánh Tông; năm 20 tuổi lên ngôi báu, hiệu Nhân Tông; năm 36 tuổi làm Thái thượng hoàng, nhường ngôi cho Anh Tông; năm 41 tuổi xuất gia; năm 51 tuổi, 1308, viên tịch ở am Ngọa Vân, núi Yên Tử. Thiếu thời, Người đòi nhường địa vị Đông cung thái tử cho em để xuất gia. Người thông lãm nội và ngoại điển, học Phật từ nhỏ, học Thiền định dưới sự chỉ dẫn của Tuệ Trung Thượng Sĩ. Người đã cùng tướng sĩ triều Trần hai lần đánh bại đoàn quân xâm lược Nguyên Mông (năm 1285 và năm 1288), đoàn quân bách chiến bách thắng đã từng đánh bại nhiều nước ở châu Âu và Tống triều, Trung Quốc ; là vị vua yêu nước, anh hùng, rất “thân dân”, đã thực hiện thành công đại đoàn kết dân tộc (triều đình và nhân dân), mở Hội nghị dân chủ Bình Than và Diên Hồng, chủ trương “Tam giáo đồng nguyên”, viết nên trang sử lẫy lừng của dân tộc, và cả thế giới đương thời.

Tại buổi lễ, Hòa thượng Thích Khế Chơn - UVTT HĐTS GHPGVN, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Thừa Thiên Huế đã đọc văn tưởng niệm của Trung ương Giáo hội và BTS GHPGVN tỉnh TT. Huế, có đoạn: "Giờ đây trước Đại hùng Bảo điện tôn nghiêm, toàn thể Tăng Ni, tín đồ Phật giáo tỉnh nhà xin đốt nén tâm hương ngũ phần, dâng lời tưởng niệm chân thành, tâm cảm ý giao, một lòng thành kính cúi đầu đảnh lễ Lịch đại Tổ sư, phát nguyện phụng trì Phật pháp, phát huy chân lý Đạo nhà, giữ gìn Tổ ấn vàng son, làm rạng rỡ vang danh chốn Tổ huy hoàng tráng lệ, non sông gấm vóc thiên thành, một cõi vững bền muôn thuở. Đồng thành kính nguyện thực hành: Giữ gìn tinh thần đoàn kết hòa hợp dân tộc, độc lập Tổ quốc; nêu cao tinh thần phóng khoáng, bao dung trong cộng đồng dân tộc và xã hội, đoàn kết các Tôn giáo, để cùng tồn tại và phát triển, thực hiện hữu hiệu phương châm "tốt Đời đẹp Đạo", duy trì truyền thống dân tộc, tự lực, tự cường, phát huy nội lực, đồng thời nhờ ngoại lực để phát huy Đạo giáo và đất nước phồn vinh, văn minh tiến bộ; tạo dựng Cực lạc tại nhân gian trong lòng người, bằng triết lý Thiền là sống, là tâm từ bi chan chứa mọi loài, trong kiếp hiện tại và mai sau của trần thế, thực hành Bồ Tát đạo".

Hòa thượng Thích Hải Ấn - UVTT HĐTS GHPGVN, Phó Trưởng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Thừa Thiên Huế đã phát biểu cảm tạ, nguyện cầu Đức Điều Ngự Tổ sư - Phật Hoàng Trần Nhân Tông hộ trì để thân tâm thường lạc, dõng mãnh tinh tấn trong sự nghiệp phụng sự Dân tộc và Đạo pháp.

Trong không khí trang nghiêm thành kính tại Bảo điện Tổ đình Từ Đàm, Trưởng lão Hòa thượng Thích Đức Phương đã tiến hành niệm hương bạch Phật và cử hành nghi lễ cầu nguyện; toàn thể chư tôn Hòa thượng, chư Thượng tọa, Đại đức Tăng Ni, quý quan khách và thiện tín Phật tử đã thành kính dâng hương, đảnh lễ tưởng niệm, nguyện cầu Tổ quốc vinh quang, Đạo pháp trường tồn, Thế giới hòa bình, Chúng sanh an lạc.

Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, vua Trần Nhân Tông là một trong những lãnh tụ thiên tài, anh hùng của dân tộc; Đối với đạo pháp, vua Trần Nhân Tông là một vị vua duy nhất trên thế giới từ bỏ ngôi vua để đi tu và đắc đạo, hình thành tổ chức Giáo hội Trúc Lâm mang đậm nét Phật giáo Việt Nam. Qua những cống hiến của vua Trần Nhân Tông đối với dân tộc và đạo pháp, nhân dân, Tăng Ni, Phật tử tôn vinh Ngài là vị Vua Phật Việt Nam.

___________


• Ban Thông tin Truyền thông GHPGVN tỉnh TT. Huế
Nguồn: phatgiaohue.vn

GIÁO DỤC VN 'ĐẼO CÀY THÀNH TĂM'

Mới đây Nhóm Đối thoại giáo dục gồm các nhà khoa học trẻ và tâm huyết với ngành giáo dục do giáo sư Ngô Bảo Châu chủ trì vừa đưa ra khuyến nghị đại học Việt Nam tới giới lãnh đạo ngành.


Bản khuyến nghị là kết quả ba năm nghiên cứu của nhóm về cải cách Đại học cho rằng "Hệ thống giáo dục Đại học Việt Nam cần được cải cách cơ bản và sâu sắc ngay từ nguyên lý và quy tắc tổ chức" và là một quá trình lâu dài và liên tục.


Nhân khuyến nghị này, trong cuộc phỏng vấn với BBC Việt Ngữ, giáo sư Nguyễn Khắc Mai, Giám đốc Trung tâm Minh Triết Việt Nam ở Hà Nội, cho rằng giáo dục Việt Nam đang ở trong tình trạng khủng hoảng về đường lối, triết l‎ý giáo dục, kéo theo khủng hoảng về phương thức và quản lý tổ chức giáo dục.


“Do triết lý giáo dục của Việt Nam hiện nay không được xác định tốt nên người học, người dạy và cả người quản lý đều lúng túng. Vì thế không thúc đẩy được sự hình thành những tài năng giáo dục cho thời kỳ mới, không giúp nảy nở những nhân tố tích cực của dân tộc, kể cả tâm thức của người học cũng như tâm thế của người dạy.”


Ông nói thêm chính trong tình hình ấy “sự vươn lên để có tài năng từ người quản lý đến người thầy thật giỏi đang là cái Việt Nam còn thiếu”.

Theo giáo sư Nguyễn Khắc Mai, nguyên Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu, Phó Ban Dân vận Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, “nguyên nhân cơ bản là lý thuyết Mác Lênin không giải đáp nổi vấn đề này và những người gọi là nắm chủ thuyết này cũng không biết về chủ thuyết đó, không biết cái gốc cũng như cái ngọn, hay cái hệ thống và vì thế nó như thợ thuyền đẽo cày ở ngã ba. Cuối cùng đẽo một thanh gỗ thành cái tăm.”


'Cùng nơi Ngôn cú'


Để giải giải quyết tình trạng hiện nay, giáo sư Mai trích dẫn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nói năm ngoài là phải đổi mới thể chế và Đảng cũng đã thấy vấn đề tuy nhiên ông cho rằng giới lãnh đạo “không dám đi đến tận cùng”.


“Ông tổ về văn hóa, cụ Trần Nhân Tông, trong một tác phẩm rất lớn là Cư Trần Lạc Đạo, có nói một câu là "Cùng nơi Ngôn cú", tức là nơi lĩnh vực tư duy, khoa học, lý thuyết, văn hóa, tinh thần thì phải đi cho tới tận cùng, đến điểm cao nhất, sâu xa nhất, bao quát nhất, gốc rễ nhất, nhưng mình có chịu đi theo đâu mà chỉ loanh quanh vào những cái phần hình thức. Đấy là vấn đề.”


Việc các nhà lãnh đạo Việt Nam không làm được điều đó theo ông là “khó hiểu mà dễ nhìn thấy.”

“Không ai trong những người lãnh đạo Việt Nam hiện nay có thể trở thành người được gọi là những nhà khoa học, nhà tư tưởng, tức cái vốn trí thức, tư tưởng và tư duy của họ rất nông vì thế họ suy nghĩ hời hợt, bề ngoài và đấy là cái khó,” giáo sư Mai nói.

Trước câu hỏi Việt Nam hiện nay đang có những cải cách giáo dục ráo riết thì liệu những cải cách này đi tới đâu, có hiệu quả và có đi đúng hướng hay không, giáo sư Mai nói:


"Nếu căn cứ vào những người quản lý, lãnh đạo thì tôi không hy vọng. Cái lò đào tạo ra người quản lý là trường Nguyễn Ái Quốc, trường Đảng, thì đó là những nơi xơ cứng nhất, giáo điều nhất, kiến thức hẹp nhất.


“Họ lại rất thích áp đặt, không thích cãi lại, không thích hoài nghi khoa học thì làm sao họ có thể là người chủ xướng cho một sự khai phóng trong giáo dục, để cho mỗi học sinh là một nhân phẩm tự do, một thuyết khách tự do, để trưởng thành thành một con người - con người chính nó, của nó và riêng nó và đấy là một vấn đề lớn,” ông nói.


Giáo sư Nguyễn Khắc Mai cũng cho rằng xã hội đồng thời buộc phải sống và có những nhóm người phải gồng mình lên để phát triển tài năng, phẩm chất, phẩm hạnh của mình.


“Nhu cầu ấy tồn tại thường xuyên trong xã hội cho nên chúng ta thấy có những nhân vật kiệt xuất nổi lên, những người trẻ trong nhà trường khi ra nước ngoài, trong môi trường khoa học xã hội thuận lợi, họ phát triển được tài năng.


“Như thế tức là xã hội đang cố gắng bù đắp lại những thiếu sót, những lỗ hổng mà cơ chế và chính sách đang tạo ra.”


Bước đột phá

 

Liệu có hy vọng là những khuyến nghị mới nhất sẽ được giới lãnh đạo giáo dục ở Việt Nam tiếp thu, quyết tâm thực hiện hay không?


Giáo sư Nguyễn Khắc Mai cho biết là bao giờ cũng có những hy vọng nhưng có đạt được như mong ước tối đa hay không thì đó còn là câu hỏi.


"Trong tình hình này thì còn ở trong trạng thái nhùng nhằng. Hy vọng tới đây sẽ có được một sự bứt phá khỏi con đường đi hiện nay, tạo ra một chân trời mới."


Và để có được bước đột phá này theo ông cần có một số yếu tố như những người tử tế, có học, có tâm huyết, có đạo đức trong số các nhà lãnh đạo phải vươn lên, thực hiện lời dạy của Trần Nhân Tông, đi tới cùng chứ không thể nửa chừng nửa vời.


Ông hy vọng nếu giới trí thức hành động, suy nghĩ, dấn thân thì có thể đây sẽ là bước đổi mới.


Cuối cùng ông kết luận rằng để có một nền giáo dục mới hay cả trong các lĩnh vực khác thì phải xây dựng ba cột trụ, đó là lớp trí thức hiện tại phát triển với số lượng đông thêm; những doanh nhân cấp tiếp (không phải những doanh nhân thành đạt do ăn cắp ăn cướp của xã hội của nhà nước của dân mà thành đạt); và chính sách nhân văn.


“Đó là những cột trụ sẽ hy vọng đỡ cho ngôi nhà của đất nước,” giáo sư Nguyễn Khắc Mai nói.

____________

 

Nguồn: www.bbc.com

QUẢNG NINH: HỌP BÁO ĐẠI LỄ TƯỞNG NIỆM 705 NGÀY NHẬP NIẾT BÀN

Ngày 07/10/Quý Tỵ ( 09/11/2013), TW GHPGVN tổ chức buổi họp báo về đại lễ tưởng niệm 705 ngày nhập Niết bàn và khánh thành tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông tại Hội trường A BTS GHPGVN tỉnh Quảng Ninh, chùa Trình Yên Tử.

Chứng minh buổi lễ có HT.Thích Thiện Nhơn – quyền Phó Chủ tịch TT kiêm Tổng Thư ký HĐTS GHPGVN; HT.Thích Thanh Nhiễu – Phó Chủ tịch TT HĐTS GHPGVN; HT.Thích Gia Quang – Phó Chủ tịch kiêm Trưởng ban Thông tin Truyền thông TW GHPGVN; TT.Thích Thanh Quyết - Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Quảng Ninh; ông Nguyễn Minh Hồng – Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông tỉnh Quảng Ninh, cùng đại diện lãnh đạo các cơ quan ban ngành tỉnh Quảng Ninh và gần 100 nhà báo thuộc các cơ quan báo chí trung ương và địa phương cùng về tham dự và đưa tin.

Được biết Đại lễ tưởng niệm 705 năm ngày nhập Niết bàn và khánh thành bảo tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông do TW Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức được diễn ra trong 3 ngày từ 01, 02, 03 tháng 12 năm 2013 (29, 30/10, 01/11/Quý Tỵ) tại khu di tích – danh thắng Yên tử, Tp.Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh, HT.Thích Thanh Nhiễu – Phó Chủ tịch TT HĐTS GHPGVN làm Trưởng ban.

Tại cuộc họp báo TT.Thích Thanh Quyết đã chia sẻ: “Chương trình Lễ tưởng niệm 705 năm ngày nhập niết bàn và khánh thành tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông sẽ được tổ chức trang trọng theo quy mô đại lễ cấp quốc gia do GHPGVN chủ trì; bao gồm các hoạt động chính: Hội thảo khoa học "Khu di tích danh thắng Yên Tử - định hướng và phát triển"; Lễ tưởng niệm tại am Ngọa Vân - di tích nơi đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết bàn; Khai quang yên vị tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông; Lễ nhập linh trống đồng và chữ Tâm linh thiêng Yên Tử…Trọng tâm của loạt sự kiện là Đại lễ tưởng niệm và khánh thành tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông, diễn ra tại Khu di tích An Kỳ Sinh, nơi tôn trí tượng.

Đến nay, công tác chuẩn bị tổ chức, phục vụ Đại lễ đang gấp rút chuẩn bị đúng kế hoạch. BTS GHPGVN tỉnh Quảng Ninh đã chủ động kết hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh, các ban ngành tỉnh Quảng Ninh và UBND Tp.Uông Bí, UBND huyện Đông Triều triển khai các nội dung tổ chức phục vụ đại lễ…”

Đại lễ tưởng niệm 705 năm ngày nhập Niết Bàn và khánh thành tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông là sự kiện trọng đại của GHPGVN, chào mừng kỷ niệm 50 năm thành lập tỉnh Quảng Ninh tạo sức hút mới cho khu di tích danh thắng Yên Tử, khẳng định phương châm Đạo pháp đồng hành cùng dân tộc của Phật giáo Việt Nam, góp phần xây dựng xã hội văn minh no ấm.


Thông qua Đại lễ tưởng niệm và hội thảo đánh giá đúng vai trò của đức Vua – Phật hoàng Trần Nhan Tông trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, sự nghiệp đại đoàn kết các dân tộc, các tôn giáo Đại Việt, sự nghiệp tu hành và tư tưởng vĩ đại của thiền phái Trúc Lâm đã ảnh hưởng sâu rộng đối với nền văn hóa dân tộc Việt Nam, tổ chức, thực hiện kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích Yên Tử theo đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và phát triển ngang tầm thời đại.


Tại buổi họp báo Chư tôn đức ban tổ chức đã trả lời đầy đủ các câu hỏi và giải đáp các thắc mắc, ý kiến đóng góp của đông đảo phóng viên các báo đài về công tác tổ chức, quy mô sự kiện…

Cuối buổi họp báo HT.Thích Thanh Nhiễu đại diện TW GHPGVN phát biểu tri ân sự có mặt của đông đảo các phóng viên báo đài đã đến chia sẻ và đưa tin, Đây là một chương trình lớn của GHPGVN, Hòa thượng mong muốn các báo đài sẽ cùng phối hợp với ban tổ chức để thông tin truyền thông về sự kiện này đến đông đảo đồng bào phật tử trong cả nước thể hiện tinh thần nhập thế, tinh thần yêu nước đúng theo phương châm của GHPGVN “Đạo pháp – dân tộc – CNXH”.

Nhân dịp này chư Tôn đức cùng đông đảo phóng viên báo đài đã đến An Kỳ Sinh - Yên Tử, là nơi chuẩn bị khánh thành tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông.

 

 Cẩm Vân

_____________

 

Nguồn: phattuvietnam.net

 

KHÁNH THÀNH TƯỢNG PHẬT HOÀNG TRẦN NHÂN TÔNG

Tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông được xây dựng tại Khu An Kỳ Sinh, Yên Tử.


Trong ba ngày, từ mùng 1-3.12, Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ long trọng tổ chức Đại lễ tưởng niệm 705 năm ngày nhập Niết bàn và khánh thành tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông, tại khu di tích danh thắng Yên Tử, Quảng Ninh.


Lễ khánh thành bảo tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông được tổ chức ngày 3.12 tại khu An Kỳ Sinh, nơi đặt bảo tượng. Tượng được đúc bằng đồng nguyên khối, theo phương pháp thủ công của các làng nghề Đại Bái , Ý Yên (Nam Định), cao 15m với trọng lượng 138 tấn được đặt tại núi Yên Tử.

Nhằm tôn vinh công đức vĩ đại của Đức Vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông, Nhà nước đã phê duyệt dự án xây dựng bảo tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông từ nguồn kinh phí xã hội hóa với tổng mức đầu tư lên tới trên 75 tỉ đồng. Trung ương giáo hội Phật giáo VN cũng đang phối hợp với các ban, ngành liên quan lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận Đức Vua-Phật hoàng Trần Nhân Tông là Danh nhân văn hóa thế giới; Khu di tích lịch sử văn hoá nhà Trần tại Đông Triều và Khu di tích lịch sử, văn hóa và danh thắng Yên Tử là Di sản văn hóa thế giới.

____________

 

Nguồn: News.go.vn

TƯỢNG PHẬT HOÀNG TRẦN NHÂN TÔNG ĐÃ VỀ ĐẾN THỦ ĐÔ

Chiều ngày 19-11, bảo tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông đã về đến thủ đô.


Trước đó, bảo tượng đã được tôn trí 3 ngày tại thiền viện Thường Chiếu (Đồng Nai). Ngày 16-11, tôn tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông đã được nhóm Phật tử cung nghinh từ Đồng Nai ra thủ đô và về đến Cung Văn hóa Hữu Nghị (Hà Nội) vào 14g chiều ngày 19-11.

 

Chư tôn đức Ban Văn hóa TƯGH chụp ảnh trong thời khắc Bảo tượng mới đến thủ đô - Ảnh: Vũ Giang

 

Được biết, bảo tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông là một trong những bảo tượng bằng ngọc bích lớn nhất Việt Nam hiện tại, với chiều cao tổng thể 3,25m. Trong đó, kim thân bảo tượng được làm bằng chất liệu ngọc quý cùng với chất liệu tạc bức tượng Phật ngọc vì Hòa bình thế giới, cao 1,6m, nặng 2,5 tấn.

 

Tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông

 

Bảo tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông sẽ tọa vị trong không gian tổ chức Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần VII tại Cung Văn hóa Hữu nghị từ ngày 21 đến 24-11 để chư tôn đức Tăng Ni, đại biểu, Phật tử chiêm bái, đảnh lễ.


| Bảo Thiên - Vũ Giang

Theo: http://www.giacngo.vn/vanhoa/phatgiao/2012/11/19/1B5051/

TT HUẾ: KỶ NIỆM 704 NĂM PHẬT HOÀNG TRẦN NHÂN TÔNG NHẬP NIẾT BÀN

(LQ) Ngày 12/12, (29/10/Nhâm Thìn) tại chùa Từ Đàm (số 1 đường Sư Liễu Quán, TP. Huế) Ban Trị sự GHPG tỉnh TT Huế đã trang nghiêm cử hành đại lễ tưởng niệm 704 năm ngày Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết bàn (1308).

HT. Thích Đức Phương, Phó Pháp Chủ GHPG VN, Trưởng Ban Trị sự GHPG tỉnh cùng chư tôn Hòa thượng Giáo phẩm chứng minh BTS, Thường trực BTS, các ban, ngành trực thuộc BTS, Ban Đại diện Phật giáo các huyện, chư tôn đức Tăng, Ni các tổ đình, tự viện đã quang lâm tham dự.


Các ông Ngô Hòa, UVTV TU. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Trần Phùng, UVTV TU. Chủ tịch UBMT tỉnh, Nguyễn Đăng Thạnh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Huế cùng đại diện lãnh đạo các sở ban, ngành địa phương và đông đảo bà con Phật tử trong tỉnh đã đến dự thắp hương, dâng hoa bày tỏ lòng tri ân đối với công đức của đức vua.

Buổi lễ diễn ra trang nghiêm HT. Thích Đức Thanh, Phó Ban Trị sự đã tuyên đọc tiểu sử của đức vua Phật hoàng Trần Nhân Tông, HT. Thích Khế Chơn, Phó Ban Thường trực BTS tuyên đọc văn tưởng niệmđức vua và ông Ngô Hòa đại diện lãnh đạo tỉnh phát biểu. Những bài viết nêu cao tinh thần phụng sự tổ quốc, đạo pháp của Đức vua, Phật hoàng Trần Nhân Tông, một trong những lãnh tụ thiên tài, anh hùng dân tộc. Ngài lên ngôi năm 1278 (vị vua thứ ba của nhà Trần), ở ngôi 15 năm và làm Thái Thượng hoàng 15 năm. Ngài đã tham gia lãnh đạo quân dân hai lần đánh thắng quân xâm lược Nguyên Mông. Đối với đạo pháp, đức vua Trần Nhân Tông là vị vua duy nhất từ bỏ ngôi để đi tu và đắc đạo, sáng lập Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, Thiền phái Phật giáo độc lập duy nhất của Việt Nam. Lịch sử tôn vinh ngài là Đức Phật Việt Nam.

Ban Trị sự GHPG tỉnh TT Huế cử hành lễ tưởng niệm là để tưởng nhớ công lao và sự nghiệp vĩ đại của Phật hoàng Trần Nhân Tông ôn lại truyền thống vẻ vang của dân tộc, của đạo pháp trong công cuộc gìn giữ và bảo vệ tổ quốc bảo vệ đạo pháp.

Tiếp đó, nghi lễ truyền thống, chư tôn Hòa thượng cùng quan khách đại biểu đã niêm hương và dâng hương tưởng niệm công đức của đức vua Phật hoàng Trần Nhân Tông. Chư tôn đức đã xướng danh hiêu "Nam Mô Trúc Lâm Sơ Tổ Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông, Tổ Sư Tác Đại Chứng minh" và chí thành đảnh lễ tưởng niệm.

Nguyên Nguyên

| Lieuquanhue.com.vn

LỄ TƯỞNG NIỆM PHẬT HOÀNG TRẦN NHÂN TÔNG

Ngày 1-12, HT.Thích Trí Tịnh, Chủ tịch HĐTS đã ký văn bản hướng dẫn tổ chức lễ tưởng niệm lần thứ 704 Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết bàn.

Mở đầu, văn bản cho biết, trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, vua Trần Nhân Tông là một trong những lãnh tụ thiên tài, anh hùng của dân tộc; đối với đạo pháp, vua Trần Nhân Tông là một vị vua duy nhất trên thế giới từ bỏ ngôi vua để đi tu và đắc đạo, thống nhất được Phật giáo Việt Nam bấy giờ và hình thành tổ chức Giáo hội Trúc Lâm mang đậm nét Phật giáo Việt Nam. Qua những cống hiến của vua Trần Nhân Tông đối với dân tộc và đạo pháp, nhân dân, Tăng Ni, Phật tử tôn vinh Ngài là vị Vua Phật Việt Nam.

"Để tôn vinh những công đức của Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông đối với dân tộc và đạo pháp, căn cứ Nghị quyết Hội nghị Trung ương GHPGVN ngày 31-12-2008 về việc tổ chức Lễ tưởng niệm Phật hoàng Trần Nhân Tông, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự hướng dẫn việc tổ chức Đại lễ tưởng niệm lần thứ 704 ngày Đức vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết Bàn", văn bản khẳng định.

Theo đó, Đại lễ tưởng niệm lần thứ 704 ngày Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết bàn sẽ đồng loạt diễn ra vào lúc 08 giờ ngày mùng 01 tháng 11 Âm lịch tại văn phòng Ban Trị sự Tỉnh, Thành hội Phật giáo trong cả nước. Riêng văn phòng Trung ương Giáo hội sẽ phối hợp với Thành hội Phật giáo TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh tổ chức tại trụ sở Trung ương Giáo hội.

Chương trình lễ bao gồm: Tuyên bố lý do, giới thiệu chương trình, thành phần tham dự; sơ lược tiểu sử Phật hoàng Trần Nhân Tông; lời tưởng niệm của TƯGH và Ban Trị sự Phật giáo Tỉnh, Thành; phát biểu của chính quyền; dâng hương tưởng niệm Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông; cảm tạ của Ban Tổ chức. Thành phần tham dự gồm chư tôn giáo phẩm thành viên Hội đồng Chứng minh, Ủy viên Hội đồng Trị sự trú xứ tại địa phương; chư tôn đức tiêu biểu cho các hệ phái Phật giáo tại địa phương; thành viên Ban Trị sự; Ban ngành trực thuộc Tỉnh, Thành hội; Ban Đại diện Phật giáo quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; chư Tôn đức Tăng Ni trụ trì các cơ sở tự viện; chư Tăng Ni và Phật tử; quý cơ quan chức năng địa phương; cơ quan thông tấn, báo đài.

Văn bản mang số hiệu 499/TB.HĐTS và được gởi đến Ban Trị sự Phật giáo các tỉnh, thành trong cả nước.

| www.giacngo.vn

'THƠ TỤC' Ở NƠI THỜ PHẬT HOÀNG TRẦN NHÂN TÔNG

 
Chiếc bình được đặt ở tam bảo chùa Vân Tiêu, non thiêng Yên Tử và cận cảnh bài thơ nói chuyện mây mưa.

Bài thơ ca ngợi Dương Quý Phi với vẻ đẹp viên mãn và gợi dục sau một đêm được sủng ái xuất hiện tại chùa Vân Tiêu, Yên Tử - di tích gắn với Phật hoàng Trần Nhân Tông.

TS Trần Trọng Dương suýt nữa thì “ngất” trước những câu thơ của Lý Bạch trong bài Thanh Bình điệu, được chép trên một độc bình. Ngất, không phải vì thơ hay mà vì nó được đặt ở một nơi hoàn toàn không liên quan - tam bảo chùa Vân Tiêu, Yên Tử (Quảng Ninh). Trước đó nhiều năm, chùa Hỏa Tinh (Hà Nội) cũng có loại bình chép bài thơ này.

