Trần Nhân Tông Library

Tài liệu tham khảo

Thiền phái Trúc Lâm

Thơ phú

Bài nghiên cứu

Trần Nhân Tông với Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử

Trần Nhân Tông (1258 - 1308) là vị hoàng đế anh minh, đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh cao cả của mình. Suốt một thời tuổi trẻ, người anh hùng Trần Nhân Tông đã trải qua hai cuộc kháng chiến chống xâm lược, bảo vệ chủ quyền dân tộc, một lòng dựng xây và phát triển đất nước. Lịch sử và chính những trang văn còn lại đã xác nhận vị thế Trần Nhân Tông trên tư cách hoàng đế - danh nhân văn hóa tiêu biểu của dân tộc.

Trong mối duyên lành với nhà Phật, Trần Nhân Tông có điều kiện thuận lợi bởi qua các cuộc chiến chống xâm lược Nguyên Mông ác liệt, là một thời Phật giáo hưng thịnh. Trực tiếp hơn, Trần Nhân Tông từng được tiếp nhận tư tưởng Phật giáo từ ông nội Trần Thái Tông (1218 - 1277), vua cha Trần Thánh Tông (1240 - 1290) và đặc biệt chịu ảnh hưởng sâu đậm từ Tuệ Trung Thượng sĩ (1230 - 1291)... 

Có thể nói tâm thế Trần Nhân Tông sớm hướng đến cửa Phật nhưng kể từ khi lui về làm Thái thượng hoàng thì mọi điều kiện, cơ duyên mới thật sự chuyển hóa thành hành động, việc làm cụ thể. Ðây là cả một quá trình, một sự vận động, đan xen, đổi thay, tiếp nối trong nhận thức qua nhiều năm trời. Trên thực tế, Trần Nhân Tông quyết định nhường ngôi cho Hoàng thái tử Thuyên (Trần Anh Tông) vào đầu năm Quý Tỵ (1293). 

Ðến mùa thu năm sau (Giáp Ngọ, 1294), Thượng hoàng đã xuất gia ở hành cung Vũ Lâm (Ninh Bình) nhưng liền đó vẫn đích thân đi đánh dẹp phía tây và tiếp tục chỉ bảo, răn dạy vua Anh Tông. Phải đến tháng 8 năm Kỷ Hợi (1299), Thượng hoàng mới chính thức "từ phủ Thiên Trường lại xuất gia vào núi Yên Tử tu khổ hạnh", lấy đạo hiệu Hương Vân Ðại Ðầu Ðà (còn được tôn xưng Giác Hoàng Ðiều Ngự), trở thành vị tổ thứ nhất Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử... Từ đây bắt đầu một chặng đời mới với việc tu hành, viết sách, giảng kinh ở chốn non thiêng Yên Tử, vân du các nơi, sang tận Chiêm Thành cầu học đạo (chuyến đi năm Tân Sửu, 1301, từ tháng 3 đến tháng 11 mới trở về), đồng thời cùng triều đình bàn việc quốc sự, góp phần ổn định hòa bình của đất nước.

Quan trọng hơn, Trần Nhân Tông đã khơi nguồn, đặt nền móng và cũng là người thiết kế, hướng đạo, phát triển tư tưởng Phật giáo, tổ chức giáo hội, đào tạo tăng ni, phật tử. Sách Ðại Việt sử ký toàn thư cũng như Tam tổ thực lục đều chép việc Trần Nhân Tông từng mở hội Vô lượng pháp ở chùa Phổ Minh, bố thí vàng bạc tiền lụa để chẩn cấp dân nghèo trong nước và giảng kinh Giới thí... Riêng sách Tam tổ thực lục ghi chép khá kỹ lưỡng cuộc đời Trần Nhân Tông với ý nghĩa một tiểu truyện thiền sư, khởi đầu từ việc ngài sinh ra gắn với điềm lạ, cuộc đời hành đạo có nhiều công tích, để lại nhiều thơ văn và cuối cùng là cái chết thanh thản, "hóa thân", "trở về" theo đúng quan niệm "sinh ký tử quy" của Phật giáo... 
Tiểu truyện về thiền sư Trần Nhân Tông cũng mang đặc tính hỗn dung thể loại, tàng trữ các giá trị thi ca, những lời đối thoại, hỏi đáp về Phật - Pháp - Tăng, về quá khứ - hiện tại - vị lai, về công án - giáo điển, về nhân quả - hóa thân... Sách này cũng mô tả chi tiết những sự kiện diễn ra trong suốt tháng cuối cùng, lập danh sách bốn tác phẩm của Ðiều Ngự còn truyền lại. Ðồng thời sách tiếp tục giới thiệu việc Ðiều Ngự mở ba giới đàn ở chùa Chân Giáo trong đại nội, chùa Báo Ân ở Siêu Loại, chùa Phổ Minh ở Thiên Trường và tổng kết quá trình đào tạo tăng ni: "Các đệ tử nối dòng pháp đã liệt kê đầy đủ nơi bản đồ trong Tuệ Trung Thượng sĩ ngữ lục, còn những người được Ðiều Ngự dẫn dắt, âm thầm khế hợp với tông chỉ thì không kể hết"... 

Sau Trần Nhân Tông, các vị đệ nhị tổ Pháp Loa, tam tổ Huyền Quang đã nối tiếp truyền thừa, mở rộng thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Từ miền non thiêng Yên Tử, tinh thần Trúc Lâm đã khởi phát và lan tỏa khắp trong nam ngoài bắc, đến nay vẫn phát huy ảnh hưởng và tạo lập nhiều Thiền viện mới ở nhiều nước trên thế giới. Vào những năm đầu thế kỷ XXI này, chúng ta lại có dịp bàn luận và chứng kiến sự phục hưng của tinh thần Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử, sự hội nhập và phát triển truyền thống văn hóa Phật giáo Ðại Việt - Việt Nam qua suốt ngàn năm lịch sử. 

Trên phương diện sáng tác, Trần Nhân Tông còn để lại nhiều tác phẩm in đậm tư tưởng Phật giáo, khơi nguồn cảm hứng đề vịnh cảnh chùa đất Phật, ngợi ca công tích bậc cao tăng như Tán Tuệ Trung Thượng sĩ (Ca ngợi Thượng sĩ Tuệ Trung) và trực tiếp viết tiểu truyện về sư thầy với tác phẩm Thượng sĩ hành trạng (Hành trạng của thượng sĩ Tuệ Trung)... 

Tuy nhiên, những tác phẩm căn cốt thể hiện sâu sắc tư tưởng Phật giáo của Trần Nhân Tông chính là những trang viết bày tỏ trực tiếp quan niệm của tác giả. Bàn về mối quan hệ hữu - vô, Trần Nhân Tông mở đầu cho chín khổ thơ đều bằng câu Hữu cú vô cũ (Câu hữu câu vô) và đi đến đoạn kết với ý tưởng phá chấp, dứt trừ phân chia vọng niệm, đạt tới cảnh giới vô phân biệt: Tiệt đoạn cát đằng - Bỉ thử khoái hoạt (Cắt đứt mọi duyên như dây leo - Thì hữu và vô đều thông suốt). Có thể nói tinh thần nhập thế và con đường tu hành coi trọng quyền sống con người, khả năng dung hòa giữa đạo và đời, đề cao các giá trị nhân văn và tư tưởng Cư trần lạc đạo thả tùy duyên (Sống giữa cõi phàm trần, hãy tùy duyên mà vui với đạo) đã tạo nên sức sống trường tồn cho Phật giáo dân tộc. Chính tinh thần nhập thế, tùy duyên, tùy tục đã xác lập cốt cách Trần Nhân Tông và mẫu hình hoàng đế - thiền sư (và đồng thời: một thiền sư - hoàng đế), góp phần xác lập minh triết khoan dung và bản sắc văn hóa thời đại nhà Trần, nhấn mạnh khả năng dung hợp, dung hòa mối quan hệ giữa đạo và đời... 

Chiếu ứng với các bài thơ hướng về cảm quan Phật giáo, Trần Nhân Tông vẫn thể hiện được tiếng nói trữ tình và âm hưởng cuộc đời trần thế. Trên tất cả, Trần Nhân Tông luôn biểu lộ tư chất con người nghệ sĩ, luôn phát hiện giá trị cái đẹp trong thế giới thực tại, cả trong các suy tưởng triết học Phật giáo cũng như cuộc sống đời thường. Xin nhấn mạnh thêm, vị thế hoàng đế và cảm quan Phật giáo không đối nghịch với cuộc sống mà thực chất chỉ là những cách nhìn nhận, hình dung khác nhau về thực tại. Hơn thế nữa, hồn thơ Trần Nhân Tông không quá khuôn thước, giáo điều trong tín niệm của một con nhang đệ tử, càng chưa bị Nho giáo hóa theo lối "khắc kỷ phục lễ". Vì thế tinh thần Phật giáo thấm đậm trong sáng tác được ông chiêm nghiệm, kết tinh từ cuộc đời, tạo nên một cách quan niệm, hình dung về kiếp người và cõi đời nương theo tinh thần nhà Phật... 

Trong lịch sử dân tộc, triều đại nhà Trần (1225 - 1400) nổi lên như là một hiện tượng độc đáo gắn với sự kiện các hoàng đế đều lui về hậu trường làm Thái thượng hoàng, đều trở thành thiền sư và người ham chuộng Phật giáo, đồng thời cũng là những thi nhân nổi tiếng. Ðây là mẫu hình tác gia độc đáo dựa trên nền tảng căn rễ cơ sở văn hóa thời đại Lý - Trần và không lặp lại. Trong số đó, danh nhân văn hóa Trần Nhân Tông chính là mẫu hình tác gia Hoàng đế - Thiền sư - Thi sĩ tiêu biểu cho cả một thời đại huy hoàng. Trải qua sự chuẩn bị từ Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Tung, phải đến Trần Nhân Tông mới hội đủ điều kiện để định hình Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử nội sinh trong nền văn hóa và Phật giáo dân tộc.

PGS, TS Nguyễn Hữu Sơn

Mấy bài thơ của Trần Nhân Tông

 

1. 餽 張 顯 卿 春 餅

柘枝 舞 罷 試 春 衫

況 值 今 朝 三 月 三

紅 玉 堆 盤 春 菜 餅

從 來 風 俗 舊 安 南

Phiên âm:
QUỸ TRƯƠNG HIỂN KHANH XUÂN BÍNH
Giá chi vũ bãi, thí xuân sam,
Huống trị kim triêu tam nguyệt tam.
Hồng ngọc đôi bàn xuân thái bính,
Tòng lai phong tục cựu an Nam.

Dịch nghĩa:
TẶNG BÁNH NGÀY XUÂN CHO SỨ BẮC TRƯƠNG HIỂN KHANH
Múa giá chi xong, thử tấm áo ngày xuân,
Huống nữa hôm nay lại gặp tiết mồng ba tháng Ba.
bánh rau mùa xuân như ngọc hồng bày đầy mâm,
Đó là phong tục của nước An Nam xưa nay.

Dịch thơ:
Múa giá chi rồi thử áo xuân,
Hôm nay hàn thực, buổi thanh thần.
Bánh rau đầy đặn như hồng ngọc,
Nước Việt, tục này theo cổ nhân.

Trần Lê Văn dịch
Một bài thơ tiếp sứ trình bày vẻ đẹp của phong tục đất nước để khách thưởng lãm, có bánh, có rau, có điệu múa cổ “giá chi” và trang phục mùa xuân của nghệ sĩ đang múa. Người làm thơ khiêm nhường với những lời nhã nhặn, nhưng đã phác họa lên cả một bề dày văn hóa mà thấp thoáng đằng sau là ánh mắt tự hào về bản sắc riêng của dân tộc mình.

2. 春 景

楊 柳 花 深 鳥 語 遲

畫 堂 簷 影 暮 雲 飛

客 來 不 問 人 間 事

共 倚 欄 杆 看 翠 微

Phiên âm:

XUÂN CẢNH

Dương liễu hoa thâm, điểu ngữ trì,
Họa đường thiềm ảnh mộ vân phi.
Khách lai bất vấn nhân gian sự,
Cộng ỷ lan can khán thúy vi.


Dịch nghĩa:

CẢNH XUÂN

Trong khóm hoa dương liễu rậm, chim hót chậm rãi,
Dưới bóng thềm ngôi nhà chạm vẽ, mây chiều lướt bay.
Khách đến chơi không hỏi việc thế tục,
Cùng đứng tựa lan can ngắm màu xanh mờ mịt ở chân trời.


Dịch thơ:

Chim nhẩn nha kêu, liễu trổ dày,
Thềm hoa chiều rợp bóng mây bay.
Khách vào chẳng hỏi chuyện nhân thế,
Cùng tựa lan can nhìn núi mây.

