1
Lá thư tháng 11 nhuận năm Chí Nguyên thứ 15 (1278)
Nay nghe quốc công nhọc đến tệ quốc, biên dân không ai là không kinh hãi, không biết là sứ giả người nước nào mà đến ở đây. Xin rút quân về đường cũ để mà tiến.
2a
Tờ biểu tháng 12 năm Chí Nguyên thứ 15 (1278)
Cô thần bẩm khí yếu đuối, mà đường sá thì khó khăn, chỉ luống phơi bộ xương trắng, đến nỗi bệ hạ phải xót thương mà không ích gì cho thiên triều trong muôn một. Nép mong bệ hạ thương xót tiểu quốc xa xôi, khiến thần được cùng bọn đơn côi quan quả, giữ được tính mệnh để suốt đời thờ phụng bệ hạ. Đó là nỗi may mắn lớn nhất của cô thần mà cũng là phúc to của sinh linh tiểu quốc.
2b
Tờ biểu năm Chí Nguyên thứ 15 (1278)
Năm Chí Nguyên thứ 15, thế tử An Nam là cô thần, Trần, dâng biểu nói:
Hoàng đế bệ hạ được trời trên yêu mến. Cha thần thuận về thánh hóa, thấm nhuần ơn đức nhân từ như đất trời, hưởng lượng bao dung dơ uế như núi biển. Cha thần một đời đội ơn cảm đức rất hậu. Năm Chí Nguyên thứ 14 (1277), bất hạnh cha thần thất lộc. Ngày sắp mất, gọi cô thần đến bảo: “Bệ hạ khoan nhân đại độ, không bỏ sót nước nhỏ, thì chắc con tất được ân như đời trước. Ta nay chỉ vì trời không cho thêm tuổi, khiến không được thờ phụng thiên triều mà lấy làm hận thôi”. Thần e sợ mới gặp tang cha mà kỳ cống hiến hằng năm lại vừa tới. Thần chẳng dám vì nỗi buồn tang cha mà lụy tới công việc. Lại thêm bọn sứ trước là Lê Khắc Phục lâu ngày chưa về để tiếp tục việc cống nạp hằng năm, nên tiếp tục sai bọn Trung thị đại phu Châu Trọng Ngạn, Trung lượng đại phu Ngô Đức Thiệu làm hành nhân sứ vâng đem biểu văn, phương vật, đến cửa khuyết dâng hiến, tuân theo chức nghiệp của cha thần, chẳng dám để rơi mất lời giáo huấn dùng lòng trung để dạy con. Sinh linh tiểu quốc đều bảo: “Sau khi cha thần mất đi, thì thần sẽ kế tục chí hướng, làm tiếp sự nghiệp của cha thần, chính ở tại một việc làm đó. Bệ hạ thương yêu người trung trực, càng thêm khen thưởng, thì thế tử của ta ở trong sự không may mắn mà thật có sự may mắn”. Rồi mỗi mỗi tự ngóng cổ trông lên trời trăng miền bắc để ngóng mong.
Kịp tới năm Chí Nguyên thứ 15 (1278), bọn Châu Trọng Ngạn chưa về. Chỉ thiên sứ Sài thượng thư mang chiếu thư cùng với bọn Lê Khắc Phục lần trước, cùng đến tiểu quốc. Thần đem bá quan nghênh tiếp đủ lễ, đốt hương vái đọc, nép thấy chiếu thư bảo phải vào chầu. Thần khôn xiết kinh sợ, và sinh linh cả nước truyền nghe lời ấy nhao nhao mất hết bình tĩnh. Ấy bởi vì thần sinh trưởng ở nước Việt Thường, bẩm khí yếu đuối, thủy thổ không quen, nóng lạnh chẳng chịu. Dù xem được quang cảnh thượng quốc, sung làm khách của vương đình, thì vẫn sợ có chuyện trên đường, luống phơi xương trắng, đến nỗi lòng nhân của bệ hạ cũng tự cảm thấy xót thương, mà chẳng ích gì cho thiên triều trong muôn một.