Ngàn đời còn nhớ

Theo TS Dương, Thanh Bình điệu là một trong những bài thơ tình nổi tiếng nhất trong lịch sử văn học Trung Hoa và thế giới. Chính Đường Minh Hoàng đã lệnh cho Lý Bạch làm bài thơ ca ngợi Dương Quý Phi. Bài thơ mô tả Dương Quý Phi với vẻ đẹp viên mãn và gợi dục như một đóa mẫu đơn ướt đẫm sương, sau một đêm được sủng ái. “Một áng văn chương sexy hết mực, đến nỗi nghìn đời sau còn nhớ đến”, TS Dương cho biết. Bài thơ này sau đó cũng được chép lên nhiều đồ gốm mỹ nghệ Giang Tây, như một sự quảng bá văn hóa Trung Hoa.

Một trong những sản phẩm đó - chiếc độc bình đã được mua và cúng tiến vào tam bảo chùa Vân Tiêu (Yên Tử). Trên bình, rành rành hai câu: “Nhất chi hồng diễm lộ ngưng hương/Vu sơn vân vũ uổng đoạn trường” (dịch nghĩa là: “Một nhành hồng thắm móc ngưng hương/Chuyện mây mưa ở Vu Sơn vốn đoạn trường”.

     

"Một bài thơ sex. Những câu thơ sex. Vu Sơn Vu Giáp là vị thần tình dục của Trung Hoa. Bây giờ chúng được đưa lên non thiêng Yên Tử thế này thì chết rồi."

 

• TS Trần Trọng Dương

   

“Một bài thơ sex. Những câu thơ sex. Vu Sơn Vu Giáp là vị thần tình dục của Trung Hoa. Bây giờ chúng được đưa lên non thiêng Yên Tử thế này thì chết rồi. Đây là chính điện chùa Vân Tiêu - nơi Phật hoàng tu luyện. Cụ ngồi đỉnh Vân Tiêu, gửi chơi cánh diều. Cụ chơi diều chứ chơi gì những cái này”, TS Dương nói, không giấu nổi bức xúc.

“Đã Vu Sơn hoặc là đã vân vũ thì chắc chắn là liên quan đến chuyện trai gái rồi. Chắn chắn để ở chùa là không hợp rồi. Phải yêu cầu người quản lý ở đó đi học ngay chữ Hán”, một nhà nghiên cứu Hán Nôm nói sau khi bật cười vì chiếc bình “lạ” này.

“Một là nơi thờ Trần Nhân Tông sao lại ca ngợi Dương Quý Phi. Chưa kể, nếu về nghĩa thì không phù hợp với bối cảnh chùa chiền vì nó có nói chuyện ân ái. Nhanh và luôn là như thế”, một nhà nghiên cứu Hán Nôm khác nói.

Cứ thấy chữ Hán là cho vào di tích

Việc những độc bình xuất hiện trong các di tích, ông Phạm Xuân Phúc, Phó chánh thanh tra Bộ VH-TT-DL, cho biết: “Số lọ xuất hiện rất nhiều. Chúng tôi đi thanh tra có di tích có đến hai chục cái lọ như thế. Chúng đều do người dân cúng tiến. Không phải lọ nào cũng có chữ, nhưng nếu có chữ nhiều khi người cúng tiến cũng không biết chữ đó nghĩa là gì”.

     

"Phải rà soát lại các di tích, tránh tình trạng cứ thấy chữ Hán là cho bừa vào di tích. Người cung tiến không đọc được, nhưng nhà quản lý thì phải có cách nào để hiểu được và thấy nó không phù hợp chứ."


• Một nhà nghiên cứu Hán Nôm

   

Về trường hợp này, ông Trần Thành, Phó cục trưởng Cục Di sản, khẳng định Cục sẽ xem xét xem cụ thể chiếc bình này đã được đưa vào di tích từ bao giờ. “Nếu đưa vào trong thời gian gần đây thì chắc chắn là trái luật rồi. Nó cũng chưa được sự đồng ý của cơ quan quản lý văn hóa vì nếu là di tích quốc gia thì phải có ý kiến của Bộ VH-TT-DL”, ông Thành nói.

Tuy nhiên, cũng có những trường hợp hiện vật lạ đã được đưa vào di tích trước khi xếp hạng, mà nhà quản lý lại không đủ điều kiện để thẩm định, rà soát. “Trước năm 2001, hồ sơ mang tính pháp lý là chính. Để có căn cứ pháp lý bảo vệ di tích của mình. Chứ còn từ 2001 có luật Di sản thì có yêu cầu kiểm kê di tích. Trong quá trình đó sẽ loại bỏ yếu tố không phù hợp với di tích được đưa vào trước khi xếp hạng”.

Tuy nhiên với trường hợp cụ thể này, chiếc bình sứ Giang Tây với những câu thơ Lý Bạch thật khó có thể là yếu tố gốc của di tích. “Nếu xuống thanh tra thì hoàn toàn có thể yêu cầu bỏ ra được. Nhất là những gì gây phản cảm cho di tích”, ông Trần Thành nói.

Theo nhiều nhà nghiên cứu Hán Nôm, tình trạng “loạn chữ” trong các di tích rất đáng báo động. Việc viết sai, viết nhầm rồi đặt nhầm chỗ như hai câu thơ Lý Bạch trên không khó tìm. “Phải rà soát lại các di tích, tránh tình trạng cứ thấy chữ Hán là cho bừa vào di tích. Người cung tiến không đọc được, nhưng nhà quản lý thì phải có cách nào để hiểu được và thấy nó không phù hợp chứ”, một nhà nghiên cứu Hán Nôm cho biết.

____________

Trinh Nguyễn
Nguồn: www.thanhnien.com.vn

TRẦN NHÂN TÔNG: SỞ ĐẮC GIẢI THOÁT & TƯ TƯỞNG PHẬT HỌC

Về cuộc đời và sự nghiệp lịch sử, giải thoát của vua Trần Nhân Tông, đã có nhiều công trình biên khảo: Trần Nhân Tông, thiền sư Việt Nam; Trần Nhân Tông, nhà văn hóa; Trần Nhân Tông, nhà thơ; Trần Nhân Tông, nhà quân sự ; Trần Nhân Tông, nhà lãnh đạo lỗi lạc; Trần Nhân Tông, nhà tư tưởng v.v…

Tiểu sử

- Dựa theo sử liệu của Nguyễn Lang trong ” Phật Giáo Việt Nam Sử Luận”, tập I, nhà xuất bản Văn học – Hà Nội,1994, và sử liệu trong “Thơ văn Lý Trần” , tập II, nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội – Hà Nội, 1989.

- Người tên thật là Trần Khâm, sinh năm 1258; con cả của vua Trần Thánh Tông; năm 20 tuổi lên ngôi báu, hiệu Nhân Tông; năm 36 tuổi làm Thái thượng hoàng, nhường ngôi cho Anh Tông; năm 41 tuổi xuất gia; năm 51 tuổi, 1308, viên tịch ở am Ngọa Vân, núi Yên Tử.

Thiếu thời, Người đòi nhường địa vị Đông cung thái tử cho em để xuất gia. Người thông lãm nội và ngoại điển, học Phật từ nhỏ, học Thiền định dưới sự chỉ dẫn của Tuệ Trung Thượng Sĩ.

Người đã cùng tướng sĩ triều Trần hai lần đánh bại đoàn quân xâm lược Nguyên Mông (năm 1285 và năm 1288), đoàn quân bách chiến bách thắng đã từng đánh bại nhiều nước ở châu Âu và Tống triều, Trung Quốc ; là vị vua yêu nước, anh hùng, rất “thân dân”, đã thực hiện thành công đại đoàn kết dân tộc (triều đình và nhân dân), mở Hội nghị dân chủ Bình Than và Diên Hồng, chủ trương “Tam giáo đồng nguyên”, viết nên trang sử lẫy lừng của dân tộc, và cả thế giới đương thời.

Người còn là nhà thơ, nhà văn hóa Việt Nam, là một nhân cách lớn của dân tộc.

Xuất gia, là tổ thứ sáu của thiền phái Yên Tử, và là sơ tổ dòng thiền Trúc Lâm, chủ trương thống nhất các thiền phái Phật Giáo tại Việt Nam (Tỳ-ni-đa-lưu-chi, Vô Ngôn Thông, Thảo Đường) mang nét đặc thù Việt Nam, tích cực dấn thân vào xã hội xây dựng hưng vượng xứ sở bằng từ bi, trí tuệ và đạo đức của Phật giáo.

Người thường giảng dạy kinh, luận và đạo Thiền cho các Tăng sĩ, truyền bá Thập thiện giới cho quần chúng, khuyên dân từ bỏ các dị đoan, hủ tục, đề cao đạo đức Phật giáo. Một lần Người vân du qua Champa thiết lập bang giao hữu nghị với vua Chiêm là Chế Mân, hứa gả công chúa Huyền Trân cho Chế Mân. Vua Chiêm đã dâng cho Việt Nam hai châu Ô và Rý (Thuận và Hóa) làm sính lễ.

Trần Nhân Tông đã biểu hiện rõ Người là một vị vua anh minh, một nhà lãnh đạo giỏi, một nhà tôn giáo tài ba, và là một thiền sư lỗi lạc.

Sở đắc giải thoát và tư tưởng Phật học của Trần Nhân Tông

1.Sở đắc giải thoát

Rất khó có thể biết được sở đắc giải thoát của một người qua sự khảo sát bên ngoài, nhất là người ấy lại là Điều Ngự Giác Hoàng Nhân Tông. Càng khó hơn khi người biên khảo chưa từng trải nghiệm giải thoát (tâm và tuệ giải thoát). Điều duy nhất người biên khảo có thể đề cập là theo dấu các sự kiện biểu hiện thái độ sống, cung cách hành xử, và thi ca, kệ tán của Người để hình dung ra dòng vận hành tâm thức của Điều Ngự:

a) Là một thanh niên thông rõ nội và ngoại điển, hiếu học, hiếu từ, nhân ái, từng trốn khỏi hoàng cung xuất gia tầm đạo, xem ngôi báu như đôi dép cỏ, hẳn là đã có một nhân tố giải thoát hiện diện trong tâm thức người từ thơ ấu: nhân tố ấy đã giục Người vào nơi vắng vẻ, xa xôi của núi Yên Tử, đã giục tâm thức người vươn dậy hướng về ánh sáng núi rừng, rời xa vùng ngã tướng, ngã niệm, cấu uế, thị phi phiền não. Đây là sự choàng tỉnh của tâm thanh tịnh thuộc Dục giới và Sắc giới – còn gọi là tịnh quang tâm của cõi Dục và cõi Sắc – cái tâm thức mở cửa đi vào thiền định, vào “tâm giải thoát”.

b) Năm 20 tuổi đăng quang, đã liền đi vào hai cuộc chiến chống ngoại xâm Nguyên Mông đầy ác liệt và gian khổ: đây là dịp để Người thể nghiệm sâu sắc cái vị đắng của sinh tử, vô thường, mộng mị của nhân tình thế thái, từ đó hào tâm trỗi dậy, tâm khoan dung trỗi dậy, và tâm từ bỏ danh sắc, lợi lộc trần thế trỗi dậy giục Người quyết định hướng sống xả ly của tự thân và xây dựng kỷ cương, đạo đức cho xã hội, như là sự kiện đại đế A-Dục (Asoka) thức tỉnh giữa trận chiến đẫm máu Kalinga, xứ Ấn vào thế kỷ thứ III trước Tây lịch kỷ nguyên, từ bỏ đao, kiếm dùng đạo đức Phật giáo để nhiếp dân.

c) Người được thân cận học hỏi giáo lý trí tuệ từ bậc thạc đức vô nhị thượng nhân Tuệ Trung Thượng Sĩ là nhân duyên lớn giúp Điều Ngự cắm rễ tâm thức vào sâu lòng đất giải thoát: Thượng Sĩ như là một bệ phóng an toàn đẩy phi thuyền Điều Ngự đi vào vùng trời giải thoát bao la, một thể cách giải thoát thực hiện trong đời sống chính trị, xã hội rất thiết thực, rất nhân bản và rất trí tuệ. Đây là nhân duyên dẫn đến sự ra đời của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đậm đà sắc thái Việt Nam: ” sống đời vui đạo cứ tùy duyên” – cái tinh thần “tùy duyên nhi bất biến”, hay “dĩ bất biến ứng vạn biến”.

d) Chùa Hoa Yên ở trên vùng cao của núi Yên Tử. Chỉ cần ở đó Điều Ngự lên xuống núi đôi lần trong một tuần lễ thì đủ duyên để chứng nghiệm cái rã rời , hư ảo của thân tâm (ngũ uẩn) thành tựu công phu hành trì Tứ Niệm Xứ (thiền định Phật giáo), buông xả tự nhiên hết thảy vọng niệm, cấu uế tâm, thanh thản với núi rừng, và sản sinh ra các thi, kệ, tư tưởng cao vời.

Tất cả, ít nhất, bốn duyên nói trên là nhân tố xác định – hay dấu hiệu xác chứng – tất yếu sở đắc giải thoát rất sâu của Điều Ngự mà về sau Người đã ghi lại trong các thi, kệ cảm tác của Người.

e) Sở đắc giải thoát

Các nhân duyên trên là ánh sáng rọi vào thi, kệ của Người hầu có thể bắt gặp cấp độ tâm thức giải thoát mà Người đã trải nghiệm, như là:

- Trong một buổi “đại tham” ở chùa Sùng Nghiêm, Điều Ngự Giác Hoàng đã mở lời với bài kệ:

“Thân như hơi thở qua buồng phổi

Kiếp tựa mây luồn đỉnh núi xa

Chim Quyên kêu rã bao ngày tháng

Đâu phải mùa xuân dễ luống qua”.



“Thân như hô hấp tỵ trung khí

Thế tự phong hành lĩnh ngoại vân

Đỗ quyên đề đoạn nguyệt như trú

Bất thị tâm thường không quá xuân”


(VNPGSL, ibid., tr 374)

Bài kệ ghi rõ một kinh nghiệm thiền quán về thân ngũ uẩn của con người: hành giả hành thiền cần thấy rõ nơi thân, tâm mình cái mỏng manh, vô thường, tạm bợ, không thật; những gì ở trên thân và ngoài thân là vô hộ, vô chủ, không thuộc về ta, không phải là ta, không thuộc về ai, không phải là ai. Từ kinh nghiệm đó, tâm thức tự động rời xa dục vọng, sân hận, vị kỷ, xan tham, đố kỵ v.v… mà giáp mặt với hân hoan, hỷ lạc, khinh an, thanh thản. Được vậy thì không uổng phí thời gian, tiếp tục nỗ lực, tinh cần thể nghiệm. Đây là lời lẽ nhắc nhở và đánh thức Tăng chúng đi vào thực nghiệm lời đức Phật dạy ở kinh Niết Bàn, phẩm Thánh hạnh, rằng:

“Chư hành vô thường

Thị sanh diệt pháp.

Sanh diệt diệt dĩ

Tịch diệt vi lạc”

Hai câu cuối bài kệ trên là chỗ về của người tu sĩ Phật giáo, là nội dung mà Bồ tát Tuyết Sơn (trong bản kinh) sẵn sàng đổi thân mình cho quỷ La Sát ăn thịt để được nghe. Đó cũng là sở đắc, sở chứng mà Điều Ngự Giác Hoàng muốn trao truyền cho các Tăng sĩ Việt Nam, đánh thức họ đi ra khỏi vùng tâm thức của ngã niệm, của các nghi vấn, thắc mắc nêu ra nhiều câu hỏi ách yếu về sự thật của nhân sinh và thế giới: họ luôn luôn mong chờ các câu trả lời, các lời giải đáp về thế nào là Phật ? Thế nào là Pháp ? Thế nào là Tăng ? Thế nào là gia phong của chư Phật , chư Tổ ? v.v… Điều Ngự luôn nhấn mạnh vào tám chữ “sinh diệt diệt dĩ, tịch diệt vi lạc”, nhắc nhở Tăng sĩ hãy quay trở về tự tâm mình để dập tắt các ngã tưởng, vọng tưởng ấy : Khi các ngã tưởng, ngã niệm được dập tắt thì các ngã tướng sinh diệt cũng bị dập tắt - đó là sự dập tắt sinh diệt, trong câu “sinh diệt diệt dĩ – thì tham ái, chấp thủ bị dập tắt theo: đây là thời điểm chứng nghiệm an lạc, giải thoát – điều mà kinh gọi là “Tịch diệt vi lạc” – Điều Ngự cứ mãi dồn Tăng sĩ vào một điểm duy nhất là : vấn đề trọng yếu là chứng nghiệm an lạc, giải thoát, mà không phải nói về, nghĩ về an lạc, không phải là hỏi hay trả lời ! Đây cũng là kinh nghiệm tuyệt vời của Tuệ Trung Thượng Sĩ khi Thượng Sĩ bảo: “Đạo bất tại vấn, vấn bất tại đạo”.

Điểm trao truyền kinh nghiệm tâm thức giải thoát nầy của Điều Ngự Giác Hoàng và của Tuệ Trung Vô nhị Thượng Sĩ đích thị là linh hồn, là sức mạnh tinh thần (hay tâm linh) của Phật giáo đời Trần, của Phật giáo Lý-Trần, đỉnh cao của tư tưởng Phật giáo Việt Nam và tư tưởng Việt Nam vậy: lúc nào mà sức sống thiền định nầy chuyển vào tư thế yên nghỉ của tư tưởng và văn học thì Phật Giáo Việt Nam và Việt Nam đi vào suy yếu; ngược lại, khi nào tư tưởng và văn học Lý Trần chuyển hiện vào sự sống thì Phật Giáo Việt Nam và Việt Nam ắt hẳn đi vào hùng cường, hưng vượng.

- Ý nghĩa “sinh diệt diệt dĩ” là ý nghĩa “bất sinh bất diệt”, vốn là sự thật muôn thuở của vạn hữu: tất cả hiện hữu đang tồn tại bất sinh bất diệt trong vận hành của Duyên khởi, mãi mãi tồn tại như thế. Chỉ có các ngã tướng do các ngã niệm, ngã tưởng ảo vọng của con người dựng nên là sinh diệt. Sự thật này thật sự đã được Điều Ngự Giác Hoàng chứng đắc lúc sinh tiền, và an trú vào sự thật đó cho đến thời điểm trút bỏ hơi thở sau cùng – giờ tý, ngày 21 tháng 10 âm lịch, năm 1308 – khi Người nói lên bài Kệ thị tịch giã từ Tăng chúng rằng:

“Mọi pháp đều không sinh

Mọi pháp đều không diệt

Nếu hiểu rõ như thế

Thì thấy chư Phật thường hiện diện.

Có đi lại, sinh diệt gì đâu? (!)”

“Nhất thiết pháp bất sinh

Nhất thiết pháp bất diệt

Nhược năng như thị giải

Chư Phật thường hiện tiền

Hà khứ lai chi hữu?”

(VNPGSL,ibid,tr.395)


2.Tư tưởng Phật học, thái độ tự tại của Điều Ngự

Từ sở chứng, sở đắc về Định và Tuệ nói trên, qua từng giai đoạn đời sống, Điều Ngự Giác Hoàng đã biểu hiện mức độ uyên áo khác nhau qua thái độ sống và hành xử đầy khoan dung, nhân ái, dũng cảm, trí tuệ mà an nhiên tựï tại:

- Lúc tại vị, Người là vị vua yêu nước, anh hùng, “thân dân”, đầy trách nhiệm và thể hiện tốt đẹp đại đoàn kết dân tộc.

- Lúc làm Thái thượng hoàng cũng vậy.

- Lúc tu hành xuất thế thì tự giác, giác tha, xây dựng một Giáo Hội PGVN có kỷ cương, có hồn, thống nhất tư tưởng và tổ chức các hệ phái. Người quan tâm đến việc giới thiệu một nếp sống đạo đức Phật Giáo cho nhân dân, và cả việc giữ yên bờ cõi, thiết lập bang giao hữu nghị với Chiêm Thành. Đời sống thì tự nhiên, tự tại, dung dị, đạm bạc. Người bảo:

“Niên thiếu chưa từng hiểu sắc, không

Xuân đến, hoa sắc vướng tơ lòng.

Nay thì thấy rõ bộ mặt thật của chúa Xuân

Người an nhiên ngắm đóa hồng nở, rụng”

“Niên thiếu hà tằng liễu sắc, không

Nhất xuân, tâm sự bách hoa trung

Như kim khám phá Đông Hoàng diện

Thiền bản bồ đoàn khán trụy hồng”


(VNPGSL,ibid.,tr.391)

Đấy là thái độ sống an nhiên của trí tuệ trước cảnh đời biến động, vô thường, hệt như thái độ của Nhiếp Chính Ỷ Lan thể hiện cẩm nang mà Lý Thánh Tông để lại từ kinh nghiệm sống giá trị rút ra từ Phật giáo:”Vạn biến như lôi, nhất tâm thiền định”. - Trong “Cư trần lạc đạo phú”, Điều Ngự xác nhận:

“… Tranh công danh, lồng nhân ngã, thật ấy phàm ngu

Xây đạo đức, dời thân tâm, định nên thánh trí…”





“Sống đời vui đạo cứ tùy duyên

Hễ đói thì ăn, mệt nghỉ liền.

Trong nhà có báu, đừng chạy kiếm

Vô tâm đối cảnh, hỏi chi thiền?”


(vô tâm đối cảnh = trước các sắc trần… tâm không khởi lên lòng tham, lòng sân, lòng si, không ưu bi, sợ hãi) -không dính mắc-
Đây cũng là hệ quả tất nhiên của sự thực hành Định, Tuệ Phật Giáo – nói đủ là Giới, Định, Tuệ-

Tại đây, chúng ta có thể mạnh dạn phát biểu rằng: tư tưởng, triết lý thời Lý, Trần (ở Việt Nam) là tư tưởng, triết lý sống, hay sống triết lý, mà không phải là triết lý thuần túy huyền đàm. Chúng ta hãy tiếp tục lắng nghe “triết lý sống-sống triết lý” ấy của Điều Ngự khi Điều Ngự nói đến các vấn đề triết lý ách yếu xưa nay của Đông, Tây:

"Có có không không

Giây khô cây ngã

Thầy tu áo vá

Nhức não, đau đầu”


(“Hữu cú, vô cú

Đằng khô, thụ đảo

Kỷ cá nạp tăng

Chàng đầu hạp não”)

"Có có không không

Chẳng có chẳng không

Ghi dấu mạn thuyền

Sau nầy tìm kiếm (thanh kiếm)

Theo bức tranh vẽ

Đi tìm ngựa đẹp”


(“Hữu cú, vô cú

Phi hữu, phi vô

Khắc chu cầu kiếm

Sách ký án đồ”)

"Có có không không

Từ xưa đến nay

Chấp vào ngón tay

Quên mất mặt trăng

Chết đuối trên cạn” (đất bằng)"


“Hữu cú vô cú

Tự cổ tự kim

Chấp chỉ vong nguyệt

Bình địa lục trầm”

"Có có không không

Như thế, như thế

Tám chữ mở xong

Không còn gì quan trọng”

“Hữu cú vô cú

Như thị, như thị

Bát tự đả khai

Toàn vô ba tỵ”


(ba tỵ: là cái mũi lớn: ý nói vấn đề nổi bật, quan trọng.

Tám chữ :

“Sanh diệt diệt dĩ

Tịch diệt vi lạc”

(Phẩm Thánh Hạnh, Kinh Niết Bàn)

(VNPGSL,ibid., tr;382-385)


Các nhà tư tưởng xưa nay đều đi vào các tri kiến chủ trương thường hằng, đoạn diệt, vừa thường hằng vừa đoạn diệt, hoặc phi thường phi đoạn.v.v…

Các tri kiến ấy đều rơi vào ngã tưởng, ngã niệm cả khi nói đến chân như, tuyệt đối. Đó là hiện tượng ngỡ ngón tay chỉ mặt trăng là mặt trăng, hệt như tưởng rằng nói về thực tại, sự diễn đạt thực tại là thực tại. Vấn đề là đi vào thực tại để thể nghiệm thực tại mà không phải là nói về hay nghĩ về. Nói khác đi, thực tại thì khác với triết lý, hoặc thực tại là triết lý siêu đẳng. Con đường sống của Điều Ngự Giác Hoàng quả là con đường triết lý siêu đẳng: con đường trở về chính mình để thể nghiệm ở tâm thức mình sự thật và hạnh phúc. Điều Ngự viết:

”Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch

Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền”

(Cư trần lạc đao phú)

"Tịnh độ là lòng trong sạch, chớ còn ngờ hỏi đến Tây phương

Di-đà là tính sáng soi, mựa phải nhọc tìm về cực lạc”

(Cư trần lạc đạo phú)

Đó là sự trở về với “dừng tham ái”,”lắng thị phi” và để tâm an nhàn, tịnh lạc:

“Mình ngồi thành thị;

Nết dùng sơn lâm.

Muôn nghiệp lặng, an nhàn thể tính;

Nửa ngày rỗi, tự tại thân tâm.

Tham ái nguồn dừng, chẳng còn nhớ châu yêu, ngọc qúy.

Thị phi tiếng lặng, được dầu nghe yến thốt, oanh ngâm”

(Cư trần lạc đạo phú)


Đó là sự trở về an trú vào giác tỉnh Tánh Không (Chân không: Sunyatà), chứng ngộ thực tướng để không còn vướng bận, vướng mắc vào các quan điểm bộ phái Tiểu, Đại, Nam, Bắc, và không còn ngại tránh các thanh sắc trần thế, để “sống đời vui đạo”, tùy duyên mà xử sự:

"Hỏi phép chân không, hề chi lánh ngại thanh chấp sắc.

Biết chân như, tin bát nhã, chớ còn tìm Phật, Tổ Tây, Đông,

Chứng thực tướng, ngộ vô vi, nào nhọc hỏi kinh thiền Nam Bắc”.

(Cư trần lạc đạo phú)

Với sự trở về ấy thì mọi sự khác biệt về giai cấp, chủng tộc, màu da, quan điểm hay phái tính đều có đất thực tại nhân bản để gặp gỡ. Đấy là cái nhìn và thái độ sống rất trí tuệ Phật giáo nhằm giúp tự thân tự tại đi ra khỏi các vướng mắc, và giúp xã hội thực hiện được đại đoàn kết dân tộc, giáo hội thống nhất được các bộ phái làm sống dậy mạnh mẽ tiềm năng của dân tộc. Nếu muốn nói thái độ sống đó của Điều Ngự là rất hiền triết, rất triết lý, rất tư tưởng, thì cần hiểu đó là triết lý rất riêng của Việt Nam gọi là Siêu vượt triết lý (Transcendental Philosophy) hay triết lý Nhân bản thực tại luận (Humanist Realism) vừa giải quyết Vấn đề giải thoát của nhân sinh, vừa giải quyết các vấn đề của quốc gia, xã hội.