Huệ Chi dịch

3. 二 月 十 一 夜

歡 伯 澆 愁 風 味 長

桃 笙 竹 簟 穩 龍 床

一 天 如 水 月 如 晝

花 影 滿 窗 春 夢 長

Phiên âm:

NHỊ NGUYỆT THẬP NHẤT DẠ

Hoan bá kiêu sầu phong vị trường,
Đào sinh, trúc đạm, ổn long sàng.
Nhất thiên như thủy, nguyệt như trú,
Hoa ảnh mãn song, xuân mộng trường.


Dịch nghĩa:

ĐÊM MƯỜI MỘT THÁNG HAI

Chén rượu rửa mối sầu có phong vị nồng đậm mãi,
Chiếc chiếu “đào sinh” (ở Tứ Xuyên) bằng trúc yên ổn trên giường rồng.
Trời trong như nước, trăng sáng như ban ngày,
Bóng hoa tràn ngập cửa sổ, giấc mộng đêm xuân triền miên.


Dịch thơ:

Rượu tưới sầu tan, vị đậm đà,
giường rồng, chiếu trúc trải bày ra.
Trời trong như nước, trăng vằng vặc,
Giấc mộng xuân dài dưới bóng hoa.

Trần Lê Văn dịch

4. 天 長 晚 望

村 後 村 前 淡 似 煙

半 無 半 有 夕 楊 邊

牧 童 笛 裡 歸 牛 盡

白 鷺 雙 雙 飛 下 田

Phiên âm:

THIÊN TRƯỜNG VÃN VỌNG

Thôn hậu thôn tiền đạm tự yên,
Bán vô bán hữu, tịch dương biên.
Mục đồng địch lý quy ngưu tận,
Bạch lộ song song phi hạ điền.

Dịch nghĩa:

NGẮM CẢNH CHIỀU Ở THIÊN TRƯỜNG

Trước thôn, sau thôn đều mờ mờ như khói phủ,
Bên bóng chiều, cảnh vật nửa như có nửa như không.
Trong tiếng sáo, mục đồng lùa trâu về hết.
Từng đôi cò trắng hạ cánh xuống đồng.

Dịch thơ:

Trước xóm sau thôn tựa khói lồng,
bóng chiều dường có lại dường không.
Mục đồng sáo vẳng, trâu về hết,
cò trắng từng đôi hạ xuống đồng.
Theo bản dịch Ngô Tất Tố

Bài thơ tả cảnh một buổi chiều ở phủ Thiên Trường (Nam Định) nhưng cũng là giải đáp một câu hỏi về hai phạm trù Thiền học “có” và “không” cho chính nhà thơ. Hai câu đầu, buổi chiều hiện ra trong trạng thái “tĩnh” và mờ mờ ảo ảo khiến người ngắm cảnh giằng mắc trong cái cảm giác “có” và “không” lẫn lộn của hiện hữu. Nhưng chợt từ xa hình ảnh một chú bé chăn trâu đi gần lại với tiếng sáo véo von, đánh thức ấn tượng rõ rệt về cái “có” - sự hiện hữu muôn đời của làng quê Việt Nam - trong tâm trí tác giả. Thêm vào đấy lại một đàn cò trắng lấp loáng bay xuống giữa đồng. Cái “có” lần lượt đánh bạt cái “không” thì cũng chính là trước mắt người ngắm cảnh, cái “động” đang thay thế cho cái “tĩnh”.



5. 武 林 秋 晚

畫 橋 倒 影 蘸 溪 橫

一 抹 斜 陽 水 外 明

寂 寂 千 山 紅 葉 落

濕 雲 如 夢 遠 鐘 聲



Phiên âm:

VŨ LÂM THU VÃN

Họa kiều đảo ảnh, bán khê hoành,
Nhất mạt tà dương thủy ngoại sinh.
Tịch tịch thiên sơn hồng lạc diệp,
Thấp vân như mộng, viễn chung thanh.


Dịch nghĩa:

CHIỀU THU Ở VŨ LÂM

Chiếc cầu chạm vẽ in ngược bóng vắt ngang dòng suối,
Một vệt nắng chiều rực sáng bên ngoài ngấn nước.
Nghìn núi lặng tờ, lá đỏ rơi,
Mây ướt giăng như mộng, tiếng chuông xa vẳng.


Dịch thơ:

Lòng khe in ngược bóng cầu hoa,
Hắt sáng bờ khe, vệt nắng tà.
Lặng lẽ nghìn non rơi lá đỏ,
Mây giăng như mộng, tiếng chuông xa.

Trần Thị Băng Thanh dịch

Khung cảnh một chiều thu được nhà thơ vẽ lên bằng hình ảnh phản chiếu qua một con suối, ở đó cái gì cũng đảo ngược: bóng cầu, vệt nắng... rất đẹp nhưng hình như không thật. Điểm thêm vào đó là cái nền mây trùm lên cảnh vật mờ ảo như trong giấc mộng trong đó có những lá đỏ đang rơi nhè nhẹ và tiếng chuông vẳng tới từ rất xa. Tất cả, như muốn nói lên cái cảm quan Thiền về “thật” và “ảo” trong tâm hồn tác giả.

 

| Nguyễn Huệ Chi

Sức sống Việt Nam qua diện mạo kiến trúc thời Trần Nhân Tông (Kỳ I)

Nói đến nhà Trần, người Việt Nam thường liên tưởng đến chiến tích oai hùng của nước Đại Việt với ba lần đánh bại quân Mông - Nguyên (1258, 1285, 1288), nối tiếp cha ông làm dày thêm những trang sử chống xâm lược vẻ vang của dân tộc.
Song, mặt trái của chiến tranh, dẫu là người giành được thắng lợi, vẫn luôn để lại những hậu quả vô cùng nghiêm trọng cả về nhân mạng lẫn đời sống xã hội, gây trì trệ trong phát triển đất nước, không thể dễ dàng khắc phục.

Ấy vậy nhưng nhà Trần- mà trách nhiệm chính là vua Trần Nhân Tông, với 15 năm làm vua (1278-1293), 15 năm dưới danh nghĩa Thái Thượng hoàng và Phật hoàng (1293-1308), vừa trực tiếp lãnh đạo hai cuộc kháng chiến chống Nguyên (1285 và 1288) vừa đảm nhận trọng trách phát động công cuộc trùng tu, xây dựng lại đất nước sau chiến tranh- vẫn nhanh chóng lập nên những kỳ tích mới trong xây dựng, thể hiện qua diện mạo kiến trúc thời Trần Nhân Tông.

Qua ba lần xâm lược, dưới vó ngựa của hàng chục vạn quân Mông Cổ rồi quân Nguyên, làng mạc, ruộng vườn khắp nơi tiêu điều xơ xác; rất nhiều công trình như thành quách, đền đài, cung điện, lăng miếu, chùa tháp, dinh thự, nhà cửa bị triệt hạ. Ngay cả Kinh đô Thăng Long cũng ba lần bị quân giặc đốt sạch, phá sạch; đến nỗi vào ngày 27 tháng 3 năm Mậu Tý (28-4-1288), khi vua tôi nhà Trần chiến thắng trở về thì không còn cung điện để ở, phải nghỉ tạm ở lang thị vệ.

Vì thế, một trong những nhiệm vụ cấp thiết mà vua Trần Nhân Tông phải tiến hành ngay sau cuộc chiến là tái thiết Kinh đô. Năm 1289, Kinh đô Thăng Long được xây dựng lại với qui mô lớn. Triều đình không những huy động thợ thủ công cả nước, mà còn bắt số quân dân trước đây từng đầu hàng giặc phải đảm trách công việc nặng nhọc là chuyên chở gỗ đá xây dựng để chuộc tội. Đáng tiếc là sử sách nhà Trần không ghi rõ công việc tu tạo của thời kỳ nầy ra sao, nên không thể tường tận chi tiết xây dựng các công trình kiến trúc thuở đó.

Tuy nhiên, qua một vài đoạn mô tả trong bài thơ An Nam tức sự của Trần Phu, sứ giả nhà Nguyên đi sứ sang Đại Việt sau chiến tranh (1293), có thể hình dung phần nào bộ mặt cung điện lầu gác Thăng Long sau khi tái thiết.

Chẳng hạn: Từ sứ quán đi 60 dặm thì qua cầu Yên Hòa, đi một dặm nữa thì tới phía bắc cầu Thanh Hoa, trên cầu có xây 19 gian nhà. Đến nơi tù trưởng ở (tức cung điện vua Trần ở) có Dương Kinh môn; trên cửa có gác gọi là Triều Thiên các, cửa nhỏ bên trái gọi là Vân Hội môn, bên trong cửa có khoang Thiên tỉnh ngang dọc độ vài mươi trượng (khoảng 7m x 7m). Từ bậc thềm bước lên thấy dưới gác có một tấm biển đề là Tập Hiền điện, bên trên có gác lớn gọi là Minh Linh các. Từ chái bên phải đi tới, gặp một điện lớn gọi là Đức Huy điện, cửa bên trái gọi là Đông Lạc môn, cửa bên phải gọi là Kiều Ứng môn, các biển đều bằng chữ vàng.

Mô tả trên của sứ giả Nguyên chứng tỏ đất nước đã bước đầu vượt qua được những khó khăn, tổn thất nghiêm trọng của nền kinh tế sau chiến tranh để đi lên. Thêm vào đó, bộ mặt Kinh đô có phần khởi sắc chắc hẳn một phần còn do vua Trần Nhân Tông cố gắng sửa sang lại Thăng Long để tương xứng tầm vóc thắng lợi to lớn mà toàn dân tộc vừa giành được.

Diện mạo Kinh đô Thăng Long thời Trần Nhân Tông đã phần nào xuất lộ ở khu di tích Hoàng thành Thăng Long được phát hiện từ năm 2002, nhưng quả thật rất khó để đối chiếu cụ thể với những mô tả của sứ nhà Nguyên. Dẫu sao thì các công trình giai đoạn đó cũng đã góp phần làm nên Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật với Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long (và ngày 28-12-2007, Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch đã ký quyết định công nhận xếp hạng di tích quốc gia, tạo điều kiện thuận lợi cho việc lập hồ sơ trình UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới).

Cùng với việc tu bổ Kinh đô, vua Trần Nhân Tông tiếp tục chú trọng xây dựng vùng đất phủ Thiên Trường (Từ năm 1239 các vua Trần đã cho xây dựng ở Tức Mặc hàng loạt cung điện, lầu gác, nhà cửa để làm nơi ở cho con cháu, họ hàng, thân thích thuộc hoàng gia và cho chính bản thân các vua sau khi đã nhường ngôi lên làm Thái Thượng hoàng. Năm 1262 nhà Trần đổi Tức Mặc thành phủ Thiên Trường).

Vua Trần Nhân Tông cho dựng nhà dạy học để dạy dỗ con em quý tộc; nhiều cung thất, phủ đệ của các vương tôn, công hầu, khanh tướng lần lượt mọc lên ở đó. Tất cả các công trình hợp lại, biến phủ Thiên Trường thành một nơi sầm uất, thái bình thịnh vượng.

Ngày nay, tại các xã phía bắc thành phố Nam Định (địa bàn phủ Thiên Trường xưa) vẫn còn lưu dấu các công trình kiến trúc thuở đó qua các tên làng như Phương Bông, Liễu Nha, Hậu Bồi, Đệ Nhất, Đệ Nhị...; tên các xứ đồng như Vườn Quan, Nội Cung, Vườn Văn Chỉ, Đường Chức Ngự, Cồn Đình, Cửa Triều... Những tên gọi đó gợi lên hình ảnh một quần thể kiến trúc với quy mô lớn, đa dạng và hoành tráng.

Khung cảnh tươi vui, đầm ấm của Thiên Trường được chính vua Trần Nhân Tông trong một lần về thăm viết thành bài thơ Thiên Trường vãn vọng đầy cảm xúc:

Thôn hậu thôn tiền đạm tự yên
Bán vô bán hữu tịch dương biên.
Mục đồng địch lý quy ngưu tận
Bạch lộ song song phi hạ điền.

Dịch nghĩa:

Thôn trước thôn sau khói phủ mờ
Nửa không nửa có bóng chiều hôm.
Mục đồng thổi sáo xua trâu ngủ
Cò trắng từng đôi lượn xuống đồng.


Không riêng các công trình kiến trúc của nhà nước; nhiều dinh thự, trang ấp, phủ đệ, lầu gác, từ đường, am động, lăng mộ của quý tộc Trần cũng mọc lên nhan nhản. Sự phát triển nầy một phần do chế độ điền trang, thái ấp thời Trần khá phổ biến; mặt khác do nhiều tướng sĩ, quý tộc Trần có công lao lớn trong kháng chiến chống xâm lược nên được phong thưởng nhiều đất đai, tài sản.