Bệ hạ một thể với trời. Thần thờ phụng bệ hạ giống như thờ trời. Dù trông lên trời xanh chín tầng xa thẳm, mà oai trời chưa thường dám trái trong gang tấc, ơn vua chưa thường không ghi lòng tạc dạ. Khi làm bề tôi thời Châu Thành Vương thì trùng dịch đến cống. Đến thời Võ đế thì bỏ ngoài không tính vì thương nước nhỏ, đường sá xa xôi, núi sông sâu hiểm. Huống nay, bệ hạ nơi nào xe thuyền đến tới, sương móc xa rơi, trời trăng chiếu tới, thì chẳng ai là chẳng thần phục, so với nhà Châu, nhà Hán thật cách nhau vạn vạn, không thể cùng một ngày mà nói hết. Từ thuở khai thiên lập địa đến nay chưa có lúc nào thiên hạ được thống nhất to lớn như ngày nay.
Bệ hạ thi hành nhân đức trước hết là nhằm cho người hoang quả cô độc. Đến các loại nhỏ mọn như côn trùng thảo mộc cũng mỗi mỗi thỏa được tính mình. Thần mắc tội với trời, chỉ sợ không được thấm nhuần ơn phước. Chính trị của bệ hạ tốt hơn nhà Châu, lòng nhân của bệ hạ sâu hơn nhà Hán. Nép mong bệ hạ thương nỗi đơn chiếc yếu đuối của cô thần, xót nơi xa xôi của tiểu quốc, mà khiến cho thần được cùng với quan quả cô độc giữ được tính mạng của mình để suốt đời phụng thờ bệ hạ. Đó là điều rất may của cô thần, mà cũng là phúc lớn của sinh linh tiểu quốc.
3
Thư tháng 11 năm Chí Nguyên 20 (1284)
Lá thư tháng 11 năm Chí Nguyên thứ 20, gửi cho Bình chương chính sự của Kinh hồ Chiêm Thành hành tỉnh là A Lý Hải Nha:
Về một việc thêm quân, thì Chiêm Thành thờ phụng tiểu quốc lâu ngày. Cha tôi chỉ vụ lấy đức mà giữ họ. Đến thân của kẻ côi này cũng kế thừa chí hướng của cha mình. Từ khi cha tôi thuận về với thiên triều 30 năm đến nay, vũ khí can qua tỏ ra không cần dùng tới, quân lính bỏ về làm dân. Ấy một phần giúp vào việc cống hiến cho thiên triều, và một phần tỏ tấm lòng không mưu đồ gì khác. Rất mong các hạ thương xót xét cho.
Còn về việc giúp lương, thì địa thế tiểu quốc tiếp giáp với biển, ngũ cốc sản xuất không nhiều. Từ khi đại quân đi rồi, trăm họ vẫn còn trôi dạt. Thêm vào đó, bị lụt hạn, sáng no chiều đói, ăn uống vẫn không đủ. Tuy nhiên, các hạ ra lệnh thì vẫn không dám trái. Xin ở đất châu Vĩnh An trên cõi Khâm Châu, xin đợi đem đến nạp.
Còn việc tiếp tục bảo cô tử tự thân đến cửa khuyết, gặp mặt đức vua để nhận lời dạy bảo, thì lúc cha già của thần còn sống, thiên triều đã thương xót mà bỏ ra ngoài tính toán. Nay cha già của thần đã mất, còn cô thì đang chịu tang, cảm bịnh đến nay, còn chưa khỏe lại như thường. Huống nữa, kẻ côi này sinh trưởng ở nơi xó xa, chẳng chịu nóng lạnh, chẳng quen thủy thổ, đường sá khó khăn, chỉ phơi xương trắng. Nếu lấy bồi thần của tiểu quốc đi lại, còn bị khí độc nhiễm xâm, có lúc mười người thì đến năm sáu, hoặc có khi chết đến hơn nửa. Các hạ cũng đã biết rõ điều đó rồi. Chỉ mong riêng vì lòng thương giúp, mà tâu bày với thiên triều hầu giúp thiên triều biết ý của kẻ côi này cùng tôn tôợc quan lại mỗi mỗi sợ chết tham sống. Há chỉ một mình kẻ côi này nhận được ơn ban mà còn sinh linh của một nước nhờ thế được an toàn. Cùng chúc cho các hạ hưởng được phước lớn từ trời ấy mãi mãi.