Thế là, vào thế kỷ XIII (có thể nói từ thế kỷ XI) Việt Nam đã hình thành một hệ nhân sinh quan và vũ trụ quan rất riêng, mang đậm dấu ấn của trí tuệ và đạo đức Phật giáo của đức Phật Gotama. Từ đầu thế kỷ XXI nầy, trước các khủng hoảng của các tư tưởng hệ, bao gồm tư tưởng khoa học, khủng khoảng môi sinh và đạo đức xã hội, triết lý nhân bản thực tại luận của Điều Ngự Giác Hoàng càng nổi bật nét đặc thù rất đáng được thời đại tham cứu. Điều Ngự và Trúc Lâm Yên Tử như đang tỏa sáng hơn bao giờ!

 

| Tỷ kheo Thích Chơn Thiện

 

( Theo VHPG số 70 )

BÓNG HÌNH ĐỂ LẠI VÀ BỨC THƯ HỌA VỀ TRÚC LÂM ĐẠI SĨ

Bóng hình để lại là một khảo cứu công phu của Nguyễn Nam về cuộn thư họa Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ (竹 林 大 士 出 山 圖)[1] - trong đó có bức tranh mà nhân vật chính chính là Sơ tổ thiền phái Trúc Lâm Việt Nam. Bức họa ra đời từ năm 1363 vẽ lại quang cảnh Phật hoàng Trần Nhân Tông xuống núi, khởi sự giáo hóa chúng sinh. Sự kiện này được xác định xảy ra vào năm 1304 khi vua Trần Anh Tông cùng triều thần, quan binh nghinh đón đức Điều Ngự hồi kinh, truyền tâm giới bồ tát. Nhiều khả năng bức họa được một nhóm người Việt tổ chức vẽ thông qua một họa sư sống ở Hàng Châu (Trung Quốc) có tên Trần Giám Như (陳鑑如).

PGS.TS. Vũ Thanh


Bóng hình để lại là một khảo cứu công phu của Nguyễn Nam về cuộn thư họa Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ ( 竹 林 大 士 出 山 圖 )[1] - trong đó có bức tranh mà n hân vật chính chính là S ơ tổ thiền phái Trúc Lâm Việt Nam . Bức họa ra đời từ năm 1363 vẽ lại quang cảnh Phật h oàng Trần Nhân Tông xuống núi, khởi sự giáo hóa chúng sinh. Sự kiện này được xác định xảy ra vào năm 1304 khi vua Trần Anh Tông cùng triều thần, quan binh nghinh đón đức Điều Ngự hồi kinh, truyền tâm giới bồ tát . Nhiều khả năng bức họa được một nhóm người Việt tổ chức vẽ thông qua một họa sư sống ở Hàng Châu (Trung Quốc) có tên Trần Giám Như ( 陳鑑如 ) . Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ được Trần Giám Như hoàn thành, sau lại được các danh sĩ đời Minh và một danh sư Nhật Bản viết nối thêm lời bình dẫn. Thư pháp đặc sắc của họ hợp cùng họa phẩm tạo nên một chỉnh thể nghệ thuật thư - họa, có tổng chiều dài lên đến gần 10m. Trần Giám Như và chủ nhân của tác phẩm hội họa này - Trần Quang Chỉ ( 陳 光 祇 ) đều mang họ Trần có thể có mối liên quan mật thiết với các hậu duệ nhà Trần đang lưu lạc ở Hoa Hạ. Việc hoàn thành bức tranh của Trần Giám Như chắc chắn có sự giúp sức của những người Việt nhằm phục dựng lại diện mạo của Phật hoàng và các nhân vật lịch sử có liên quan, thể hiện tư tưởng hòa đồng của Trần Nhân Tông, cũng như quang cảnh mang những bản sắc riêng của người Việt khi nghênh đón Điều ngự giác hoàng xuống núi… Bức thư họa sau hơn 600 năm lưu lạc, trải qua bao biến đổi thăng trầm, có một số phận hết sức ly kỳ nơi xứ người, nay lại xuất hiện bất ngờ trong một buổi đấu giá với cái giá gây “kinh hoàng” cho giới sưu tầm đồ cổ : 1,8 triệu USD. Tuy nhiên đó chỉ là bản phục chế cao cấp của bức thư họa trong cuộc đấu giá mang tên “Trung Quốc thư họa” do Công ty đấu giá quốc tế Poly (Bảo Lợi, Bắc Kinh) tổ chức ngày 23.4.2012. Bản gốc của bức thư họa nay vẫn được lưu giữ tại Bảo tàng Liêu Ninh (Trung Quốc).


Quả thật sự xuất hiện của bức họa đồ là một sự kiện văn hóa lớn trong thời điểm Phật hoàng Trần Nhân Tông với những đóng góp vô song của Người cho lịch sử và văn hóa dân tộc đang trở thành biểu tượng cho sự chiến thắng, sức mạnh, lòng nhân từ, sự cởi mở và hòa hợp của cả dân tộc, khi tên tuổi của Người cũng đang thu hút sự chú ý của những tấm lòng yêu chuộng hòa bình, hòa giải trên toàn thế giới với Giải thưởng danh giá mang tên Trần Nhân Tông.

Cuốn chuyên khảo công phu của Nguyễn Nam Bóng hình còn lại với hơn hai trăm trang biên khảo và sưu tầm tư liệu đã diễn tả hành trình đi tìm lại bức cuộn thư vô giá này, diễn tả lại cái duyên hội ngộ của tác giả cuốn sách trong nhiều năm trời dõi theo hình bóng của Phật hoàng ở ngoại quốc. Gọi là duyên hội ngộ nhưng cũng phải là người có điều kiện và tâm sức như anh mới có thể “thâm nhập” tìm kiếm để đem lại cho bạn đọc những trang tư liệu đặc sắc khi tìm hiểu và giải mã bức cuốn thư. Có thể đọc thông thạo chữ Hán, chữ Nôm, tiếng Trung và tiếng Anh, Nguyễn Nam lại có chỗ dựa vững chắc là Đại học Harvard và Viện Harvard – Yenching (Hoa Kỳ) – nơi anh từng lưu học và làm việc, cũng như sự giúp đỡ của cả những người bạn trên đất Trung Hoa nên ở anh có sự hội tụ của nhiều điều mà nhiều nhà nghiên cứu khác khó có được.


Phần cơ bản của cuốn chuyên luận gồm các chương mục: Duyên khởi , Nghi vấn còn đây với Trúc Lâm Đại sĩ xuất sơn đồ , Những “đồng tác giả” của Trúc Lâm Đại sĩ xuất sơn đồ , Hiện thực, suy tưởng và ước lệ trong tranh , Tiếng xưa đồng vọng, Bản gốc các bài tán dẫn , Trùng điệp hình bóng tận mai sau , Phần phụ lục bao gồm: Các dấu ấn chương trên thủ quyển Trúc Lâm Đại sĩ xuất sơn đồ , Tranh tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông trong kiến trúc và thư tịch cổ , Toàn bộ bức thư họa , Thư mục tham thảo chính , Bảng tra cứu… Bạn đọc sẽ bị cuốn theo từng phần của cuốn sách, theo những kiến giải uyên bác đầy tinh thần thực chứng của Nguyễn Nam khi anh soi rọi bức cuốn thư từ nhiều phương diện, diễn giải tác phẩm từ góc độ lịch sử- chính trị- tôn giáo , giải mã những bí ẩn của tác phẩm nghệ thuật này một cách chi tiết, cụ thể.


T rung tâm của cuộn thư - họa là tranh Đại sĩ xuống núi . B a đại cảnh sẽ lần lượt hiện ra trước mắt người xem. Đầu tiên là một đoàn triều thần, quan binh văn võ đứng đầu là hoàng thượng Trần Anh Tông với kiệu hoa nghênh đón Đại sĩ; là Đại sĩ ngồi trên cáng võng có chúng dân, tăng sĩ, đạo sĩ Lâm Thời Vũ và tiên hạc được chăn dắt tháp tùng; là các vị tăng Thiên Trúc theo cùng voi trắng chở kinh sách. Ba cảnh tượng ấy có thể xem như ba sắc thái tôn giáo Nho – Phật – Đạo được phối trí hài hòa, cân đối trong họa phẩm, thể hiện tư tưởng nhân hòa, kết tinh những tinh hoa tiêu biểu của thời đại trong con người Phật hoàng. Trong bức cuốn thư còn có các bài tán từ, tán ký của các nhân sĩ Nho – Phật – Đạo Trung Hoa vinh danh Trúc Lâm đại sĩ. Các bài bình tán của những nhân vật nổi tiếng này được viết vào các thời điểm khác nhau, trong đó có cả lời bình tán của một bậc cao tăng người Nhật Bản, ngài Musho Tokushi (Vô Sơ Đức Thủy). Điều đó khiến cho tác phẩm nghệ thuật này trở thành nơi giao lưu của văn hóa vùng Đông Á, nơi hội tụ tư tưởng của thời đại.


Có thể nói cuộn thư họa Trúc Lâm Đại sĩ xuất sơn đồ là một tác phẩm nghệ thuật đa tầng lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, do vậy cũng đa nghĩa về mặt nội hàm và không hề dễ tiếp cận để thông hiểu . Việc dịch thuật, khảo chú, phân tích các bài tán và các dấu ấn chương, cũng như việc phẩm bình , giải mã toàn bộ bức cuộn thư được Nguyễn Nam tiến hành một cách thận trọng và công phu. T rên cơ sở các thông tin từ các bài tán này, cũng như những đối chiếu từ sử sách và các tài liệu liên quan, nhà nghiên cứu đã phần nào phục dựng lại một cách khá thuyết phục nội dung tự sự của bức tranh , những thông điệp mà bức tranh mang lại và những vấn đề lịch sử , văn hóa xung quanh bức cuộn thư . Qua đó anh đã cung cấp cho người đọc một vốn tri thức quan trọng từ lịch sử, văn hóa, hội họa, văn học, ngôn ngữ , mỹ thuật … để thâm nhập , thông hiểu và đọc sâu vào cuốn họa thư vốn có nội dung tự sự phong phú mang tính liên văn bản và không ít điều bí ẩn. Những phân tích và khảo tả về hội họa cổ điển Trung Hoa của anh xung quanh những vấn đề có liên quan đến tác phẩm nghệ thuật này cũng hết sức bổ ích với bạn đọc. Điều đó tạo nên sức hấp dẫn và truyền cảm của cuốn chuyên luận.


Chuyên luận của Nguyễn Nam và sự xuất hiện của bức cuốn thư mà trung tâm là hình bóng của người anh hùng dân tộc, nhà văn hóa lỗi lạc Trần Nhân Tông, biểu tượng của sự hội tụ trí tuệ, lòng nhân ái và sức mạnh tinh thần lan tỏa của dân tộc chắc chắn sẽ thu hút sự quan tâm của độc giả, các nhà khoa học, các nhà văn hóa, những người am hiểu lịch sử, nghệ thuật, những người con đất Việt và những người bạn của chúng ở khắp nơi trên thế giới. Rồi đây khi cuốn sách và các ảnh chụp về bức cuộn thư đến tay bạn đọc, sẽ có thêm những luận giải khác nhau, những quan điểm khác nhau xung quanh Trúc Lâm Đại sĩ xu ất sơn đồ . Chúng ta sẽ có được nhiều thông tin và tư liệu mới từ các nhà khoa học, nhưng có thể nói những thông tin mà Nguyễn Nam đem lại là hết sức cần thiết và quý giá. Phương pháp làm việc, vốn tri thức và sự tận tâm của anh sẽ mở nguồn cho những tìm kiếm tiếp theo.


Trong thâm tâm mình tôi rất mong rằng, cùng với thời gian, nhiều điều mà Nguyễn Nam dự đoán sẽ trở thành hiện thực và cũng nhiều kiến giải của anh sẽ trở nên “lạc hậu” khi chúng ta quy tụ được những ý kiến, những tấm lòng và những tìm kiếm quý báu của các bậc thức giả khác, khi chúng ta có thêm những thông tin về lai lịch của tác giả thực sự của bức tranh, xuất xứ của bức tranh, thông điệp sâu xa của tác phẩm nghệ thuật khi nó hiện hữu trên đất nước Trung Hoa và trở thành nơi hội tụ trí tuệ của những người yêu chuộng cái đẹp, sự yên bình trong khu vực trước cuộc chiến tranh xâm lược tàn khốc do Minh Thành Tổ sắp tiến hành tại quê hương của nhân vật chính trong bức họa – người anh hùng của thời đại, người mà lòng nhân ái hòa bình đã lay động lương tâm của các nhà văn hóa trong cả khu vực. Và một điều hy vọng lớn lao nữa: vào một ngày nào đó bức tranh quý mang hình bóng của Phật hoàng sẽ trở về quê hương nơi Người đã sinh ra, nơi trí lự và sức mạnh tư tưởng của Người đã lan tỏa, rọi sáng vượt ra khỏi biên cương đất nước, trở thành thông điệp của thời đại. Ngày vui trở về ấy liệu còn bao xa ?


Sự xuất hiện của bức thư - họa Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ cho thấy nhiều tư liệu phản ánh lịch sử, giao lưu văn hóa của dân tộc vẫn còn bị lưu tán ở ngoài nước. Nhận biết và sưu tầm kịp thời các giá trị lịch sử, văn hóa vô giá này , góp phần phục dựng bức tranh quá khứ của đất nước là trách nhiệm của những người hôm nay. Cuốn chuyên khảo Bóng hình để lại đã làm những công việc đầu tiên đầy ý nghĩa trên con đường tìm lại một báu vật của cha ông. Những trang cuối của cuốn sách đã khép lại nhưng còn bao vấn đề đang còn đặt ra chưa được giải quyết, thôi thúc các nhà nghiên cứu, các nhà văn hóa phải tìm tòi, giải đáp.

 

Nguồn: http://vienvanhoc.org.vn/

____________


[1] Nguyễn Nam, Bóng hình để lại - Chuyên luận Trúc Lâm Đại sĩ xuất sơn đồ, Đặc san Suối Nguồn, số 7, Tp. Hồ Chí Minh: Trung tâm dịch thuật Hán-Nôm Huệ Quang và Nxb. Hồng Đức, 11/2012.

TRÒ CHUYỆN VỚI NHẠC TRƯỞNG ARMAND, ĐẠI SỨ GIẢI THƯỞNG TRẦN NHÂN TÔNG

“Tình yêu, ý chí và bền bỉ là những phép màu kì diệu giúp chúng tôi có được sự thành công như ngày hôm nay” – Nhạc trưởng Armand Diangienda, Đại sứ giải thưởng Trần Nhân Tông, người được vinh danh giải thưởng âm nhạc Charles Ansbacher đã dành một cuộc trò chuyện tưởng như không dứt với ông Bùi Đức Lại và TranNhanTong.Net.

Thực tế, có rất nhiều sự đồng cảm giữa hai đất nước Việt Nam và Công Gô, đồng cảm về hoà giải và tình yêu thương trên đất nước các bạn mà chúng ta có thể cùng nhau gây dựng.

 

                   Nhạc trưởng Armand Diangienda

Nhạc trưởng Armand:Vâng, thực sự là có một điều đáng làm và âm nhạc có thể mang đất nước chúng tôi đến gần nhau.

Ông đã từng lưu diễn ở những nơi nào?

Chúng tôi biểu diễn ở cả 2 nước Congo, Cộng Hòa Dân chủ Congo và Cộng hòa Congo. Có 2 thủ đô, 2 quốc gia phân cách nhau bởi một dòng sông, mặc dù chúng tôi có chung một chủng tộc và cùng nói một ngôn ngữ.

Vậy Congo bị chia cách thành 2 quốc gia từ khi nào, thưa ông?

Tôi cho là năm 1885. Khi họ phân chia biên giới ở châu Phi, mỗi thế lực đã nắm một phần. Một phần của Congo là thuộc địa của Bỉ, và phần còn lại của Pháp. Một phần là Kinshasa; từng có tên là Zaire trước đây, và sau đó thì quay trở lại với tên Congo.

Hai cái tên đó hơi rắc rối. Khi tôi đi du lịch, tôi nói “Tôi là người Congo” thì mọi người đều hỏi “Congo nào?” Vì có sự nhầm lẫn giữa những cái tên nên tôi nghĩ vào năm 1972 họ đã đổi.

Chúng tôi hi vọng rằng 2 quốc gia có thể thống nhất thành một quốc gia.

Vâng đó chính là Tư tưởng Hòa giải, và chúng ta sẽ mang tư tưởng Hòa giải của Trần Nhân Tông đến với Congo.

Tôi thích ý tưởng hòa giải đó bởi các quốc gia ngày nay đều đang rất chia rẽ. Chúng ta có thể đưa ý tưởng hòa giải ấy đến Châu Phi và những quốc gia khác trên thế giới. Những gì các bạn đang làm thật tuyệt vời, và chúng tôi rất ngưỡng mộ ông Tuấn vì đã khởi xướng nên Học Viện Trần Nhân Tông.


Ông nghĩ thế nào về ý tưởng có một buổi hòa nhạc thường niên về Hòa giải ở Congo?

Chúng tôi sẽ suy nghĩ để xem có thể tổ chức buổi hòa nhạc như thế nào. Có thể sẽ mời các nhạc sĩ từ Việt Nam đến biểu diễn, và chúng ta có thể cùng biểu diễn, thể hiện với mọi người điều mà chúng ta đang tìm kiếm. Đó sẽ là một nhiệm vụ của sự Hòa giải, để con người biết về những vấn đề mà đất nước bị chia cắt hoặc nội chiến gặp phải.

Trong quá khứ, chúng tôi không gặp vấn đề nào cả. Người dân có thể tự do đi lại giữa hai nước mà không cần visa. Lúc tôi làm phi công, chúng tôi không cần xuất trình hộ chiếu khi đến biên giới. Chẳng có vấn đề gì cả, nhưng ngày nay, chiến tranh và sự chết chóc diễn ra mỗi ngày. Đó thực sự là một vấn đề trầm trọng, và tôi nghĩ chúng ta phải cùng nhau thực hiện buổi hòa nhạc hòa giải này.

Thật là một định mệnh thú vị! Ông có thể trở thành Đại sứ của Giải thưởng Hòa giải Trần Nhân Tông tại Châu Phi bằng sự chỉ huy và lãnh đạo, thông qua buổi hòa nhạc và dàn nhạc để mang đến cho mọi người cảm hứng về sự hòa giải.

Mặc dù chúng ta từ những quốc gia khác nhau như Việt Nam, Congo và Hoa Kỳ, tất cả chúng ta đều có chung một ý tưởng và tinh thần về Sự Hòa Giải. Chúng ta có Giải thưởng Trần Nhân Tông hỗ trợ những ý tưởng, tập hợp mọi người từ khắp nơi trên thế giới vì Hòa giải. Chúng tôi hi vọng rằng đất nước ông sẽ thống nhất trong tương lai.

Cảm ơn ông!

Trước đây, báo VietNamNet đã tổ chức buổi Hòa nhạc Hòa giải vào tháng 4/2010 nhằm nhắc nhở mọi người về ý tưởng hòa giải và rằng chiến tranh đã lùi vào quá khứ. Vây có thể trong tương lai, ông có thể chọn một ngày ở nước ông, có thể là ngày quốc khánh, để tổ chức buổi hòa nhạc hòa giải cho người dân, nhắc mọi người nhớ đến sự cần thiết của hòa bình và rằng không cần thiết phải chiến tranh giữa hai nước, không cần nội chiến như vậy.

Vâng tôi thấy đó là ý tưởng hay.

Khi ông bắt đầu sự nghiệp âm nhạc từ hai bàn tay trắng, vậy ai là người đã bên cạnh giúp đỡ và hỗ trợ ông xây dựng dàn nhạc của mình?

Thủa ban đầu thật không dễ dàng. Có những cô cậu đến chỗ tôi để học nhạc, nhưng chúng tôi không có đủ nhạc cụ. Chúng tôi chỉ có 6 nhạc cụ cho 12 người có thể sử dụng Khi một trong số họ bắt đầu chơi, thì 15 – 20 phút sau người khác lại mong muốn được chơi và hỏi mượn nhạc cụ. Ban đầu chúng tôi không có cello, viola, cũng như nhiều loại nhạc cụ khác. Hơn nữa, người dạy nhạc cho các bạn trẻ cũng không phải là những nhạc công chuyên nghiệp, và đến giờ anh ta vẫn không biết cách chơi violin.

Chúng tôi cũng gặp rắc rối lớn khi dây đàn đứt. Cuối cùng chúng tôi có ý tưởng dùng những thứ khác thay thế cho những nhạc cụ bị thiếu. Chẳng hạn, sử dụng cáp ở xe đạp để thay cho dây đàn đứt, dùng dây câu rất mảnh để thay cho cung đàn violin. Hồi khởi đầu năm 1994 – 1999, 5 năm trời chúng tôi đã không có một cây viola nào, cả cello cũng vậy, chỉ có 2 chiếc thôi, cũng không có kèn trumpet. Bởi vậy chúng tôi buộc phải tìm ra cách tạo ra nhạc cụ.

Khi các ông mới bắt đầu gây dựng, một trong những vấn đề lớn phải đối mặt là không có kinh phí để trả cho mọi người. Nhưng mọi người vẫn làm một cách tự nguyện để giúp đỡ ông?

Vâng mọi thứ đều là tự nguyện. Bất cứ khi nào chúng tôi cần thứ gì đó, chúng tôi đều nhận được sự hỗ trợ từ rất nhiều người, mỗi người góp một ít, giúp đỡ lẫn nhau, và bạn bè cũng giúp đỡ một tay. Bằng tinh thần thiện nguyện, chúng tôi gây quỹ , nỗ lực xây dựng dàn nhạc từ con số 0, đến nay đã được gần 18 năm.

Chính phủ không hỗ trợ gì cả. Nhiệm vụ lớn nhất của tôi bây giờ là cố gắng xây một trường âm nhạc cho trẻ em và tìm một địa điểm để biểu diễn. Chẳng có nơi nào phù hợp để biểu diễn cả. Tôi nhớ khi chúng tôi chơi nhạc đã không thể chơi piano vì xung quanh quá ồn. Tôi đã phải động viên mọi người và giúp họ quên đi tiếng ồn để có thể tiếp tục chơi.

Vì chúng tôi dạy nhạc cổ điển cho bọn trẻ, nên bố mẹ chúng rất biết ơn. Họ gửi tụi trẻ cho tôi nhờ dạy chúng cách chơi violin, cello, sáo…Tụi trẻ học các quy cách và cả văn hóa của các quốc gia khác thông qua âm nhạc. Kết quả là phụ huynh đánh giá cao những gì chúng tôi đang làm.

Khi ông Nguyễn Anh Tuấn trao tặng giải thưởng âm nhạc Charles Ansbacher , tôi đã khóc khi nhớ về những gì đã làm trong suốt 18 năm qua. Đó là điều tốt đẹp cho tất cả mọi người, cũng giống như những gì ông đang làm. Thực sự là niềm tự hào lớn của tôi khi được đến đây và nhận được giải thưởng đặc biệt mang tên Charles .


Sự kiện Hòa nhạc Hòa giải yêu thương 2012 đã đi vào lịch sử

Đó là một sự dấn thân và cống hiến tuyệt vời và ông xứng đáng với vinh dự đó. Chúng tôi hi vọng ông sẽ tiếp tục cống hiến và hi vọng rằng sẽ có nhiều người hỗ trợ và giúp đỡ ông.

Và khi nghe được câu chuyện đáng ngưỡng mộ của ông, tôi tự hỏi một điều rằng: Ở nước ông, rất nhiều người không có đủ lương thực, nên người ta buộc phải nghĩ về gánh nặng cơm áo và tiền bạc để tồn tại. Cuộc sống quá khó khăn như vậy, tại sao họ lại có thời gian thiện nguyện cùng ông xây dựng dàn nhạc?


Tôi nghĩ điều này quả thực là phép màu. Có 3 lý do để có được ngày hôm nay.

Lý do thứ nhất là nhờ tình yêu. Chúng tôi sẽ không thể trở thành bạn bè và không thể làm việc cùng nhau nếu không có tình yêu thương. Nếu chúng tôi yêu quý nhau thì có thể làm việc cùng nhau.

Lý do thứ hai là ý chí và nghị lực.

Và lý do cuối cùng là bền bỉ, gương mâu làm việc. Tôi không mong đợi người khác đến để làm hộ cái gì. Tôi phải làm gì đó trước. Người ta nhìn thấy tôi làm việc, và họ đến giúp. Nếu người ta thấy tôi chẳng làm gì cả, họ sẽ không giúp. Bởi họ đánh giá cao những gì tôi đang tự làm, nên họ đồng ý giúp đỡ tôi.

Cũng giống như ông Nguyễn Anh Tuấn, ông là người đã bắt đầu những phần việc đầu tiên và đưa internet đến Việt Nam qua mạng VietNet. Chẳng có cái gì tự nhiên rơi từ trên trời xuống. Nếu ai đó muốn giúp tôi, trước hết người đó cần yêu thích cái tôi đang làm. Tôi không thể mong đợi người ta giúp nếu mình chẳng làm gì cả.

Khi chúng tôi có tiền, chúng tôi cố gắng giúp các nhạc công vì họ rất nghèo. Chúng tôi có rất nhiều nhạc công, một số người bán bánh mỳ hay tự buôn bán. Chẳng hạn, khi một nhạc công bán bánh mỳ cần tiền, tôi hỏi xem anh ta cần bao nhiêu rồi đưa cho anh ta. Nếu bất kì ai gặp khó khăn trong buôn bán, chúng tôi sẽ giúp họ. Nếu ai đó cần tiền để học, chúng tôi cũng sẽ giúp họ. Nếu có ai bị ốm, chúng tôi cũng giúp họ luôn. Đó là những cách chúng tôi đang làm, tìm ra giải pháp giải quyết các vấn đề của mọi người.

Đó là những cách mang mọi người đến với nhau và mang họ đến với niềm vui âm nhạc. Họ tự tổ chức và tự giúp đỡ. Đó là cách mà chúng tôi đã đang làm trong suốt 18 năm qua.


Nhạc trưởng Armand vinh dự được nhận giải thưởng âm nhạc Charles Ansbachor

Nhạc trưởng Armand là một nhạc công, một nhạc sĩ, một nhà sáng tạo nhạc cụ âm nhạc từ những thành phần đặc biệt. Ông đã vượt qua rất nhiều trở ngại và đạt được nhiều thành tựu. Đó là lý do tại sao ông xứng đáng nhận được sự tán thưởng của 11.000 người ở Boston đến dự hoà nhạc.