Thời vua Trần Nhân Tông, nhiều nơi có các công trình kiến trúc tư nhân lớn như trang ấp của Quốc công tiết chế Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn ở Vạn Kiếp (nay thuộc địa phận hai thôn Dược Sơn và Vạn Kiếp, xã Hưng Đạo, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương); trang ấp của Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật ở Tức Mặc (Nam Định); của Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư ở Vân Đồn (Hải Phòng); của Thượng tướng quân Phạm Ngũ Lão ở Phù Ủng (Hưng Yên)...

| Nguyễn Quang Trung Tiến

Sức sống Việt Nam qua diện mạo kiến trúc thời Trần Nhân Tông (Kỳ II)

Bên cạnh các công trình kiến trúc của nhà nước và dinh thự quý tộc, quan lại; nhà cửa, phố chợ trong nhân dân cũng được tái thiết nhanh chóng và trở nên sầm uất sau chiến tranh. Bài An Nam tức sự của Trần Phu, sứ giả nhà Nguyên, cho biết trong các xóm làng thường có chợ, cứ hai ngày họp một phiên, hàng hóa trăm thứ bày la liệt, hễ cách năm dặm thì dựng ngôi nhà ba gian, bốn phía đặt chõng để làm nơi họp chợ. 


Còn nhà cửa của nhân dân thì san sát, với những đặc trưng nổi bật kiểu Việt mà sứ giả nước Nguyên Trần Phu khó có thể quên khi mô tả: Nhà không có kiểu gấp mái hoặc chống kèo, mà từ đòn đông đến mái hiên cứ thẳng tuột một mạch, như đổ hẳn xuống. Nóc nhà tuy hết sức cao nhưng mái hiên thì chỉ cách mặt đất chừng bốn năm thước, có nhà còn thấp hơn nữa là khác, nên bị tối, mái nhà ngang mặt đất mà trổ cửa sổ... Những mô tả này phản ánh một không khí mới của sự phát triển kinh tế-xã hội nói chung, lĩnh vực kiến trúc nói riêng của nước Đại Việt dưới thời vua Trần Nhân Tông.

Ngoài các dạng kiến trúc nói trên, sẽ là một thiếu sót lớn nếu không đề cập đến kiến trúc Phật giáo đời Trần Nhân Tông, bởi dấu ấn của vị vua nầy để lại hết sức sâu đậm trong tổng thể kiến trúc Phật giáo thời Trần.

Phật giáo vẫn phát triển mạnh vào đầu thời Trần, tuy ở lĩnh vực cai trị đất nước, tư tưởng Nho giáo bắt đầu có ưu thế. Không những dân chúng mà ngay các vương hầu, khanh tướng, cùng một số vua Trần thường quy y Phật. Đặc biệt sau chiến thắng quân Nguyên, vào tháng 3 năm Quý Tỵ (1293), vua Trần Nhân Tông nhường ngôi cho con là Trần Anh Tông, lên làm Thái Thượng hoàng, sau đó đi tu, góp phần mở đầu cho sự ra đời Thiền phái Phật giáo Trúc Lâm Tam tổ ở Đại Việt.

Địa bàn của Thiền phái Trúc Lâm nằm trên một vùng Đông Bắc rộng lớn, kéo từ Uông Bí, Đông Triều về đến Thăng Long. Chính sự lớn mạnh của Thiền phái Trúc Lâm đã đóng góp khá nhiều công trình kiến trúc cho Phật giáo, với việc trùng tu, xây dựng thêm nhiều chùa tháp mới.

Trong số các kiến trúc Phật giáo đời Trần Nhân Tông, đáng kể nhất là các ngôi chùa, tháp ở núi Yên Tử (Đông Hưng, Quảng Ninh). Nơi đây đã trở thành một trung tâm lớn của Phật giáo, với một hệ thống các công trình kiến trúc Phật giáo đồ sộ đã được xây dựng, có nhiều nhà sư nổi tiếng trông coi, do các nhà sư của Thiền phái Trúc Lâm của Trần Nhân Tông đứng đầu.

Tại Yên Tử, từ chân núi đi lên với chiều dài khoảng 30 cây số, có chừng hai mươi công trình kiến trúc lớn nhỏ. Các công trình lớn như chùa Lân (Long Động), chùa Hoa Yên, chùa Giải Oan, chùa Bảo Sái, viện Thạch thất Mị ngự, viện Phu Đồ, am Vân Tiêu, Dược Am...

Trong hệ thống chùa tháp ở Yên Tử, chùa Hoa Yên được coi là chính tự. Nơi đây, Thượng hoàng Trần Nhân Tông cùng các đệ tử về xây dựng và trụ trì luôn. Chùa Hoa Yên được dựng lên trên một sườn núi rộng, thoai thoải. Núi được bạt thành hai lớp nền rất lớn, lớp nền trước là nơi dựng cổng chùa và các tháp, lớp nền sau là tòa điện chính của chùa. Ngoài chính điện, chung quanh chùa có lầu trống, lầu chuông, nhà tri khách, nhà dưỡng tăng, nhà in và chứa kinh sách, nhà thuyết pháp...

Tổng thể chùa tháp ở Yên Tử được xem là một công trình kiến trúc Phật giáo khang trang, bề thế, ghi dấu tên tuổi Trần Nhân Tông, vị tổ đã có công lớn khai sinh ra hệ phái Trúc Lâm Tam tổ trên vùng đất này. Xá lị của Trần Nhân Tông đã vĩnh viễn ở lại cùng ngôi tháp được xây dựng sau cổng chùa Hoa Yên đã nói lên điều đó.

Hai lần cùng dân tộc lao đầu vào cuộc kháng chiến khốc liệt chống quân Nguyên, Trần Nhân Tông đã đưa đất nước đạt được những thắng lợi rực rỡ, vinh quang. Sự vĩ đại của ông càng được nhân lên gấp bội, khi cũng chính ông là người khởi đầu sứ mạng khắc phục hậu quả chiến tranh, tái thiết và xây dựng lại đất nước.

Với vai trò Hoàng đế, và sau đó là Thái Thượng hoàng rồi cả Phật hoàng, Trần Nhân Tông đã phát huy hào khí Đông A làm nên bước đột phá thần kỳ, tạo ra một diện mạo mới trong đời sống vật chất lẫn tinh thần cho nước Đại Việt sau chiến cuộc.

Thật không dễ dàng để đạt được kỳ tích trong xây dựng sau chiến tranh đổ nát hoang tàn, khi chỉ 5 năm sau ngày chấm dứt cuộc chiến (1293), sứ giả nhà Nguyên sang đất Đại Việt lại chỉ thấy cảnh xe thuyền, người ngựa tấp nập; nhà cửa, đền tạ, cung điện san sát; một sự thái bình thịnh trị tràn ngập khắp đất nước; sức sống diệu kỳ lan tỏa khắp nơi...

Sinh khí quốc gia mà Trần Nhân Tông nhanh chóng tạo dựng được, thể hiện một phần từ các công trình kiến trúc, đã khiến kẻ thù phải khâm phục, nể sợ; để rồi bao lần muốn tiếp tục gây chiến tranh nhằm rửa nhục, triều Nguyên đành phải tạm gác qua một bên, cuối cùng đành chấm dứt luôn ý định trả thù Đại Việt khi Hốt Tất Liệt qua đời (1294).

| Nguyễn Quang Trung Tiến

Phật giáo và nhân sinh quan của vua Trần Thái Tông

DẪN NHẬP Chắc rằng khá nhiều người Việt Nam biết đến vua Trần Thái Tông là một vị vua đã chiến thắng quân Mông Cổ, vua sáng khởi triều Trần; còn qua thư tịch và trao đổi, phần lớn cuộc đời nhà vua được phác hoạ trong bộ sử Đại Việt sử ký toàn thư và một vài tác phẩm Phật học còn lại đến nay như Khoá hư lục, Tuệ Trung Thượng sĩ ngữ lục, Thánh đăng lục... và một vài bài thơ được coi là của nhà vua.

Qua đó, Thái tông Trần Cảnh được coi như con người chất chứa một khối mâu thuẫn lớn. Là con người của xã hội phong kiến nhưng chịu phần tai tiếng về đổi vợ, anh em bất hoà; là nhà vua nhưng trị vì phần lớn thời gian đầu dưới cái bóng rợp của Trần Thủ Độ; tham chính sống đời nhưng tâm trí lại hướng về cửa Phật...

Và có lẽ, chính giáo lý nhà Phật đã làm cân bằng những khối mâu thuẫn lớn trong cuộc đời thi nhân triết gia Trần Cảnh, nhà vua Thiên Ứng Chính Bình, Nguyên Phong. Với vị thế cư sĩ Phật tử, Phật giáo có vai trò rất lớn trong việc hình thành tư tưởng và nhân sinh quan của Thái tông Trần Cảnh. Với ông, Phật Giáo không chỉ là một bộ giáo lý tín ngưỡng, có thể nó còn là một công cụ trị nước, hành dạo mà không xuất thế lánh đời.

Những nghiên cứu về Trần Thái Tông đã có khá nhiều, đề cập đến cuộc đời, sự nghiệp thi ca, triết gia và tư tưởng Thiền học của nhà vua. Ở đây, trong phạm vi một bài báo, tác giả chỉ có ý thông qua một vài sự kiện trong sử liệu, làm rõ nguyên tắc ứng xử của vua Trần Thái Tông như một nhân vật lịch sử, trong đó tư tưởng Phật giáo đã góp phần quan trọng trong việc hình thành nhân sinh quan của nhà vua.

1. Cuộc đời Trần Cảnh - Một mâu thuẫn lớn được điều chỉnh bằng chính tư tưởng Phật giáo


Trần Cảnh sinh năm 1218, giữa lúc nhà Lý suy vi, nhà Trần đang củng cố thế lực đang lên nhờ một đôi trai tài gái sắc của dòng họ là Thủ Độ và Thị Dung. Một người làm Điện tiền chỉ huy sứ cai quản ngự lâm quân, một người là hoàng hậu nhà Lý mẫu nghi thiên ha.

Trần Cảnh được đưa lên làm vua năm 1226, tức khi đó ông mới 9 tuổi. Năm đó, anh trai Trần Cảnh là Trần Liễu (1211 - 1251) đã 16 tuổi, câu hỏi thông thường khi đọc sử liệu là tai sao Trần Thủ Độ lại không chọn Trần Liễu để nhằm vào ngôi vua? Kể cả khi Trần Liễu đã lấy công chúa Chiêu Thánh, thì Thủ Độ vẫn có lý để vua Lý nhường ngôi cho Chiêu Thánh? Câu trả lời thường là: Nhường ngôi cho con nhỏ thì Thủ Độ dễ điều khiển triều chính hơn.

Tuy nhiên, khi xem xét cuộc đời Thái Tông và An Sinh vương sau này, mới thấy quyết định của Trần Thủ Độ có phần sáng suốt, công tâm chứ không phải việc chọn Trần Cảnh làm vua chỉ là muốn dễ “nhiếp chính”.

Câu trả lời là ở chính tư chất của hai người và có lẽ Thủ Độ đã nhìn thấy rất rõ phần thiên tư ở mỗi người cháu mình. So với Trần Liễu, Trần Cảnh hiền hoà hơn, nhân hậu hơn và đó chính là đức tính cần thiết cho bậc đế vương thành một minh quân.

So với Trần Cảnh, Trần Liễu nhuốm màu đời phàm tục nhiều hơn. Điều này dễ lý giải khi Trần Liễu nắm quyền binh sớm, có điều kiên hưởng lạc sớm, cả đến sau khi triều đại nhà Trần lập ra rồi, anh chàng tay chơi Trần Liễu vẫn không giấu được khi ông Hiển hoàng vào chầu qua cung Lê Thiên năm 1236, cưỡng hiếp cả cung nữ cũ của triều Lý, không còn coi quốc thể vào đâu cả.

Một khi đã có tư chất thiên bẩm hiền hoà, thông tuệ thì con đường đến với giáo lý Phật pháp, đi đến từ bi giác ngộ, hướng đến trí tuệ Bát Nhã chắc chắn là một nghiệp. Trần Cảnh được chọn ở ngôi cao chắc hẳn là vì vậy, và đây cũng là một thiên nhãn của Trần Thủ Độ, một đức tính cần thiết của người làm “công tác tổ chức - cán bộ” như cách nói của ngôn ngữ ngày nay.

Cuộc đời Trần Cảnh vào năm 1236 - 1237 có nhiều cú sốc lớn. Khi đó, do xếp đặt của Trần Thủ Độ và Trần Thị Dung mà Trần Liễu bị ép nhường vợ là công chúa Chiêu Thánh cho Trần Cảnh để lập hoàng hậu; còn người vợ 10 năm của Trần Cảnh, hoàng hậu Chiêu Hoàng, thì bị giáng làm công chúa.

Lợi ích của dòng họ đã được đặt lên trên hết, trong đó anh em Trần Liễu, Trần Cảnh phải hứng chịu những oan nghiệt và hy sinh cái cá nhân nhỏ bé. Trong bối cảnh ấy, cách ứng xử của Trần Cảnh đã cứu cho nhà Trần khỏi một cuộc đổ máu, nói không ngoa, cứu cả quốc gia xã tắc khỏi một phen binh đao mà hậu họa nếu có sẽ khôn lường.

