Close

Trần Nhân Tông Library

Giáo dục đào tạo

Close Form
Upload Files
Chỉ hổ trợ file (jpg, gif, pdf, word)
Họ & Tên (*)
Công Ty
Địa Chỉ
Điện Thoại (*)
Email (*)
Nội Dung (*)

Hội nghị - Hội thảo

Sức mạnh chống ngoại xâm - đỉnh cao thời đại nhà Trần

Hội thảo khoa học “Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông - con người và sự nghiệp” đã diễn ra tại thị xã Uông Bí - Quảng Ninh, trong khuôn khổ đại lễ Kỷ niệm 700 năm ngày mất vua Trần Nhân Tông. 

Có mặt tại Hội thảo, có hơn 300 đại biểu là giáo phẩm thuộc Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, các giáo sư, tiến sĩ, nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà quản lý tôn giáo, cư sỹ, phật tử đến từ Nhật Bản, Thái Lan, Pháp, Trung Quốc và Việt Nam.

Trần Nhân Tông - vị Hoàng đế đặc biệt

Từ 6h sáng, hàng trăm tăng ni và người dân thuộc đủ mọi thành phần, lứa tuổi, dân tộc từ rất nhiều vùng miền khác nhau trên cả nước đã có mặt trong khuôn viên khách sạn thương mại Uông Bí, Quảng Ninh, để theo dõi hội thảo qua màn hình lớn do phòng họp của khách sạn không đủ sức chứa.
Hội thảo được mở đầu bằng việc đọc lời chúc mừng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Qua lá thư gửi tới hội thảo, Đại tướng khẳng định: Trần Nhân Tông là một vị vua văn võ song toàn, Phật hoàng đã có nhiều đóng góp to lớn cho dân tộc.

“Hội thảo lần này đáp ứng được niềm mong đợi của đại đa số quần chúng tăng ni, phật tử Việt Nam ở trong và ngoài nước. Sự hiện diện của đông đảo mọi người tại hội trường này đã cho thấy sức thu hút to lớn từ tấm gương của Đức Vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông vẫn còn nguyên vẹn trong tâm khảm của mỗi người. Điều đó càng khẳng định sự nghiệp của Đức Vua mãi mãi là đối tượng khám phá và học hỏi đối với con cháu ngày nay”, Hòa thượng Thích Thanh Tứ, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban tổ chức đại lễ, phát biểu khai mạc.

Thượng tọa Thích Bảo Nghiêm, Trưởng Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Hà Tĩnh nhận định: “Trần Nhân Tông là một hoàng đế đặc biệt, người có nhiều đóng góp quan trọng trên cả ba lĩnh vực: dựng nước, giữ nước và mở nước. Song điểm được coi là nổi bật nhất trong sự nghiệp, cuộc đời Trần Nhân Tông là việc sáng lâp ra phái thiền Trúc Lâm Yên Tử, dòng thiền của riêng người Việt”.

Tiến sỹ Nguyễn Hữu Nguyên, Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM, cho rằng thời đại nhà Trần có hai đỉnh cao là tư tưởng Phật giáo và sức mạnh chống giặc ngoại xâm.

“Trong lễ mừng chiến thắng, Trần Nhân Tông ghi lại hai câu thơ: “Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã/Sơn hà thiên cổ điện kim âu” (Xã tắc hai phen chồn ngựa đá/Giang sơn nghìn thuở vững âu vàng), đó là tinh thần Phật giáo Việt Nam đặt “quốc gia xã tắc lên trên”.

“Đỉnh cao của tư tưởng Phật giáo nhập thế đã thể hiện rất rõ ở vị vua đã đích thân hai lần đánh thắng quân Nguyên - Mông nhưng không màng danh lợi ở triều đình mà lui về chốn thanh cao để sáng lập thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, đó là giáo phái lớn nhất Việt Nam tồn tại cho đến ngày nay”, tiến sỹ Nguyên khẳng định.

Đến từ Nhật Bản, Giáo sư, Hòa thượng Yoshimizu Daichi nhận định: “Trần Nhân Tông là một vị vua anh minh, độ lượng, người đã khai sinh ra thiền phái Trúc Lâm mang bản sắc dân tộc Việt Nam thuần túy. Nếu vua Trần Nhân Tông, người Việt Nam, sáng lập ra thiền phái Trúc Lâm Yên Tử thì ở Nhật Bản Pháp Nhiên, người Nhật Bản đã sáng lập ra tịnh độ tông Nhật Bản. Đây là hai quốc bảo của nhân gian”.