Chúng tôi muốn chúc mừng ông một lần nữa vì những thành tựu ông đạt được, và hy vọng rằng dàn nhạc của ông sẽ đại diện cho tinh thần hòa giải, không chỉ cho Congo, mà còn cho cả thế giới. Và chúng tôi hy vọng rằng dàn nhạc giao hưởng của ông sẽ thúc đẩy tinh thần hòa giải ở Congo và Châu Phi.

Và khi chúng ta tổ chức buổi hòa nhạc hòa giải ở Congo, tác phẩm âm nhạc nào ông muốn trình diễn?

Tôi đang cố gắng tạo ra một sự hòa trộn giữa nhạc cổ điển và nhạc dân tộc. Đó sẽ là cách để thể hiện cho những người dân ở Congo và những nước khác về âm nhạc dân tộc chúng tôi. Bản thân tôi đã sáng tác 2 bản giao hưởng, và đang sáng tác bản thứ ba. Chúng tôi sẽ kết hợp những loại âm nhạc khác nhau lại.

Chúng tôi cũng sẽ chọn một số bản của Giuseppe Verdi. Người ta yêu thích nhạc cổ điển, và vì người dân của chúng tôi ở Congo thích Verdi, nên nếu chơi tác phẩm của Verdi, người ta sẽ rất thích thú.

Thật tuyệt vời! Hi vọng chúng tôi có cơ hội đến thăm đất nước ông để được thưởng thức buổi hòa nhạc Hòa giải ấy.

Chúng tôi sẽ tổ chức buổi hòa nhạc ấy. Chúng tôi đang phải nghĩ xem thời điểm nào phù hợp để tổ chức. Từ giữa tháng 5 đến giữa tháng 8, Congo ít mưa. Nên sẽ là thời điểm thích hợp để tổ chức các buổi hòa nhạc. Chúng tôi có thể dành nhiều thời gian hơn vào năm tới để thảo luận về buổi hòa nhạc và cách tổ chức và sẽ mời các nhạc trưởng từ Dàn nhạc Boston Landmark đến Congo để chỉ huy dàn nhạc của tôi.

Đó quả là một ý tưởng tuyệt vời! Ông đến Boston làm chỉ huy, và ông mời các nhạc trưởng ở dàn nhạc Boston Landmard đến Congo. Thậm chí ông có thể mời các nhạc trưởng từ Việt Nam đến Congo tham gia buổi hòa nhạc.

Chúng tôi mời ông trở thành Đại sứ của Giải thưởng Hòa Giải Trần Nhân Tông. Và tôi sẽ trở thành Đại sứ cho dàn nhạc giao hưởng của ông. Chúng ta có thể cùng nhau đẩy mạnh tư tưởng và tinh thần hòa giải .


Vâng , xin cám ơn ông. Đây là một vinh dự lớn cho tôi, tôi sẽ nỗ lực để đưa tinh thần hoà giải đến với Congo, đến với châu Phi.

Ở Châu Phi, theo ông ai xứng đáng được trao giải thưởng Hòa giải Trần Nhân Tông?

Tôi cần có thời gian để suy nghĩ về điều này. Chúng ta sẽ tiếp tục liên lạc với nhau để xem ai có thể mang mọi người đến với nhau và mang hòa bình đến với mọi người.

Cảm ơn ông rất nhiều vì buổi trò chuyện thú vị. Chúng tôi mong mọi sự tốt lành đến với ông trong tương lai!

Nhạc trưởng Armand và ông Nguyễn Anh Tuấn đã có cùng một động lực để nghĩ về một điều gì đó và bắt tay vào thực hiện. Cần có nỗ lực và sự kiên trì để có thể làm điều mà nhạc trưởng Armand đã làm, tự học nhạc, tổ chức một dàn nhạc giao hưởng ở Congo, giúp những người khác có thể chơi nhạc. Nhạc trưởng Armand sẽ là ứng cử viên sáng giá nhất là Đại sứ cho Học viện Trần Nhân Tông, giới thiệu về sự hòa giải và cảm thông ở Congo và Châu Phi. Và ông Nguyễn Anh Tuấn sẽ trở thành đại biểu để giới thiệu về Congo và dàn nhạc của nhạc trưởng Armand Diangienda đến với Việt Nam và Hoa Kỳ. Chúng tôi thực sự ngưỡng mộ sự can đảm của ngài, chứng kiến việc tự học âm nhạc, sáng tác nhạc giao hưởng và giảng dạy âm nhạc , xây dựng dàn nhạc giao hưởng từ con số 0 , cho người dân ở Congo đã thực sự mang đến một nguồn cảm hứng lớn cho chúng tôi.

 

Hơn 11,000 người tại buổi hòa nhạc đã cổ vũ cho ông bởi những thành tựu ông đã đạt được, những thứ ông đã làm cho đất nước Congo và nền âm nhạc. Hi vọng rằng một ngày nào đó không xa, ông có thể đến Việt Nam, đặc biệt là Hà Nội để chỉ huy một buổi hòa nhạc.

_____________


Bùi Đức Lại

Nguồn: Trannhantong.net

705 NGÀY NHẬP NIẾT BÀN VÀ KHÁNH THÀNH TƯỢNG PHẬT HOÀNG

Đại lễ tưởng niệm 705 ngày nhập niết bàn và khánh thành tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông diễn ra từ 1- 3/12

Tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông đặt tại khu An kỳ sinh, Yên Tử, với tổng kinh phí trên 75 tỷ đồng, được huy động từ sự đóng góp của các phật tử trong và ngoài nước.

Theo Đại đức Thích Thanh Quyết, Chủ tịch Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Ninh, đại lễ tưởng niệm 705 năm nhập niết bàn và khánh thành tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông là dịp để tăng ni, phật tử, đồng bào các dân tộc Việt Nam học tập, phát huy tinh thần nhập thế, tinh thần yêu nước của Phật giáo Việt Nam.

Trần Nhân Tông là một “tên thiêng” kết tinh nhiều phương diện. Ông là vị vua duy nhất đồng thời là giáo chủ, sáng lập ra một giáo phái- dòng thiền Trúc Lâm, được suy tôn là Phật hoàng.

Từ mẫu hình hoàng đế…

Trần Nhân Tông sinh năm Mậu Ngọ 1258, tính tình hiền từ, thông minh, học Phật từ nhỏ, ngộ đạo từ người người bác là Tuệ Trung Thượng sĩ. Năm 16 tuổi được lập làm Hoàng thái tử. Tuy được sống trong cung vàng điện ngọc nhưng Thái tử vẫn muốn xuất gia tu Phật.

Năm 21 tuổi Trần Nhân Tông lên ngôi Hoàng đế trong tâm thế… bị làm vua. Bản thân ông, sách Thánh đăng ngữ lục thuật rằng “ngài từng muốn nhường ngôi cho em trai là Đức Việp, chỉ đến lúc vua cha khóc mà yêu cầu thì ngài mới nguôi ý định ấy.”

Trần Nhân Tông làm vua được 7 năm thì xảy ra cuộc kháng chiến chống Nguyên - Mông lần thứ hai năm 1285, được 10 năm thì phải tiến hành cuộc chiến thứ ba năm 1288. Dù rằng trong cả hai cuộc kháng chiến này, cạnh vua còn có Thượng hoàng (Trần Thánh Tông), nhưng cả về danh chính ngôn thuận cả trên thực tế phản ánh qua chính sử, Trần Nhân Tông thực sự là vị quốc chủ toàn quyền đưa ra những quyết định tối hậu và giành được thắng lợi rực rỡ, lập chiến công hiển hách, đạp tan 50 vạn quân Nguyên Mông ngay trên đất Đại Việt.

PGS.,TS Nguyễn Hữu Sơn- Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam trong bài tham luận của mình tại Hội nghị quốc tế Phật giáo mới đây cho rằng: Có thể nhận diện về Trần Nhân Tông như một nhân vật lịch sử, một mẫu hình hoàng đế phương Đông… Trong thời bình, Trần Nhân Tông thực hiện chủ trương “khoan sức dân”, mở rộng sản xuất, đưa ra chính sách thi cử, tuyển dụng nhân tài tiến bộ, thúc đẩy kinh tế, văn hóa phát triển ổn định. Với tầm nhìn xa trông rộng, ngay cả sau chiến thắng và khi đã nhường ngôi cho con và bản thân làm Thượng hoàng (1293), Trần Nhân Tông vẫn đích thân đi đánh dẹp nơi biên ải, trực tiếp giám sát, khuyên bảo Anh Tông và tham gia cắt đặt chính sự. Trần Nhân Tông cũng là người trực tiếp điều binh khiển tướng củng cố vững chắc vùng biên giới phía Tây và phía Nam đất nước.

Năm 1294, Ngài đã xuất gia ở hành cung Vũ Lâm (Ninh Bình này nay), nhưng liền đó vẫn đích thân đi đánh dẹp phía Tây và tiếp tục chỉ bảo răn đe vị vua kế nghiệp ông là Trần Anh Tông.

… Đến mẫu hình thiền sư

Năm 1293 Trần Nhân Tông quyết định nhường ngôi cho Hoàng thái tử Thuyên- tức Trần Anh Tông. Đến tháng 8 năm Kỉ Hợi 1299, Trần Nhân Tông mới chính thức từ phủ Thiên Trường lại xuất gia vào núi Yên Tử tu khổ hạnh, lấy đạo hiệu Hương Vân Đại Đầu Đà, lập nên thiền phái mới và trở thành vị tổ thứ nhất Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.

Là một vị vua thấu hiểu Phật lý với đầy đủ tinh thần Bi –Trí - Dũng, lên ngôi trong lúc đất nước có giặc ngoại xâm, chứng kiến bao cảnh thương tâm của cuộc sống nhân gian, Phật Hoàng Trần Nhân Tông đã chủ trương xây dựng một phái Thiền thuần Việt – Thiền phái Trúc Lâm, nhằm tìm một con đường giải thoát cho chính mình, đồng thời giải thoát cho những người khác, quy tụ nhân tâm về một mối, vừa giúp cho phong hóa được thuần hậu, người dân sống tốt đời đẹp đạo, đồng thời tăng cường sợi dây liên kết lòng người trong một thời buổi đất nước có chiến tranh, rất cần sự đoàn kết, tập trung sức mạnh.

Nổi bật lên trong tư tưởng thiền học Trần Nhân Tông là sự phong phú, đa dạng, bao hàm mọi tư tưởng Đại thừa và Tiểu thừa với nhiều phương pháp tu tập đốn-tiệm. Ngoài ra còn có cả tư tưởng Nho giáo- Lão giáo kết hợp với văn chương thơ phú.

Con đường từ một vị Hoàng đế đến một Thiền sư là con đường của giác ngộ và giải thoát. Trong lịch sử Việt Nam, hiếm có vị hoàng đế nào tích tụ được những phẩm chất của một hoàng đế và một Thiền sư - để rồi trở thành một Phật hoàng như Trần Nhân Tông.

PGS Trần Ngọc Vương từng viết về Trần Nhân Tông rằng: “Hoàng đế Trần Nhân Tông thực thi bổn phận đế vương của mình trên nền tảng của một thiền sư đã đắc đạo sớm. Và với một chân dung như vậy, Trần Nhân Tông trở nên là một điểm ngưng kết tuyệt đẹp của tâm thức lịch sử cộng đồng, một mẫu người cầm quyền lạ lẫm, kết hợp được tối đa chủ nghĩa vị tha, tinh thần “từ, bi, hỉ, xả”của nền đạo đức và cũng là sản phẩm của sự tu hành, nghiệm sinh và chứng ngộ theo Phật giáo với những phương diện tích cực lịch sử mà lý thuyết và thực tiễn cai trị của các bậc đế vương thành công nhất theo Nho giáo đã đúc kết được.

____________

 

 

Lan Anh- Đặng Khanh (VOV online)

CHUYỆN CHƯA KỂ VỀ BẢO TƯỢNG PHẬT HOÀNG TRẦN NHÂN TÔNG

Bên chén trà nóng, Thượng tọa kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về bức tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông.


Tượng Phật hoàng Trân Nhân Tông sẽ được khánh thành vào ngày 3/12/2013

Một ngày cuối Thu, tiết trời chớm lạnh. Tất bật với lịch họp Quốc hội khóa 13, kỳ họp thứ 6, cùng với việc chuẩn bị cho Đại lễ 705 năm kỷ niệm Đức vua Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn và khánh thành bảo tượng Ngài trên đỉnh thiêng Yên Tử. Hẹn mãi, chúng tôi mới gặp được TS Phật học, Thượng tọa Thích Thanh Quyết, Ủy viên Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Trị sự Phật giáo Quảng Ninh, Trưởng ban dự án tôn tạo chùa Đồng (Yên Tử).


Bên chén trà nóng, Thượng tọa kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về bức tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông. Ánh mắt Thượng tọa toát lên vẻ từ bi, hoan hỷ khi chỉ còn vài tuần nữa, tín đồ, phật tử trong và ngoài nước sẽ được chiêm bái tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông giữa đỉnh cao Yên Tử, dưới ngàn mây trắng bay.

“Giờ tôi mới an lòng, khi đúc xong bức tượng Phật hoàng ở độ cao trên 900m so với mặt nước biển mà không xảy ra một sự cố đáng tiếc nào, kể cả về mặt kỹ thuật, chất lượng và an toàn lao động”, Thượng tọa mở đầu câu chuyện.

Còn nhớ, cách đây gần 5 năm, đúng ngày tưởng niệm Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn (1/11/2009 - Âm lịch), hàng ngàn tăng ni, phật tử từ các nơi đã đổ dồn về đất thiêng Yên Tử dự lễ khởi công dựng tượng của Ngài trên An Kỳ Sinh.

Trong tâm trí của con dân nước Việt, Trần Nhân Tông không chỉ là vị hoàng đế anh hùng đã tạo nên kỳ tích 2 lần chiến thắng quân Nguyên mà Ngài còn là vị tổ sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm, mang tư tưởng hòa nhập Đạo với Đời, thấm nhuần tính nhân văn sâu sắc, một tư tưởng riêng của Phật giáo Việt Nam.

Việc xuất gia tu đạo của Thượng hoàng Trần Nhân Tông khi đất nước yên bình đã góp phần không nhỏ cho đời sống chính trị Đại Việt cuối thế kỷ XIII, đầu thế kỷ XIV trở nên ổn định, ôn hòa, dân được hưởng cảnh ấm no, hạnh phúc.

Võ công hiển hách, tư tưởng minh triết ngời sáng vì dân tộc, vì đời sống con người của Phật hoàng Trần Nhân Tông đã là biểu tượng rực sáng của dân tộc. Ngày Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn đã trở thành ngày Lễ lớn của Phật giáo Việt Nam (theo Nghị quyết 2 khóa VI Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam).

“Mặc dù, đã có kinh nghiệm trong việc xây dựng chùa Đồng, nhưng việc đúc tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông bảo đảm yêu cầu kỹ thuật với công trình nặng trên 130 tấn, chất liệu đúc bằng đồng nguyên chất, theo phương thức đúc tại chỗ - liền khối, lại xây dựng tại địa hình khá hiểm trở ở độ cao trên 900m so với mực nước biển... nên chúng tôi luôn cân nhắc kỹ lưỡng, chu đáo”, Thượng tọa nhớ lại.

Khi được hỏi về những kỷ niệm và khó khăn lớn nhất khi thi công công trình này? Thượng tọa nhẹ nhàng chia sẻ: “Ngoài việc huy động nguồn vốn xã hội hóa cho công trình này, thì khó khăn nhất phải kể đến là biện pháp thi công, mà trước đó là việc chọn mẫu tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông”.

Sau khi nghiên cứu kỹ 7 mẫu tượng đưa ra trưng cầu ý kiến nhân dân tại Ban Quản lý di tích Yên Tử, chúng tôi cùng với nhiều nhà nghiên cứu đã đi đến thống nhất lấy mẫu pho tượng Trần Nhân Tông trong tháp tổ Huệ Quang trong tư thế ngồi thiền hai tay bắt quyết, ngài mặc áo của dòng tiểu thừa, eo thon, khuôn mặt hiền từ thoát tục. Bốn mặt bệ đá đặt tượng của ngài được chạm khắc hoa văn hoa cúc và những con rồng thời Trần.

Đây là một bức tượng đẹp, thể hiện sự thoát tục của đức ngài, vừa có niên đại cổ nhất và gần với diện của ngài nhất.


Tôi cho rằng, khó khăn lớn nhất là nhiều lần phải tìm phương án thay đổi biện pháp thi công. Bởi, ngay cả tốn kém, chúng tôi đã vài lần thay đổi tượng thạch cao; trên độ cao 900m hết sức hiểm trở sẽ không có phương tiện hiện đại nào trợ giúp được mà phải đúc hoàn toàn bằng biện pháp thủ công, thậm chí cũng không thể đúc từng mảnh ở giữa đất đem lên được.

Xác định là, đúc liền khối tại chỗ lại nảy sinh một loạt khó khăn, vì mỗi tấm khuôn để ghép vào nó nặng từ 5 - 7 tấn, dùng các balasic thủ công, có khi hàng tuần mới được một miếng, ghép đi, ghép lại nhiều lần. Theo đó, phải thực hiện làm bệ trước; tiếp đến làm một dàn giáo 6 tầng, mỗi tầng cách nhau 3 mét. Mỗi tầng của giàn dáo đều có các lù, lò để thi công, đúc từng tầng một, xong tầng nào thì bịt lò tầng ấy lại. Quá trình đúc như thế được thực hiện tất cả các hạng mục từ đài sen, đến thân và đầu tượng. Tổng số chiều cao của tượng là 15m với trọng lượng 138 tấn đồng nguyên khối.

“Với công trình bảo tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông, đến thời điểm này, đây là lần đầu tiên tại Việt Nam thực hiện công nghệ đúc nổi (khuôn nằm trên mặt đất) với khối lượng đồng lớn, khuôn cao, đường kính lớn, đặt ngay trên bệ bê tông. Và, đây là lần đầu tiên đúc trên vị trí núi đá cao, địa hình hiểm trở, không có địa bàn thi công, quanh năm mây mù, ẩm ướt… ”, Thượng tọa khẳng định.

____________

T.Vân

MỘT THOÁNG CUNG CHIÊM ĐỆ NHẤT MINH TRIẾT TRẦN NHÂN TÔNG


Sách "Tự điển bách khoa Nho - Phật - Đạo" của Lão Tử - Thịnh Lê (chủ biên) đã giới thiệu khái niệm minh triết trong thành ngữ “minh triết bảo thân” (minh triết giữ mình) rằng: “Thái độ xử thế của Nho gia. Minh triết: hiểu biết gọi là minh triết (Thượng Thư - Duyệt mệnh thượng) tức người hiểu biết sâu sắc về sự lý. "Ký minh thả triết, dĩ bảo kỳ thân” (Thi - Đại Nhã - Chưng dân) ý nói người thông hiểu sự lý thì biết đến chỗ yên ổn, tránh chỗ nguy hiểm, giỏi về việc bảo tồn thân mình. Khổng Tử: “Thiên hạ có đạo thì ra giúp đời, vô đạo thì đi ở ẩn” (Thiên hạ hữu đạo tắc hiện, vô đạo tắc ẩn) (Luận ngữ - Thái Bá) cũng với ý "minh triết bảo thân”. Sau trở thành thành ngữ, ý nói giữ gìn đạo trung dung, việc không liên quan đến mình thì gác bỏ để bảo toàn tính mệnh và lợi ích của mình”(1).


Riêng về chữ “triết”, sách “Tìm về cội nguồn chữ Hán” của Lý Lạc Nghị cũng định nghĩa: Triết: nghĩa gốc là “minh trí”, mở rộng thành “người tài trí”. Thượng thư: phải là bậc triết (hiền tài) mới đánh giá người ta”(2).


Mặc dù đã có những lời giới thuyết về khái niệm “minh triết”, “triết” như thế, tôi vẫn muốn nói đến “minh triết” với một nội hàm ít nhiều khác, bởi lẽ minh triết đành là sự hiểu biết và từ đó dẫn đến cách xử sự giữa cuộc đời nhưng phải là sự hiểu biết ở độ tinh túy nhất, cao diệu nhất. Minh triết là trí khôn nhưng không phải trí khôn thông thường, trí khôn của mọi người, mà phải là trí khôn trên tầm mọi người, thậm chí là trên mọi thời đại. Vì ở đây triết đi liền với minh: minh triết, chứ không chỉ là triết. Ngay đến hai chữ “bảo thân” trong mệnh đề “minh triết bảo thân” thì cũng cần một chút hiểu khác về nội dung của nó. Bảo thân là giữ mình để tránh nguy hiểm. Nhưng bảo thân còn có thể hiểu là giữ mình, là tu thân, là đưa mình tới độ cao khiết.


Rồi nữa, “minh triết” đã được chuyển dịch sang tiếng Pháp là “la sagesse” mà “Pháp Việt tự điển” của Đào Duy Anh đã dịch là “trí, tính khôn ngoan, minh mẫn, trí tuệ, trí năng…”. Nhưng tôi vẫn muốn nghĩ rằng khái niệm “minh triết” và khái niệm “sagesse” vẫn có mức độ tinh túy, cao diệu khác nhau ít nhiều vì “minh triết” là sản phẩm của văn hóa phương Đông cổ đại vốn có độ thăng hoa về tinh thần nổi trội hơn “sagesse” là sản phẩm của văn hóa phương Tây. Hiện nay, ở phương Tây có khuynh hướng tìm đến phương Đông cổ đại chẳng phải là vì thế sao.


***


Từ những điều được nói trên đây có thể là rất chủ quan, tôi xin được coi Trần Nhân Tông là đệ nhất minh triết của Việt Nam ở thời trung đại, bởi thấy ở thời trung đại này, không một nhân vật vĩ đại nào có được mấy điểm sau đây:


1- Có đủ “tam bất hủ” (ba giá trị không bị mai một: lập đức, lập công, lập ngôn). Đây là một bảng giá nhân cách được nêu ở sách Tả truyện của Trung Hoa và đã được Phan Bội Châu lý giải trong luận văn “Vấn đề giáo dục công dụng và giá trị của văn chương”(3) như sau:


“Tả truyện có mấy câu nói rằng: “Thái thượng lập đức, kỳ thứ lập công, hựu kỳ thứ lập ngôn”. Dịch nghĩa: người ở đời cao thứ nhất là một hạng người lập nên đạo đức; lại thứ hai nữa là hạng người lập nên công nghiệp lớn; lại thứ xuống nữa thì hạng người lập ngôn. Ba hạng người ấy, rặt là những người có ích cho loài người; phải nhận cho là có giá trị.


Lập đức là một hạng người gây dựng nên một nền đạo đức. Tỷ như: Đức Phật Thích Ca, Đức Thánh Giêxu, mỗi người có lập thành một khuôn đạo đức, mà giữa bản thân các Ngài ấy, vẫn cũng đáng làm một cái gương đạo đức cho trong đời. Đức Thích Ca thì cốt cái chủ nghĩa Phật với chúng sinh bằng một lớp "Phật sinh bình đẳng”. Đức Giêxu thì cốt cái chủ nghĩa yêu người như yêu mình "ái nhân như kỷ”, thật rõ ràng là một hạng người lập đức mà ở trong loài người, không ai siêu việt hơn được nữa. Còn thứ nữa là hạng người lập công. Lập công như thế nào? Đụng gặp ở trong đời ấy, có đại tai đại nạn mà nhờ người ấy cứu vớt xong; có đại lợi đại phúc mà vì người ấy gây dựng nên. Tức như nước Tàu, nhờ có vua Hạng Vũ mà trị được họa hồng thủy, nước Tây nhờ có ông Kha Luân Bố mà phát hiện được Mỹ châu; nước ta nhờ có vua Quang Trung mà đuổi được giặc Mãn Thanh. Những người ấy chính là hạng người lập công, so với người lập đức, vẫn không in nhau, cũng là hạng người có công lớn với đời và người ta, cũng nhận cho là có giá trị nặng lắm. Còn thứ xuống nữa là hạng người này: Kể về phần đức, chỉ là đức thông thường, kể về phần công, không có công gì trác việt, nhưng mà tấm lòng đau đời xót tục, đôi tay chữa cháy vớt chìm, chẳng khác gì lập đức lập công đâu. Nhưng hoặc vì thời thế gay go, hoặc vì chủ nghĩa trái tục, hoặc vì năng lực còn kém, hoặc vì địa vị còn thua mà không thể làm được những việc như các người trên kia nói, vạn bất đắc dĩ, mới phải mượn ba tấc lưỡi làm bộ máy xoay đời, cậy một ngòi lông làm khuôn lò nấu tục, mà các nhà lập ngôn mới nảy ra Khổng Tử vì sao có lục kinh? Mạnh Kha vì sao có thất thiên”(4).


Đối chiếu với những lý lẽ trên đây về “tam bất hủ”, tôi thấy trong lịch sử Việt Nam trung đại, không ai đáng được coi là đệ nhất minh triết bằng vua Trần Nhân Tông. Trong cuộc đời của Ngài, ba thứ “lập” đó vừa đan xen nhau vừa có trước có sau, và lập đức là nền tảng. Nhưng ở đây, xin theo trình tự mà quan niệm “tam bất hủ” đã nêu lên để nói một đôi điều.