Lịch sử cũng có nhiều hoàn cảnh tương tự, khi anh và em tranh nhau ngôi vua, và tất yếu phải có một bên thắng và một bên phải chết. Các hoàng tử nhà Đường đã tranh nhau ngôi vua, Lý Thế Dân đã giết các em để chiếm ngôi. Lý tự nhiên phải vậy. Trần Thủ Độ một người quyền biến càng hiểu phải như vậy.

Nhưng khi đó, vua Trần Thái Tông lại ứng xử không theo nguyên tắc ngôi thứ, mà cách tha cho Trần Liễu làm loạn lại là cách ứng xử của con người Trần Cảnh đến nỗi Trần Thủ Độ đã phải ném gươm mà than: “Ta chỉ là con chó săn thôi, biết đâu anh em nhà người thuận nghịch thế nào”.

Câu than ấy chứa đựng cả thái độ vừa giận vừa phục của Thủ Độ. Với cách ứng xử đậm tình người của Trần Cảnh, thì những gươm đao của nhà chính trị Trần Thủ Độ “chỉ là con chó săn thôi”.

Sau này, Trần Dụ Tông có thơ ca ngợi Trần Thái Tông, so ông với vua Đường Lý Thế Dân, nhưng thực ra, đó là hai loại ứng xử không thể so sánh được. Khi giết em, Lý Thế Dân giống như Trần Thủ Độ, đứng trên vị thế một ông hoàng, nhà chính khách.

Còn khi tha cho Trần Liễu, Trần Cảnh là một người em đối với anh người em có cái lỗi cũng... tày trời chứ. Nhưng nếu không phải là một cư sĩ, thì Trần Cảnh có hành động như vậy được không?

Lòng nhân ấy do đâu mà có? Nếu không có giáo lý nhà Phật soi đường, Trần Cảnh cũng không thể làm thế được.

Con người mang tiếng cướp chị dâu làm vợ ấy, lạ thay, lại có bài văn “răn giới sắc”. Do sắc đẹp nữ nhi mà kẻ mê say đoạn nghĩa thày bạn; người tham đắm đức mất đạo tan. Trên mà phong giáo chẳng còn, dư tất khuê môn rối loạn”. Nếu đó chính là bài văn của vua Trần Thái Tông, thì hẳn không chỉ là “răn dạy” mà còn là chiêm nghiệm.

Nhưng dù có là chiêm nghiệm cuộc đời thì nếu không biết “chỉ giương mắt nhìn ngoại cảnh, chẳng quay đầu chiếu nội tâm” như nhà vua cư sĩ, thể kẻ tầm thường cũng không thể nhận thức được.

Với Trần Cảnh, quan niệm về giới sắc của ông đủ thực tế, nhưng không đến nỗi ham hố như các đấng quân vương khác. Ông viết: “Cởi bỏ lụa là quanh mình, vẫn lộ da bì bọc thịt”.

Coi khinh sắc đến thế, mà vẫn phải phạm vào luân thường để giữ ngôi vua, nỗi cô đơn và thống khổ của cá nhân con người Trần Cảnh thật không gì tả nổi. Và ông chỉ có thể dốc nỗi lòng trong một văn phẩm Phật học.

Tư tưởng Phật học hắn đã làm thăng bằng lại những mâu thuẫn cá nhân trong ông. Ông lý giải ở thiên “bàn về Giới, Định, Tuệ” trong Khoá hư lục: “Tuệ làm thiện cuối. Bởi biết thấy như thật, nên sinh lo chán. Bởi lo chán nên lìa dục. Bởi lìa dục nên giải thoát”.

Năm 1237 cũng là năm Trần Thái Tông có một quyết định lạ lùng: Bỏ ngôi vua trốn lên Yên Tử để xuất gia tu Phật. Trong mối mâu thuẫn giằng xé (đổi vợ, lấy chị dâu), giữa lúc nguy cơ loạn ly (Trần Liễu nổi loạn), vương triều Trần có nguy cơ sụp đổ trong gang tấc, thì nhà vua lại trốn đời vào núi đi tu?

Thoạt tiên, có thể hiểu đơn giản là Thái Tông chán ngôi vua nên bỏ vào núi muốn làm sư. Ngôi vua mà sinh ra những chuyện tranh đoạt, sinh ra phá bỏ cả luân thường đạo lý, ngôi vua mà sinh ra nhiều chuyên đau khổ thì đi tu chứ còn làm gì nữa? Nếu hiểu như vậy, thì lẽ nào đạo Phật lại có thể có vai trò quan trọng đến thế trong sự hưng phát của vương triều Trần?

2. Cuộc đời nhà chính trị - dùng đạo Phật giáo hóa dân chúng, xây dựng chế độ 


Gần bảy trăm năm nay, hành động bỏ triều chính vào núi định đi tu của vua Trần Thái Tông được người đời ca tụng. Đó tương tự như việc vua Trần Nhân Tông sau này vào núi tu Phật, là “bỏ ngôi cao như trút đôi dép rách vậy”.

Nhưng có thực Trần Thái Tông bỏ ngôi vua là không muốn làm vua, chỉ muốn đi tu hay không?

Vua Nhân Tông sau một khoảng thời gian trị vì đất nước, đạt được thành tựu rất huy hoàng, văn trị lừng lẫy, võ công hiển hách, thái tử đã lớn khôn và khi đó nhà vua ung dung ra đi học đạo, “lập thuyết”, không còn phải quá vướng bận việc đời nữa.

Trong khi đó, hoàn cảnh của vua Trần Thái Tông khi bỏ kinh đô ra đi lại khác hẳn. Triều chính đang rất lục đục, quyền hành do một tay Trần Thủ Độ phân xử cả, làm vua như vua Thái Tông 10 năm đầu chắc chỉ tập trung vào học hành là chính, suy ngẫm là chính, chứ ông chưa thể thi thố được gì nhiều.

Thủ Độ thi hành nhiều chính sách đúng đắn củng cố triều chính, cải tổ chế độ để an dân, nhưng cũng có những việc chắc chắn vua muốn can thiệp cũng phải “lực bất tòng tâm”.

Xem lại hành động ép hai đứa cháu đổi vợ, mới thấy Trần Thủ Độ là một nhà chính trị lão luyện, cáo già và mới hình dung thế lực của Thái sư to lớn thế nào.

Hẳn Trần Thủ Độ biết, nếu chỉ vì có con trai, thì trong dân, thừa sức kén chọn một cung phi để sinh cho vua hoàng tử, vì khi đó nhà vua mới có 16 tuổi, còn thời gian dài sinh trưởng ở phía trước, cớ gì phải khăng khăng ép vua lấy chị dâu?

Hoặc nếu thật lòng muốn lấy một người con của Trần Liễu làm vua, thì cần gì phải ép đổi hôn phối. Thủ Độ cũng thừa biết nếu ép buộc như vậy, hẳn Trần Liễu không thể bằng lòng ngay, tất là mối nguy sinh loạn.

Do đó, hẳn bước đi này là một nước cờ chính trị, đi một nước mà được hai mục tiêu, vừa được hoàng hậu cho vua, hoàng hậu Chiêu Thánh vốn đã sinh nhiều con trai, sẽ có thể có nhiều con trai nữa. Mục tiêu này đã đạt được, vì sau đó hoàng hậu Chiêu Thánh đã sinh các con trai, trong đó có Quốc Khang, Thái tử Hoảng và Quang Khải.

Mục tiêu thứ hai chính là đi một nước “tạo cái cớ” để cho Trần Liễu nổi loạn, nhân đó mà trừ hậu hoạ. Trần Liễu quả nhiên đã nổi dậy, nhưng nhanh chóng bị dẹp tan, vì đó giống như một hành động tự sát, Trần Liễu quá non kém về nhãn quan và bản lĩnh chính trị, lọt vào ổ phục kích giăng sẵn của Trần Thủ Độ.

Song, mục tiêu thứ hai diệt Trần Liễu lại không đạt được, vì hành động tha Trần Liễu là một việc có tính “nổi loạn” của Trần Cảnh, mà chắc chắn rằng không được Trần Thủ Độ tính đến.

Sau 10 năm trị vì dưới bóng Trần Thủ Độ, Trần Thái Tông chắc cũng hiểu thủ pháp chính trị như việc gặp Trần Liễu để Liễu quy hàng không diễn ra ở cung cấm, lại diễn ra ở nơi sông nước có ba quân giăng bủa, cũng là một kế sách.

Giết một kẻ phản bội không giết nơi trận tiền, không xử nơi pháp đình thì không thoả đáng vì “lúc đó vua trong thuyền, anh em nhìn nhau khóc”. Việc bố trí gặp Trần Liễu có thể là một hành động “nổi loạn từ bi” của nhà vua đối với cách trị vì “bàn tay sắt” của Trần Thủ Độ.

Phan Phu Tiên, một sử gia thấm giáo lý Nho học, đã bình luận trong Đại Việt sử ký toàn thư về Trần Thái Tông một cách khá nghiêm khắc, cho rằng vua “khai sáng cơ nghiệp, đáng lẽ phải dựng phép tắc... lại nghe mưu gian của Thủ Độ, cướp vợ cua anh làm hoàng hậu, chăng phải là bỏ cả luân thường, mở mối dâm loạn đó ư…”, còn Trần Cảnh không giết anh là do “lẽ trời chưa mất mát mà thôi”.

Nói như Phan Phu Tiên, thực là chấp cái “luân thường” mà bỏ qua “lòng nhân”, chỉ chấp việc giết kẻ phản loạn, mà không thấy tha cho tội phạm cũng là một hành vì chính trị của vua Trần.

Ý nghĩa chính trị qua hành động ấy là gì? Là “lẽ trời chưa mất mát” được vua Trần Thái Tông “hành đạo” theo cách của nhà vua, chứ không phải cách “hành đạo” của Trần Thủ Độ. Sự hành đạo của Trần Thái Tông khi tha cho Trần Liễu thấm nhuần quan điểm “không chấp” của Phật giáo.

Cuộc đời là vô thường, biến đổi không ngừng, con người cũng là sản phẩm của dòng đời vô thường, nên không có lý gì một tội phạm đã từng làm phản lại không biến đổi. Chỉ có một vị vua thấm nhuần giáo lý nhà Phật mới hành động như vậy.

Nếu như việc bài binh bố trận khiến Trần Liễu mắc tội là một phép thử chính trị của Trần Thủ Độ, thì việc tha Trần Liễu cũng là một phép thử của vua Trần Thái Tông. Phép thử của vua tỏ ra cao minh hơn, nhờ lấy lòng từ bi để khuất phục võ công. Đây cũng là một hành động “phản kháng” của Trần Thái Tông sau nhiều năm nắm quyền danh nghĩa dưới sư dìu dắt của Trần Thủ Độ.

Rồi sau đó, nhà vua đẩy tới một hành động “nổi loạn” thứ hai quyết liệt hơn nữa, cũng là một phép thử chính trị, đó là bỏ ngôi để vào núi. Nếu như chuyện tha anh chỉ là hành động có tính cá nhân, lấy lòng nhân từ để thuyết, thì việc vào núi lần này chính là lấy Phật thuyết làm cơ sở lý luận, lấy Phật tính làm nền tảng hành vi.

Vì sao lại như vậy?

Cần phải hình dung các thế lực chính trị lúc ấy ở triều đình. Trần Thủ Độ có ảnh hưởng lớn nhất, quyền sinh quyền sát trong triều. Sau 10 năm đầu tiên, Thủ Độ quả đã dùng binh quyền biến dẹp tan các thế lực cát cứ, trong đó có các tướng cũ nhà Lý như Nguyễn Nộn, Đoàn Thượng, vỗ yên các bộ tộc sơn cước, dần dần củng cố vị thế dòng họ Trần.

Vua là Trần Cảnh, nhưng thực quyền lại là Trần Thủ Độ, sau cuộc binh biến của Trần Liễu, coi như không còn thế lực chính trị nào đối trọng được với Trần Thủ Độ nữa.

Cho nên, Trần Cảnh tuy làm vua, nhưng có sự “bất đắc chí” ngấm ngầm chứ. Sau khi lên ngôi là đứa bé 9 tuổi, qua 10 năm làm vua thực chất là “học lễ” trong cung vua, và chắc chắc được học tập tử tế, đến nơi đến chốn, thì khi đã là một nam nhi 19 tuổi, không thể yên tâm mà làm một vị vua chỉ trên danh nghĩa. Bỏ triều đình, nói rằng bỏ ngôi vua để xuất gia, thực chất cũng chỉ là lấy bóng Phật để “rung” Trần Thủ Độ mà thôi.

Nếu Trần Cảnh không làm vua, với tình thế lúc đó, thì ai là người có thể thay thế Trần Cảnh? Thái tử chưa có, Trần Liễu thì như chim trong lồng, nếu không phai là Trần Thủ Độ chính thức hoá ngôi vua thì là ai?