Vì sao vua Trần Nhân Tông về Yên Tử tu hành?

Ông Nguyễn Trần Trung, Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Quảng Ninh đã đem đến cho hội thảo một sự ngạc nhiên khi ông thử lý giải vì sao vua Trần Nhân Tông về Yên Tử tu hành.

Theo ông, nhận định của Hải Lượng Thiền sư ở thế kỷ 13 và nhiều học giả khác về sự kiện Điều ngự Giác hoàng lên Yên Tử tu hành vì sợ người phương Bắc mạnh mẽ, thường thường lên Yên Tử dạo chơi để xem động tĩnh, cốt để ngừa cái mối lo nước ngoài xâm phạm chỉ là võ đoán, vì thực tế lên trên đỉnh Yên Tử không ai có thể nhìn tới tận phương Bắc và phương Đông. Nhận định võ đoán như vậy chẳng khác nào xem Thượng hoàng là người canh giữ biên cương.

Ông cho rằng, ngược lại, Giác hoàng lên Yên Tử tu hành vì 3 lý do chính: Vì Yên Tử là “linh địa”, Yên tử là nơi tu hành đạt đạo của tiền nhân, Yên tử có những điều kiện để giúp người tu hành đạt đạo, không kém gì xứ sở Phật đà già la (NairanJana) của Đức Phật Thích Ca.

“Không bàn tới yếu tố tĩnh mịch, linh thiêng hay yếu tố phong thủy của núi này mà xét tới tính khoa học của vấn đề: Những quả núi lâu đời như Yên Tử, Himalaya (Tây Tạng), Phú Sỹ (Nhật Bản)… đều có lực từ trường khá lớn. Những luồng điện này sẽ làm tăng thêm lực cho dòng nhân điện trong thân thể của những người ngồi ở núi đó”, ông Trung khẳng định.

Hôm nay, 27/11 Đại lễ Tưởng niệm sẽ tiếp tục diễn ra với các hoạt động văn hóa chính: Rước lễ vật tiến cúng Điều ngự Giác hoàng Trần Nhân Tông, trình diễn văn nghệ, dâng hương và đốt nến cầu nguyện hòa bình.

| Phan Ngọc Thiện (VietnamNet)

(Kỷ niệm 700 Phật hoàng Trần Nhân Tông viên tịch)

 

Tướng Giáp: Làm sáng tỏ công lao Phật hoàng Trần Nhân Tông

Trần Nhân Tông đúng là một vị vua văn võ song toàn, một vị Phật hoàng có công lao to lớn đối với dân tộc - Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết trong thư gửi Hội thảo khoa học "Đức Vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông - con người và sự nghiệp" diễn ra hôm nay (26/11) tại Quảng Ninh.

Hội thảo được tiến hành trong dịp Đại lễ Tưởng niệm 700 năm ngày nhập Niết-bàn của Đức Vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông do Giáo hội Phật giáo Việt Nam phối hợp với Ban Tôn giáo Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức.

Trong lá thư đề gửi Chư vị Hòa thượng, Thượng tọa, tăng ni và các nhà nghiên cứu tham dự Hội thảo, Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: "Phật giáo đã du nhập vào Việt Nam, hòa nhập với nền văn hóa dân tộc góp phần to lớn vào sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Đến thời đại nhà Trần, vua Trần Nhân Tông đã hai lần trực tiếp lãnh đạo quân và dân Đại Việt đánh thắng quân Nguyên Mông và mở mang đất nước".

"Trong thời đại nhà Trần, lần đầu tiên xuất hiện một vị vua - vua Trần Nhân Tông đã rời bỏ ngai vàng đi vào nhân dân, xuất gia tu hành đạo Phật, sáng tạo nên một trường phái Phật giáo mới - Phật giáo Việt Nam.

Trần Nhân Tông đúng là một vị vua văn võ song toàn, một vị Phật hoàng có công lao to lớn đối với dân tộc", Đại tướng nhấn mạnh.