- Trước hết là lập đức, thì đúng là Trần Nhân Tông chưa có thành quả ngang tầm Đức Phật Thích Ca, Đức Thánh Giêxu, nhưng trong giới hạn của lịch sử Việt Nam thì rõ ràng Ngài xứng đáng là người lập đức. Đó chính là tư tưởng Phật giáo có nguồn gốc Ấn Độ được du nhập vào Việt Nam ta từ đầu Công nguyên, được thời đại Lý - Trần về sau đưa lên vị trí quốc giáo và đã từng một thời góp phần làm nên sự sống vàng son cho đất nước Việt Nam, trong đó có vai trò quan trọng của Thiền phái Trúc Lâm mà Đại thánh Trần Nhân Tông là vị tổ thứ nhất (đệ nhất Tổ) do đã dân tộc hóa được phần nào Phật giáo ngoại lai theo tinh thần “Tam giáo đồng nguyên” và nhập thế dưới hình thức xuất thế. Quả thật, đây là kho báu nhân văn cao đẹp nhất trong lịch sử tư tưởng Việt Nam ở thời trung đại và vẫn có giá trị lớn lao với thời hiện đại, kể cả tương lai. Người Việt Nam có đại nhãn đại thức hôm nay hẳn là phải cầu nguyện cho kho báu tâm linh này được phục hưng, trỗi dậy hoằng dương hơn nữa trong hoàn cảnh hội nhập quốc tế đang rất sôi động, rất rộn ràng chưa từng có trên đất nước thân yêu, mà trong đó cái được cũng nhiều nhưng cái mất cũng lắm, một khi mà chủ nghĩa thực dụng tầm thường, chủ nghĩa “Macmitit” (chủ nghĩa cải niêu), kể cả chủ nghĩa vô thần một cách dại dột đang là sự thật gây nhiều bức xúc. Những tiến bộ trong chính sách tôn giáo của nhà nước, trong đó có phần coi trọng Phật giáo là điều rất đáng mừng cho đất nước. Cứ nhìn vào cảnh tượng các thiện nam tín nữ, cả già lẫn trẻ, khách thập phương ngày ngày trẩy hội Yên Tử, chùa Hương… đông vui hơn; cứ nhìn vào việc tái thiết Tây Thiên Trúc Lâm thiền viện tại Vĩnh Phúc; việc xây dựng khu tâm linh Phật giáo Bái Đính ở Ninh Bình… cùng với việc khôi phục lại nhiều chùa chiền ở nhiều nơi trên cả nước… ai mà không ấm lòng, ít ra cũng thấy mảnh đất mà chân mình đi giữa cuộc đời này chưa đến nỗi hẫng hụt. Và xin đừng quên điều này: chính người lập đức là Đại Thánh Trần triều Trúc Lâm Đầu Đà Tịnh Tuệ Giác Hoàng Điều Ngự cổ Phật Trần Nhân Tông đang hiện diện với đất nước hôm nay và chắc chắn là cả mai sau.


- Về tư cách người lập công Trần Nhân Tông thì đã quá rõ. Ngài là vị vua trực tiếp lãnh đạo hai cuộc kháng chiến chống Nguyên - Mông lần thứ 2 (1285) và lần thứ 3 (1287-1288) thắng lợi mà sử sách bao đời nay đã tôn vinh. Vấn đề là cần hình dung cho hết tầm vóc vĩ đại của công lao này bằng cách nhìn rõ hơn nữa tương quan lực lượng giữa ta và địch, cùng điều kiện đơn thương độc mã của dân tộc ta thuở ấy vốn đất chưa rộng, dân chưa đông, thế mà tiếp theo chiến thắng lần thứ nhất (1258) đã thêm hai lần chiến thắng đế quốc Nguyên - Mông khổng lồ nhất của thế giới trong thời trung đại. Lập công như thế, trong thời trung đại, hỏi ai bằng?


- Rồi nữa là việc lập ngôn của Trần Nhân Tông thì các sách văn học sử, các hợp tuyển thơ văn xưa nay cũng đã cho biết phong phú là thế nào. Chỉ tiếc là phần còn lại so với những gì đã có chẳng đáng là bao. Tuy vậy cũng đủ cho hậu thế hình dung phần nào tầm vóc tư tưởng, nhân cách, tâm hồn và tài năng của nhà văn hóa, nhà thơ Trần Nhân Tông.


2- Có hai điều nữa hoặc là nổi trội, hoặc là hiếm có trên cương vị một bậc minh quân. Lịch sử trung đại Việt Nam cũng không hiếm những bậc minh quân. Và đã là minh quân thì tất nhiên ai cũng có những nét đẹp trong nhân cách, trong sự nghiệp, trong cuộc đời. Nhưng quả thật chưa thấy có vị minh quân nào có được một điều nổi trội và một điều hiếm thấy lạ như vị minh quân Trần Nhân Tông.


a) Điều nổi trội là khả năng gây dựng khối đoàn kết trong nội bộ vương triều và quan trọng hơn là với cả cộng đồng dân tộc. Điều này, sử sách cũng đã nói nhiều, tôi chỉ xin nói lại một hành động của Thượng hoàng Trần Thánh Tông nhưng cũng có phần của vua Trần Nhân Tông đã làm ngay sau khi chiến thắng giặc Nguyên - Mông, được sử gia Ngô Sĩ Liên chép lại trong Đại Việt sử ký toàn thư như sau:


“Trước kia, người Nguyên vào cướp, vương hầu, quan lại nhiều người đến doanh trại giặc xin hàng. Đến khi giặc thua, bắt được cả một hòm biểu xin hàng. Thượng hoàng sai đốt để yên lòng những kẻ phản trắc”.


Phải nói đây là một cách hành xử vượt hẳn lên trên sự thông thường. Thông thường là sau chiến thắng thì phải trừng trị những kẻ phản trắc. Nhưng đây lại không. Không, để kẻ phản trắc an tâm quay về với chính nghĩa, với dân tộc. Không, để tránh sự trả thù nhau trong nội bộ người dân. Quan trọng hơn là củng cố khối đoàn kết dân tộc để phát triển đất nước. Có dịp xem xét một cách hệ thống các tình huống đối xử với những kẻ phản trắc trong lịch sử sau những lần chiến thắng ngoại xâm, càng thấy cách cư xử của Nhị thánh: Trần Thánh Tông và con là Trần Nhân Tông mới thấy cao siêu làm sao. Tiếc là đời sau, đã không biết học đời xưa, đã gây nên những tổn thất đáng tiếc. Đời Trần, sau chiến thắng Nguyên - Mông, cả dân tộc đoàn kết trọn vẹn đến mấy vương triều sau mới có chuyện lục đục, chính là nhờ có Nhị Thánh minh quân đó. Chứ đến triều Lê sơ, ngay sau chiến thắng giặc Minh thì đã có chuyện mấy vị đại công thần như Trần Nguyên Hãn, Phạm Văn Xảo, Lê Sát bị sát hại, dù đây mới chỉ là sự rạn nứt trong nội bộ vương triều chứ chưa phải là ở phạm vi dân tộc như về sau. Chuyện vừa nhắc lại là thêm một chứng cứ để nghĩ về vai trò của Phật giáo đời Trần, một tôn giáo có tình thương bao la hơn bất cứ tôn giáo nào, mà với ai đó, có thể cho là không tưởng, là thủ tiêu đấu tranh, nhưng nghĩ cho kỹ, chính đó mới là điều diệu kỳ, cần nhất cho sự sống nhân gian mà Nhị Thánh đã thể hiện.


b) Điều hiếm lạ là đã làm vua mà lại không chịu để mình rơi vào bi kịch của người cầm quyền. Với người cầm quyền, có bi kịch dù ít dù nhiều vốn là quy luật khắc nghiệt, khách quan trong sự sống. Cứ nhìn nhận một cách lạnh lùng vào lịch sử nhân loại, cổ kim, đông tây, có đúng thế không? Nhưng với vua Trần Nhân Tông thì xem ra có khác. Được vua cha truyền ngôi thì làm vua là để xây dựng vương triều, để lãnh đạo đất nước chống kẻ thù xâm lược, giành độc lập dân tộc, làm thêm việc này việc khác ích quốc lợi dân, nhưng rồi “tri chỉ” (biết dừng), chuyển sang làm Thái Thượng hoàng, đóng vai trò quân sư, nhưng rồi lại “tri chỉ”, từ giã hẳn cung điện, ngai vàng, lên Yên Tử, sống với mây trời gió lộng, với thiên nhiên cây cỏ, giữa núi đồi lớp lớp, khổ luyện để thành Đệ nhất Tổ của Thiền phái Trúc Lâm mà hình thức thì có vẻ như lánh đời nhưng bản chất lại là một phương thức xây dựng cuộc sống lấy tâm linh, lấy tình thương mênh mông bao la chúng sinh, kể cả muôn loài làm nền tảng. Hãy từ triết học mà nghĩ cho thật đến nơi đến chốn về sự sống con người vốn thiên hình vạn trạng trên trái đất này để ngộ ra chân lý đó. Ít ra cũng thấy ở đây, trong trường hợp vị đại đế đã thành Đại thánh Trần Nhân Tông, cách cư xử đó cũng tránh cho mình cái bi kịch trần gian mà tạo hóa đã bắt những người cầm quyền từ cổ chí kim trên trái đất này hoặc ít hoặc nhiều đã phải nhận lấy dù trong số đó đã không ít là vĩ nhân, đại vĩ nhân.


Bạn đọc kính mến!


Một thoáng - mới là một thoáng thôi, cung chiêm Đức Đại Thánh Trần Triều Trúc Lâm Đầu Đà Tịnh Tuệ Giác Hoàng Điều Ngự cổ Phật Trần Nhân Tông, tôi đã nghĩ vậy, đã mệnh danh Ngài là đệ nhất minh triết của Việt Nam (hẳn cứ nói trong phạm vi thời trung đại đã) - không biết có được không. Xin quý vị vui lòng chỉ bảo thêm. Xin cảm ơn trước.


Yên Hòa thư trai


• GS NGND Nguyễn Đình Chú

______________


(Nhân dịp kỷ niệm 700 năm qua đời của Đệ nhất Tổ Trúc Lâm Trần Nhân Tông)


(1) Do nhóm Trương Đình Nguyên biên dịch, NXB Văn học, Hà Nội, 2001.


(2) Do nhóm Jim Water, Nguyễn Văn Đồng, Phùng Phương Nhi biên dịch, NXB Thế Giới, Hà Nội, 1998 (tái bản).


(3) Xem: Phan Bội Châu toàn tập - Tập VII, Chương Châu biên soạn, NXB Thuận Hóa, Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội.


(4) Lục Kinh: Thi, Thư, Dịch, Lễ, Nhạc, Xuân Thu, Bảy Thiên: Sách Mạnh Tử gồm bảy thiên. Mạnh Kha là tên của Mạnh Tử.

THIỀN PHÁI TRÚC LÂM YÊN TỬ TỪ LUẬN GIẢI TRẦN NHÂN TÔNG

Phạm Văn Tuấn

Viện Nghiên cứu Hán Nôm

Từ khoá: Nhân Tông 仁宗, Trúc Lâm 竹林, Phật tính 佛性, lạc đạo 樂道, nhập thế 入世, tam giáo 三教.


Hơn trăm năm triều Trần gắn liền với sự phát triển và thống nhất lãnh thổ của dân tộc. Trải qua các cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông, nhà Trần đã làm nên kì tích trong lịch sử Đại Việt. Cũng trong thời đại đó, Trần Nhân Tông nổi lên không chỉ là vị vua anh minh mà còn là một anh hùng dân tộc, một nhà tư tưởng, nhà thơ, nhà văn, nhà tu hành…đáng kính. Một ngôi sao sáng nhất trong thời Lý – Trần, gắn liền giữa vấn đề Phật giáo và vấn đề dân tộc. Nhà vua đã phát triển xã hội, đất nước từ chính tự thân với tư tưởng Phật giáo trong mối tương giao Tam giáo đồng nguyên. Trần Nhân Tông khai mở hoàn thiện thiền Trúc Lâm, mở ra tông phái Trúc Lâm Yên Tử trong sự phát triển nối kế của lịch sử Phật giáo từ thời đại nhà Lý đến nhà Trần. Tại sao Trần Nhân Tông được hậu thế sùng tôn là Trúc Lâm Đệ nhất tổ? Bài viết, hy vọng đem đến cái nhìn tiệm cận về thời Trần và người phát triển Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử thông qua hình ảnh Trần Nhân Tông Vương quyền tới thần quyền – Từ Trúc Lâm Yên Tử đến thiên hạ.


Trần Nhân Tông cũng như các vị vua khác trong giai đoạn Lý Trần đều tôn sùng đạo Phật. Thời Trần, từ vua đến quan lại, sĩ dân, đạo Phật đã thành nếp văn hoá, mạch sống của con người. Lên ngôi từ rất sớm, Nhân Tông không muốn kế vị mà chỉ muốn sống theo đạo tu hành[1]. Ngôi vị bậc thánh nhân cũng chính là lấy cái của muôn dân làm cái muốn của mình từ những lời tiên tổ Thái Tông đàm đạo với Quốc sư Đại sa môn Trúc Lâm trong Thiền tông chỉ nam tự[2]. Điều đó, cho thấy giữa 2 con người trong các vua Trần là vương quyền và thần quyền luôn tương trưởng. Vương quyền chính là triều đình, là cai trị xã tắc thống nhất, đánh đuổi xâm lược, mở rộng lãnh thổ về Nam…. Thần quyền là phần hồn, phần tâm linh hướng thượng trong hệ tư tưởng của con người nhà vua. Đấy cũng như sau giấc mộng của Hoàng hậu thấy thần nhân trao cho hai thanh kiếm (神人授兩劍) mà nói rằng: Thượng đế có sắc ban cho người chọn (上帝有敕聽汝自擇) rồi hoài thai mà sinh Nhân Tông[3]. Khi ngài sinh ra, hương thơm khắp nhà, ánh sáng ngập đất, thân mang sắc vàng, cho nên, Thánh Tông mới gọi Nhân Tông là Kim Phật (聖宗以金佛為名)[4]. Đến sau này, Nhân Tông lại thường mộng thấy một đoá sen lớn như bánh xe nở trên rốn, mà trên toà đó hiện hình đức Biến chiếu tôn 遍照尊[5]. Tất cả hiện lên màu sắc huyền bí nhưng hợp lý cho sự phát triển của con người trong tương quan giữa đạo pháp dân tộc của xã hội Phật giáo Đại Việt thời Lý – Trần.


Việc những giấc mộng gắn liền với vị vua cho thấy sự hợp nhất vương quyền và thần quyền trong con người Trúc Lâm Đệ nhất tổ Trần Nhân Tông. Bởi không chỉ Nhân Tông sinh ra như được báo trước từ giấc mộng hai thanh kiếm rồi đến Pháp Loa sinh ra cũng được báo mộng, khác chăng Pháp Loa được báo mộng là một thanh kiếm mà thôi[6]. Đồng thời, các vị tổ sinh ra đều hương thơm khắp chốn, ánh sáng khắp không gian mà chúng ta gặp bàng bạc trong các thần tích Việt Nam. Phải chăng, văn bản về các vị tổ có lẽ là những truyền thuyết sớm được ghi chép lại để tôn sùng sự uy linh của vương quyền và thần quyền mà biểu trưng là Đạo Phật nhập thế.


Bản thân Trần Nhân Tông nhiều lần từ chối lên ngôi làm Thái tử nhưng Thánh Tông không cho, đến khi vững ngôi báu, đánh đuổi quân Nguyên xâm lược 2 lần, rồi làm Thái Thượng hoàng điều hành đất nước và đợi cho Anh Tông trưởng thành, ngài mới xuất gia. Thực tế, thời gian trở thành một thầy tu đúng nghĩa xuất gia chỉ trong 8 năm, cho đến khi ngài nhập tịch. Tuy nhiên, trong 8 năm đó, bản thân là người nghiên cứu đạo Phật từ nhỏ, Nhân Tông đã thấm đượm tư tưởng Phật giáo, nên có thể nói thời gian xuất gia chính là giai đoạn ngài nghiền ngẫm và thấm đượm tinh thần Phật giáo nhập thế. Lấy tinh thần từ bi hỉ xả cứu độ chúng sinh bằng bỏ các dâm từ, phát triển đạo pháp dân tộc cùng hoà hợp, Nhân Tông nhiều lần xin Đại Tạng Kinh, tuyên giảng kinh kệ, ngữ lục ở chùa chiền, thuyết giảng, đăng đàn truyền giới.


Truyền thống thiền phái Trúc Lâm đã thấm nhập tinh thần nhập thế vào chính truyền thừa tông thất nhà Trần. Từ Trần Thái Tông và Viên Chứng đến các vua Thánh Tông, đến Tuệ Trung Thượng sĩ Trần Tung…. tạo nên mạch truyền thống phái và sự phát triển bền vững của đạo Phật thời Trần. Yếu tố thời đại cũng cho thấy, đến thời Trần, các mạch phái đạo Phật ở Đại Việt cũng suy vi, như: thiền phái Tì Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông…. Đã không còn thịnh trị và phát triển nối kết tông phái được như thời Lý nữa. Nhân Tông đã nối kết từ phái Trúc Lâm để mở rộng và ổn định tông phái, tạo nên mối gắn kết mật thiết giữa dân tộc và tôn giáo, giữa chính quyền vương quyền và thần quyền, tạo nên uy lực cho sự phát triển.


Bản thân Nhân Tông khi còn đương thế, ngài tự xưng là Đại sĩ, là Trúc Lâm Đại sĩ. Tức là ngài coi mình như một vị Bồ tát tu theo hạnh Đầu đà, tiến tu đến quả Tỳ khưu mà thôi. Đến khi viên tịch, được ban tôn hiệu: Đại thánh Trần triều Trúc Lâm đầu đà Tịnh tuệ Giác Hoàng Điều ngự tổ Phật. Trong Đoạn sách lục được biên soạn sau đó, mà bia tháp Viên Thông trên chùa Thanh Mai dựng năm 1362 ghi chép về Pháp Loa đã cho biết khi Trần Nhân Tông truyền đăng cho Pháp Loa thành竹林第二代Trúc lâm đệ nhị đại[7], cùng truyền áo pháp cũng như các pháp khí truyền đăng. Như thế, rõ ràng Nhân Tông đã được coi là Đệ nhất tổ của Trúc Lâm Yên Tử chính từ thời ngài còn đương tại. Trong văn bia cũng như trong Tam tổ thực lục, Thánh Đăng lục đều ghi ngài là đức Điều Ngự cho thấy các văn bản đều tôn trọng và mang tính thống nhất trong biên soạn về con người hành trạng Nhân Tông.


Làm vua một nước, công huân đánh đuổi xâm lược, trí tuệ siêu phàm, Trần Nhân Tông là một thánh nhân lớn thời Trần. Công uy của ngài bàng bạc khắp đất trời Đại Việt. Đại Việt sử kí toàn thư sau này bình luận về Trần Nhân Tông: “Vua nhân từ hoà nhã, cố kết lòng dân, thực là bậc vua hiền của nhà Trần”. Sau gần nghìn năm, khi cho in lại Tam tổ thực lục (1897), Diệu Trạm Thiền sư đã có những lời nhận định trong phần duyên khởi cho lần Trùng san về chư tổ Trúc Lâm Yên Tử như sau: 陳家三祖同時修證者是一佛二菩薩 …一是法王御世者遜位投禪忘身為道且若禪機酬應果然明鏡不疲 – Ba vị tổ nhà Trần cùng thời tu chứng, một vị là Phật, 2 vị là Bồ Tát … Vị thứ nhất là Pháp vương chế ngự ở chốn đời, bỏ ngôi vua để theo Thiền tông, quên thân mình vì đạo. Vả lại, ngài là bậc Thiền cơ thù ứng, quả nhiên là gương sáng không tì vết… Đã cho thấy Trần Nhân Tông là một vị vua ngồi ngôi Phật giữa triều đình, điều hành đất nước trên cơ sở Vương quyền và thần quyền, định hướng tông giáo tạo nên tính ổn định và phát triển của Dân tộc Đại Việt Trần Nhân Tông và sự ổn định pháp phái.


Yếu tố vương quyền và thần quyền tạo nên sự ổn định xã hội với uy quyền của người làm chủ đất nước và làm chủ tông phái. Theo Thiền uyển truyền đăng lục, Tam Tổ thực lục, Trúc Lâm Tuệ Trung thượng sĩ ngữ lục thì Nhân Tông kế nối tông chỉ từ Tuệ Trung Thượng sĩ. Tuy nhiên, cũng trong Trúc Lâm Tuệ Trung thượng sĩ ngữ lục[8], đã liệt kê truyền phái Trúc Lâm theo Lược dẫn thiền phái đồ, như sau:


Thông Thiền – Tức Lự – Ứng Thuận – Tiêu Dao – Tuệ Trung – Trúc Lâm – Pháp Loa – Huyền Quang.


Lại theo tờ 11a của Thiền uyển truyền đăng lục[9] quyển hạ thì truyền thừa được ghi chép như sau:


Hiện Quang – Viên Chứng – Đại Đăng – Tiêu Dao – Huệ Tuệ – Điều Ngự Trần Nhân Tông – Pháp Loa – Huyền Quang …


Lịch sử đã trải qua hàng nghìn năm, đến nay kiểm chứng lại còn nhiều bất cập nên việc truyền thừa này được nhìn nhận trên lý thuyết tương đối. Thực tế, bản thân Tuệ Trung là bậc Cư sĩ, nên không thể thụ giới cho Nhân Tông. Do đó, Nhân Tông nối tông pháp chỉ có thể là từ bậc Tăng nhân Huệ Tuệ truyền trao. Vấn đề, Nhân Tông đắc chỉ dòng Trúc Lâm và đã xiển dương pháp phái, mở rộng quy mô tạo nên tông phái Trúc Lâm Yên tử. Cho nên, ngài đắc pháp và mở rộng quy mô, ổn định thanh quy tạo nên sự phát triển của tông phái và bản thân được tôn sùng thành Đệ nhất tổ.


Trước hết sự ổn định pháp phải ở bản thân Nhân Tông là vua một nước, cai quản toàn bộ xã hội từ các cao tăng, thạc đức, các cư sĩ, nho sĩ, đạo sĩ….. Tính định hướng của vị vua xuất thế hợp lí bởi bản thân ông tinh thông nội ngoại điển, nhiều lần xin Đại Tạng kinh từ nhà Nguyên, như vào năm 1295 với hơn một vạn năm trăm ngàn cuốn kinh để phát triển đạo pháp Đại Việt. Điều này được chính sử nước ta cũng như Trung Quốc ghi lại[10]. Hơn thế, Đệ nhất tổ cho khắc in lại kinh sách, ấn tống cho tăng chúng học. Việc in khắc kinh sách này không chỉ bia Thanh Mai Viên thông tháp bi ghi lại mà cả Đại Việt sử kí toàn thư cũng cho biết vào tháng 8 năm 1299: “In các sáchPhật giáo pháp sư, Đạo tràng tân văn và Công văn cách thức ban hành trong cả nước”.


Đồng thời, ngài làm chủ đàn giảng giải kinh kệ. Tam tổ thực lục ghi lại: “興隆己亥七年十月徑入安子山精勤修學道十二頭陀行自號香雲大頭陀立支提精舍開法度僧學侶雲湊 Tháng 10 năm Kỉ Hợi (1299) niên hiệu Hưng Long thứ 7, ngài đi theo đường nhỏ vào núi Yên Tử mà tinh cần tu đạo theo 12 hạnh Đầu đà, tự đặt tên hiệu là Hương Vân Đại đầu đà, lập Chi đề[11], tinh xá, khai mở thuyết pháp để độ chúng tăng. Người học đua nhau đến rất đông….”[12]


Có thể nói, thông qua việc đào tạo tăng tài, phát triển tông phái, in ấn kinh sách ấn tống, thỉnh Đại tạng… chính là công việc thống nhất giáo hội Phật giáo quy về một mối quản lí đạo pháp dân tộc đồng nhất. Đây cũng chính là công việc vô cùng có ý nghĩa để truyền thống Trúc Lâm cũng như các tông phái khác được phát triển dựa trên một tông phái chính là Triều đình vương quyền với Thần quyền của Trúc Lâm Yên Tử mà ngôi vị lớn nhất là Đệ nhất tổ Trần Nhân Tông. Thống nhất tăng chế, thanh quy, mở trường, khai lớp đã khiến cho Phật giáo Đại Việt đi vào quỹ đạo phát triển có định hướng. Điều này thuận lợi cho việc tuyển trạch tăng tài trong giai đoạn Lý Trần cũng như về sau mà điển trưng là truyền khoa thi Tam giáo trong giai đoạn này. Đây cũng chính là mấu chốt quan trọng trong việc định hình nên vị Thiền gia Thạch trụ Trần Nhân Tông trở thành Trúc Lâm Đệ nhất tổ của Phật giáo thời Trần nói riêng và Phật giáo Việt Nam nói chung.


Tính tuyến phát triển Trúc Lâm Yên Tử


Phần này chúng tôi tiến hành một giả định về tuyến tính phát triển của Thiền phái Trúc Lâm sau khi Trần Nhân Tông xuất gia và kế nối thiền dòng thiền tại Yên Tử dựa trên tuyến tính phát triển đường sông – đường núi. Thực chất của tuyến tính này gắn liền với triều đình vua Trần có nguồn gốc từ Nam Định, tổ tiên làm nghề chài lưới. Đồng thời, sự vận chuyển đi lại của thời đại phong kiến chủ yếu bằng đường sông nước, nên chùa chiền miếu mạo nói chung mang tuyến tính đường sông nước và núi non là điều dễ hiểu.


Trước tiên chúng tôi thấy rằng dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử gắn liền và lấy dãy Yên Tử làm trung tâm phát triển. Núi Yên Tử có thể có cách gọi khác nhau như núi An Kì sinh, Linh Sơn, Lỗi Sơn, Phật Tích Sơn (chùa Thanh Mai)… Tuy nhiên, các phân nhánh núi này đều theo mạch kiến tạo kéo dài của dãy núi từ khu vực Quảng Ninh lên đến điểm cuối tận Lục đầu giang nhưng vượt qua sông và gắn mạch ngầm qua Bắc Giang, Bắc Ninh, nên về sau hệ thống bia chùa Bút Tháp, chùa Tĩnh Lự còn ghi về mạch truyền của núi Yên Tử. Điều này minh chứng hệ thống chùa chiền dòng thiền Trúc Lâm đi theo tuyến tính núi Yên Tử kép dài theo mạch lên khu vực Bắc Giang, Bắc Ninh.


Thứ hai, dòng thiền Trúc Lâm gắn liền với tuyến tính các dòng sông. Có lẽ, cách đây một nghìn năm, hệ thống sông nước và đồng bằng ao hồ cũng khác bây giờ, nhưng những con sông còn lại hoặc chăng dựa trên tài liệu Hán Nôm, hoặc chăng trên căn cứ nghiên cứu thị sát.


Tuyến đầu tiên về đường sông gắn liền với các chùa theo mạch di chuyển của dòng thiền cũng như chùa chiền là chùa Siêu Loại. Điều dễ nhận ra là Trần Nhân Tông thường về chùa Siêu Loại giảng kinh, hoặc chùa Vĩnh Nghiêm, qua chùa Sùng Nghiêm ở núi Lỗi Sơn, chùa Tú Lâm ở ngọn An Kì Sinh mà nay chúng ta thường gọi là Yên Tử hoặc Am Ngoạ Vân. Tuyến tính này cho thấy ngài (có thể) đi theo sông Đuống đến chùa Siêu Loại, hoặc đi qua sông Lục Nam, hoặc đến Sông Lục Đầu rồi lên chùa Vĩnh Nghiêm. Từ sông Lục Đầu, theo sông Kinh Thầy qua phân nhánh sông nhỏ có thể về chùa Quỳnh Lâm hoặc lên núi Phật Tích chùa Thanh Mai.