Khi Lưu Bị sắp lâm chung, nói với Gia Cát Lượng rằng con côi bất tài, nước Thục chỉ có Thừa tướng là xứng đáng kế vị trẫm, thì thực chất Lưu Bị cũng không bao giờ muốn vậy. Đó là một phép thử chính tri để Gia Cát Lượng phải hứa lòng trung thành, nhắc nhở vị thế trung quân của Gia Cát với họ Lưu.

Trong chuyện bỏ kinh thành, Trần Cảnh không nói với Trần Thủ Độ là Thái sư hãy lên ngôi vua, chỉ nói muốn học Phật pháp mà không làm vua nữa, buộc Trần Thủ Độ phải khẳng định lại một lần nữa vị thế của vua.

Trần Thái Tông kể trong “Khoá hư lục”, rằng “Trẫm thấy Thái sư và các cố lão quần thần, không có ý định bỏ Trẫm. Trẫm bèn đem lời nói đó thưa với Quốc sư…”.

Như thế, việc Thái Tông đi vào núi cũng có ý là sợ “Thái sư và các cố lão quần thần” biết đâu “có ý định bỏ Trẫm”. Không những thế, khi trở về kinh đô, nhà vua còn đạt được một “thoả thuận” xa hơn là Trần Thủ Độ phải thừa nhận việc tham cứu nội điển, xin Bệ hạ luôn luôn để tâm, chớ quên”.

Cho nên, vua Trần Thái Tông sau đó trong khoảng hơn mười năm trị vì đã “phàm gặp cơ hội việc nước nhàn rỗi, Trẫm thường tụ tập các bậc kỳ đức để tham thiền hỏi đạo và nghiên cứu các kinh điển đại giáo”

Như vậy, Phật pháp với vua Trần Thái Tông, không chỉ là mục tiêu giáo lý khô cứng, Phật Pháp vừa là học thuyết hoàn thiện con người, xây dựng nhân sinh quan, vừa là bộ giáo lý nhập thế.

Trong thiên Tựa Kinh Kim Cương Tam Muội trong Khoá hư lục, vua viết: “Trẫm lo việc chăn dân, mỗi lúc gian nan thường lăn lóc trong công việc, quên cả sớm chiều; công việc thì có hàng vạn thứ mà thì giờ nhàn rỗi không có được bao lăm. Siêng công việc, tiếc ngày giờ, trẫm cố học hành thêm chữ nghĩa thì chưa biết được bao năm cho nên ban đêm đến giờ khuya vẫn còn phải thức để đọc sách; học sách Nho rồi học kinh Phật”.

Theo Nguyễn Lang trong Việt Nam Phật giáo Sử luận, Trần Thái Tông là vị vua đầu tiên thực hiện nhuần nhuyễn kết hợp 2 hệ tư tưởng Phật và Nho. Với Trần Thái Tông, đến với Phật giáo từ chỗ chỉ là nhu cầu tâm linh, tìm nơi “trở về” của một tâm hồn nặng tình đầu nơi bến đậu của một triết gia có tư tưởng lớn khám phá quy luật cõi người; thì trong cuộc đời trị vì, nhà vua đã biến những giáo lý có tính “như” của Phật học bổ xung cho nguyên tắc ứng xử khá cứng nhắc về ngôi vị, tôn ty trật tự xã hội của Nho giáo.

Trong câu Quốc sư Trúc Lâm nói với nhà vua ở Yên Tử, “Trong núi vốn không có Phật, chỉ có trong lòng. Lòng lặng mà biết, đó chính là Phật. Nay nếu bệ hạ tâm giác ngộ, thì lập tức thành Phật, không phải nhọc cầu ở ngoài”, Thái Tông dẫn dắt đến một khái niệm “Tâm Phật”, liên hệ với khái niệm “lòng” của người Việt.

Như vậy, tất yếu dẫn đến một tinh thần nhập thế, mà câu nói của Quốc sư như một sự khai ngộ, “Phàm đã là bác nhân quân tất phải lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình, lấy tấm lòng của thiên hạ làm tấm lòng của mình...”.

Như vậy, cái tâm bản thể cung là tâm Phật. Vua Trần Thái Tông đã đưa việc hành đạo trở thành một sự quan hệ hữu cơ với việc nhập thế. Đề cao chữ Tâm, coi trọng “Phật tại tâm” kết hợp với những lễ nghi, lề lối triều chính trong việc trị nước, an dân một cách thực dụng, khởi đầu chính là từ vua Trần Thái Tông vậy.

| Nguyễn Xuân Hưng

Công án Trần Nhân Tông: Nhân chuyến lên Yên Tử


Trần Nhân Tông, người là ai?

Câu hỏi có vẻ lẩn thẩn, bởi lẽ từ khi cắp sách đến trường, bắt đầu học lịch sử dân tộc, ai là người Việt Nam mà chẳng biết qua hơn một lần trang sử đời Trần và trang sử Trần Nhân Tông? Ai là người Việt Nam đã không tự hào về những chiến thắng quân Nguyên vẻ vang của dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo tài ba của vị vua anh minh lỗi lạc Trần Nhân Tông? Không những là một vị vua anh dũng nơi các chiến công oanh liệt Hàm Tử, Chương Dương, Bạch Ðằng, Tây Kết của Việt Nam vào thế kỷ 13, vị hoàng đế “Kim Phật” này lại là một nhà lãnh đạo tư tưởng văn hoá tôn giáo ưu việt đã đem lại cho thời đại của mình và cho đời sau một niềm tự tin vững chắc và sâu đậm “Nam quốc sơn hà nam đế cư” hơn tất cả những vị anh quân cuả lịch sử VN : không những võ công mà chính là văn trị đã đưa Trần Nhân Tông thành một nhà lãnh đạo tư tưởng Việt Nam đầy nhân ái và sáng tạo: với Trần Nhân Tông tiếng Việt được đưa vào văn học chính qui và với Trần Nhân Tông tư duy triết lý và đạo đức Việt Nam trên cơ sở Thiền học được thành lập.

Từ lớp tiểu học cho đến đại học, qua nhiều lần thi cử, chính tôi đã thuộc nằm lòng những trang sử sáng ngời Trần Nhân Tông như thế, cho đến khi xuất ngoại du học, những năm tháng xa quê hương sống nơi đất khách, mỗi khi trình bày về lịch sử và văn hóa Việt Nam, mỗi khi lý luận về bản sắc dân tộc, về văn hóa dân tộc, những trang sử Trần Nhân Tông luôn luôn là bằng chứng hùng hồn của ý thức độc lập thực sự Việt nam và là điểm tựa cho niềm tự hào và nỗi hãnh diện của tôi về văn hóa ưu việt của đất nước đối với người ngoại quốc.

Nhưng thực tình và thực sự mà nói, thì hình như trải qua mấy mươi năm đọc, học, nghe, và lặp lại những điều sử sách viết về Trần Nhân Tông, Trần Nhân Tông đối với tôi chỉ là một trang sử mở sẵn hay gấp lại để trên bàn hay trong tủ không hơn không kém, tôi chưa hề biết.

Trần Nhân Tông, người là ai?

Câu hỏi đến có vẻ hơi muộn màng sau ba giờ đồng hồ va chạm đá và đất, mồ hôi ướt áo, nếm mùi tân khổ leo núi Yên Tử trong chuyến về Hà Nội theo lời mời của Viện Goethe, nhưng thật ra không muộn màng, câu hỏi đã có từ lâu, có lẽ từ lúc mới sinh ra là người Việt Nam, câu hỏi bật ra bây giờ, cùng với tiếng cười về và của con bò cười, cùng với hoa trời màu thiên thanh loáng thoáng sau ngọn tùng cao ngất.

Hỏi Trần Nhân Tông là ai trong cái khung cảnh «Vân thủy bằng lòng; Yên hà phải thú », trong giờ phút chân tay rã rời với một niềm vui giải thoát nhẹ hửng như đám mây trắng vun vút bay nhanh để nhường màu xanh lại cho cây.

Câu hỏi như đến cùng một lúc với câu trả lời, hay câu trả lời đã nằm sẵn trong câu hỏi? từ sáng đến giờ người đồng hành với tôi từ chân núi Yên Tử lên đây nơi những bước chân chiêm nghiệm, anh L. chị S.? hay chính là Trần Nhân Tông?

Hoa Yên Tự - Trần Nhân Tông: «Ta (thật tận tình) là Ta»

Chùa Hoa Yên, nơi thờ vị tổ sáng lập dòng Thiền Trúc Lâm vua Trần Nhân Tông, mở ra từ những bậc đá từ dưới nhìn lên thoạt tiên quen thuộc như… «vườn nhà» với các bụi chuối hai bên lối đi, sau khi đã quanh co với những cây cổ thụ, bạch tùng, xích tùng lạ kỳ hiếm có, bỗng nhiên gặp lại vườn chuối tiêu điều, như ngõ sau quê mẹ…thế này?! Khác với Hoa Yên của tam tổ Huyền Quang (sách đã dẫn):

Hồ sen trương tán lục;

Suối trúc phiếm đàn tranh…

Nhưng rồi vượt hết các bậc đá, Hoa Yên bỗng chơi vơi trên không với một tầm nhìn sơn hà bao quát lồng lộng, núi non rừng cây trùng điệp mấy tầng nâng Yên Hoa lên trong thế rồng ngồi với một kiến trúc vườn cây lăng miếu hài hoà thuần túy Việt Nam.

Tôi đứng trên bậc cấp cuối cùng giữa hai cây “trượng phu tùng” (Huyền Quang, sách đã dẫn), gió lộng bốn bề trước cảnh non nước gấm vóc, rồi quay mặt trực diện với bệ thờ Ðiều Ngự Giác Hoàng, trong một giây cảm xúc tôi có cảm tưởng thấy được chân dung thực sự của Trần Nhân Tông.

Như chia với nhau cùng một ấn tượng chúng tôi ba người đều thấy cùng một lúc chưa có nơi nào trên đất nước Việt Nam “Việt Nam” hơn Yên Hoa của Yên Tử với lối kiến trúc khiêm tốn nhưng thâm u, thiên nhiên thô sơ nhưng không thô kệch, tinh vi nhưng không phù phiếm.

Trần Nhân Tông đó, có thể ngẩng mặt nhìn sang Bắc để nói “Ta cũng như người”, để hướng về phương Ðông mà nói “Ta khác với người”, nhìn về Tây mà nói “Ta không thua người”, nhìn về Nam mà nói “Ta cùng với người”.

Ðã thấy lăng tẩm các vị vua chúa triều Nguyễn, mới thấy Trần Nhân Tông” Việt Nam” ngay từ từng viên đá, không một chút ảnh hưởng của Trung Hoa trong sự khiêm tốn nhân ái ngược với kiến trúc tráng lệ đến vô nhân, Hoa Yên lại khác với Nhật trong chất đá thiên nhiên., với Nam Dương trong nghệ thuật tinh vi. Tôi bỗng hiểu được tại sao người Nhật mê và tìm học kỹ thuật đồ gốm đời Trần. Chén gốm đời Trần có một sắc thái tinh vi trong chất đá thô kệt, không hào nhoáng bóng bẩy như của Tàu, cho biết nghệ nhân có một bản lĩnh cao cường trong lúc sáng tạo, vừa thấu hiểu bản chất sự vật để gìn giữ bản chất ấy đồng thời nâng sự vật lên thành tác phẩm nghệ thuật.

Chẳng khác chi bản sắc của một dân tộc mà Trần Thái Tông trong trách nhiệm cầm cân nảy mực phải dùi mài trau chuốt, vừa gìn giữ để không bị đồng hóa vừa phát huy để đừng bị thoái hoá. Và trong trăm ngàn trách nhiệm, chưa thấy vị vua nào như những vị vua đời Trần đã miệt mài nói về chữ Tâm Việt Nam như một lời tuyên ngôn làm kim chỉ nam để phát huy bản chất Việt Nam như thế, nói về chữ Tâm Việt Nam bằng ngôn ngữ Việt Nam, cho nên không ngại đi ngược lại với thời thượng và mặc cảm của sĩ phu Việt Nam sau một ngàn năm đô hộ của Tàu.

Cần phải đi ngược để khẳng định cho được phong cách con người Việt Nam với giá trị văn hoá đạo đức phương Nam

Từ Trần Thái Tông trở về sau, chữ Tâm đã được thay thế bằng chữ Lòng trong những tác phẩm văn chương đời Trần viết bằng chữ Nôm. “Thay đổi cách hành văn là thay đổi tư duy, thay đổi tư duy là thay đổi cách hiện hữu, cách sống” Nietzsche đã có lý khi nói như thế.