Lá thư tháng 3 năm Chí Nguyên thứ 21, gửi cho Kinh Hồ Chiêm Thành hành tỉnh
Chiêm Thành đã nội thuộc tiểu quốc. Đại quân đến đánh, lẽ đương nhiên tiểu quốc phải thương xót, nhưng chưa từng dám nói ra một lời. Ấy bởi thời trời việc người, tiểu quốc cũng đã biết rồi. Nay Chiêm Thành lại làm chuyện phản nghịch chấp mê, không chịu trở lại. Đó gọi là kẻ chẳng thể biết trời biết người. Kẻ biết trời biết người mà trở lại cùng mưu với kẻ không biết trời biết người, thì tuy trẻ mới lên ba cũng biết là không thể cùng được.
Huống là tiểu quốc ư? Mong quí hành tỉnh xét kỹ.
5
Lá thư tháng 10 năm Chí Nguyên thứ 21, gửi cho Thoát Hoan
Tuy không thể chính mình thấy được ánh thừa, nhưng trong lòng đã rất hân hạnh. Ngày trước, kính được chiếu vua nói rằng: “Có lệnh riêng quân ta không được đi vào nước ngươi”. Nay thấy Ung châu doanh trại cầu đò, thường thường liên tiếp. Thật rất sợ hãi, rất mong hiểu rõ lòng trung thành mà thêm chút thương xót.
6
Thư tháng 10 năm Chí Nguyên thứ 21 (1284), gửi cho Thoát Hoan
Chiếu trước đã riêng ra lệnh “quân ta không được vào nước ngươi”. Nay vì Chiêm thành đã xưng bề tôi mà làm phản trở lại, nhân thế phát đại quân đi qua do bản quốc mà tàn hại trăm họ. Đó là việc làm sai trái của thái tử, chớ không phải sai trái của bản quốc. Kính mong chớ đi ra ngoài chiếu trước. Rút đại quân về. Bản quốc sẽ sắm đủ cống vật, đem dâng lại có khác với trước.
7
Lá thư tháng 3 năm Chí Nguyên 23 (1286)
Ngày tháng 3 năm Chí Nguyên 23 (1286), thế tử nước An Nam là thần Trần Nhật Huyên kính gửi:
1. Hòm đựng biểu bằng gỗ son có quách bằng bạc phủ vàng cùng với chìa khóa, một bộ.
2. Voi thuần, một con.
3. Yên ngựa vàng góc liền với bàn ngồi, một chiếc (vàng góc nặng 10 lạng)
4.Đài bạc phủ vàng cùng trái bóng liền lông trâu, 5 bộ (cộng lại nặng 6 lượng 14 tiền).
5. Lục lạc bằng đồng có mạ vàng, 7 chiếc.
6. Sừng linh dương, một bộ.
7. Chiếu gấm màu lục đậm, một chiếc.
8. Dây bông hồng, bốn tao.
9. Tấm choàng mưa bằng vải lăng màu đỏ có dụ kim, một tấm.
10. Mâm ngự đá hoa góc vàng phủ bạc, một chiếc.
11. Bình lưu ly cùng với nắp vàng, 2 chiếc. Cộng lại nặng 1 lạng 6 tiền.
12. Đế đèn vàng, một đôi (cộng lại nặng 14 lạng).
13. Mâm sừng tê bốn góc phủ bạc, một chiếc.
14. Chén trầm hương vàng góc có nắp đậy, một chiếc.
15. Đĩa lá sen phủ vàng, một cái.