Đồng thời một tuyến tính đường sông nữa mà ngài đi là từ dãy núi Yên Tử trên các tổ đình, các am, tự viện ngài có thể đến phủ Hưng Long (Thái Bình) dựa trên đường thuyền đi sông Thái Bình. Việc này cũng rất thuận tiện sang chùa Phổ Minh ở Thiên Trường giảng kinh kệ: kinh Pháp Hoa hoặc kinh Hoa nghiêm các hội. Ngoài việc đi Thái Bình, Nam Định qua sông Thái Bình khi ở Vĩnh Nghiêm hoặc Yên tử. Từ Thăng Long thì thuyền có thể đi theo dòng sông Hồng để xuống. Như thế, các tuyến tính đều có điểm nối kết.


Phân định tuyến tính đi lại cũng chính là phân định tuyến tính phát triển dòng Thiền. Đồng thời là sự kiểm soát của triều đình với Phật giáo. Nó cũng chính là sự bao trùm của Trần Nhân Tông, phát triển Trúc Lâm Yên Tử với một giáo hội đầy đủ các chức năng quản lý và phát triển tông giáo khắp cả nước. Sự ổn định không những trong không gian Đại Việt trên cơ sở tuyến tính phát triển mà con vươn rộng ra các địa phương khác như am Tri Kiến tận trại Bố Chính[13]. Tất cả cho thấy vị thế của vị Trúc Lâm Đại Đầu đà – Trúc Lâm Yên tử Đệ nhất tổ Trần Nhân Tông.


Truyền thừa tông giáo từ Trần Nhân Tông đến các tổ.


Nhân Tông xuất gia, đi khắp nơi dẹp dâm từ, thí hành thập thiện, hướng đạo văn hoá nước nhà, cứu khổ cho muôn dân. Trong một lần du hoá, Trần Nhân Tông đã gặp Thiện Lai mà sau này đặt tên hiệu là Pháp Loa. Thấy Thiện Lai nhục cốt biểu trưng bậc có pháp khí, có khả năng truyền đèn nối lửa, thiệu đăng tông phong, Nhân Tông đã rất vui nhận làm đệ tử. Về sau, nhân duyên nhận Huyền Quang cũng thế.


Huyền Quang theo làm thị giả cho Bảo Phác, Nhân Tông nhìn thấy, mới bảo Huyền Quang theo ngài. Từ đó, Huyền Quang theo thị giả cho Nhân Tông. Nhân duyên với đạo đã gắn 3 vị tổ lại thành một tuyến tính, một mối liên kết lấy Đệ nhất tổ Trúc Lâm Trần Nhân Tông làm trung tâm. Hai vị lại sau đều là đệ tử, mà trong rất nhiều tranh minh hoạ kinh sách Phật giáo đều vẽ khắc lại hình Nhân Tông ở giữa, hai bên là Pháp Loa và Huyền Quang[14]. Đến như việc giảng dạy, việc hướng dẫn tu tập… Nhân Tông cũng rất chăm chú chỉ dẫn cho học trò, nào đọc kinh gì, điểm nhãn để Pháp Loa chứng ngộ, vì Pháp Loa thuyết giảng Đại Tuệ ngữ lục….[15]. Sau, khi Nhân Tông thị tịch, làm lễ Vu Lan cầu siêu thoát, Pháp Loa nhắc nhở Huyền Quang: “di chúc của Điều Ngự, ngươi quên rồi ư?”, cho thấy, sự gắn kết và truyền thống nối đèn nối lửa cửa chư tổ[16]. Trước, Nhân Tông đã ban cho Pháp Loa ‘Kinh sử ngoại thư” trăm hòm cùng Đại tạng tiểu thừa gồm 20 hòm chích máu viết cùng sau này, Anh Tông lại giao tiếp cho Đại tạng kinh 500 hòm nữa[17]. Tất cả số kinh sách này cho thấy: Nội điển được các sư tham học và sử dụng rất nhiều. Đây cũng chính là cơ sở cho sự phát triển tư tưởng Phật giáo thời Trần cũng như nhiều sách Công văn – Thích điển mà đến nay tăng chúng vẫn dùng có căn nguyền từ giai đoạn này[18].


Điều đặc biệt Thanh Mai Viên Thông tháp bi còn ghi lại một cuộc truyền giao ngôi trụ trì cũng chính là truyền giao ngôi Đệ nhị tổ ở chùa Siêu Loại giữa Điều Ngự Trần Nhân Tông với Pháp Loa để chúng ta nhìn nhận về lễ nghi tôn giáo phát triển triều Trần: “Ngày 1 tháng giêng năm Hưng Long thứ 16 (1308) Sư phụng mệnh làm lễ truyền thừa Tự pháp trụ trì Cam Lộ đường chùa Siêu Loại, liệt vị các tổ, tấu đại nhạc, thiêu hương thơm, Điều Ngự dẫn sư bái tổ đường, lễ xin cháo xong, lại mệnh tấu nhạc, đánh chuông pháp, tập hợp đại chúng, lên pháp đường. Bấy giờ Anh Tông xa giá đến chùa, sắp xếp ngôi vị chủ khách. Anh Tông là một đàn việt lớn trong Phật pháp nên ngồi ngôi vị khách, ở trên pháp đường, trên quan tể tiếp đến quan thứ liêu, đều ngồi dưới sân. Điều Ngự lên toà thuyết pháp, thuyết xong thì xuống, giúp sư (Pháp Loa) lên trên toà. Điều Ngự đối diện chắp tay vấn tấn, Sư đáp lại bằng lạy tạ, nhận pháp y rồi mặc lên người, Điều Ngự bèn ra ngồi bên ghế hướng bên mà nghe sư thuyết pháp. Lấy chùa Siêu Loại thuộc sơn môn Yên Tử mệnh cho Sư kế nhiệm trụ trì làm Trúc Lâm đời thứ 2”[19]. Qua hành lễ cho thấy, sự chuyển giao thế hệ không chỉ trong sơn môn pháp phái mà còn được sự minh chứng của vua Anh Tông cũng như quan lại triều đình là các bậc đàn na tín thí về vị Đệ nhị tổ Pháp Loa tại chùa Siêu Loại.


Truyền thừa các tổ Trúc Lâm từ y bát cùng thư tâm kệ giao phó lại cho Pháp Loa và giáo dạy phải hộ trì Phật pháp. Việc truyền thừa này là qua trao truyền pháp kệ của các tổ, chứ không đồng nhất với bài kệ truyền khi thị tịch. Bởi thị tịch là tiếng nói cuối cùng ở đời để rồi thiền tăng thoát li khổ hải về với chốn Phật. Các bài kệ không được nhắc đến trong các thư tịch Phật giáo như Thánh đăng lục, hoặc Tam tổ thực lục, bởi có sự biên soạn qua lại, thêm bớt về sau. Trong Kiến tính thành Phật, tờ 50 a – 50 b soạn bởi Chân Nguyên, một thiền sư kế nối tông Trúc Lâm Yên tử thời Lê, tu tập ở chùa Long Động – Hoa Yên trên núi Yên tử đã ghi chép lại các bài kệ truyền thừa. Dưới đây là bài kệ từ Trần Nhân Tông:


故越國竹林第一祖淨慧調御覺皇了一偈


我佛本無一


心法亦不二


八字直打開


一乘無巴鼻


Dịch nghĩa: Cho nên, Trúc Lâm Đệ nhất tổ Tịnh Tuệ Điều Ngự Giác Hoàng nước Việt hiểu rõ bằng một bài kệ:


Ta và Phật vốn không là một


Tâm và pháp cũng chẳng phải là hai


Tám chữ thẳng thắn mở ra


Một cỗ xe nhất thừa không sở đắc[20].


Đến bài kệ của Đệ nhị tổ Pháp Loa Phổ Tuệ Đại sư:


心法等空花


佛我如電拂


舉起遍十方


滅了無可得


Dịch nghĩa:


Tâm và pháp như hoa không


Phật và ta như điện sẹt qua


Nhìn khắp cả mười phương


Diệt hết không thể được


Bài kệ của Đệ tam tổ Huyền Quang tôn giả:


悟道無住心


見性無住佛


心佛非兩端


本來無一物


Dịch nghĩa:


Ngộ đạo không trú tâm


Thấy tính chẳng ở Phật


Tâm và Phật chẳng phải hai đầu mối


Xưa nay không một vật.


Trong Kiến tính thành Phật, sắp xếp các bài kệ này nối liền với truyền thống kệ truyền của các tổ Phật tây phương đến 6 vị tổ Thiền tông đông độ. Việc kế nối kệ truyền mang tính chất xuyên suốt tư tưởng Tâm, Tính và Phật tính, Phật, Pháp trong mỗi thiền sư. Quán xuyến tất cả vẫn là chư tổ nối chư tổ, các bậc cổ đức đàm đạo đạo với nhau bằng vô ngôn mà thông. Truyền đèn nối lửa, tạo nên truyền thống Trúc Lâm Yên Tử bằng mạch dâykiến tính thành Phật từ Nhân Tông đến Huyền Quang và các thế hệ về sau. Đây cũng chính là điểm tạo nên truyền thống Trúc Lâm và Nhân Tông đệ nhất tổ trong lịch sử Phật giáo Trúc Lâm Yên tử nói riêng và Phật giáo Việt Nam nói chung.


Sơ luận tư tưởng Trần Nhân Tông


Nhân Tông, từ ngôi vị Hoàng đế đến ngôi vị Phật hoàng; từ vương quyền đến thần quyền…. Trên phương diện nào thì con người Nhân Tông vẫn hiển hiện với tư tưởng, tình cảm và con người Đại Việt, lấy vận mệnh đạo pháp và dân tộc hoà chung trong một bản trường ca là Phật giáo Nhập thế. Xét bình diện tư tưởng Phật giáo, Thiền sư Nhân Tông đã ngồi trên toà sen cửu phẩm, ngôi giữa mà hai bên là nhị và tam tổ thị giả trong truyền thống Trúc Lâm.


Tính từ kệ truyền thừa đã trích dịch ở trên, cho thấy mạch nguồn nối kết các tổ chính là vấn đề liễu rõ bản Tâm, vấn đề Tâm Tính, vấn đề tự thân và Phật là đồng dị….. Nhân Tông khi đã hiểu rõ “sinh diệt diệt dĩ, tịch diệt vi lạc” – 8 chữ đó thì mọi sự đã được viên thông. Khi đó Phật chính là Nhân Tông, Tính chính là Nhân Tông, Tâm pháp là Nhân tong, đều bất nhị. Từ đồng nhất thể, thân và Phật để thấy rõ Tâm pháp cũng chẳng phải là sai biệt, Nhân Tông kế nối truyền thống chư tổ thiền để luận thuật tâm tông. Một tác phẩm khác là Cư trần (lạc đạo) Nhân Tông đã viết:


了真如信般若莫尚尋佛祖西東


證實相達無為何勞問經禪南北


Rõ chân như, tin Bát-nhã, chớ còn tìm Phật Tổ Tây Ðông.


Chứng thật tướng, đạt vô vi, đâu nhọc hỏi kinh thiền Nam Bắc[21]


Sau đó Chân Nguyên thiền sư nhận định về Tâm Tính học của Trúc Lâm Đệ nhất tổ : «Khiến người người phản bản hoàn nguyên, cho kẻ kẻ hồi quang tự ngộ. Chỉ chín chắn quán xét sâu xa, rõ được tột người người là Phật, ngộ tâm tông Phật Phật là người. Xin hãy đều thẳng đó đương đảm, chớ chạy đuổi bên ngoài tìm kiếm». Đây cũng chính là tông chỉ truy tìm tự thân của Phật giáo Trúc Lâm. Vấn đề bản tâm, tâm tính. Tu là chuyển nghiệp, nhưng chuyển về đâu? Tâm là Phật, vậy an tâm thế nào? Các câu hỏi đặt ra cũng chính là câu trả lời như bài kệ «八字直打開一乘無巴鼻 nhất thừa trực đã khai, nhất thừa vô ba tị» của Trần Nhân Tông như đúc kết cho liễu giải của ngài về Tâm về Phật để quán suốt xưa nay không một vật đồng với chư Phật chư tổ!


Thực chất tâm tông đó là nối từ chư tổ Thiền tông đến người học đạo – Thiền sinh. Bản thân Nhân tông được Chân Nguyên Thiền sư trong Bát nhã chính tông ca nhận định về đạo học đấy là nhìn thẳng vào bản tâm, như sau:


“Tổ Trúc Lâm chỉ thẳng tâm


Điều Ngự tông giáo xưa mà nay”[22]


Vấn đề Tâm trong tư tưởng Phật giáo Trần Nhân Tông là một xuyên suốt để nhìn thấy ánh sáng giác ngộ, nhìn thấy con đường chứng đạt về cội nguồn chư Phật, cứu độ tự thân. Tâm chính là Lòng người, là tâm thể, là bản tâm. Trong Cư trần lạc đạo, Nhân Tông nhiều làn đề cập đến Tâm – lòng:


Dừng tam nghiệp mới lặng thân tâm


Đạt một lòng thì thông tổ giáo.


Đấy chính là lòng tự tại, lòng thông suốt trong veo thanh tịnh chứng đạt vô vi. Sự chứng đạt này dựa trên nền tảng của cái bình thường Tâm thị đạo Phật truyền Đông Độ qua Đạt Ma đến Lục tổ để thiền tông thịnh trị. Mã Tổ Đạo Nhất đề sướng bình thường tâm thị đạo tạo nên tông phong các phái y theo tu tập để giác ngộ thiền cơ. Nhân Tông hiểu rõ lẽ nhân sinh qua nhân sinh quan của bậc Thượng trí đứng đầu quốc gia dân tộc, ngài hiểu rõ lẽ thiền kế đăng Thần quyền tông giáo để nhận định vấn đề con người:


Cư trần lạc đạo thả tuỳ duyên


Cơ tắc san hề khốn tắc miên


Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch


Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền.


Chỉ với một chữ Tâm đã quán suốt toàn bộ tư tưởng thể hiện trên hệ thống tác phẩm cũng như hành trì vận đạo vào cuộc sống thường nhật của Trần Nhân Tông Trúc Lâm Đệ nhất tổ. Câu cuối của Cư trần lạc đạo như đúc kết tất cả: ‘đối cảnh vô tâm đừng hỏi về Thiền’ đã nói lên tông chỉ về bản thể triết học, tư tưởng Trần Nhân Tông về vấn đề Chân Như, bát nhã, Thực tướng ….tất cả đều từ Tâm mà ra.


Tạm kết.


Phật giáo từ tự giác giác tha, đến giác hạnh viên mãn cũng như đạo Nho ban đầu phải là tự tu. Trần Nhân Tông từ vấn đề tự thân ngài đã đưa lên thành vấn đề quốc gia dân tộc. Từ vấn đề của cá nhân, đến Điều Ngự Phật Đã Thành, mang tính chất xuyên suốt, tạo nên tông phong Trúc Lâm Yên Tử. Nhân Tông đã thống nhất đạo Phật về một mối với tính chỉnh thể, gắn liền đạo – đời. Từ Vương quyền với Thần quyền để giải quyết các vấn đề quốc gia dân tộc, Nhân Tông đã nối kết lòng người không chỉ trong nước mà cả biên cương, không chỉ thời gian mà cả không gian để ngài mãi mãi là Thiền gia long tượng của người Việt.


Viết tại Thiền Phong viện


Tài liệu tham khảo:


Tam tổ thực lục kí hiệu A. 786 Viện Nghiên cứu Hán Nôm (và bản Tam tổ thực lục, bản in bởi Diệu Trạm Thiền sư chùa Pháp Vũ, huyện Ninh Giang, Hải Dương năm 1897).


Thiền uyển truyền đăng lục, Phúc Điền hoà thượng, kí hiệu VHV. 9, Viện Nghiên cứu Hán Nôm.


Khoá hư lục, bản in bởi Việt Nam Phật điển tùng san, Hà Nội. 1943.


Kiến tính thành Phật, Chân Nguyên thiền sư, kí hiệu A. 2570, Viện Nghiên cứu Hán Nôm.


Thanh Mai Viên Thông tháp bi chùa Thanh Mai.


Đại Việt sử kí toàn thư Nxb KHXH- 1998.


Lược khảo tư tưởng Thiền Trúc Lâm Việt Nam, Nguyễn Hùng Hậu, NXB KHXH, H.1997.


Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Viện Triết học, NXB KHXH, H.1988.


Tam tổ Trúc Lâm giảng giải, Thích Thanh Từ, NXB Tổng hợp TPHCM, 2005.


Toàn tập Trần Nhân Tông, Lê Mạnh Thát, NXB TPHCM, 2000.


Toàn tập Trần Thái Tông, Lê Mạnh Thát, NXB Tổng hợp TPHCM, 2004.


Lịch sử Phật giáo Việt Nam, từ Lý Thánh Tông (1054) đến Trần Thánh Tông 91278), Lê Mạnh Thát, NXB TPHCM, 2000.


Việt Nam Phật giáo sử luận, Nguyễn Lang, NXB Văn học, H. 2000.


Thơ văn Lý Trần, tập II, Viện Văn học, Quyển thượng. NXB KHXH, H.1989.


[1] Thiền uyển truyền đăng lục, (VHV.9) cho rằng, năm Nhân Tông 16 tuổi, đã 3 lần từ chối làm Thái tử (固辞再三 cố từ tái tam) mà Thánh Tông không đồng ý.


[2] Nguyên văn: 凡為人君者以天下之欲為欲以天下之心為心 Phàm vi nhân quân giả, dĩ thiên hạ chi dục vi dục, dĩ thiên hạ chi tâm vi tâm – Phàm là bậc vua phải lấy cái muốn của thiên hạ làm cái muốn của mình, lấy tấm lòng của thiên hạ làm lòng mình.… (Trần Thái Tông ngự chế Khoá hư, bản in, Việt Nam Phật điển tùng san, 1943).


[3] Theo Đệ nhất tổ thực lục, tờ 1a, sách Tam tổ thực lục, bản in bởi Diệu Trạm thiền sư năm 1897. Sau này trongThiền uyển truyền đăng lục tờ 8b, quyển hạ, Phúc Điền hoà thượng, bản in, kí hiệu VHV. 9 Viện Nghiên cứu Hán Nôm có nhắc lại.


[4] Theo Đệ nhất tổ thực lục, tờ 1b, sách đã dẫn và trong Thiền uyển truyền đăng lục tờ 8b, quyển hạ, sách đã dẫn.


[5] Theo Đệ nhất tổ thực lục, tờ 2a, sách đã dẫn và trong Thiền uyển truyền đăng lục tờ 8b, quyển hạ, sách đã dẫn.


[6] Xem Thanh Mai Viên Thông tháp bi, thác bản tại Viện nghiên cứu Hán Nôm, trong Văn khắc Hán Nôm thời Trần, Viện Nghiên cứu Hán Nôm.


[7] Theo Thanh Mai Viên Thông tháp bi, thác bản lưu tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm.


[8] Trúc Lâm Tuệ Trung thượng sĩ ngữ lục, bản in năm 1683, bản in lại bởi Diệu Trạm Thiền sư năm 1897 tại chùa Pháp Vũ huyện Ninh Giang tỉnh Hải Dương.


[9] Thiền uyển truyền đăng lục tờ 8b, quyển hạ, Phúc Điền hoà thượng, bản in, kí hiệu VHV. 9, Viện Nghiên cứu Hán Nôm sách đã dẫn.


[10] Toàn tập Trần Nhân Tông, Lê Mạnh Thát, , trang 484, nxb Tp HCM, 2006.


[11]支提 Chi đề, phạn ngữ CAITYA, còn gọi là Chế đề, chế đa : nơi tụ tập tăng chúng lại để giảng giải, tương tự với chùa, với tháp làm trung tâm,


[12] Tam tổ thực lục, tờ 3a, Đệ nhất tổ thực lục, bản in bởi Diệu Trạm năm 1897, sách đã dẫn.


[13] Tam tổ thực lục ghi: 至布政寨立知見庵以居 chí Bố Chính trại, lập Tri Kiến am dĩ cư” – Đến trại Bố Chính, lập am Tri Kiến để ở, tờ 3a, Đệ nhất tổ thực lục, sách đã dẫn.


[14] Như tranh bìa sách Tam tổ thực lục, Kiến tính thành phật, sách đã dẫn.

KHÁNH THÀNH TƯỢNG PHẬT HOÀNG TRẦN NHÂN TÔNG TẠI NÚI YÊN TỬ

 

Sáng qua (3/12), UBND tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam long trọng tổ chức Đại lễ tưởng niệm lần thứ 705 ngày Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết bàn (1308 – 2013) và khánh thành Bảo tượng Phật hoàng tại Khu di tích – danh thắng Yên Tử.


Tới dự Đại lễ có Phó Chủ tịch Nước Nguyễn Thị Doan; các Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Phạm Bình Minh; Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, cùng lãnh đạo nhiều Bộ, ban, ngành và các chư tôn đức giáo phẩm Giáo hội Phật giáo Việt Nam cùng hàng ngàn tăng ni, phật tử.


Tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông tĩnh tọa trên tòa sen được đặt trang trọng tại khu vực An Kỳ Sinh, trên độ cao hơn 1.000m so với mực nước biển. Tượng nặng 150 tấn, cao 15m, được đúc bằng đồng liền khối theo phương pháp thủ công với tổng số vốn đầu tư trên 72 tỷ đồng. Đây là bức tượng đồng liền khối lớn nhất ở Việt Nam hiện nay.


Phát biểu tại Đại lễ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Đại lễ là dịp để bày tỏ tấm lòng kính ngưỡng Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông, qua đó mỗi người soi tỏ mình, sống tốt đời đẹp đạo, cùng chung tay góp sức xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, xứng đáng với công đức vô lượng của cha ông. Đại lễ đồng thời cũng thể hiện chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước về tự do tôn giáo, tín ngưỡng.


Trước đó, trong đêm 2/12, ông Vũ Đức Đam đã dự khóa lễ đặc biệt nguyện cầu quốc thái dân an và đích thân gõ búa khai chuông, khai khánh dưới Bảo tượng Phật hoàng.

___________

 

Hà Hương - Đặng Vũ

NHIỀU BÍ ẨN TRONG BỨC THƯ HỌA "TRIỆU ĐÔ" VẼ PHẬT HOÀNG TRẦN NHÂN TÔNG

  Một phần của bức thư họa “Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn chi đồ”

Bức thư họa được vẽ trong hoàn cảnh nào, tại Trung Quốc hay tại Việt Nam? Thân phận thật sự của Trần Giám Như? Trần Quang Chỉ – chủ nhân của bức họa đã mời các danh sĩ nhà Minh đề thơ, lời dẫn có phải là người mang dòng máu hoàng tộc nhà Trần?

 

Ngoài những giá trị về văn hóa lịch sử, bức thư họa này từng khiến cộng đồng quốc tế bất ngờ vì bản phục chế của nó (không phải bản gốc) được mua với giá 1,8 triệu USD.


Một buổi tọa đàm về bức thư họa vẽ Phật hoàng Trần Nhân Tông đã được tổ chức tại Huế với sự tham gia của rất đông các học giả trong giới nghiên cứu văn hóa, học thuật Huế, những người yêu lịch sử, sinh viên sử học. Tại buổi tọa đàm, các học giả và người yêu mến lịch sử đã được tận mắt thưởng lãm bức thư họa qua một phó bản hoàn chỉnh.

 

ĐĐ.TS Thích Không Nhiên chia sẽ: “Ngay khi Bắc Kinh bắt đầu bán đấu giá bản phục chế thì chúng tôi đã theo dõi và tìm mọi cách để có được 1 phó bản bức thư họa quý giá này”

 

700 năm chìm nổi


Bức họa được sáng tác vào năm 1363 bởi họa sư Trần Giám Như, sau đó được các danh sĩ đời Minh viết thêm lời bình dẫn, tôn vinh. Tác phẩm là họa phẩm tranh thủy mặc kết hợp nghệ thuật thư pháp đặc sắc đã tạo nên một chỉnh thể nghệ thuật hoàn hảo không chỉ có giá trị văn hóa mà còn có giá trị lịch sử to lớn.

 

Năm 1922, bức thư họa được Phế đế Phổ Nghi bí mật đưa ra ngoài và lưu lạc cho đến năm 1949 mới được đem về cất giữ tại Bảo tàng Liêu Ninh (Trung Quốc). Cho đến trước tháng 4/2012 những gì được biết về bức thư họa vẫn chỉ là những lời miêu tả, ghi chép trên văn bản.

 

 Phật hoàng Trần Nhân Tông với tướng mạo đẹp toát lên nét phật 

Bản phục chế giá triệu đô


Vào tháng 4/2012 sau nhiều năm được cất giấu trong viện bảo tàng, bức thư họa được ra mắt công chúng và giới học thuật hiện đại thông qua một bản phục chế bằng kỹ thuật cao cấp. Trong cuộc đấu giá, bản phục chế bức thư họa có khởi điểm 160 USD, nhưng cuối cùng qua nhiều vòng đã được mua với tổng số tiền lên đến 1,8 triệu USD.

 

Nguyên bản bức thư - họa này có kích thước 961x28cm (phần tranh 316 x 28 cm). Vẽ trên chất liệu giấy xuyến bằng loại hình tranh thủy mặc với hai màu đen trắng. Tranh vẽ tất cả 82 nhân vật gồm đoàn người xuống núi và đoàn người đến đón. Nhân vật chính trong bức họa là Phật hoàng Trần Nhân Tông với những đặc trưng trên gương mặt: mày dài, tai to, tay cầm tràng hạt.


Những bí ẩn chưa có lời giải


Nội dung trong tranh tạo nên những góc nhìn đặc biệt cần các học giả tìm tòi, nghiên cứu để tìm ra những bí ẩn lịch sử được thể hiện trong sử liệu này.


Những bí ẩn đó gồm: Bức thư họa được vẽ trong hoàn cảnh nào, tại Trung Quốc hay tại Việt Nam? Thân phận thật sự của Trần Giám Như? Trần Quang Chỉ – chủ nhân của bức họa đã mời các danh sĩ nhà Minh đề thơ, lời dẫn có phải là người mang dòng máu hoàng tộc nhà Trần? Liệu có khả năng tìm ra một cộng đồng người Việt họ Trần lưu lạc sang Trung Quốc thời ấy hay không ?...

 

Toàn bộ bức thư họa với nhiều bí ấn chưa được giải đáp



Kết thúc buổi tọa đàm, Nhà nghiên cứu cổ vật có tiếng, diễn giả Trần Đình Sơn đã đúc kết: “Quá khứ và văn hóa nước nhà vẫn còn nhiều mảnh vỡ, những bí ẩn chưa tìm được lời giải đáp, việc tìm kiếm, sưu tầm và giải mã những mảnh vỡ này sẽ góp phần phục dựng bức tranh lịch sử - văn hóa nước ta”.