Có thể nói Trần Nhân Tông đã tiếp tục sứ mạng “làm người Việt Nam” toàn vẹn nhất, tận tình nhất, hùng hồn và sâu thẳm, sáng tạo và đôn hậu trong sự nhất quán, trong sự thấu suốt cuộc đời bên ngoài, cuộc đời thành thị và cuộc sống nội tâm, cuộc sống tinh thần nơi chốn sơn lâm.

“Nghĩa hãy nhớ đạo chẳng quên” (TNT, CTLĐ, hồi thứ 7)

“Hãy xá vô tâm

tự nhiên hợp đạo

Sạch giới lòng, dồi giới tướng

nội ngoại nên Bồ Tát Trang Nghiêm

Ngay thờ chúa thảo thờ cha

Đi đỗ mới trượng phu trung hiếu”


(Trần Nhân Tông, bài phú Cư Trần Lạc Ðạo, sách đã dẫn)

Tôi lùi lại phía sau, đến cạnh bệ thờ có tượng Trần Nhân Tông, nhìn ra phía trước. Tôi muốn biết Trần Nhân Tông từ chỗ ngồi này đã nhìn gì, thấy gì khi người còn sống “am mây một sập Thiền”, khi người đã chết, từ hơn 800 năm trước cho đến bây giờ...Có phải

“Ta nay : ngồi đỉnh Vân Tiêu, cưỡi chơi Cánh Diều” (2)

Coi Ðông sơn tựa hòn kim lục


Xem Nam Hải tựa miệng con ngao“ (Vịnh chùa Hoa Yên, Tam tổ Trúc Lâm Huyền Quang) như Huyền Quang ngày trước đã tả không, thì thấy rừng cây trùng điệp mà chúng tôi đã đi qua như những cánh phượng hoàng phấp phới trong gió, núi mờ núi đậm tiếp vai nhau ở chân trời xa thẳm, làng mạc nằm chơi vơi trong màu nắng thanh lam như trôi lững lờ vào trong màu xanh vô tận của bầu trời, khói nước từ biển khơi lung linh giữa thinh không mờ ảo như thật như hư, con đường ngoằn ngoèo dưới chân núi như một vệt sáng lấp lánh xuyên hút qua lòng núi…

Phong ba hay thái bình, Trần Nhân Tông “ngồi” đây với “non nước.. nghìn thu” ấy như một chiêm nghiệm sâu thẳm về hiện hữu vật chất và tinh thần, ngoại tâm và nội tâm của một con người ViệtNam. Tuy “ngồi” nhưng đã “đi” thẳng vào đạo tâm của cả non sông, dân tộc.

“Dựng cầu đò, dồi chiền tháp

ngoại trang nghiêm tự tướng hãy tu;

Săn hỷ xả, nhuyễn từ bi

nội tự tại Kinh Lòng hằng đọc”


(Trần Nhân Tông, Cư Trần Lạc Ðạo Phú, Hồi thứ 8, sách đã dẫn)

Tại sao về núi giới lòng?

Rời Hoa Yên, con đường dẫn lên đỉnh núi đi qua một đoạn rừng trúc xào xạc, trúc lâm Yên Tử trên đỉnh núi lạnh không cao lớn, thân cây vàng sắc, lá săn nhỏ nhọn, mảnh mai gầy guộc nhưng đầy sức dẻo dai, gió núi có hun hút cay độc mấy đi nữa, khi thổi qua rừng trúc thấp la đà cũng phải thành hiền để rì rào những lời “kinh lòng hằng đọc”.

Bỏ rừng trúc, vượt con đường đá gay go dốc ngược, lên gần thấu đỉnh bỗng thấy mình chơ vơ giữa khoảng không lộng gió, trên đầu chỉ có bầu trời, xung quanh là đá núi. Chỉ có ta với ta, ta với trời, ta với đất. Một mình giữa đất trời bao la !

Hai chữ “một mình” thường gây một nỗi hoang mang sợ hãi của người đang đứng bên bờ vực thẳm, nhưng ngày hôm ấy sau khi rời Hoa Yên, bầu trời mênh mang trên đầu bỗng cho tôi một cảm giác gần gũi với ý niệm “giải thoát” như một sợi tơ trời bay bổng trên không, cảm giác không có gì ngăn cách giữa trời và ta, một cảm giác “ sâu xa rộng mở” của Bồ Ðề Ðạt Ma. (3)

Có phải “về núi giới lòng” là để “mở rộng lòng” với người với đất với trời?

Ðứng trên đỉnh núi với ngôi chùa Ðồng bé tí như một món đồ chơi – khác hẳn một ngôi chùa đồng vĩ đại trong tưởng tượng khi nghe bạn bè nói về Chùa Ðồng Yên Tử, - đỉnh núi cheo leo, lởm chởm đá, những tảng đá thi gan, khổ hạnh, đã mấy trăm hay mấy ngàn năm, như một bình phong tròn đứng chắn gió cho bốn phương cảnh vật nhu hoà, nhân ái quyện dưới chân núi.

Bỗng thấy núi Yên Tử như một thiền sư, Trần Nhân Tông là núi Yên Tử, thân tâm vững như núi:

Nhìn lên càng cao

Dùi càng bền cứng

Chợt ở phía sau

Thấy liền trước đứng…


(Trần Nhân Tông, Ca ngợi Tuệ Trung Thượng Sĩ, sách đã dẫn)

Buổi xế trưa gió núi vun vút không ngừng bay về trời trên đỉnh Yên Tử, nghe trong gió tiếng núi vang vọng câu trả lời :

“Hiểu theo lối trước lại chẳng phải”


(Trần Nhân Tông tại sao về núi giới lòng? Ðáp: “Hiểu theo…”. Bài giảng tại chùa Sùng Nghiêm, sách đã dẫn)

Ðã đi đến hết đường Yên Tử, đã hấp tấp ham hố chụp hết phim nơi trạm Hoa Yên, chẳng còn một chút phim để ghi lại hình ảnh bầu trời trên đỉnh núi, là cái đích của cả chuyến đi! Thôi đành ghi nhớ “nằm lòng”!

Yên Tử mà tôi đã đi qua, Yên Hoa mà tôi đã dừng lại, Chùa Ðồng mà tôi đã đứng cheo leo, Vân Tiêu, Cánh Diều mà tôi đã chắp cánh bay theo, nếu hiểu như tôi đã hiểu theo sách vở lại là CHẲNG PHẢI !

Vậy thì “Dùng công án cũ để làm gì? Ðáp : Mỗi lần nêu ra một lần mới.” (Trần Nhân Tông, Bài giảng cuối đông năm Giáp Thìn 1304 tại chùa Sùng Nghiêm, sách đã dẫn)(4)

Trần Nhân Tông là một công án cho tôi!

Ðường về “Cư Trần Lạc Đạo”

Xuống núi thật nhanh. Trời mới xế chiều. Lên xe. Nằm dài trên ghế. Chúng tôi chỉ ba người, xe rộng thênh thang. Tôi đã ngủ một giấc ngủ “cư trần lạc đạo”: mệt ngủ liền!

Ở đời vui đạo hãy tùy duyên

Ðói cứ ăn đi mệt ngủ liền

Trong nhà có báu thôi tìm kiếm

Ðối cảnh vô tâm chớ hỏi thiền.

(Trần Nhân Tông, Cư Trần lạc đạo phú, sách đã dẫn)


___________


Ghi chú

1. Những cấp bậc Thiền định

2. Hai ngọn trong dãy núi Yên Tử

3. Câu trả lời của Bồ Ðề Ðạt Ma khi Lương Vũ Ðế hỏi về Thiền

4. Sẽ triển khai trong bài “Công Án Trần Nhân Tông II


  

Trần Nhân Tông và tầm vóc của một thời đại

Trong mười thế kỷ phong kiến Việt Nam, Trần Nhân Tông là một trong những ông vua giỏi và tài hoa bậc nhất. Lịch sử đã xem ông là “vị vua hiền” đời Trần, có công lớn trong sự nghiệp trùng hưng đất nước. Văn học sẽ nhớ mãi ông bởi những vần thơ thanh nhã, sâu sắc và không kém hào hùng.


Nhân Tông lên ngôi năm 1278, mới hai mươi tuổi. Nhà Trần lúc này đã bước vào thời kỳ ổn định, đất nước hòa bình, nông nghiệp phát triển, luật pháp thi cử học hành đều đã vào nề nếp… Một thời kỳ thịnh trị bắt đầu. Song khó khăn đối với ông vua trẻ lại là cái áp lực dồn tới từ phương Bắc. Nhà Nguyên đã diệt xong nước Tống, bắt đầu tính đến Việt Nam, thường xuyên gây sức ép và cuối cùng là hai cuộc xâm lăng năm 1285 và 1288. Chưa đầy năm năm phải đương đầu với hai trận tấn công ồ ạt của “giặc mạnh” có đủ quân thủy, quân bộ, quân kỵ và mỗi lần con số đều không dưới 50 vạn không phải là việc dễ, trong khi phần lớn thế giới từ Âu sang Á lúc ấy đều đã bị khuất phục nhanh chóng dưới vó ngựa đạo quân Mông Cổ cực kỳ thiện chiến và hung hãn này. Song Trần Nhân Tông đã cố kết được lòng dân, phát huy được năng lực của các tướng, động viên được tài trí của cả nước đánh thắng giặc, bảo vệ toàn vẹn nền độc lập cho nước nhà. Quả là trong kháng chiến chống ngoại xâm, ông là một anh hùng tiêu biểu. Công lao của những tướng lĩnh kiệt xuất như Trần Quốc Tuấn... không thể phủ nhận, vai trò cố vấn của vị Thượng hoàng dày dạn kinh nghiệm là Trần Thánh Tông cũng khó lòng coi nhẹ, nhưng ở vị trí một người lãnh đạo tối cao, Trần Nhân Tông mới chính là linh hồn của cuộc chiến. Bằng phong thái ung dung tự tại trong tầm nhìn và trong chỉ đạo chiến lược, ông đã đem lại cho quân dân nhà Trần niềm tin sắt đá vào thắng lợi cuối cùng.

Những năm sau đó, bước vào công cuộc xây dựng lại đất nước đã bị tàn phá, Nhân Tông một mặt lo tổng kết việc đánh giặc thưởng công, ghi Trung hưng thực lục, một mặt lo tiếp tục đối phó với cuộc tấn công phục thù của địch, vận dụng một cách hoàn thiện cả hai nguyên tắc mềm dẻo và cứng rắn trong nhiều lần vất vả giải quyết các yêu sách ngang ngược của sứ bộ nhà Nguyên, đồng thời lo làm sao cho nước mạnh dân giàu. Có thể nói, hơn mười bốn năm làm vua (1278 - 1293), cũng là suốt cả thời trai trẻ, Nhân Tông đã dành hầu hết tâm sức cho chỉ hai mục tiêu liên thông chặt chẽ với nhau: cơ đồ xã tắc vững bền và nhân tâm an lạc. Thông thường, khi một giai đoạn lịch sử đã đóng lại, đời sau dễ phát hiện những ưu khuyết điểm của người xưa, dễ dàng chỉ ra những việc nên làm và không nên làm… Song, nếu nghĩ rằng Trần Nhân Tông thuở đó chỉ mới trên dưới ba mươi tuổi, đã phải gánh vác trách nhiệm quyết định những việc lớn lao liên quan đến chuyện mất còn của cả dân tộc thì mới thấy hết bản lĩnh và tầm vóc của ông. Nhất là khi đối thủ mà ông phải đương đầu chẳng phải một kẻ địch hạng xoàng! Hốt Tất Liệt vốn là một tướng cầm quân lão luyện, giặc Thát lại là một đội quân ngang dọc vẫy vùng. Và sau khi đã làm chủ mảnh đất Trung Hoa, “chúa tể Đại Nguyên” còn tập hợp được cả một đội ngũ đông đảo văn thần người Hán, nhiều người từng là nhà ngoại giao, chính khách sừng sỏ, “tận trung” bày mưu tính kế. Có xét đến những hoàn cảnh cụ thể như vậy mới hiểu hết được tính cách mạnh của Trần Nhân Tông, bộc lộ ra ở cả tư tưởng và hành vi trong nhiều thời điểm có ý nghĩa bước ngoặt lịch sử, rất cần sự quyết đoán, cái nhìn sáng suốt ở một người như ông.

Vào khoảng cuối 1284 đầu 1285 sau khi cuộc chiến lần thứ nhất diễn ra chỉ mới chừng mươi ngày, mặt trận Khâu Cấp - Nội Bàng đã tan vỡ và đại quân Trần phải lùi về Vạn Kiếp. Trên con thuyền chạy ra Hải Đông nhằm tránh mũi dùi tấn công của giặc, giữa lúc quần thần không khỏi hoang mang, Trần Nhân Tông đã viết vào đuôi thuyền hai câu:

會 稽 舊 事 君 須 記

驩 愛 猶 存 十 萬 兵

Cối Kê cựu sự quân tu ký,
Hoan, Diễn do tồn thập vạn binh
(Cối Kê việc cũ ngươi nên nhớ,
Hoan Diễn còn kia mười vạn quân).