16. Dù vàng 3 lạng 7 tiền.
17. Đĩa lá sen vàng 5 lạng.
18. Đĩa dạng móng vàng 6 lạng 8 tiền, một cái.
19. Bầu vàng một cái 10 lạng.
20. Đĩa kim tê vàng góc liền đáy, một chiếc 4 lạng.
21. Chén tê giác vàng góc một cái (vàng góc 5 lạng)
22. Đĩa vàng dùng đủ một cái 2 lạng 8 tiền.
23. Lò vàng liền với đũa vàng một bộ.
24. Lò vàng một cái bốn lạng.
25. Đũa vàng một lạng ba tiền.
26. Que xóc thịt bằng vàng, một que 7 tiền.
27. Đai vàng ròng, một bộ 4 cái.
28. Bàn cờ bằng xương voi cái, có màu gỗ vằn sáng, góc vàng phủ bạc, một chiếc ba lạng.
29. Hộp phủ vàng có phủ xen vàng đỏ liền với múi, một chiếc 25 lạng.
30. Bộ quân cờ bằng ngà voi, một bộ 32 con.
31. Hoa tê ba cành phía dưới phủ vàng xen bạc, ba món nặng 18 lạng.
32. Sừng tê giác Đại ô năm chiếc liền với ván đáy có vẽ năm miếng.
33. Chậu rửa bằng vàng 5 chiếc, cộng 10 lạng.
34. Chậu rửa vàng đỏ 10 chiếc, cộng lại nặng 300 lạng.
35. Bình bạc đựng đầy dầu tô hợp hương, ba chiếc (dầu cộng nặng 163 lạng, bình cộng nặng 79 lạng).
36. Đoạn lông vàng nước Tây Dương hai xấp.
37. Quyến mịn vải ngũ sắc 50 tấm.
38. Gấm mọi 100 tấm.
39. Vải trắng nước Chà Và 20 cân.
40. Vải chen màu nước Chà Và 10 cân.
41. Lông chim trả 100 chiếc.
42. Bạch đàn hương 2 tể, cộng lại nặng 10 cân.
43. Mai hương đàn 2 tể, nặng 70 cân.
44. Ca ma nhiên hương 100 cân.
45. Thảo quả 10 cân.
46. Ngà voi 20 chiếc.
47. Sừng tê giác 20 chiếc.
48. Chim ó 20 con.
49. Chim trĩ hai con.
50. Rái cá một con.
51. Cá sấu 8 con.
52. Chim bát ca một con.
8
Tờ biểu năm Chí Nguyên thứ 25 (1288)
Chí Nguyên năm thứ 25 (1288) nước An Nam dâng biểu nói:
Vi thần, thế tử nước An Nam Trần Nhật Huyên lo sợ, trăm lạy quên chết phục tội, dâng lời lên Hoàng đế bệ hạ được trời cao yêu mến. Được Thánh chỉ lúc này, như gió ấm cởi lòng, kính mong thánh thể sinh hoạt vạn phúc. Cha con của vi thần, qui thuận thiên triều đã 30 năm hơn. Dẫu vi thần đau mang bệnh tật,ử đường sá xa xôi,ử bệ hạ vẫn để cho ở bên ngoài tính toán, chỉ nhận lấy phương vật cống hiến, mà sứ thần dâng lên, năm tháng chưa từng thiếu sót.
Đến năm 23 (1286) bình chương A Lý Hải Nha vì tham lập công biên giới, làm trái với thánh chỉ. Do thế, tiểu quốc sinh linh một phương phải chịu lầm than. Sau khi đại quân về rồi, vi thần mới biết lòng hạ thần bị ngăn chận, do lời dữ mà bị vu oan là làm phản, gọi thành tội lỗi của thần. Thần đặc biệt sai bọn thông thị đại phu Nguyễn Nghĩa Toàn, hiệp trung đại phu Nguyễn Đức Vinh, hữu vũ đại phu Đoàn Hải Cung, Trung đại phu Nguyễn Văn Ngạn phụng đem phương vật đến trước cửa khuyết, ý muốn thêm chút lòng thương của bệ hạ, há mong gì hơn. Thế mà họ đều không trở về.