_____________


Anh Việt – Đại Dương

Nguồn : http://www.vhna.edu.vn/

NHỮNG ĐIỀU DẠY VỀ PHẬT CỦA PHẬT HOÀNG TRẦN NHÂN TÔNG

I. Giới thiệu tổng quát:


“Tôi sơ lược trình bày chủ đề Ánh sáng độc lập tự do trong đầu óc Trần Nhân Tông và ảnh hưởng tích cực của ánh sáng này đối với dân tộc Việt Nam, cách nay hơn 700 năm, căn cứ vào những lịch sử cụ thể còn ghi lại nhằm mục đích tôn vinh Người, tôn vinh tính tinh hoa của dân tộc Việt Nam.

Đồng thời cũng nhắc nhở cho chính tôi người may mắn được sinh ra trên đất nước Việt Nam nhớ phẩm chất quý báu này của người Việt Nam, mà nó cũng quý báu như tài sản thiêng liêng của mỗi con người trên hành tinh này và luôn ưu tư thực hiện nó cho chính mình trước đã, dù đang sống ở đâu, làm bất cứ việc gì để giúp người”

Duy Tuệ.

II. Phóng sự VTV9 – Lễ giỗ Phật Hoàng Trần Nhân Tông lần thứ 702


Với nhiều năm nghiên cứu về Phật giáo Việt Nam, Giáo sư, tiến sỹ Ivo Vasiljev, Hội ngôn ngữ học Tiệp Khắc cho rằng: “Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông vừa là một vị vua, vừa là nhà tu hành rất tích cực, với mục đích đưa đạo vào đời hết sức là sâu sắc và có giá trị rất cao đối với Việt Nam và thế giới ngày nay”

“ Cuộc đời và sự nghiệp của Phật Hoàng Trần Nhân Tông không chỉ là bài học về đạo trị nước an dân mà còn về tư tưởng tự lập, tự cường, bảo vệ bản sắc và chủ quyền quốc gia dựa trên sự đoàn kết lòng dân…”

III. Nội dung chi tiết:


“ Đã 101 năm trôi qua kể từ ngày Phật Hoàng Trần Nhân Tông – vị tổ thứ nhất của thiền phái Trúc Lâm tạ thế, nhưng tinh hoa thiền học của người để lại vẫn lấp lánh như ngọn hải đăng soi rọi sự phát triển của Phật học Việt Nam.

Cuốn sách những điều dạy về Phật của Trần Nhân Tông không chỉ khái quát những cống hiến to lớn của nhà vua trong sự nghiệp dựng nước, giữ nước và mở cõi, mà hơn thế cuốn sách còn toát lên được tư tưởng lớn của một vị minh quân, doanh nhân văn hóa một vị thiền sư và một tâm hồn thi sĩ.”


Nội dung sách gồm 4 phần lớn

1.Thân thế và sự nghiệp vua Trần Nhân Tông:


Đây là phần giới thiệu sơ bộ về lịch sử của vị vua Phật Trần Nhân Tông, qua phần này các bạn sẽ hiểu rõ về quá trình từ lúc ngài ra đời đến lúc ngài viên tịch. Toàn bộ cuộc đời được tác giả kể lại một cách tổng quát để người đọc dễ dàng đi vào những phần cốt lõi trong sự nghiệp của vị Vua Phật này.

2. Một số tác phẩm thơ, phú, bài giảng, văn xuôi, tờ biểu của vua Trần Nhân Tông:


Ở phần này tác giả giới thiệu một số tác phẩm tiêu biểu của Trần Nhân Tông, qua đó chúng ta thấy được tài năng cũng như tâm hồn của ngài.

Những bài viết của tác giả Duy Tuệ về vua Phật Trần Nhân Tông :


3. Qua cách nhìn mới mẻ của tác giả hình ảnh Phật Hoàng hiện lên như một tấm gương sáng về :

 Đạo đức của người lãnh đạo đất nước

 Nhân cách cá nhân người Việt

• Trí tuệ vô ngã và trí tuệ cân bằng, đoàn kết mọi thế lực trong nước

 Lòng thương yêu và tin dân

 Sống tích cực và hữu ích khi thực hiện niềm tin tín ngưỡng nói chung và Phật giáo nói riêng…

4. Nội dung tham khảo:

Đây là phần nội dung cho quý đọc giả nhận thức thêm và hiểu rõ hơn về Phật hoàng Trần Nhân Tông, bao gồm một số bài ngẩu hứng của tác giả và một số bài của những tác giả khác hay tin tức được đăng trên các phương tiện truyền thông.

_____________

 

Nguồn: http://minhtriet.vn/

TRÚC LÂM BẠCH MÃ

Nhiều người không phải là tín đồ của đạo Phật vẫn thường tìm về Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã chỉ để được chìm đắm vào cảm giác tịnh tâm khó tìm giữa cuộc sống thường nhật.


Đứng trước mảnh đất nơi thiền viện này tọa lạc, một từ đẹp không đủ để cảm thán trước một bức tranh thủy mặc có sự giao thoa của non, nước, mây, trời… mà thiên nhiên khéo vẽ nên.


Đứng bên này bờ, có thể thấy Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã lẩn khuất sau những cánh rừng nguyên sinh


Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã cách TP.Huế khoảng 30 km về phía tây nam, nằm trong hệ thống núi Bạch Mã quanh năm có mây trắng phủ kín đỉnh núi nên khí hậu luôn trong lành và mát mẻ.

 

Mỗi ngày có hàng trăm lượt khách tìm về thiền viện để chiêm bái

 

Không chỉ là nơi tu hành lý tưởng, thiền viện này còn nổi tiếng với cảnh đẹp an lạc

 

Trước khi vào thiền viện phải bước qua cổng Tam quan rộng 11m, cao 10m ở mé đồi

 

Bước qua khỏi cổng Tam quan, kiến trúc đầu tiên là Chánh điện

 

Nhiều người địa phương cho biết, giữa mùa hè nóng nực là vậy nhưng nếu lưu chân lại khu vực này vào ban đêm, khách phải đắp thêm tấm chăn nhẹ mới êm giấc nồng.

 

Nhà Tổ đường dựa vào vách núi rộng 25,5m, cao 17,5m thờ Tổ bồ đề Đạt Ma

 

Dâng hương cầu nguyện lên đức Phật

 

Lầu chuông vang khắp chốn cầu cho đất nước thái bình an lạc

 

Lầu trống có diện tích (cùng diện tích với lầu chuông) là 49 m2

 

Để đến được ngôi chùa lẩn khuất sau cánh rừng nguyên sinh, khách phải thêm 10 phút trên đò vượt hồ Truồi.

Nhiều người thoáng nghe phải thêm chặng đò thường ái ngại, nhưng đừng quá lo lắng vì dọc đường bạn sẽ mải miết ngắm nước hồ xanh ngọc bích, chiêm ngưỡng những cù lao nguyên sơ giữa hồ nước với những tượng Phật bằng đá sừng sững…

 

Tịnh thất của hòa thượng Viện trưởng (bên phải nhà Tổ đường), rộng 10m, cao 12m

 

Đại Hùng Bảo điện nơi thờ Như Lai phật tổ

 

 

Đứng trên đỉnh núi nhìn về phía cầu thang 174 bậc

 

 

Tịnh thất trang nhã của chư tăng

 

Khi đò vừa cập bến, khách thăm thiền viện sẽ tiếp tục “chinh phục” 174 bậc đá để đến tiếp cổng tam quan lộng gió, uy nghi đứng ngay bên đỉnh núi.

Lần đầu đến thiền viện, tôi cũng như nhiều người khác đều nghĩ đến trò chơi: đếm bậc thang.

 

Nhìn hàng loạt bậc thang cao ngất có khi sẽ làm chùn bước khách bộ hành. Nhưng khi “hút” vào trò chơi, 174 bậc thang hết vèo, để rồi ngỡ ngàng khi ngoảnh lại từ tầm cao “với tới mây” là cảnh vật sơn thủy hữu tình hiện ra một cách kỳ vỹ.

Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã nơi gặp gỡ của nước, non, mây, trời

 

 

Cù lao đặt tượng phật Thích Ca cao 24m, nặng 1.500 tấn bằng đá

 

Thiền viện nằm trong khối núi Bạch Mã nên có khí hậu trong lành, mát mẻ quanh năm

 

 

Lối vào nhà chùa đầy thơ mộng

 

Sau khi vào Đại Hùng Bảo điện, nơi thờ Phật tổ Như Lai - tòa tịnh thất, thắp hương cầu nguyện, du khách có thể tỏa ra để đi thăm 20 hạng mục khác nhau. Tôi dám cá rằng, đi đến đâu, chiếc máy ảnh trên tay của bạn sẽ phải "nóng" đến đó để ghi lại những hình ảnh về hệ thống kiến trúc độc đáo mang đậm phong cách Phật giáo.

Không chỉ “mãn nhãn” mà bạn còn được “mãn nhĩ” nhờ những chiếc chuông gió vi vu không ngừng vang vọng. Không gian trầm lắng, tiếng chuông chùa trầm ấm rền vang. Một không khí linh thiêng, an lạc tỏa khắp núi rừng.

 

 

Cấu trúc độc đáo khi nhìn qua cổng Tam quan

 

 

Trên hồ Truồi nước hồ xanh ngọc bích còn có tour du lịch dạo cảnh

 

 

Thiền viện mùa hoa nở

 

Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã chính thức khởi công vào ngày 30.3.2006 là nơi tu tập lý tưởng. Chính vì phong cảnh tươi đẹp nên hàng năm, lượng khách du lịch đổ về đây chiêm bái rất đông.

 

_____________

 

Phượt thủ Nguyên Thọ

Nguồn: thanhnien.com.vn

HUẾ CUNG NGHINH AN VỊ TÔN TƯỢNG NGỌC PHẬT TRẦN NHÂN TÔNG

(LQ) Sau quá trình chuẩn bị, trang hoàng sáng nay, 19.3.2013 Ban Trị sự GHPGVN tỉnh TT Huế đã trang nghiêm cử hành lễ cung nghinh an vị ngọc tượng đức Phật hoàng Trần Nhân Tông.

 

Đến chứng minh và tham dự có Đại lão Hòa thượng Thích Đức Phương, Phó Pháp Chủ GHPGVN, Trưởng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh TT Huế, chư tôn Hòa thượng Giáo phẩm Chứng minh Ban Trị sự, chư tôn Hòa thượng, chư thượng tọa Đại đức Tăng, Ni trong toàn Ban Trị sự, các Ban ngành trực thuộc, ban Đại diện Phật giáo các huyện, thị xã, các Đạo tràng, Đoàn chúng cư sĩ Phật tử trong toàn tỉnh.


Lễ cung nghinh an vị ngọc tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông đã diễn ra trang nghiêm theo nghi lễ truyền thống của Phật giáo cố đô Huế do chư tôn đức Ban Nghi lễ GHPGVN tỉnh đãm trách.


Tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông từ khối ngọc bích nặng hơn 4,5 tấn, đây là bức tượng Phật hoàng bằng ngọc bích lớn nhất Việt Nam. Được biết, khối ngọc bích nặng hơn 4,5 tấn đã được nhập về từ Canada cùng nguồn gốc với Phật ngọc Hòa Bình Thế Giới. Qua bàn tay điêu khắc của các nghệ nhân, khối ngọc bích được tạc theo tư thế Phật ngồi cao khoảng 1,6 mét, khuôn mặt dát vàng. Tổng chiều cao tượng là 3,23m (kể cả bệ, đài sen và kim thân tượng) do nghệ nhân Đinh Danh Tư phụ trách tạc.


Việc Ban Trị sự GHPGVN tỉnh TT Huế cung nghinh và an vị ngọc tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông là thể theo nguyện ước của Tăng, Ni và Phật tử để có thiện duyên chiêm bái, ôn lại lịch sử đức vua, Phật hoàng Trần Nhân Tông...


Thời gian tôn trí ngọc tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông tại Huế từ 19 đến hết ngày 26.3 2013.

 


 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

_____________________

 

Nguyên Nguyên

Nguồn: www.lieuquanhue.vn

 

 

VAI TRÒ CỦA TRẦN NHÂN TÔNG VÀ HÒA GIẢI

Bức Trúc Lâm đại sỹ xuất sơn chi đồ được cho là vẽ Vua Trần Anh Tông đón cha.

Thiền sư Lê Mạnh Thát cho rằng Vua Trần Nhân Tông là một nhân vật tiêu biểu trong lịch sử Việt Nam nhất là vì tư tưởng hòa giải dân tộc của ông vẫn còn tính thời sự.

Trả lời câu hỏi của BBC vì sao tư tưởng của Trần Nhân Tông (trị vì từ năm 1278-1293) và là Phật Hoàng, sáng lập ra phái thiền Trúc Lâm vẫn còn có tính thời sự đối với Việt Nam và cả quan hệ Mỹ - Việt cũng như Việt - Trung, Tiến sỹ Lê Mạnh Thát nói:

TS. Lê Mạnh Thát: Tại Mỹ, thì sau chiến tranh Việt Nam, ông Bộ trưởng Quốc phòng McNamara có viết hồi ký. Ông nói một trong các nguyên nhân mà Mỹ thất bại ở Việt Nam là vì không hiểu Việt Nam. Tôi nghĩ có lẽ sau này những người trí thức Mỹ, đặc biệt các trường Đại học Mỹ họ quan tâm vấn đề đó, vì vấn đề đó là vấn đề lớn. Và khi họ nghiên cứu Việt Nam, thì có lẽ nhân vật tiêu biểu nhất cho Việt Nam là Trần Nhân Tông.

BBC: Nhưng trong lịch sử Việt Nam thường nói đến những vị như Lý Thường Kiệt, rồi Ngô Quyền lập quốc, hay xa nữa là Hùng Vương...sau này là Quang Trung, Nguyễn Huệ, còn Vua Trần Nhân Tông có vẻ không được nói đến nhiều. Gần đây nhờ đến chuyện bức tranh liên quan đến ông nên chuyện nó trở nên mang tính thời sự hơn. Vậy theo Tiến sỹ, vấn đề ở chỗ nào?

TS. Lê Mạnh Thát: Tôi nhớ là tôi viết quyển sách về Trần Nhân Tông năm 2001. Hình như báo Thanh Niên nói đó là một trong 10 quyển bán chạy nhất Việt Nam. Tức là người ta đọc nhiều, có công chúng, họ rất quan tâm đến vấn đề này. Cho nên sự thực là không phải mới đây đâu, còn trong lịch sử dân tộc ta, trong sách của tôi, tôi cũng nói chuyện đó. Đối với Trần Nhân Tông thì đánh giá lịch sử chưa đúng. Ví dụ đặt tên đường chẳng hạn.

BBC: Tại sao đánh giá theo ông là chưa đúng?

TS. Lê Mạnh Thát: Ví dụ đặt tên đường thì đường Trần Hưng Đạo rất lớn, nhưng đường Trần Nhân Tông quá bé, đặc biệt là ở vùng như vùng Huế chúng tôi chẳng hạn, đường Trần Hưng Đạo (tướng) rất lớn nhưng đường Trần Nhân Tông (Vua) rất bé. Cái này là nhận thức sai.

Sau trong sách của tôi có đặt vấn đề đó, và có nhiều bài báo những người khác cũng đề cập vấn đề đó.

Sau này, ví dụ ở Hà Nội hay Nam Định chẳng hạn, đường Trần Nhân Tông rất lớn. Năm 1980 tôi ra Hà Nội, đường Trần Nhân Tông khúc ở phố Huế chỉ dài một đoạn, khoảng mấy chục mét. Rồi đến năm 1999 tôi ra thăm lại Hà Nội, đường này dài hơn cả cây số, rất đẹp.

"Không nói đến chuyện lý lịch nữa. Vấn đề là chúng ta đánh thắng giặc rồi, thì bây giờ chúng ta xây dựng. Xây dựng thì chúng ta đoàn kết với nhau. "

Hòa giải giữa người Việt

     

Không nói đến chuyện lý lịch nữa. Vấn đề là chúng ta đánh thắng giặc rồi, thì bây giờ chúng ta xây dựng. Xây dựng thì chúng ta đoàn kết với nhau. "

TS Lê Mạnh Thát

 

 

BBC: Ông có nói tới hòa giải giữa Hoa Kỳ và Việt Nam sau thời chiến tranh và vị Vua Trần Nhân Tông có thể được nhắc lại để cổ vũ đóng một vai trò. Thế nhưng vấn đề hòa giải giữa người Việt thì Trần Nhân Tông đóng vai trò gì?

TS. Lê Mạnh Thát: Giữa người Việt với nhau, thì (vai trò của) Vua Trần Nhân Tông rất lớn, sự thực là ngay năm 1975, một số vị lãnh đạo miền Bắc vào miền Nam, chúng tôi cũng đã đề cập điều đó. Chúng tôi nói là chúng ta không bàn chuyện đúng sai của cuộc chiến tranh. Bây giờ đất nước hòa bình, thống nhất, thì mình có sách lược rõ ràng. Dân tộc mình có một bộ phận đối lập hẳn với những người chiến thắng, cho nên mình phải có một sách lược rõ ràng.

Tôi có nhắc tới chuyện Vua Trần Nhân Tông, sau khi đánh bại quân Nguyên, thì những tài liệu liên quan tới người Việt Nam của phía Trần Nhân Tông trước đây từng đầu đơn xin theo quân Nguyên, mà những người làm công tác tình báo, an ninh lúc bấy giờ trình lên Vua, đòi phải điều tra những việc này, để xử lý, thì Vua Trần Nhân Tông đã ra lệnh là đốt hết tất cả.

Tức là không nói đến chuyện lý lịch nữa. Vấn đề là chúng ta đánh thắng giặc rồi, thì bây giờ chúng ta xây dựng. Xây dựng thì chúng ta đoàn kết với nhau. Vấn đề này, ngay từ đầu, ngay sau năm 1975, chúng tôi đã đề cập với Đảng và Nhà nước Việt Nam.

Và quan niệm của chúng tôi bây giờ vẫn như thế. Còn hôm nay, ở đây người ta nói về hòa giải quốc tế, thì có lẽ là nói đến giữa Mỹ với Việt Nam là chính. Vì chủ đề chiến tranh Việt Nam ở Mỹ vẫn còn là chủ đề hết sức nóng và chua chát.

Đây có lẽ là một cách thể hiện hai bên vẫn quan tâm đến nhau. Tôi nghĩ cái này cũng tốt. Về phía Việt Nam, tôi nghĩ những nhà lãnh đạo Việt Nam đã xóa được cấm vận, đi đến những bước đặt quan hệ bình thường. Thực sự bây giờ đối tác về kinh tế của Việt Nam là Mỹ, trong số 100 tỷ đô-la đó, riêng Mỹ chiếm một phần tư. Chứng tỏ là Mỹ rất quan tâm tới Việt Nam.

Cuộc hội thảo và giải thưởng Trần Nhân Tông này cũng rất hay để thể hiện rằng trong quá khứ, dân tộc mình cũng có những dân tộc như thế, đã cố gắng làm để xóa những hận thù, đặc biệt trong mối quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam lúc bấy giờ. Bởi vì anh đánh thắng xong thì phải làm được hòa giải.

Bài phỏng vấn với Thiền sư Lê Mạnh Thát được thực hiện khi ông đến dự hội thảo về Hòa giải tại Viện Trần Nhân Tông ngày 21/9/2012 tổ chức tại Đại học Harvard, Hoa Kỳ. Ông cũng nói về ý nghĩa học thuật của việc phát hiện ra tranh [Trúc Lâm Đại Sỹ Xuất Chi Đồ] về Vua Trần Nhân Tông sách của Trung Quốc thời Càn Long đã nhắc nhưng chỉ đến bây giờ người Việt Nam mới thấy bản chụp

_____________

 

BBC Tiếng Việt

Nguồn: www.bbc.co.uk

NHỚ LỜI VUA TRẦN NHÂN TÔNG

Tượng vua Trần Nhân Tông

Thưa bà con, Mấy hôm rày đi tới đâu Hai Sài Gòn cũng nghe bà con mình bàn tán xôn xao vụ Trung Quốc đưa giàn khoan “khủng” HD 981 vào đặt bên trong vùng đặc quyền kinh tế của nước mình, với sự yểm trợ có lúc lên tới 80 tàu kể cả tàu quân sự, tàu tên lửa. Ôi thôi đủ hết. Còn ta chỉ điều một số tàu Cảnh sát biển và Kiểm ngư ra ngăn chặn họ, tuy số lượng ít, trang bị đơn giản của cơ quan bảo vệ luật pháp, có thể nói lực lượng của mình đối với Trung Quốc là “thân cô thế cô” nhưng cán bộ chiến sĩ và kiểm ngư viên của ta rất dũng cảm đương đầu với 80 tàu của Trung Quốc.


Tàu của ta bị tàu của Trung Quốc dùng vòi rồng, súng bắn nước và dùng cả con tàu “ủi” vào tàu Cảnh sát biển của ta làm hư một phần mạn tàu và 6 kiểm ngư viên bị thương vì mảnh kính bị bể đâm vào người.

Mới nghe tới đây, Tư hưu trí nói Hai Sài Gòn đừng nói nữa nghe mà tức sôi máu, “đồ chơi” của mình đâu, tàu ngầm Kilo đâu, máy bay SU-30 đâu, tên lửa bảo vệ bờ biển đâu mà để cho mấy anh "láng giềng" này “vươn oai diễu võ” bên trong phần chủ quyền của mình. Mấy anh bạn nghe Tư hưu trí phản ứng ai nấy đều ôm bụng cười vì cho rằng Tư hưu trí giống mấy nhân vật trong truyện Tàu như Trương Phi trong Tam quốc chí, như Lý Quỳ trong Thủy hử. Mà nóng nảy như thế “dễ ăn đòn” lắm.

Theo Hai Sài Gòn muốn chơi với anh Trung Quốc này phải chơi bằng cái đầu lạnh. Tại sao như vậy? Lịch sử đã chứng minh từ mấy ngàn năm nay rồi, có lúc nào phong kiến phương Bắc không hiếp đáp ta đâu, có thể nói lịch sử nước mình gắn liền với việc phòng, chống giặc từ phương Bắc. Do đó không giữ cho cái đầu lạnh, giữ cho trái tim luôn nồng cháy thì mình bị Trung Quốc thôn tính ngay.

Đề chứng minh cho lời lập luận của mình Hai Sài Gòn nhắc lại lịch sử một chút. Đời nhà Trần, Vua Trần Nhân Tông (1258 – 1308) là vị vua thứ 3 của triều Trần (sau vua cha Trần Thánh Tông, trước vua Trần Anh Tông). Ông ở ngôi 12 năm (1278- 1290) và làm Thái Thượng Hoàng 15 năm. Ông được sử sách ca ngợi là một trong những vị vua anh minh nhất trong lịch sử nước ta. Ngoài vai trò người sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm, được nhân dân và tín đồ Phật giáo tôn vinh là “Phật hoàng”, vua Trần Nhân Tông còn để lại cho nhân dân ta lời di huấn mà hơn 700 năm qua lúc nào cũng còn nguyên giá trị. Hai Sài Gòn xin dẫn lời di huấn của Vua Trần Nhân Tông nguyên văn như vầy: "Các người chớ quên, chính nước lớn mới làm những điều bậy bạ, trái đạo. Vì rằng, họ cho mình cái quyền nói một đường làm một nẻo. Cho nên, cái họa lâu đời của ta là họa Trung Hoa. Chớ coi thường chuyện vụn vặt xảy ra trên biên ải. Các việc trên, khiến ta thấy tới chuyện khác lớn hơn. Tức là, họ không tôn trọng biên giới quy ước. Cứ luôn luôn đặt ra những cái cớ để tranh chấp. Không thôn tính được ta, thì gặm nhấm ta. Họ gặm nhấm đất đai của ta, lâu dần, họ sẽ biến giang san của ta từ cái tổ đại bàng thành cái tổ chim chích. Vậy nên, các người phải nhớ lời ta dặn: "Một tấc đất của tiền nhân để lại, cũng không được để lọt vào tay kẻ khác". Ta cũng để lời nhắn nhủ đó như một lời di chúc cho muôn đời con cháu".

 

Đó - mấy anh thấy chưa, chính tổ tiên ta, ông cha ta đã luôn cảnh giác trước âm mưu của phong kiến phương Bắc mà nước ta không những được giữ vững mà còn mở rộng bờ cõi nữa. Hai Sài Gòn đồng ý là việc Trung Quốc cho giàn khoan khủng, cho tàu bè xâm phạm vùng lãnh hải của ta là lớn chuyện, mấy ngày hôm nay bà con trong nước ta, nhiều chính khách tên tuổi trên thế giới, nhiều nhà lãnh đạo các nước, truyền thông thế giới đã lên án hành động khiêu khích xâm phạm lãnh hải của nước ta từ phía Trung Quốc. Như thế chính nghĩa thuộc về ta.


Trở lại lịch sử giữ nước của ông cha ta luôn giương cao ngọn cờ đại nghĩa “Đem đại nghĩa thắng hung tàn, Lấy chí nhân thay cường bạo”. Theo Hai Sài Gòn chúng ta hành xử với anh Trung Quốc không thể “ruột để ngoài da” được, mà phải là ý chí và quyết tâm của cả dân tộc ta. Lịch sử cho thấy “chúng ta càng nhân nhượng kẻ địch càng lấn tới”. Suy ra đó cũng là quy luật, bao giờ chúng ta cũng khoan nhượng trước, chỉ khi nào không thể nhân nhượng nữa thì chúng ta mới đáp trả, như cái lò xo của ý chí yêu nước và lòng căm thù bị dồn nén đến cùng cực tạo nên sức mạnh vô địch.

Qua theo dõi trình tự phản ứng của ta trước hành động của Trung Quốc trong vụ xâm phạm lãnh hải nước mình, Hai Sài Gòn thấy phản ứng của mình là bài bản, đúng quy trình từ thấp tới cao, từ nội bộ đến họp báo quốc tế công khai để tranh thủ dư luận quốc tế. Còn nói về “đồ chơi”, Hai Sài Gòn lưu ý Tư hưu trí thế này “chúng ta trang bị hiện đại là để phòng vệ, là để bảo vệ tổ quốc. Chỉ sử dụng khi tối cần thiết. Cụ thể trong vụ này, chúng ta đang có chính nghĩa mà anh dùng “đồ chơi” là phi nghĩa liền, có cớ cho phía Trung Quốc làm lớn chuyện với ta. Hơn bất kỳ dân tộc nào trên thế giới, chúng ta đã trải qua mấy chục năm chiến tranh, chúng ta hiểu và mong muốn sống trong hòa bình để xây dựng tổ quốc nên phải tin vào đối sách của Đảng và Chính phủ ta. Phải biết kiềm chế vì việc lớn.

Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta buông xuôi mặc cho Trung Quốc muốn làm gì thì làm. Hai Sài Gòn rất tâm đắc câu trả lời báo chí nước ngoài của đại tá Ngô Ngọc Thu, Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Cảnh sát biển Việt Nam “Mọi sự kiềm chế đều có giới hạn”.

Anh em ai cũng đồng ý với lời bàn của Hai Sài Gòn.

_____________

Hai Sài Gòn

Nguồn: www.voh.com.vn

"NGHỀ NGHIỆP" CỦA VUA TRẦN NHÂN TÔNG LÀ GÌ?

Nhiều du khách đến thăm quan đền Trần - Thái Bình nhân dịp khai hội đền năm 2014 tại xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình không khỏi… giật mình khi xem bảng giới thiệu về tiểu sử của một số vị vua Trần. Trong đó, tại phần giới thiệu về vị vua Trần Nhân Tông, có phần nghề nghiệp là khó hiểu nhất.

Tấm biển ghi rõ "nghề nghiệp" của nhà Vua.

 

Lễ khai hội đền Trần Thái Bình năm 2014 diễn ra từ ngày 12/2 đến 17/2/2014 (tức 13 đến 18 tháng Giêng Âm lịch).

Năm nay cũng là năm lễ hội này được nhà nước công nhận là “di sản văn hóa phi vật thể”. Chính vì vậy, trong công tác tổ chức cũng có nhiều điểm mới so với mọi năm. Một trong những điểm mới đó là khách vào đền Vua (đền ở chính giữa khu di tích) có thể được đọc về tiểu sử của một số vị vua được in trên tấm bảng màu đỏ.

Đây là một sáng kiến khá hay nhằm để khách đến đây được biết nhiều hơn về cuộc đời, sự nghiệp của các vị tiền nhân nhà Trần. Bởi không phải ai đến với khu di tích đền Trần Thái Bình cũng có đầy đủ kiến thức về các vị vua của triều đại trong lịch sử Việt Nam.

Tuy nhiên, nhiều khách đọc tấm bảng trên không khỏi… giật mình, ngán ngẩm bởi một số nội dung ở trong đó. Có nội dung khá… ngô nghê đó là giới thiệu về "nghề nghiệp" của Trần Nhân Tông là "Sơ tổ của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử".

Bên cạnh đó, nhiều từ cũng dùng chưa chuẩn xác, như: phần 2 giới thiệu về Trần Nhân Tông lại gọi là “cai trị”. Nếu dùng chính xác phải là “trị vì”.

Ngoài ra, câu chữ trong bảng trên nhiều chỗ khá… tự nhiên chủ nghĩa, như trong phần “cai trị” của vua Trần Nhân Tông có viết: “Bấy giờ, nhà Nguyên sai sứ sang hạch điều này, trách điều nọ, triều đình cũng có nhiều việc bối rối”... Ngoài ra, một số câu chữ còn lủng củng, dài dòng, thông tin không rõ ràng và quá nhiều thông tin khiến khách đọc rất khó hiểu.

 

Phần nội dung được diễn đạt tương đối lủng củng.

 

Vậy nên, kính đề nghị ban tổ chức lễ khai ấn đền Trần Thái Bình năm 2014 khắc phục ngay những lỗi không đáng có ở những tấm bảng trên để khách đến thăm đền dễ nắm bắt và ghi nhớ thông tin về những vị vua của nhà Trần, tránh những sai sót không đáng có.

 

Cần trình bày lại để những tấm biển này trang trọng và đẹp hơn.

 

_____________

 

Thục Quyên

Nguồn: petrotimes.vn

ĐÈO HẢI VÂN - VỊNH ĐÀ NẴNG QUA LỜI TIÊN CỦA VUA TRẦN NHÂN TÔNG

Trần Nhân Tông không nói nên không ai biết cơ duyên nào cho ông tiên tri chính xác rằng một khi đã đặt được chân lên đèo Hải Vân thì con đường đi tới, đi hết chiều dài đất nước chỉ còn là vấn đề thời gian mà thôi.

Việc UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã đang cho các công ty Trung Quốc thuê hàng trăm ha đất ở Cửa Khẻm – mũi đất dài nhất của đèo Hải Vân, giống như cái yết hầu chắn ngang giữa Vịnh Đà Nẵng đang làm dậy sóng dư luận.

Những âu lo của hàng triệu người hoàn toàn có lý: Mới đây, Trung tướng Bế Xuân Trường, Phó Tổng tham mưu trưởng QĐNDVN đã khẳng định rằng Bộ Quốc phòng sẽ phản đối “dự án TQ trên núi Hải Vân” (Motthegioi, 19:52, 19.11.2014)!

Trong lịch sử hàng ngàn năm Nam tiến, dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, Đèo Hải Vân nói riêng, toàn bộ khu vực Vịnh Đà Nẵng nói chung, có một vị trí chiến lược đặc biệt.

Người đầu tiên có cái nhìn mẫn tiệp về vị trí xung yếu của Đèo Hải Vân là vị Cựu Hoàng anh minh Trần Nhân Tông. Là vị vua đã hai lần lãnh đạo nhân dân ta đánh thắng giặc Nguyên Mông (1285 và 1288) nên Trần Nhân Tông hiểu rất rõ đòi hỏi về an ninh của vùng phên dậu phía Nam:

Chẳng phải một lần giặc ngoại xâm mượn đường qua Chăm Pa để tấn công nước ta từ phía Nam. Biết, nhưng khi đương là vua, Trần Nhân Tông không làm được vì nhiều lý do khác nhau. Chỉ sau khi rời bỏ ngai vàng, lên Yên Tử thành lập Thiền phái Trúc Lâm, Trần Nhân Tông mới có điều kiện để đi đây, đi đó – trong đó, chuyến du hành quảng bá Phật pháp bằng con đường Nam tiến đầu thế kỷ XIV, đã cho Phật Hoàng Trần Nhân Tông có cái nhìn đầy đủ hơn. Và thế là, một cuộc hôn nhân vô tiền khoáng hậu giữa hai nước Việt – Chăm đã đi đến một kết quả lịch sử, mang đến thay đổi có ý nghĩa quyết định đối với lịch sử dân tộc. Năm 1306, Công chúa Huyền Trân vào làm dâu Xứ Chăm, còn lãnh thổ Việt Nam được mở rộng thêm dải đất từ Quảng Bình đến Bắc Quảng Nam, tức là toàn bộ Đèo Hải Vân và thành phố Đà Nẵng bây giờ.

      Thời đại đổi thay, kẻ thù cũng đổi thay nhưng vị trí chiến lược xung yếu ngàn đời của Đèo Hải Vân, Vịnh Đà Nẵng thì không bao giờ thay đổi. Đó là khẳng định rõ ràng từ lịch sử mà không một ai có thể làm ngơ!    

Có thể nói, Trần Nhân Tông đã đến Đèo Hải Vân và, từ đỉnh đèo, ông đã Thấy cả Mũi Cà Mau xanh vời vợi/ Nước mắt thương con gái lăn vòng cùng khát khao mở cõi/ Tiên tri số phận Lạc Hồng... Trần Nhân Tông không nói nên không ai biết cơ duyên nào cho ông tiên tri chính xác rằng một khi đã đặt được chân lên đỉnh Hải Vân thì con đường đi tới, đi hết chiều dài đất nước chỉ còn là vấn đề thời gian mà thôi.  

532 năm sau, ngày 30.8 năm 1858, đế quốc Pháp từ phương Tây xa xôi đã ‘chọn’ Vịnh Đà Nẵng làm nơi mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược nước ta. Những tính toán quân sự đan xen với mưu đồ chính trị chỉ ra rằng nếu chiếm được Đà Nẵng thì cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp sẽ diễn ra thuận lợi hơn vì lãnh thổ Việt Nam bị cắt ra làm hai và, từ Đà Nẵng ra kinh thành Huế chỉ hơn 100km.  

107 năm sau khi người Pháp nổ súng tấn công Đà Nẵng, ngày 8.3.1965, đế quốc Hoa Kỳ, một lần nữa lại ‘chọn’ Đà Nẵng để mở đầu chiến lược chiến tranh cục bộ (Local War): Ngày hôm đó, đơn vị lính thủy đánh bộ Mỹ đầu tiên đổ bộ vào Đà Nẵng, chính thức tiến hành cuộc xâm lược của quân đội Mỹ đối với đất nước ta.

Nếu bây giờ nói rằng có một cái gì đó rất chung trong cách nhìn về Đèo Hải Vân, Vịnh Đà Nẵng của Trần Nhân Tông cùng với các tướng lĩnh hàng đầu của nước Pháp, nước Mỹ thì sẽ bị coi là khiên cưỡng. Thế nhưng, phải khẳng định dứt khoát rằng không có chuyện ngẫu nhiên khi cả người Pháp và người Mỹ đều đã chọn nơi đây làm nơi bắt đầu những cuộc chiến tranh đầy tham vọng và toan tính.

Thời đại đổi thay, kẻ thù cũng đổi thay nhưng vị trí chiến lược xung yếu ngàn đời của Đèo Hải Vân, Vịnh Đà Nẵng thì không bao giờ thay đổi. Đó là khẳng định rõ ràng từ lịch sử mà không một ai có thể làm ngơ! Lẽ nào không thấy cái sự thật hiển nhiên đó khi tiền nhân biết rõ, kẻ thù nắm vững và, lịch sử thì minh định rõ ràng?...

Không thể đặt vận mệnh đất nước, nỗi lo có thật của giống nòi trước sự đã rồi. Dù có tốn kém, có phải bồi thường một số tiền không hề nhỏ cho đối tác thì cũng dứt khoát phải chấp nhận bởi sự sống còn của đất nước là chuyện không bao giờ có thể đổi trao.

Bài học về các cuộc chiến tranh có hàng ngàn dẫn chứng chỉ ra rằng, sự hung hiểm của những mưu đồ dài hạn là kẻ thù của mọi cách nhìn ngắn hạn, rằng nếu không tỉnh táo và không dũng cảm nhận sớm sai lầm thì đến khi hiểu ra, tất cả đã muộn quá rồi...

____________

Hà Văn Thịnh
Nguồn: motthegioi.vn

CHỦ TỊCH NƯỚC CẮT BĂNG KHÁNH THÀNH CHÙA PHẬT TÍCH TRÚC LÂM BẢN GIỐC

Sáng nay 15/12 Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tham dự Lễ cắt băng khánh thành Chùa Phật tích Trúc Lâm Bản Giốc tại xã Đàm Thủy (Trùng Khánh – Cao Bằng).

Theo đó sáng nay 15/12, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, UBND tỉnh Cao Bằng đã long trọng tổ chức Lễ cắt băng khánh thành Chùa Phật tích Trúc Lâm Bản Giốc. Tham dự buổi lễ có Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; Bà Hà Thị Khiết Trưởng ban Dân vận Trung ương; Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son, cùng lãnh đạo các Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch và đồng bào các dân tộc.



Về phía Giáo hội Phật giáo Việt Nam có Trưởng Lão hòa thượng Thích Thanh Dũng, Phó thư ký ban thường trực Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cùng hàng trăm chư tăng phật tử từ mọi miền cả nước về dự.

Mở đầu buổi lễ các đại biểu và chư tăng phật tử đã tiến hành nghi lễ quốc ca, đạo ca. Tiếp đó Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ ngành và đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã cắt băng khánh thành công trình. Chủ tịch nước cũng thắp hương tòa Tam Bảo, thăm khu đền mẫu và trồng cây lưu niệm tại chùa.

 


Được biết, Chùa Phật tích Trúc Lâm Bản Giốc tại xã Đàm Thủy được xây dựng nhằm phục vụ tín ngưỡng tâm linh, nằm trong chiến lược phát triển và khai thác Thác Bản Giốc. Chùa được được khởi công ngày 15/6/2013 trên tổng diện tích 3ha, thiết kế theo lối kiến trúc thuần Việt với kết cấu gỗ lim, vật liệu gạch ngói cổ truyền, mái đao truyền thống.

Tổng thể công trình gồm các Tòa Tam Bảo, Nhà thờ Tổ, Đền Mẫu thờ Việt Nam Triệu Tổ Hùng Vương, Anh hùng dân tộc thánh Nùng Chí Cao, Đức Thánh Trần… Đền thờ anh linh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các anh hùng liệt sỹ.

Điểm nhấn ngôi chù là lầu chuông Đại hồng chung Thiên Bảo bằng đồng nặng 1,5 tấn, tam quan, khuôn viên Tượng Quan Âm Bồ Tát.

___________

Mai Anh
Nguồn: giaoduc.net.vn

CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2015

___________

 

Website: cattuongquan.com

                trannhantong.org

                tathingocthao.com

CHƯƠNG TRÌNH HOA MẶT TRỜI KỲ 6

Sáng ngày 02/01/2015 (nhằm ngày 12/11 Giáp Ngọ), trong bầu không khí mát dịu của tiết trời, gần 3000 Phật tử trong khóa tu Phật Thất lần thứ 78 đã cùng lắng nghe những chia sẻ thân tình của Phật tử Tạ Thị Ngọc Thảo (Pháp danh Lệ Phước – Cát Tường Quân) trong chương trình Hoa Mặt Trời kì 6 với chủ đề “No Mà Sạch – Lành Mà Thơm”

Trên thương trường, cô là một doanh nhân thành đạt trong lĩnh vực bất động sản. Trên văn đàn, cô là một nhà văn, nhà báo với ngòi bút sắc sảo, phóng khoáng. Đồng thời cô cũng là một diễn giả gây cảm hứng cho nhiều sinh viên, thanh niên và doanh nhân trẻ. Thế rồi cô từ bỏ tất cả để về với cố đô Huế, thành lập Tịnh Cư Cát Tường Quân chỉ để “thở và cười”, sau đó lại có nhân duyên để cô chia sẻ sự an lạc và tĩnh lặng này đến mọi người để tất cả cùng tận hưởng. Điều gì đã góp phần hình thành nên một cá tính đa chiều và một con người đặc biệt như thế?

Bài học đầu tiên mà cô chia sẻ đó là hình ảnh của đóa sen vươn lên giữa bùn lầy nước đọng, vươn lên tỏa hương thơm ngát giữa cuộc đời. Trước những khó khăn của hoàn cảnh như thiếu thốn tình thương từ gia đình, bệnh tật và sự mất mát người thân, cô đã ngộ ra được nhiều bài học từ cuộc sống. Đó là bài học về sự nỗ lực của cá nhân trước mục đích và lý tưởng sống, đó là bài học về việc chấp nhận thực tại và mỉm cười trước khổ đau, đó còn là sự thấu triệt bản chất của cuộc đời là mong manh, vô thường, giả tạm để từ đó biết dừng lại trước những cám dỗ của danh lợi tiền tài.

Để có được sự thành công trong công việc và an lạc thảnh thơi trong đời sống, có thể nói Phật tử Lệ Phước Tạ Thị Ngọc Thảo đã thấm nhuần tinh thần Phật dạy và ứng dụng một cách khéo léo những gì mình đọc và suy ngẫm vào cuộc sống. Những lời dạy của Đức Phật trong kinh điển hay những câu chuyện về điển tích, điển cố trong Phật giáo đã được Phật tử suy nghĩ, áp dụng trong từng hoàn cảnh sống cụ thể: trong kinh doanh, trong việc giảng dạy hay trong sự nhận thức về các vấn đề đang diễn ra trong xã hội hiện tại.

“Đã đến lúc con người quay lại với bản thân để làm vơi đi nỗi khổ và đem những điều mình có được phụng sự cho xã hội”. Sống an lạc, hạnh phúc, thảnh thơi và đem niềm hạnh phúc đó chia sẻ với mọi người là ước mơ chung của nhân loại. Thế nhưng mấy ai làm được điều đó, mấy ai sống giữa hồng trần mà không vướng bận, được bao nhiêu người “No mà sạch, lành mà thơm”. Có thể nói những chia sẻ của Phật tử Cát Tường Quân là những bài học vô giá cho người đệ tử Phật. Khéo ứng dụng lời Phật dạy vào cuộc đời thì dù có ở địa vị nào, hoàn cảnh ra sao, chúng ta đều được bình an và thanh thản.

Đến chứng minh và tham dự, Thượng tọa Thích Chân Tính, trụ trì chùa Hoằng Pháp, chủ nhiệm chương trình Hoa Mặt Trời đã có những lời khen về cách sống cũng như cung cách ứng xử của Phật tử Tạ Thị Ngọc Thảo, Thượng tọa cũng đã chỉ ra rằng chính Phật pháp làm nên một con người như thế. Phật dạy chúng ta sống trong tinh thần vô ngã, biết nhìn người bằng đôi mắt kính trọng, yêu thương. Có như thế ta mới trở nên dễ gần và được mọi người yêu quý.

 

Mời quý vị xem Video tại đây:  www.youtube.com

                                                    www.youtube.com

                                                    thuvienhoasen.org

                                                    www.phatgiaotv.com

                                                    youtubegerman.com


Sau đây là hình ảnh ghi nhận:

 

 


____________

 

Nguồn: - www.chuahoangphap.com.vn

              - quangduc.com

 

______________

 

 

Phản hồi: bài "Chương trình Hoa Mặt Trời kỳ 6"
 


Con đã xem hết Hoa Mặt Trời VI, trong một buổi chiều. Khi con xem thì con đang bị cảm, người khá uể oải, nhưng sau khi xem xong con lại thấy người con khỏe mạnh bình thường. Thực sự việc này con cũng không biết lý giải thế nào. Con rất mừng vì lâu rồi con mới được nghe tiếng cô nói và con cũng mừng khi thấy cô khỏe mạnh.

• Anna Minh


-------------


Kính chào, Bác Tạ Thị Ngọc Thảo


Đầu thư con Nguyễn Thị Thanh Nhi xin phép gởi lá thư này đến Bác, vì buổi sáng thứ hai vừa qua con có duyên được nghe Bác tâm sự về cuộc đời của Bác qua chương trình Hoa Mặt Trời VI


Con không hiểu vì sao lý trí, vô thường và kỳ diệu cùng một lúc sáng tỏ trong con để cho con cảm nhận được một sự bình an trong tâm hồn, một sự an vui thanh tịnh lạ kỳ, vì con cũng như bao nhiêu đứa trẻ lớn lên ở Tây Phương khác, đã trải qua nhiều thử thách của cuộc đời để rồi giờ đây con trở thành một người vợ và được phước hơn nữa con đã được làm một người mẹ cho một cháu gái ba tuổi và một cháu trai nay được mười một tháng. Con thành thật cám ơn Bác, vì được nghe những lời nói của Bác mà con đã cảm nhận được sự kỳ diệu an bình mà con bấy lâu nay khao khác.


Chúc Bác an vui bên cạnh cây xanh dễ thương của Bác.


Con


• Thanh Nhi 

 

-------------

 

Kính gởi bà Cát Tường Quân,

Chúng tôi xem nhiều lần video Hoa Mặt trời​ 6 ​và thấy rõ bà là người đã vươn lên từ niềm bất hạnh đầu dời để tạo dựng sự nghiệp và phát triển tốt đẹp đời sống tâm linh. Những lời bà trình bày rất ý nghĩa và có nền tảng từ kinh nghiệm cụ thể bản thân. Chúng tôi xin đề nghị bà đi nhiều nơi, nhiều thành phố để nói chuyện với thanh niên, sinh viên và học sinh lớn tuổi để khích lệ họ tiến lên trên con được phát triển sự nghiệp và tâm kinh.

Bà viết nhiều bài thật hay và trong đó có bài hay nhất là “Khi ấy, Huế sẽ giàu…” và hy vọng điều này sẽ thành tựu tốt đẹp.

Nguyện cầu chư Phật gia hộ bà sức khỏe gia tăng, cháu được an vui và học giỏi cùng tất cả các em trong Cát Tường Quân được nhiều an vui như ý.

Kính,

• ​Thích ​Phụng Sơn

 

-------------

 

Thưa cô Thảo.

Con đang nói về nhận thức của con sau khi nghe bài nói chuyện của cô trên Hoa Mặt Trời 6, tối nay con sẽ mở nghe tiếp. Con có duyên mới được gặp cô, và trong đời con cô là người thứ 2 ảnh hưởng đến nhận thức của con về sự sống. Con sẽ tu tập như cô và như Hòa thượng đã nói. Con xin cám ơn cô.

Bài nói chuyện của cô rất hay, có sức thuyết phục và có ảnh hưởng rất lớn tới các đồng đạo Phật tử. Giọng cô nói rất truyền cảm, rất thực tế và sâu sắc ảnh hưởng đến nhận thức và thái độ không chỉ của những người đi tu mà còn cả những người ngoại đạo nữa cô à.

Cô Thảo ơi, sau khi nghe Hoa Mặt Trời 6, con thấy sung sướng và hạnh phúc quá cô ơi vì trên đời này con còn gặp được người tốt như cô. Vì ngày nay người ta chỉ biết có tiền mà thôi cô ạ, người ta cảm thấy hạnh phúc khi kiếm được nhiều tiền và hơn thiên hạ, con nói đúng không cô.

Con nghĩ rằng cô là tấm gương để những người giàu ngày nay nhìn lại mình, khi họ đã mất đi tất cả để đổi lấy đồng tiền vì cuộc sống vật chất xa hoa phải không cô.

Dạ, ông xã con nói cô là “Tiên nữ giáng trần” sau khi nhìn cô trên báo và trên tờ quảng cáo, cô trẻ, đẹp và phúc hậu nữa đó cô."

• Bác sĩ Thanh Tuyền.

THỰC TRẠNG TÙNG CỔ YÊN TỬ ĐANG CHẾT DẦN: “NGƯỜI TA KHÔNG COI CÂY CỐI LÀ MỘT PHẦN QUAN TRỌNG CỦA DI TÍCH”

Trả lời phỏng vấn Báo Lao Động, TS Vũ Thế Long - chuyên gia nghiên cứu về Lịch sử môi trường, người có gần 20 năm nghiên cứu về cây Xích Tùng cổ ở Yên Tử - cho biết, các chuyên gia, các nhà khoa học đã cảnh báo về thực trạng trên từ rất lâu, nhưng chẳng mấy ai quan tâm. TS Vũ Thế Long nói:

Chúng tôi đã thực hiện một nghiên cứu về hệ thống cây cổ ở Yên Tử, trong đó có những cây Tùng cổ thụ từ gần 20 năm nay. Ngày ấy, chúng tôi đã cảnh báo rằng: Những cổ thụ quý giá nhất trong cả nước này đang có nguy cơ sẽ chết dần chết mòn nếu như chúng ta không quan tâm chăm sóc chu đáo. Cây Tùng ở Yên Tử có nhiều thế hệ khác nhau. Có cây ngót nghìn năm tuổi và có những cây vài trăm năm tuổi. Tùng vẫn có thể sống rất lâu nhưng muốn thế phải có sự chăm sóc, cắt tỉa cành sâu mục… Tiếc rằng chẳng mấy ai quan tâm và không có những biện pháp chăm sóc cụ thể.

Đã có rất nhiều lời cảnh báo về việc hàng trăm cây tùng cổ Yên Tử đang chết dần, đồng thời kêu gọi chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng sớm vào cuộc. Theo ông, đến nay, sự vào cuộc đó như thế nào?

TS. Vũ Thế Long: Tôi nghĩ Yên Tử là di tích quốc gia đặc biệt. Cây cổ trong khu vực non thiêng Yên Tử phải coi là di sản sống và là loại hình di tích đặc biệt. Đáng tiếc là hiện nay khi tính chuyện gìn giữ tu bổ di tích, người ta không coi cây cối là một hợp phần quan trọng của di tích, mà chỉ chú ý đến tu bổ chùa chiền, làm đường đi lối lại và tiền đóng góp cũng chỉ để đúc tượng, xây chùa… Không có nguồn tài chính, nhân lực và chuyên môn đầu tư vào bảo vệ cho tùng cổ thụ và hệ thực vật đa dạng, phong phú ở đây. Nếu không kịp thời chấn chỉnh thì Yên Tử sẽ đánh mất những giá trị vô giá. Những hàng tùng cổ thụ có giá trị vô cùng quan trọng trong tổng thể di tích Yên Tử.

Việc trùng tu, tôn tạo các di tích là đền chùa, miếu mạo ở Yên Tử là hết sức cần thiết và nhiều năm qua, hàng trăm tỉ đồng - trong đó chủ yếu là nguồn vốn xã hội hóa đã được sử dụng vào việc này. Tuy nhiên, cũng là di tích - di sản, thậm chí là những di sản sống, tại sao tùng Yên Tử lại bị đối xử bất công như vậy?

TS Vũ Thế Long: Câu hỏi này xin các bạn hỏi cơ quan được phân công quản lí di tích. Ấy là Ban Quản lí Di tích và rừng quốc gia Yên Tử, cơ quan kiểm lâm và Cty Tùng Lâm - là những đơn vị đang thực hiện việc quản lí và khai thác du lịch ở đây.

Đã có một số đề án, đề xuất của Ban Quản lý Di tích và rừng quốc gia Yên Tử, của Ban Quản lý các di tích trọng điểm tỉnh Quảng Ninh nhằm chăm sóc, chữa bệnh cho các “cụ” tùng, nhưng đến nay vẫn chưa được phê duyệt. Theo ông, trong lúc chờ đợi, mà chắc chắn vẫn sẽ dài cổ chờ đợi nguồn ngân sách, có nên sớm kêu gọi xã hội hóa nhằm cứu tùng Yên Tử không?

TS Vũ Thế Long: Tôi hoan nghênh có cuộc vận động các nguồn ngân sách khác nhau để chung tay gìn giữ di tích, di sản cổ thụ ở Yên Tử, nhưng trách nhiệm chính phải là nhà nước. Kinh nghiệm cho thấy việc chặt hạ và thay thế cây xanh ở Hà Nội trong thời gian qua đã có sự đóng góp tiền của của một số cty và cơ quan nhà nước nhưng kết quả là thất bại bởi không có sự tham vấn của các chuyên gia và sự điều hành của một bộ máy chuyên nghiệp. Cần tổ chức thực hiện và giám sát khoa học thì mới có kết quả.

Đôi khi có lắm tiền mà không biết cách thực hiện việc trùng tu, gìn giữ một cách khoa học, một cách văn hóa thì lại làm hỏng di tích như một số nơi đã xảy ra gần đây.

Xin cảm ơn ông.

__________

 

Nguyễn Hùng (thực hiện)

Nguồn: laodong.com.vn

 

SỐ NGƯỜI TRUY CẬP: 0    USER ONLINE: 0