Khẳng định cuộc hội thảo này "có ý nghĩa quan trọng", Đại tướng bày tỏ mong muốn hội thảo "đi sâu nghiên cứu, làm sáng tỏ hơn nữa công lao, sự nghiệp của Phật hoàng Trần Nhân Tông". Điều này, theo ông, sẽ "góp phần làm cho đạo Phật ngày càng gắn bó với dân tộc, thực hiện đại đoàn kết dân tộc, đẩy mạnh công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam thân yêu".


| Phan Ngọc Thiện (VietnamNet)

(Kỷ niệm 700 Phật hoàng Trần Nhân Tông viên tịch)

Đề nghị UNESCO công nhận Vua Trần Nhân Tông là Danh nhân văn hoá thế giới

Ngày 26/11/2008, trong khuôn khổ Đại lễ kỷ niệm 700 năm ngày Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn (1308-2008), tại Uông Bí, Giáo hội Phật giáo VN cùng Viện KHXH Việt Nam và tỉnh Quảng Ninh... tổ chức hội thảo khoa học "Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông - cuộc đời và sự nghiệp".

Hội thảo có sự tham gia của hàng trăm chư tôn, giáo phẩm, hoà thượng, đại đức, tăng ni, các nhà khoa học. Cùng dự có nguyên Chủ tịch Nước Trần Đức Lương, nguyên Chủ tịch QH Nguyễn Văn An...

Với 91 bản tham luận, hội thảo tập trung vào 3 chủ đề lớn: Vua Trần Nhân Tông - con người và thời đại; Vua Trần Nhân Tông - anh hùng dân tộc và sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc; di sản tư tưởng - văn hoá của thời đại nhà Trần và Vua Trần Nhân Tông, góp phần giúp nhân dân hiểu thêm về thân thế và sự nghiệp của Phật hoàng Trần Nhân Tông và một giai đoạn Phật giáo phát triển rực rỡ trong lịch sử VN. Đây là cơ sở để Bộ VHTTDL cùng các cơ quan chức năng xem xét trình lên UNESCO công nhận Trần Nhân Tông là Danh nhân văn hoá thế giới. Tại hội thảo, UBND tỉnh Nam Định cũng trao tặng bản sao của bản sắc phong sớm nhất của đời Vua Trần Thái Tông cho Giáo hội Phật giáo VN.

Phát biểu khai mạc, Hoà thượng Thích Thanh Tứ - Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo VN, Trưởng BTC - cho rằng: Thông qua hội thảo để có dịp chư tăng ni trong GHPGVN, giới phật tử và xã hội có dịp chiêm ngưỡng và hiểu biết hơn về thời đại của nhà Trần rất hào hùng trong lịch sử nước nhà với vị vua - Phật đã đại diện cho ý chí vươn lên thống nhất đất nước. Vua Trần Nhân Tông cũng là một vị sư đã để lại cho đời sau sự nghiệp hành đạo sáng chói của Người, kết hợp hài hoà giữa vai trò của một nhà vua và một nhà sư...

Phật hoàng Trần Nhân Tông (1258-1308) tên thật là Trần Khâm - lên ngôi năm 1278, là con trưởng của Trần Thánh Tông, mẹ là Nguyên thánh Thiên cảm Hoàng Thái hậu; là vị vua lãnh đạo quân dân cả nước đánh tan quân Nguyên xâm lược lần thứ hai (1285) và thứ ba (1287). Triều đại ông nổi bật với tinh thần quân dân đại đoàn kết, nổi tiếng qua hội nghị Diên Hồng và hội nghị Bình Than.

Sau cơn binh lửa, Trần Nhân Tông chú trọng khuyến khích nông tam, chiêu mộ dân khai khẩn ruộng hoang, mở rộng các công trình thuỷ lợi, chia ruộng đất cho dân, khuyến khích học hành thi cử, tuyển chọn nhân tài, tha tô thuế tạp dịch cho những vùng bị tàn phá, miễn dịch cho các vùng khác... Năm 1293, ông nhường ngôi cho con là Trần Thuyên (Vua Trần Anh Tông) và làm Thái Thượng hoàng cùng con lo việc nước. Năm 1299, ông rũ sạch bụi trần, lên núi Yên Tử tu hành khai sáng thiền phái Trúc Lâm.

Đã 700 năm trôi qua, kể từ ngày Điểu ngự Giác hoàng Trần Nhân Tông - vị tổ thứ nhất của Thiền phái Trúc Lâm tạ thế (16.11.1308), nhưng cùng với sự trường tồn của dân tộc, tinh hoa thiền học của Người vẫn lấp lánh như ngọn hải đăng soi rọi cho sự phát triển của Phật học VN, với phương châm bất tử "cư trần lạc đạo" - nghĩa là sống trong cõi trần vui với đạo!

| T.N.Duy (Lao Động)

(Kỷ niệm 700 Phật hoàng Trần Nhân Tông viên tịch)

SỐ NGƯỜI TRUY CẬP: 0    USER ONLINE: 0