Hai câu thơ, có lẽ chỉ nhằm trấn an những bề tôi nào đó cùng đi trên thuyền, nhưng đã lan truyền rất nhanh như một thông điệp về tinh thần tự chủ kỳ lạ của người đứng đầu xã tắc. Một nghìn quân còn lại trên núi Cối Kê của Việt Vương Câu tiễn ở thời Chiến quốc, ngỡ bị quân Ngô dồn đến chân tường, vậy mà về sau đã lại dấy lên, đánh bại đội quân hùng mạnh của nước Ngô. Gợi một điển tích cũ để bày tỏ niềm tin vững chắc của mình vào triển vọng của đất nước lúc bấy giờ, trong tình thế nghìn cân treo sợi tóc, đồng thời Trần Nhân Tông cũng nhắc người nghe đừng quên mất thực tế là vùng hậu phương Thanh - Nghệ lực lượng hiện vẫn chưa suy suyển. Nhưng còn quan trọng hơn là cái dung lượng triết lý mà câu nói của ông chứa đựng. Với hình thức thi ca chứ không phải chiếu lệnh, Nhân Tông như muốn truyền vào người tiếp nhận cùng lúc nguồn cảm hứng lãng mạn của một thi nhân và con mắt nhìn động của một triết nhân, để họ nhận rõ xu thế chuyển hóa bên trong của cái hiện thực rối bời trước mắt. Một sự kiện Cối Kê sẽ được lặp lại trong cuộc chiến đấu tưởng như rất bất lợi nhưng lại đang diễn ra trên mảnh đất mà chính dân Nam mới đích thực là người chủ còn kẻ địch chỉ là “bất tốc chi khách” - ông khách không mời mà đến, điều ấy cả ông và Trần Quốc Tuấn đều đã lường thấy. Có điều, nếu Trần Quốc Tuấn bày tỏ sự thấy bằng cái cách của con nhà tướng, đem đầu ra đánh cược với Trần Thánh Tông, thì Trần Nhân Tông lại thể hiện nó bằng tầm bao quát tinh xác tương quan lực lượng trên khắp mọi mặt trận khi đó, cả trước mặt mình và khuất xa sau lưng mình. Chưa nói đến đức bình tĩnh hiếm có, chỉ nội dung của lời thông báo cũng đủ chứng tỏ năng lực một con người lãnh đạo kỳ tài.

Cũng với niềm xác tín phi thường như thế ta lại thấy buột thốt ra trong hai câu thơ của Trần Nhân Tông vào ngày khải hoàn, khi ông đến bái yết lăng tẩm ông nội, giữa lúc dấu tích chiến tranh để lại còn ngổn ngang. Hai câu thơ như một âm hưởng vĩ thanh hòa điệu với hai câu thơ trên con thuyền chạy giặc ngày nào mà sự đối lập động và tĩnh ở đây tưởng như ngược với trước, kỳ thực là hoàn toàn thống nhất:

社 稷 兩 回 勞 石 馬

山 河 千 古 奠 金 甌

Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã,
Sơn hà kim cổ điện kim âu.
(Xã tắc hai phen chồn ngựa đá,
Non sông nghìn thuở vững âu vàng).


Rõ ràng, cái động nhất thời do kẻ địch gây ra dù có ghê gớm đến đâu cũng đã bị lịch sử phủ định. Thực tế đất nước đã vận động đúng như suy đoán tài tình của nhà vua lúc chiến tranh vừa khởi sự để trở lại thế tĩnh cân bằng.

Phải nói, niềm xác tín lịch sử của Trần Nhân Tông có được chính là xuất phát từ cái nhìn hết sức nhân bản đối với người và việc trong thời đại ông. Ông tin ở phẩm chất hướng thiện của mọi con người kinh qua thử thách thực tiễn, hay đúng hơn, ông không hề xem xét con người một cách đơn nhất hóa. Trong hội nghị tướng lĩnh ở Bình Than năm 1282 mà ông đích thân chủ trì nhằm đối phó với nguy cơ quân Nguyên Mông gây hấn, vừa bắt gặp chiếc thuyền bán than của Trần Khánh Dư - một tướng tài nhưng cũng lắm tật - lướt qua bên đoàn thuyền chiến, Trần Nhân Tông đã có ngay lệnh chỉ tha tội cho Dư, gọi Dư lại và cho lại được dự vào hàng tướng soái cầm quân. Thái độ bao dung của vị Hoàng đế thực không uổng phí: rồi đây Phó tướng Trần Khánh Dư sẽ lập công xuất sắc ở nhiều chiến trận. Thái độ bao dung ấy còn gây một không khí cởi mở trong tầng lớp quý tộc vương hầu, khiến họ càng xích lại gần nhau, để toàn tâm toàn ý sống mái với giặc.

Cũng vậy, sau ngày kéo quân khải hoàn về Thăng Long (1288), bắt được một hòm thư biểu của không ít vương hầu quan lại từng vì nao núng mà xin hàng Thoát Hoan, biết tình thế muôn phần gay go của những ngày nước sôi lửa bỏng khiến có lúc xa giá triều đình cũng phải mặc ai nấy chạy; lại cũng thừa hiểu tâm lý con người thường tục ai mà chẳng có chỗ tham sống sợ chết; nên sau khi đã định công khen thưởng [1], tuân lệnh Thượng hoàng Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông liền cho đốt ngay hòm biểu kẻ thù bỏ lại nhằm “giữ yên lòng người”. Với hành vi “xé bỏ lý lịch” kiểu đó, dám chắc đây là một thời đại nhân hậu vượt lên mọi luật lệ khuôn phép, mà tính đến tận hôm nay có dễ cũng là một thời đại có một không hai.

Không chỉ có thế. Chính trong những tháng ngày bôn ba đánh giặc, Trần Nhân Tông còn nhận chân ra một sự thực: chỉ ở những đám người “chân đất” mới thực giàu phẩm chất trung thành tận tụy mà không chút tính toán so đo. Hộ vệ ông đến cùng chính là “bọn ấy” và cũng chính ông được “bọn ấy” dâng cơm hẩm trên con đường rút chạy phải nhịn đói từ sáng đến chiều. Nhận thức về cái cao quý của người nghèo hèn đã in sâu vào trực giác của ông nên sau này, trở lại ngai vàng, hễ mỗi lần gặp gia đồng của các vương hầu ông đều ân cần thăm hỏi; khi trị tội những kẻ đã cam tâm làm tay sai cho giặc, ông chủ trương “chỉ lính tráng và dân thường là được miễn tội chết” (Đại Việt sử ký toàn thư); ông cũng đem những điều chiêm nghiệm đã đúc thành chân lý ra dụ bảo bề tôi: “Ngày thường thì có thị vệ tả hữu, nhưng khi quốc gia hoạn nạn chỉ có bọn chúng là có mặt” (Đại Việt sử ký toàn thư). Đấy hẳn là một nhận thức cơ bản trong ý thức Trần Nhân Tông, có vị trí cao hơn mọi tư tưởng cao siêu nào hết, làm nên bệ đỡ cho cả một thời đại nói như Trần Quốc Tuấn: “vua tôi chung sức đồng lòng”.

Đối với phần cuối cuộc đời ông vua anh hùng, kể từ sau năm 1293, Trần Nhân Tông nhường ngôi cho con lên giữ chức Thượng hoàng, rồi vài năm sau ông chính thức xuất gia, trở thành vị tổ thứ nhất dòng Thiền Trúc Lâm, vào tu hạnh đầu đà ở Yên Tử cho đến khi viên tịch, đã có nhiều cách lý giải khác nhau của hậu thế. Ngô sĩ Liên thì cho là ông đã “đi tìm siêu thoát”, trái với đạo Trung dung của Khổng Mạnh (Đại Việt sử ký toàn thư). Tăng Hải Hòa tức Nguyễn Đăng Sở ở thế kỷ XVIII lại liên tưởng xa hơn, rằng thực chất Nhân Tông tìm lên Yên Tử là để chọn một vọng gác tiền tiêu bao quát vùng Đông Bắc. Bởi tuy: “trong nước vô sự nhưng ở phía Bắc vẫn có nước láng giềng mạnh mẽ, chưa được an tâm... Cho nên nhằm được ngọn Yên Tử là núi cao nhất, phía Đông nhìn về Yên Quảng, phía Bắc liếc sang hai tỉnh Lạng, dựng lên ngôi chùa, thời thường dạo chơi để xem động tĩnh, cốt để ngừa cái mối lo nước ngoài xâm phạm. Thật là một vị Vô lượng lực Đại thế chí Bồ Tát” (Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh).

Thoạt nhìn, cả hai lời giải đáp trái ngược nhau xem ra đều có những mặt hữu lý. Tuy nhiên, xét từ phương pháp tư tưởng, cả Ngô Sĩ Liên và Nguyễn Đăng Sở lại cùng chung một nhầm lẫn là chỉ thuần dựa trên những hệ quy chiếu chủ quan, không đếm xỉa gì đến tiến trình tư tưởng nội tại của vị Hoàng đế nhà Trần. Việc Trần Nhân Tông xuất gia vốn là sở nguyện của cả đời ông, phát lộ ngay từ còn trẻ. Ông không bao giờ quên cảnh giác với mưu ma chước quỷ của Thiên triều, chắc chắn là thế, nhưng thiết tưởng ông cần gì làm cái chuyện khoác áo cà sa để giấu giếm những hoạt động “tình báo” trên đất mình. Cách giải thích “chính trị hóa” của Nguyễn Đăng Sở vì thế khó có thể chấp nhận. Song Trần Nhân Tông đi tu phải chăng là đi tìm siêu thoát? Không! Nếu chỉ tìm đường siêu thoát cớ sao đã đi tu ông còn triệu tập quần thần về Thiên Trường định bàn chuyện phế lập khi bắt gặp Trần Anh Tông say rượu bỏ bê chính sự (1299)? Hoặc giả, sau khi vân du nhiều vùng miền trong nước, ông còn sang tận Chiêm Thành trong 9 tháng trời, xem xét tình hình nước Chiêm và bàn chuyện tác hợp Huyền Trân Công chúa với vua Chiêm Chế Mân (1301)? V.v và v.v...

Chỉ có thể làm sáng tỏ những mắc mớ như trên khi ta đặt Trần Nhân Tông vào trong cùng chuỗi cả một hệ phái Thiền mang nặng cảm thức nhập thế của Việt Nam. Trước Trần Nhân Tông đến hơn 300 năm, Thiền sư Pháp Thuận (915 - 990) đã từng khuyên vua Lê Đại Hành: “Vô vi trên điện gác / Chốn chốn tắt đao binh”. Vô vi, trong nghĩa từ nguyên của thuật ngữ, không phải là không làm gì mà trái lại, làm bất cứ việc gì thuận theo quy luật tự nhiên, hay nói như vua Lý Nhân Tông khuyên Thiền sư Mãn Giác (1052 - 1096) “Không việc gì không làm, chẳng những đắc lực về Thiền định mà cũng có công giúp đỡ nhà nước” (Thiền uyển tập anh). Kế thừa người đi trước, Trần Nhân Tông đã đề xuất phương châm “cư trần lạc đạo” - ở giữa cõi trần mà vui đạo, cũng là một khái niệm vô vi được vận dụng cụ thể hóa trong bối cảnh lịch sử phức tạp và vĩ đại buổi thịnh Trần. Và nhà vua đã bỏ hai phần ba cuộc đời giữ trọng trách “vỗ yên dân chúng” chính là thuận theo cái lẽ sống “cư trần lạc đạo” ấy . Cũng như ông nội và thân phụ, trong tư cách một con người lịch sử ông ý thức được quy luật lịch sử và trách nhiệm trước lịch sử của cá nhân mình. Ông đang thực hiện vô vi ngay trên ngai vàng. Khi ông rời Triều đình lên Yên Tử, con người nhập thế tất nhiên vẫn còn (chứ làm sao triệt tiêu ngay được?!) Tuy vậy, lại cũng bởi là người nắm vững hơn ai hết quy luật sinh lão bệnh tử của tự nhiên, Trần Nhân Tông đã biết cách chủ động truyền trọng trách thế sự lại cho Hoàng tử trưởng là Anh Tông kế tục, và mục tiêu vô vi giờ đây là thung dung đi tìm niềm vui của sự “giác ngộ”, cũng là tìm lời giải đáp cho những câu hỏi lớn: Con người là ai? Từ đâu đến và cuối cùng đi đâu? Thế giới có hay không? Thật hay ảo?... Những câu hỏi ấy loài người đặt ra từ rất sớm, và cũng từ rất sớm con người đã luôn cố gắng tìm câu trả lời. Giống như Thích-ca-mâu-ni tìm ra đáp án thế giới gồm trong “ngũ uẩn”, kể cả tâm cả vật - sắc, thụ, tưởng, hành, thức, chúng ta không loại trừ ở Trần Nhân Tông - giờ đây đã mang pháp danh Trúc Lâm Đại Đầu đà - niềm khát khao được tỏa sáng trí tuệ theo cách riêng của ông trước những câu hỏi loại này để từ con người vô minh của nhân thế thật sự trở thành một người tự do (Cõi trần vui đạo hãy tùy duyên / Đói cứ ăn no, mệt ngủ yên / Báu sẵn trong nhà thôi khỏi kiếm / Vô tâm trước cảnh hỏi gì thiền - Cư trần lạc đạo phú); nhờ đó ít nhiều ông gầy dựng cho Thiền phái Trúc Lâm một cơ sở triết thuyết nó là nền tảng vũ trụ quan và nhân sinh quan của xã hội thời thịnh Trần. Về phương diện này nữa, gương mặt Trần Nhân Tông cũng phản ánh tầm vóc của một thời đại lớn trong lịch sử.