Chí Nguyên năm thứ 24, mùa đông, lại thấy đại quân thủy bộ đều tiến sang, thiêu đốt chùa chiền khắp nước, đào bới mồ mả tổ tiên, bắt giết người dân già trẻ, đập phá sản nghiệp trăm họ. Các hành động tàn nhẫn phá phách, không gì là không làm. Lúc bấy giờ, thần sợ chết, liền trước trốn đi. Tham chính Ô Mã Nhi nói với người trong nước truyền báo cho thần rằng: “Mày chạy lên trời, tao theo lên trời. Mày chui xuống đất, tao theo xuống đất. Mày trốn trong núi, tao chạy vào núi. Mày chạy xuống biển, tao sẽ xuống biển”. Trăm thứ tủi nhục, lời nói chẳng hết.
Thần nghe những lời ấy, biết mình không khỏi tội, càng đi trốn xa hơn, những mong thái tử xót thương, riêng theo nguyện vọng của tiểu quốc, mà đưa đại quân đi về.
Tham chính Ô Mã Nhi lâu nắm binh thuyền, riêng ra ngoài biển, bắt hết biên dân vùng biển, lớn thì giết chết, nhỏ thì bắt đi, cho đến treo trói, xẻ mổ, mình đầu khắp chốn. Trăm họ bị bức tới chỗ chết, bèn dấy lên cái họa của con thú chân tường. Vi thần sợ sẽ dây dưa đến mình, nên tự thân tới ngăn cản, nhưng đường xa lại không kịp. Khi nghe thấy trăm họ đưa đến đại vương Tích Lệ Cơ, một người, bảo là thuộc quí thích của đại quốc, thần ngay ngày đó đã sắm lễ đối đãi, hết mực tôn trọng. Thần kính hay là không kính, đại vương tất biết. Còn việc làm của Ô Mã Nhi tàn khốc bạo ngược, thì chính đại vương mắt thấy. Vi thần chẳng dám nói dối.
Thủy thổ của tiểu quốc rất độc, viêm chướng thật nhiều, thần sợ ở lâu tất sinh tật bệnh. Tuy vi thần đã hết lòng phụng dưỡng thì cũng không khỏi được tội các tướng tham lợi quân công ở biên giới mà có lời tâu không căn cứ. Vi thần đã kính cẩn, có đủ lễ vật đi đường, sai người đến trước biên giới đưa tiễn đại vương về nước.
Kính mong bệ hạ đức sánh càn khôn, ơn hơn cha mẹ, trí như đem đuốc rọi chỗ tối, sáng đủ để biết tình ngay gian, nguyện xin xét kỹ mà thêm lượng khoan hồng, hầu khiến vi thần miễn khỏi tội lỗi, được hết lòng thờ trời suốt đời, há chỉ vì vi thần cùng với sinh linh một phương, tử sinh cốt nhục, muôn đời nhận được ơn sinh thành đại tảo, mà cũng để cho hết thảy các nước được may mắn thật hưởng sự nhân từ của lòng nhân bệ hạ.
Ngoài ra, những kẻ sót mất của đại quân còn hơn những ngàn người, thần đã phát lệnh đưa về. Nếu sau này có gặp nữa, thì thần cũng tìm ra và bảo trở về.
Tiểu quốc gần đây gặp phải binh hỏa. Vả lại lúc này khí trời còn nóng, cống vật và sứ giả khó có kiếm ra. Đợi đến mùa đông mới có thể sai đi được.
Lòng hạ thần không có gì khác, không dám van trời nài thánh, hoảng sợ quên chết, phục tội khôn xiết, kính cẩn tâu bày.