| Nguyễn Huệ Chi và Trần Thị Băng Thanh (vietsciences) Hà Nội 27 - 11 - 2008

1] Trong cuốn Trần Nhân Tông toàn tập, Nxb. TP HCM, 2000, nhà nghiên cứu Lê Mạnh Thát cho rằng trong lần định công khen thưởng này “Đỗ Hành, người bắt được Ô Mã Nhi tại trận thủy chiến Bạch Đằng, đã không được tước cao, vì đã không đem Ô Mã Nhi dâng cho Trần Nhân Tông mà lại đem dâng cho Thượng hoàng Trần Thánh Tông”, và “Hưng Trí vương Nghiễn không được thăng trật do hăng say đón đánh bọn giặc Nguyên trên đường tháo chạy về nước sau khi đã có lệnh của vua Trần Nhân Tông không được cản trở chúng”, những sự việc ấy “muốn xác định cho ta biết ai là người lãnh đạo tối cao của đất nước” (tr. 160). Chúng tôi nghĩ, hai sự kiện đã nêu chỉ mới chứng tỏ Trần Nhân Tông là người trực tiếp chỉ huy hai cuộc chiến tranh tự vệ chống quân Nguyên, còn vai trò lãnh đạo tối cao đối với đất nước, kể cả trong chiến trận, thì theo truyền thống của nhà Trần, vẫn thuộc về Thượng hoàng Trần Thánh Tông. Cần nhớ rằng người điều khiển cuộc định công ban thưởng này cũng là Trần Thánh Tông chứ không phải Trần Nhân Tông. Chủ trương đốt bỏ hòm biểu của những vương hầu hàng giặc cũng là Trần Thánh Tông, những lệnh chỉ trị tội Trần Khánh Dư khi ông thua trận Vân Đồn, và tiếp đấy tha tội cho ông sau khi ông lập công đánh tan thuyền lương Trương Văn Hổ đều là do Trần Thánh Tông ban bố, và ngay Đại Việt sử ký toàn thư cũng không hề nói Trần Nhân Tông hay Trần Thánh Tông là người đưa ra quyết định không truy đuổi tiếp đội quân Nguyên rút theo đường bộ nữa. Bởi vậy, việc ban thưởng cho các tướng đến bậc nào và ai không được ban thưởng chắc chắn là tuân thủ những nguyên tắc đã vạch sẵn chứ không tùy tiện được.

  

 

Một nguyên ủy quan trọng của Thiền phái Trúc Lâm: Thơ Thiền của Tuệ trung Thượng sỹ Trần Tung

 

Trần Tung là con Trần Liễu, anh Trần Hưng Đạo, anh vợ vua Trần Thánh Tông, bác Trần Nhân Tông. Trần Nhân Tông chịu nhiều ảnh hưởng Thiền học của ông bác này cho nên tư tưởng Thiền của phái Trúc Lâm ít nhiều có chịu ảnh hưởng trực tiếp của Trần Tung. Trần Tung tham gia kháng chiến chống Nguyên Mông lần hai (1285) và lần ba (1287-1288) lập nhiều công tích nhưng sử sách ít nói tới như các nhân vật tướng lĩnh tôn thất khác của nhà Trần. Chỉ biết sau kháng chiến ông có nhận chức Tiết độ sứ, cai quản vùng Thái Bình một thời gian ngắn rồi lui về tu Phật.

Tác phẩm của ông, ngoài phần ngữ lục (trong bộ Thượng sỹ ngữ lục) còn 49 bài thơ. Thơ ông hướng tới mọi đề tài nhưng đều xoay quanh chủ đề về kiếp người, về lẽ sống chết, được mất. Cũng có thể coi đây là những bài kệ mang chức năng truyền bá giáo lý nhà Phật bởi tất cả đều được luận bàn dưới ánh sáng triết lý của Thiền học.

Trong bài Vạn sự quy như Trần Tung thể hiện nhân sinh quan nhà Phật: coi Có với Không là đồng nhất. Phiền não với Bồ đề là một. Chân như hay Vọng niệm rồi cũng hư không. Thân như gương ảo, nghiệp như bóng. Ông khuyên đừng bận tâm đến sống chết, đừng để ý đến Vua hay Phật. Hãy tuân theo quy luật, thậm chí phó mặc cho quy luật. Ông nói người có trí tuệ cao thì không cầu đến thuốc trường sinh: Tiểu căn dục vấn trường sinh dược.Tác giả na cầu bất tử phương. Triết lý thâm viễn nhưng cũng nhỡn tiền, trong đời thường chúng ta đã thấy: có người vẫn sống khi đã chết, lại có người chết ngay lúc đang sống kia mà. Vây còn cầu thuốc trường sinh để làm gì Trần Tung coi: Sống chết chỉ là hai mặt của một hiện tượng:

Sống và chết vốn từ một đợt sóng

Trăng rọi đêm qua vẫn là trăng đêm nay

Phần độc đáo trong những triết lý của Trần Tung là tư duy Thiền nhưng lại gắn với Đời. Có thể coi đấy là những nguyên lý của một nghệ thuật sống, là triết học của đời thường. Là giáo lý nhưng không giáo điều mà có tính khả thi. Bản lĩnh Trần Tung, hay rộng hơn, bản sắc thực tiễn của văn hoá Việt là ở đó. Trần Tung không tìm giải thoát nơi Phật, ông tìm giải thoát ở chính mình. Tìm ở chính mình như thế nào?

Ngồi ngay ngắn giữa nhà, im lặng, không nói

Thảnh thơi nhìn một ngọn khói trên núi Côn Luân

Khi nào mỏi mệt thì tâm tự tắt

Chẳng cần niệm Phật, chẳng cần Thiền

(bài Ngẫu tác)

Trong bài Phật tâm ca, ông còn chỉ, cụ thể và táo bạo, đường tới cõi Phật:

Đi cũng Thiền

Ngồi cũng Thiền

(…) Tỉnh táo lên

Tỉnh táo lên

Bàn chân dẫm trên mặt đất chớ có ngả nghiêng

Ai người tin được đến đấy

Sẽ cất cao bước đi trên đầu sự tu hành lên tới đỉnh

Không chỉ chống giáo điều, Trần Tung còn quyết liệt chống hình thức chủ nghĩa. Đi cũng Thiền, ngồi cũng Thiền, chân dẫm lên mặt đất vững chãi của hiện thực để đi đến Phật, bỏ qua mọi hình thức tu hành. Tu từ lòng mình chứ không phải từ một kiểu cách sinh hoạt do một tổ chức tu hành nào quy định. Trong lịch sử tôn giáo chúng ta đã thấy có những thời kỳ chính hình thức tổ chức quan liêu của giáo hội đã chống lại lý tưởng nhân ái của giáo lý. Bỏ tâm mà lại đi tìm Phật, học đủ thứ kinh kệ mà thiếu chân tâm thì không khác nào đứng dựa vào cổng ngõ kẻ khác, càng học càng rối. Nhưng khi chân tâm đã giác ngộ thì Một chấm sáng mùa xuân làm bừng cả muôn hoa (bài Thị học).

Ông tin vào trực giác minh mẫn của lương tri, vào tri thức hồn nhiên của con người. Ông khuyên:

Nếu muốn vượt lên cao, sang bờ bên kia

Hãy hỏi đứa trẻ thơ ở ngay trước mặt

(Bài Thị chúng)

Ông cho rằng điều đáng làm với mỗi người là biết được Cái Tâm của mình. Nhưng Tâm không tướng cũng không hình, muốn biết khuôn mặt thật của nó thì làm cách nào? Thượng Sỹ thích chí trả lời: A ha! Giữa trưa cứ ngủ thẳng tới canh ba. Nghĩa là cứ hồn nhiên, vô vi sẽ tìm thấy bản ngã. Chỗ này Trần Tung gần với Lão Đam: Không thị, không phi lòng ung dung tự tại (bài Tự tại).Thị phi là chuyện không đáng bàn, bàn là sa vào tiêu chí nhất thời, chỉ bền ở một nơi, một lúc, phải biết ngoài trời còn có trời, vậy sao lại lấy cái nhất thời mà bình giá cái vĩnh viễn. Chiếc thoa vàng đối với bà già đầu hói chỉ là chiếc móc để treo. Tấm gương sáng đối với người mù chỉ là chiếc nắp đậy chén. Tích luỹ hiểu biết mà thiếu chân tâm để đốn ngộ thì cái tri thức bề nổi ấy chỉ là chiếc thoa vàng đối với bà già đầu hói, là tấm guơng sáng trong tay một ông mù. Chả ích gì. Chân tâm chính là năng lực cảm thông với tạo vật. Từ tạo vật, ai cũng thấy được vẻ tồn tại bề ngoài của nó, nhưng người có chân tâm thì nhận ra chân lý ẩn dấu. Cái bề ngoài ấy người ta có thể cảm nhận khác nhau, người nói thị người nói phi. Trần Tung không bận tâm đến cái thị phị ấy. Mặc áo hay cởi trần đâu có quan trọng:

Đến xứ cởi trần cứ vui vẻ mà bỏ áo

Quan trọng là nhận ra quy luật bên trong chi phối hiện tượng. Cho nên một mặt coi sống chết, được mất là như nhau nhưng mặt khác lại rất cần phân biệt phượng hoàng với chim xẻ, cá kình với ếch nhái:

Dăng lưới bẫy phượng hoàng thì đừng mưu tính với chim xẻ (nguyên văn yến tước)

Đặt cần câu cá kình thì đừng làm mất lòng bọn ếch nhái

Coi sống chết là như nhau vì các khái niệm đó chỉ là hai mặt của một cặp phạm trù, còn cần phân biệt phượng hoàng với chim xẻ, cá kình với ếch nhái vì những loài này là các phạm trù không đồng cấp. Nhận thức ấy là cần thiết để có hành động đúng. Hai câu kệ này cho thấy tính thiết thực giúp đời và rất sâu sắc của bậc cao tăng sống cách chúng ta bảy thế kỷ. Lời khuyên ấy đến nay vẫn nguyên giá trị, vẫn đủ sức làm giật mình các nhà hành động. Vui vẻ bỏ áo khi vào xứ cởi trần không phải là nhượng bộ vô nguyên tắc, cũng không phải là triết lý tuỳ thời mà là phép hành xử của sự giác ngộ biết cái phủ ngoài như áo quần là nhỏ, không hiếu thắng hơn thua ở chỗ đó.

Trăng xưa soi không kể gì xa gần

Gió thổi không chọn nơi cao thấp


Vậy việc gì ta lại căn cứ vào cao thấp xa gần, mặc áo hay cởi trần, mèo đen hay mèo trắng để hành xử. Đã biết cái khác nhau đó chỉ là bề ngoài tạm thời thì cứ hoà đồng cho tĩnh tâm. Tâm thanh tĩnh sẽ tạo trí tuệ sáng suốt. Trí tuệ đạt tới bao quát thì tâm gặp Phật. Thượng Sỹ dạy:

Bỏ tâm mà tìm Phật

Như tìm bóng mà quên gương

Không biết bóng là từ gương mà ra


Người có chân tâm thì dầu làm đồ tể, sát sinh muôn ngàn con vật, khi giác ngộ, buông dao là thành bồ tát. Mở rộng triết lý này ta sẽ gặp lòng tin vào sự hướng thiện, vào năng lực tu dưỡng, tự hoàn thiện của con người. Đây là quan điểm nhân ái và khoa học của Tuệ Trung Thượng Sỹ Trần Tung, một quan điểm chống mọi thành kiến về con người, đánh giá con người từ chính bản chất của họ: tâm và trí. Trí tuệ được giác ngộ nhờ chân tâm.

Chúng ta, Phật tử hay không Phật tử, đều có quyền tự hào về tầm vóc trí tuệ đó của cha ông, tự hào về một giai đoạn lịch sử dân tộc đã tạo tiền đề cho trí tuệ đó nảy sinh và phát huy được trong xã hội.

 

| Vũ Quần Phương

SỐ NGƯỜI TRUY CẬP: 0    USER ONLINE: 0